Kinh doanh thức ăn trong các hàng quán dọc đường phố, đường liên huyện, liên xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn sôi động … Hầu như bất cứ giờ nào trong ngày người tiêu dùng (NTD) cũng được phục vụ đến… tận răng! Song, thức ăn có được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không, khi chế biến có bảo đảm vệ sinh hay không lại là những điều mà rất nhiều người ít khi quan tâm…
Mắt thấy, tai nghe
Ðến chợ Hội An, thấy xe đẩy bán bánh đặc sản Hội An … đâm sợ. Bánh không hề được che đậy. Nhưng thấy cô bé bán bánh dùng tay trần xắt chuối trái đã lột vỏ thì thật sự khiếp! Chị bán bún bò trong khuôn viên bến xe buýt Hội An bày sẵn khoảng 10 tô bún chưa chan nước nhưn (nước dùng), không che đậy gì. Khi được hỏi chị trả lời rất tỉnh là bán liền thôi, không cần phải che đậy với lại ở đây không có bụi!? Hình ảnh người chế biến thức ăn đang thao tác bằng đôi tay trần nhiều khi nhìn thấy ớn. Đó là những lúc bốc sợi mì, sợi bún cho vào tô mà không hề trụng qua nước sôi, dù chưa chắc nước đã đủ độ sôi hoặc…vô tư xắt thịt tái, bốc chả cá chín… Họa hoằn lắm mới thấy người chế biến thức ăn dùng găng tay đúng cách.
Tối nọ ghé quán cơm niêu, miến gà góc ngã tư đường Lý Thường Kiệt, Ngô Gia Tự, thành phố Hội An, thấy ông chủ quán đeo găng tay thoăn thoắt bốc thịt gà rải vào tô. Tưởng ổn, nhưng không lâu sau đó, cũng tay đeo găng ấy, ông ta cầm khăn lau bàn, thối tiền, xếp dọn bàn ghế! Tiện thiệt! Cũng trên đường Lý Thường Kiệt, có quán cơm gà D. luôn đông khách. Quán chật chội, chén dĩa phải rửa trước cửa quán. Chỉ có vài thau nước rửa. Nhìn kỹ thấy hai chị nhân viên rửa tốc hành dĩa, chén, muỗng, đũa là sợ luôn! Trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Hội An có xe bán bún, mì lưu động… rất tiết kiệm khi chỉ có hai thùng nước rửa dùng từ chiều đến đêm hay quán cà phê cóc cạnh sân vận động cũng chỉ có hai thùng nước rửa ly dùng từ sáng sớm đến chiều!
Một buổi sáng tháng Tám, tôi ghé quán thịt bò tái nổi tiếng ở thị xã Điện Bàn. Cô nhân viên quán xắt thịt tái xong hốt bỏ vào rá nhựa mà không hề dùng găng tay! Thịt sau đó được mang đi và sắp vào dĩa cho khách dùng! Không biết nhân viên nào sau đó sắp thịt vào dĩa có đeo găng tay? Ông bạn đi cùng hỏi tôi chụp ảnh gì vậy. Khi tôi đưa máy ảnh cho…mục sở thị thì anh choáng! Cũng một quán bán thịt bò tái, bún bò ở Nông Sơn, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, thấy mới… tái mặt! Chị chủ quán dùng tay trần bốc thịt bỏ vào tô rất tự nhiên và cũng đôi tay ấy thối tiền, lau bàn … Hỏi sao không dùng găng tay, chị ta tỏ vẻ khó chịu, chống chế rằng bốc bún mới cần! Thật ra dùng găng tay bốc bún như chị ta nói là tránh dính tay mình chứ không nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh cho NTD! Đấy là nói về các hàng quán cố định, có bảng hiệu. Còn những gánh mì, gánh bún, bánh bèo, bánh ướt, bán rong thì việc bảo đảm ATVSTP chắc … khỏi bàn! Chén dĩa, đũa muỗng dùng xong nước đâu rửa? Hay có chăng cũng tráng sơ qua rồi dùng giẻ lau vài đường … lả lướt!
Nhiều điểm bán hàng ăn dọc vỉa hè, đường phố, nhất là phần chế biến thức ăn … thật đáng lo. Tình trạng vệ sinh môi trường trong nhà hàng, quán ăn ở nơi chế biến (nhà bếp) nhìn thấy nước bẩn nhầy nhụa, ruồi nhặng vo ve cũng … lơ ăn. “Nó khuất mắt mình thì thôi cũng ăn qua bữa. Đòi hỏi vệ sinh thì chua lắm chú ơi!”, một bạn trẻ chạy xe ôm nói. Có một quán cơm tấm trên đường đôi, gần sân vận động Hội An, luôn đông khách. “Phía trước bàn ghế sạch sẽ nhưng nếu đi vệ sinh phía sau sẽ thấy khu vực bếp bẩn đến sợ! Bẩn nhớp đến nước … không hẹn ngày tái ngộ”. Một ông khách ngồi uống cà phê cạnh quán, nói với người viết.
Nghị định, Thông tư … ở xa đường phố!
Bộ Y tế có thông tư, nghị định với các quy định về việc bảo đảm ATVSTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP. Trong đó có quy định nếu không đeo găng tay, không đội mũ, không cắt móng tay; đeo đồng hồ, nhẫn, lắc tay, hút thuốc … khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ bị phạt 3 triệu VND; người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe, được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế … Nếu vi phạm quy định sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn VND đến 1 triệu VND như thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh … Nói là chủ kinh doanh thức ăn đường phố phải cam kết bảo đảm ATVSTP, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về các điều kiện bảo đảm ATVSTP trong kinh doanh nhưng rồi sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra như thế nào, một năm kiểm tra được bao nhiêu cơ sở, giải quyết được bao nhiêu trường hợp vi phạm quy định của các nghị định, thông tư? Ai sẽ kiểm tra việc người bán thức ăn có dùng găng tay hay không và găng tay nilon liệu có bảo đảm vệ sinh an toàn khi sử dụng? Một “lãnh đạo” của ngành Y tế thành phố Hội An cho biết: “Việc quản lý để bảo đảm ATVSTP ở những điểm bán thức ăn đường phố nói chung rất khó! Có thể nói không riêng chi Hội An mà cả nước cũng “mắc”. Chúng tôi cũng đến tận xã phường tổ chức tập huấn, truyền đạt kiến thức về ATVSTP và yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết ngay… Trước nay chưa xử phạt trường hợp nào, chỉ nhắc nhở là chính”.
Chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm từ các quán ăn vỉa hè trên quy mô lớn có khiến người kinh doanh thức ăn ngay lẫn NTD yên tâm? Rải rác chỉ thấy báo đài đăng tin ngộ độc bánh mì, chủ quán bị phạt tiền, tạm dừng kinh doanh như Bánh mì Phượng ở Hội An vào tháng 9/2023. Vì người ngộ độc hơn 300 người ở nhiều địa phương nên khó … bịt! Còn bao nhiêu trường hợp ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, để rồi trên thốc, dưới tháo … cắn răng chịu đựng, không khai báo? Từ thông tư, nghị định của trên đến thực tế cuộc sống còn quá xa vời!
(còn tiếp 1 kỳ)