Một thống kê, chưa đầy đủ, cho biết, sau năm 1975, tổng số thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB/VNCH) còn ở lại Việt Nam có thể lên đến con số 20 ngàn người. “Xin đừng bỏ quên chúng tôi, mọi người nhé!” Câu nói của một anh TPB mà phóng viên Trẻ đã gặp khi làm phóng sự ngắn này.

Xin đừng quên họ, những TPB/VNCH còn ở lại VN.

46 năm biến cố “Tháng Tư Ðen 1975” đã trôi qua, hầu hết những anh em TPB/VNCH ngày ấy nay đã bước sang tuổi lão niên. Nét khắc khổ, chai sạn hằn sâu trên khuôn mặt và thân thể họ là chứng tích của bao nỗi gian truân đè nặng lên cuộc sống mà nhiều năm qua họ vốn bị chính quyền bỏ rơi, ruồng rẫy.

Khi chiến tranh tạm dừng, những người lính VNCH còn sót lại kia buộc phải quay về với cuộc sống thường ngày. Là những người thương tật, không nhận được sự giúp đỡ nào từ chính quyền mới nên họ phải tìm cách mưu sinh như bao con người lành lặn khác. Không tính số ít trường hợp tương đối may mắn, đa số anh chị đều sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, túng thiếu. Họ phải vất vả, bươn chải với cơ thể không còn nguyên vẹn bằng những nghề nghiệp mà người khuyết tật ở Việt Nam bao đời qua vẫn làm như bán vé số, bán hàng rong, hát dạo… để nuôi bản thân và gia đình. cvcvfc

Chúng tôi đã tìm gặp một số anh em TPB/VNCH có hoàn cảnh như thế.


Ông Trần Văn Xuân

Nơi tạm trú số 2/46/10, Chấn Hưng, phường 6, Tân Bình, Sài Gòn.

Điện thoại: 038 941 1169


TPB/VNCH Trần Văn Xuân, số quân 51/609318 thuộc Ðại đội 858 Biệt lập Ðịa phương quân, tiểu khu Kiến Tường. Ông Xuân bị thương năm 1974 ở Châu Thành và mất chân phải. Sau tháng 4/1975, vợ ông có lẽ không chịu đựng nổi cảnh khổ nghèo đã bỏ ông cùng 4 đứa con nhỏ. 46 năm qua, dù con cái trưởng thành, đã có gia đình nhưng hoàn cảnh nhà quê ai cũng nghèo, ông đành tìm về Sài Gòn bán vé số, tính tới nay được hai năm. Hiện tại sức khỏe không cho phép và chỉ còn một chân nên ông Xuân cũng không đi xa được, suốt buổi sáng chỉ ngồi quanh quẩn góc vỉa hè trên đường Chấn Hưng (Tân Bình) để bán vé số. Ông Xuân chia sẻ: Hiện nay, ngày ngày tôi phải lê la trên đất Sài Gòn với thân hình không lành lặn để bán vé số kiếm tiền sống qua ngày. Tôi đi bán từ 5 giờ 30 sáng đến chừng hơn 12 giờ trưa là quay về. Những ngày “hên” bán được 100 tờ vé số, kiếm lời 120 ngàn đồng. Hiện nay, Sài Gòn bắt đầu đổ mưa nhiều nên bán ít hơn”. Hỏi về sự giúp đỡ của những người chung quanh thế nào, ông Xuân nói: “Tôi sống cô độc ở thành phố này, không có bà con, anh em thân thuộc gì hết nên cứ phải tự thân mà sống. Chòm xóm thương tình mang cho cái gì mình nhận cái nấy và chỉ biết cảm ơn họ”.

Trường hợp khác là TPB/VNCH Triệu Bửu Phú, số quân 75/116622 KBC 4204, trước là lính thuộc đơn vị Thiết đoàn 18 Kỵ binh. Ông bị thương ngày 27/6/1974 trong trận đánh ở Bến Cát (Bình Dương), một mảnh đạn to bằng đầu đũa ghim sâu vào hộp sọ, không lấy ra được. Hiện nay mảnh đạn vẫn “hành” ông đau nhức rất khó chịu, nhất là vào những ngày trời nắng gắt hay thời tiết thay đổi thất thường. Về cuộc sống mưu sinh, ông cho biết: “Tôi được người ta thuê làm bảo vệ giữ xe cho một quán ăn, còn tôi thì rửa chén cũng cho quán ăn này. Chúng tôi còn phải cưu mang nuôi dưỡng thêm đứa cháu ngoại gái sanh năm 2008. Cháu bị bệnh bại não từ nhỏ, sinh hoạt vệ sinh hằng ngày cháu cũng không nhận thức được, lại cứ lên cơn động kinh thường xuyên. Lo cho cháu một tay bà xã tôi (đã hơn 60 tuổi)”. Trả lời câu hỏi, khi xảy ra những chuyện thình lình như ốm đau bệnh hoạn thì sao, ông Phú nói: “Thì mình tạm vay mượn đầu này đắp đầu kia rồi tính sau”.


Ông Triệu Bửu Phú

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Quốc lộ 13, xã Lai Uyên, Bàu Bàng, tỉnh Bình Phước.

Điện thoại: 036 890 4755


Cũng trong lúc thực hiện phóng sự ngắn này, chúng tôi gặp Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ của Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Nhà thờ Cần Giờ (Sài Gòn). Ðây cũng là nơi vào tháng 2/2021 vừa qua, đã thực hiện cuộc quyên góp tài chánh từ các mạnh thường quân và người hảo tâm thực hiện chương trình tri ân và trao quà Tết 2021 cho các anh chị em TPB/VNCH có hoàn cảnh nghèo khó của 7 tỉnh miền Trung gồm Phú Yên, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho biết: “Chương trình tri ân TPB/VNCH vốn được các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) khởi xướng lần đầu tiên từ năm 2012. Ban đầu do Tu viện DCCT Nhà thờ Sài Gòn phụ trách công việc này cho tới năm 2019 thì Tu viện DCCT Nhà thờ Cần Giờ tiếp tục đảm nhận cho tới nay. Riêng từ năm 2020, vì nhiều lý do khách quan, việc tri ân TPB/VNCH không thể tổ chức tập trung được nên các thiện nguyện viên phải đến tận nơi, gặp mặt trực tiếp từng anh chị em TPB/VNCH để trao quà. Ở đợt vừa qua, có tất cả 930 ông bà TPB/VNCH được nhận một phần quà trị giá 2.5 triệu đồng/người”.

Cũng trong cuộc mưu sinh, bôn ba trên khắp vạn nẻo đường, một số anh chị em TPB/VNCH thỉnh thoảng may mắn gặp lại các chiến hữu, đồng đội, bạn bè xưa từ nước ngoài trở về thăm quê hương mang theo chút tiền quà để giúp đỡ cho những người anh em xưa đang chịu cảnh tật nguyền, đói rách.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Một anh TPB/VNCH ở Bình Chánh (không muốn nêu tên) nói với chúng tôi: “Nhiều người trong chúng tôi vẫn hay đùa rằng, bản thân mình là những người bị xã hội quên lãng trong bóng tối. Và thực tình hiện nay, chúng tôi cũng không muốn đi đâu xa nữa. Người “trẻ” nhất cũng đã trên 60 tuổi, thân thể tàn tạ, mù què làm sao hội nhập được nữa? Bây giờ có cho sang Mỹ, tôi nghĩ cũng chẳng mấy người chịu đi. Lý do là ở tuổi này, bọn tôi sang đó chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho chính phủ, con cháu, họ hàng, bà con bên đó thôi. Ai cũng đã đến tuổi gần đất xa trời và mong ước cuối đời của bọn tôi là được trút hơi thở sau cùng trong giấc ngủ yên lành, để thanh thản về với đất mẹ và cũng mong mỏi thế hệ con cái, cháu chắt mình sau này sẽ được hòa nhập với cộng đồng, có được cuộc sống công bằng như bao con người khác. Còn sự giúp đỡ từ các hội đoàn từ thiện, các vị mạnh thường quân ở nơi này, nơi kia chính là những giọt nước ân tình, xoa dịu phần nào những vết thương sau cuộc chiến tranh. Ðặc biệt, tôi nhiều người bạn TPB/VNCH khác vô cùng yêu thích trang mục “Thương phế binh VNCH” hàng tuần trên tuần báo Trẻ khi thường xuyên tìm kiếm, đăng tải hình ảnh, thông tin về những người lính năm xưa kém may mắn như chúng tôi. Qua đó, bọn tôi luôn ngóng trông, rất mong được nhận sự giúp đỡ dù ít dù nhiều và rất cảm ơn tất cả mọi người còn nhớ đến các anh em TPB/VNCH.

Xin đừng bỏ quên chúng tôi, mọi người nhé!”.

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ (người bên phải) trong chuyến đi phát quà chương trình Tri Ân TPB/VNCH các tỉnh miền Trung (tháng 2/2021).

NS