Trước kia, nói chuyện ngập lụt ở Việt Nam, người ta hay nhắc đến lũ lụt miền Trung và ngập úng đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân ngập lụt tại các khu vực này do địa hình khắc nghiệt và ở gần sát biển, sông lớn. Tuy nhiên gần đây, ngập lụt đã xảy ra bất cứ nơi nào của Việt Nam, đặc biệt những lúc mưa to kéo dài, thậm chí ngay tại các đô thị mà người ta từng gọi nó với những lời như “vùng đất đáng sống”, “mưa thuận gió hòa”, “thiên thời địa lợi”… Bài này chỉ nói về những trường hợp sau.

Từ giữa tháng 4/2022 tới nay, liên tiếp những trận mưa lớn đã đổ xuống trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tại Hà Nội, ngày 29/5/2022 mưa to kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ tại các quận Cầu Giấy, Ba Ðình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm… khiến nhiều đường phố, khu dân cư ngập sâu. Ðường Nguyễn Trãi nước ngập gần 50cm, kéo dài hàng trăm mét, khiến nhiều xe cộ chết máy. Hầu hết nhà dân phải tìm cách kê đồ đạc lên cao và dùng ván gỗ, bao cát chắn bên ngoài cửa để nước không tràn vào. Ðường 70 và Dương Ðình Nghệ (gần tòa nhà Keangnam, Cầu Giấy), nhiều ô-tô chết máy khi đi vào khu nước ngập. Ðiểm ngập sâu nhất 2 khu vực này khoảng 60-80cm. Anh Hải là một người quen, nói với chúng tôi qua điện thoại: “Sống ở đây 30 năm, chưa khi nào thấy mưa to nước ngập nhanh như vậy! Tôi không hiểu sao cả những khu vực nằm cạnh hồ nước điều hòa, khi mưa to, đường phố cũng thành sông và tràn luôn vào nhà”.

Tình trạng ngập lụt khi mưa to trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Ở Sài Gòn, trưa 2/6/2022, trận mưa giông kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ cũng khiến hàng loạt con đường ở các quận, huyện bị ngập. Nặng nhất là các đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Nguyễn Văn Hưởng, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (Thủ Ðức), Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp)… Thậm chí, ngay trung tâm Sài Gòn, các đường Cống Quỳnh, Lê Lợi, Lê Lai, Calmette, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Viện (quận 1) cũng ngập sâu, nhiều nơi nước dâng cao hơn nửa bánh xe gắn máy. Ở các địa phương khác, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn hay nói chính xác là không thua kém gì Hà Nội, Sài Gòn về độ ngập như Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… Thậm chí, các tỉnh vùng cao nguyên cũng ngập như Lâm Ðồng, Ðắk-Lắk, Ðắk Nông.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Nói về nguyên nhân gây ngập lụt, các quan chức ở VN trước nay luôn đổ lỗi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, trái đất nóng lên, tình trạng sạt lở, sụt lún đất… hoặc trả lời kiểu đối phó vô trách nhiệm như “hệ thống thoát nước nội đô lâu nay chỉ đáp ứng năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Trong khi nhiều điểm mưa ở Hà Nội vừa qua lượng mưa lên tới 180 mm trong 2 giờ, vượt quá khả năng thoát nước của thành phố”(?). Có lẽ, họ đã không dám nhìn nhận thực trạng ngày càng trầm trọng là do tầm nhìn quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn quá kém; từ đó đưa ra những quy hoạch không đồng bộ, việc mở rộng, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng không nhất quán mới là những nguyên nhân gây ra ngập lụt.

Tình trạng ngập lụt khi mưa to trên đường phố Hà Nội. Ảnh: tác giả cung cấp.

Theo thống kê, hiện nay hệ thống đô thị VN gồm 862 đô thị các loại với tỷ lệ đô thị hóa gần 40%. Hệ thống đô thị này tạo cho VN diện mạo kiến trúc tương đối khang trang song đó chỉ là vẻ đẹp bề ngoài bởi cũng chính hệ thống này tự nó bộc lộ nhiều yếu kém. Chẳng hạn như việc gia tăng diện tích bề mặt bê tông hóa, nhựa hóa tại nhiều đô thị đã làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt không thấm được xuống lòng đất. Các hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, làm theo kiểu được chăng hay chớ, ít khi duy tu. Các địa phương xây dựng nhiều đê bao, cầu đường thiếu khoa học; việc người dân tự nâng nền nhà để đối phó với những con đường mới mở luôn có xu hướng nâng độ cao. Ðó là chưa kể tình trạng xả rác vô tội vạ làm tắc nghẽn dòng chảy của kinh rạch làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt. Còn theo báo cáo của Viện McKinsey Global, nguy cơ ngập lụt tại VN có thể tăng gấp 10 lần từ nay đến năm 2050, nếu việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn với những khuôn mẫu trên tiếp tục tái diễn.

Miệng nhà quan… Ảnh: tác giả cung cấp.

Trong khi đa số người dân phải lo vật lộn với cuộc sống ngày càng khó khăn cùng tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng nặng nề khi mưa to, luôn trông chờ những giải pháp khả thi “ở trên” thì nhiều ông bà quan chức có trách nhiệm tiếp tục đưa ra những “tối kiến” mà người dân nghe qua chỉ biết cười buồn. Ví dụ cách đây ít lâu có bà tiến sĩ (?) ở Sài Gòn đề xuất “mỗi gia đình nên trữ sẵn trong nhà 1-2 chiếc lu đựng nước chống ngập” hoặc mới đây một ông quan Bộ cho rằng “VN có thể học Nhật Bản xây hầm chứa nước ở các sân vận động, các cánh đồng phòng khi mưa lớn” (?). Các ông bà quên rằng, việc học tập kinh nghiệm nơi khác cũng tốt nhưng cái chính là nó áp dụng được cho VN hay không. Và phải chăng chính công tác quy hoạch thoát nước vừa yếu, vừa chậm; sự quan liêu, chậm trễ trong việc ban hành chính sách đầu tư hạ tầng; trình độ năng lực đội ngũ công chức quản lý đô thị quá yếu kém… trong khi luôn thẳng tay cấp phép ồ ạt cho nhiều đại đô thị mới là căn nguyên của vấn đề mấy chục năm qua chưa ai giải quyết được?

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Một kiến trúc sư giấu tên nêu ý kiến: “VN cần trả lại không gian cho nước. Hãy bỏ đi lối hành xử cứ nâng bên này lại ngập bên kia đang hiện hữu ở nhiều đô thị. Sẽ cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập lụt đô thị, trong đó có việc sớm xây dựng, vận hành hồ điều tiết, trồng thêm nhiều cây xanh, khơi thông các dòng chảy kênh rạch, lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát nước… mới mong VN không còn cảnh người dân phải bơi lội bì bõm trên những con đường bỗng chốc hóa thành sông khi mưa to!”.

Tình trạng ngập lụt khi mưa to trên dường phố Sài Gòn. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS