Cụm từ “Mechanical Doping – Gian lận kỹ thuật”chỉ ra đời vừa cuối năm 2019, đây không phải là việc dùng chất kích thích steroid để tăng cường cơ bắp, tăng tốc độ tuần hoàn máu, nhịp thở, … mà là việc sử dụng ngay trang phục thể thao mang tính hỗ trợ, tạo ra cách biệt dù rất nhỏ nhưng sẽ là khác biệt lớn trong thi đấu các môn thể thao đỉnh cao.
Trước kia, quan điểm được đóng đinh cả trăm năm trước trong môn điền kinh là “giày càng nhẹ, chạy càng nhanh”. Thế nhưng với dự án “Breaking 2” của Nike, quan điểm này đã bị lật đổ một cách hoàn toàn. Chỉ trong vòng hai ngày cuối tháng 10/2019, vận động viên Eluid Kipchoge và Brigid Kosgei đã phá kỷ lục điền kinh ở đường chạy marathon. Cả hai đều mang những “biến thể” của đôi giày trứ danh Nike Vaporflys. Giới phê bình thể thao bắt đầu lục tung lịch sử ra đời của đôi Vaporflys. Kể từ khi ra mắt năm 2016, số vận động viên được hãng đối thủ Adidas tài trợ giành huy chương đã giảm một nửa. Chỉ riêng năm 2019 với sáu giải điền kinh lớn nhất thì 31/36 bộ huy chương đã thuộc về những đôi chân điền kinh đi giày Vaporflys. Tờ báo uy tín L’Équipe của Pháp đã giễu đôi Vaporflys là bộ nhún “trampoline”, còn tờ Sports Illustrated cảnh báo sự lợi dụng các quy định lỏng lẻo về phục trang thi đấu của Liên đoàn điền kinh thế giới IAAF.
Thực tế, việc dùng trang phục thể thao để đạt lợi thế đã xảy ra như vụ vận động viên tầm trung của Liên Xô Yuri Stepanov phá kỷ lục nhảy cao năm 1957 bằng đôi giày đế cao 4 cm, liền sau đó giới hữu trách thể thao đã giới hạn đế giày không được phép vượt quá 13mm. Năm 2008, Olympics Bắc Kinh môn bơi lội đã cho thấy sự thống trị của bộ đồ bơi LZR (lazer) của hãng Speedos dựa trên công nghệ của NASA, 98% hạng mục huy chương nắm bởi các vận động viên mặc bộ đồ mô phỏng da cá mập.
Sự tiến bộ của công nghệ giày tuy tích cực nhưng không mấy đáng kể. Chỉ từ khi Nike sử dụng lớp đế Pebax chuyên dùng cách nhiệt trong công nghệ hàng không thì dư luận đã chấn động. Adidas Adios Boost với lớp đế EVA (ethylene vinyl acetate) đã bị soán ngôi. Thời gian trong môn điền kinh không chỉ rút ngắn bằng đơn vị giây mà là “phút” với đôi giày Vaporflys lò xo này.
“Mechanical Doping” có thực sự là gian lận thi đấu hay không hẳn nhiên vẫn đang là điều gây tranh cãi. Một số coi dùng trang phục thể thao phụ trợ đích thực là sự gian lận, biến môn chạy bộ thành môn chạy “lò xo”, số khác cho rằng những quy định quá nghiêm ngặt sẽ cản trở những tiến bộ công nghệ cho nhân loại. Dù sao thì Vaporflys vẫn được IAAF cấp phép tham dự Tokyo 2020 với điều kiện đế giày không quá 40mm và chỉ chèn một lớp carbon fiber. Các hãng giày thể thao đối thủ thì vẫn đang kêu trời, vì “thằng Nike” đã đăng ký và nắm giữ quá nhiều bằng sáng chế độc quyền.
S