Trước áp lực buộc phải mở cửa lại để cứu vãn nền kinh tế, các lãnh đạo “triều đình” của Việt Nam thời gian gần đây luôn hô hào “các địa phương nhanh chóng bình thường hóa”, “dỡ bỏ ngay các chỉ thị ngăn sông, cấm chợ trước kia”.

Tuy nhiên, tới ngày 15/10/2021, không rõ vì lo lắng cho sức khỏe người dân còn quá mong manh trước dịch cúm Vũ Hán hay cố tình ôm giữ chiếc ghế chức quyền của mình, không ít các ông sếp tỉnh thành lại ban ra những chỉ thị cho riêng địa phương mình, đôi khi trái ngược hẳn chủ trương của lãnh đạo. Báo chí trong nước thậm chí từng giật tít “phải chăng VN đang bước vào giai đoạn loạn… sứ quân” như từng xảy ra ở thời phong kiến?

Mới đây, Bộ Y tế VN căn cứ theo chỉ thị chính phủ đưa ra công văn cho biết sẽ không yêu cầu xét nghiệm test nhanh với những người di chuyển nơi này nơi khác nếu đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần; người tiêm đủ 2 liều vaccine hay người đã khỏi bệnh Covid-19 trong 6 tháng. Các thông tin này được người dân khấp khởi vui mừng vì cho rằng thời gian tới, trong cả nước hẳn sẽ áp dụng thống nhất, giúp việc di chuyển của người dân giữa các địa phương dễ dàng hơn và nhất là không phải lo chuyện phải test nhanh, gây tốn kém túi tiền của họ.

Tuy nhiên khi mọi người cảm thấy hy vọng nhiều thì thất vọng càng cao bởi thực tế – sau khi công văn của Bộ Y tế ban hành – một số địa phương vẫn đòi hỏi người đi đường bắt buộc phải có giấy xét nghiệm test nhanh âm tính khi qua chốt, nhất là các chốt kiểm soát giáp ranh giữa địa phương với nhau. Cô Trang Minh, bạn tôi, đang sống và kinh doanh ở Hà Nội cho biết: “Từ sáng 15-10-2021, Hà Nội đã dỡ bỏ nhiều chốt kiểm soát ở hầu hết các tuyến đường nhưng vẫn còn 21 chốt kiểm soát khác ở những vị trí cửa ngõ ra vào thủ đô. Tại những chốt này, công an tiếp tục yêu cầu xuất trình giấy phép đi đường, giấy xét nghiệm test nhanh âm tính và những giấy tờ tùy thân khác. Nói chung việc mọi người “thông quan” 21 chốt kiểm soát này để có thể về các tỉnh lân cận Bắc Ninh, Hải Dương là vô cùng khó”.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Trong khi đó ở phía Nam, anh Nguyễn Hùng, làm việc cho một công ty xuất nhập cảng thuộc Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết anh gặp khó khăn ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 Bến Tre khi di chuyển từ nơi làm việc về nhà riêng tại huyện Châu Thành (Bến Tre) cũng vào chiều 15-10-2021. Theo đó, khi đi xe máy đến chốt kiểm soát trạm cầu Rạch Miễu, Hùng xuất trình căn cước công dân, giấy xét nghiệm test nhanh âm tính, mã QR xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin song những người trực chốt lại bảo anh còn thiếu “giấy tiếp nhận công dân trở về do lãnh đạo huyện ký cấp”. Anh Hùng đã điện thoại liên lạc với chính quyền Châu Thành nhiều lần đều nhận câu trả lời rằng huyện không giải quyết những trường hợp đi làm và quay về nhà hằng ngày như trường hợp của anh. Anh than thở: “Nghe nhà nước ban hành nghị quyết mới có hiệu lực từ 11-10-2021 khiến tôi tưởng đã được đi lại thoải mái nhưng không ngờ đến đây người ta làm khó dễ mình. Ðúng là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!”.

Cũng ở cửa ngõ tỉnh Bến Tre những ngày qua, nhiều xe hơi di chuyển vào địa bàn tỉnh này đều được công an dán “tem niêm phong” tại chốt cửa, yêu cầu những người ngồi trên xe không tự ý mở cửa, cũng không được dừng xe cho người lên xuống bất cứ vị trí nào thuộc địa bàn tỉnh. Họ cho biết “tem” này sẽ được người có chức năng tại nơi đến tháo ra. Những ai không làm đúng điều này coi như vi phạm quy định phòng dịch Covid-19 của tỉnh và sẽ bị phạt nặng. Ông Ðặng Hải, lái xe 7 chỗ “quá cảnh” qua địa bàn Bến Tre về Vĩnh Long nói: “Họ e sợ điều gì mà bày cái trò kỳ cục vậy? Con virus Vũ Hán nó nguy hiểm thật nhưng đâu đến nỗi chỉ việc dừng xe xuống tiêu tiểu mà cũng gây ra dịch bệnh?”.

Các phương tiện và người di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác vẫn bị xét hỏi đủ loại giấy tờ sau khi có chỉ thị “mở cửa bình thường” của lãnh đạo “triều đình”. Ảnh: tác giả cung cấp

Ðáng chú ý, chương trình “bắt buộc đi cách ly tập trung” của nhiều địa phương đang khiến không ít người dân trong nước (lẫn người nước ngoài) vô cùng ngán ngại. Chẳng hạn như Bình Dương, chiều 15-10-2021, Sở Y tế tỉnh này ban hành công văn “sẽ buộc cách ly y tế với mọi trường hợp người từ nơi khác có việc đi vào địa bàn tỉnh”. Cụ thể họ quy định thời gian cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh, các trường hợp người từ tỉnh, thành phố khác đến Bình Dương và các trường hợp tiếp xúc gần F0… Sau khi được “chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung”, sẽ qua đến bước thứ hai về nhà riêng tự cách ly thêm 7 ngày nữa. Riêng An Giang lại yêu cầu người dân khi có việc đi ra khỏi tỉnh phải có đơn xin được chính quyền chấp thuận, lúc quay về cũng buộc phải “theo dõi sức khỏe 14 ngày”. Ở Ðồng Nai vẫn tiếp tục yêu cầu người dân đi lại giữa các nơi này với Sài Gòn (và một số địa phương khác) phải có giấy xét nghiệm test nhanh âm tính trong vòng 7 ngày…

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Tưởng cũng nên nhắc lại trước đây ít lâu, vào tháng 9-2021, các lãnh đạo “triều đình” từng lên tiếng kêu gọi “mỗi huyện, thị xã, phường, mỗi địa phương cần là một pháo đài để ngăn chận cúm Vũ Hán lây lan”; “Trường hợp địa phương nào để dịch bùng mất kiểm soát, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm…”. Có lẽ bắt nguồn từ cái chỉ thị này đã khiến các ông quan tỉnh cảm thấy dè dặt và cuối cùng đề ra những “giải pháp con” kiểu cát cứ nhằm giữ chặt lấy chiếc ghế của mình bằng không “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” mà việc “chịu trách nhiệm” thế nào ắt hẳn các ông quan này cũng dễ đoán, dĩ nhiên sẽ không hay ho gì cho con đường quan lộ của họ. Riêng nỗi khổ thì đẩy sang hết cho những người dân vốn thấp cổ bé miệng!

Một số địa phương còn có “tối kiến” niêm phong cửa xe ô-tô khi di chuyển qua địa bàn của họ. Ảnh: tác giả cung cấp

NS