Nông dân Việt Nam, hễ nhắc tới thì có cảm giác như đang nói về một tầng bậc rất gần gũi, rất thân thiện những cũng rất hay khóc mếu trong mọi tình huống, mọi thời tiết. Mất mùa khóc, được mùa cũng khóc vì nông sản rớt giá, thậm chí chờ giải cứu, giờ cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn ráo riết, nông dân lại khóc, mà lần này là khóc sướt mướt, khóc trên cả nước, thế mới lạ.
Nông sản ế ẩm chưa từng thấy
Bà Phượng, một người trồng rau lâu năm ở Thừa Thiên Huế, chép miệng:
– Chưa có năm nào rau củ quả lại ế ẩm như năm nay, mà lạ một chỗ là nó ế ẩm, rẻ như bèo với người nhà nông, chứ nó lại đắt đỏ ngoài chợ!.
– Theo o (cô) thì do đâu mà có chuyện ngược đời như vậy, rau ngoài chợ vẫn mắc mà rau trong vườn lại rẻ như bèo?
– Thì họ thổi nồng độ cồn, o để ý từ ngày công an thổi nồng độ cồn ráo riết tới nay thì rau chả có ai thèm ăn. Mà mình làm nông, nên có rẻ mắc chi cũng phải làm con nạ, không làm lấy chi mà bỏ vào miệng chừ. Nhưng phải công nhận là năm nay làm là lỗ, càng làm càng lỗ, vì giá điện, giá phân bón, giá hạt giống, giá xăng dầu tăng cao mà giá rau lại quá thấp.
– Công an thổi nồng độ cồn thì liên quan chi đến giá rau hả o?
– Cái này thực tình o chẳng thể nói được vì o không biết chi hết, cái này con nên tìm một người có chuyên môn kinh tế họ nói chớ o thì tối mù. O chỉ biết là sau vụ ông chồng o bị phạt 7 triệu hôm Tết do đi thăm bà con, uống một lon bia, ra đường gặp cảnh sát giao thông nó đứng chờ, bắt thổi, ổng thổi tự tin lắm, thổi mạnh vì nghĩ mình uống có lon bia nghĩa lý gì. Thổi mạnh một cái vậy là bay 7 triệu đồng tiền phạt. Ban đầu ổng định liều bỏ chiếc xe đi bộ về vì chiếc xe đó có bán trúng lắm cũng không tới 2 triệu đồng. Nhưng sau đó nghe nói nếu bỏ xe vẫn bị phạt tiền mà còn phạt nặng hơn. Thôi thì chấp nhận nộp phạt 7 triệu, nộp thêm gần 1 triệu bạc tiền bãi gởi xe bên công an trong thời gian giam giữ xe nữa là thành gần 8 triệu đồng… Từ đó giá rau cũng rẻ và ế ẩm chưa từng thấy.
– O có nghĩ rằng do mọi thứ vật giá leo thang, người ta không đủ chi tiêu nên nhịn mỗi thứ một chút?
– Cái ni cũng đúng sơ sơ thôi con nả, rau là thứ rẻ nhất ở đây mà o nghĩ toàn Việt Nam cũng rứa thôi, trừ mấy cái rau trong siêu thị thì nó mắc chứ rau chợ rẻ lắm, người ta nói đói ăn rau, đau uống thuốc chứ. Càng đói người ta càng tiêu thụ nhiều rau, nhất là sau đại dịch, rồi khủng hoảng kinh tế, nhưng mà rau vẫn ế là do cái khác, không phải do nhín nhịn đâu!
– Nhưng o vừa mới nói rau ngoài chợ tăng giá?
– Ừ cũng đúng nhỉ!
– Theo o thấy thì tư thương buôn rau củ quả có ép nông dân mình không?
– Có là cái chắc rồi, tư thương không ép nông dân thì họ ép ai, không lẽ họ ép cán bộ sao?! Nên nhớ là bất kỳ nhà buôn nào cũng biết lo lót cho cán bộ, tưởng buôn cái rau không có liên quan nhưng thực ra có hết á, nhất là nhà buôn với nhau họ chơi hụi, họ cần chỗ chống lưng, nên họ chung đủ. Mà càng chung cho cán bộ nhiều thì càng ép nông dân nhiều. Đói là mặt tiêu cực thôi, chứ mặt tích cực họ cũng ép.
– Mặt tích cực họ cũng ép nghĩa là sao o?
– Nghĩa là họ phòng hờ đó con, vì rau ế, nếu mua về mà bán không được thì lỗ sặc máu răng con. Rau củ quả để vài bữa thì nó hỏng hết, vàng úa hết, có bán được cho ai, thế nên họ phải mua một bán ba, bán bốn kia mới phòng hờ bù lỗ. Bình thường thì họ ít ép, mà khi có “sự cố” về nông sản là họ ép dữ lắm, họ cũng phải sống phần họ nữa chứ. Đó là ép tích cực. Nên chi tích cực hay tiêu cực chi thì nông dân cũng khổ hết!
Tạm biệt o Phượng, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 1A thăm các vườn rau một số nơi, đi đâu dường như cũng nghe tiếng kêu, mà lần này thì nông dân không kêu sinh viên giải cứu hay kêu cứu các đoàn thể, hội nhóm giải cứu như mọi khi, họ chỉ kêu xin chính phủ bớt thổi nồng độ cồn. Tôi vẫn chưa rõ vì sao lại có chuyện nông dân đồng loạt kêu bớt thổi nồng độ cồn, lẽ nào với nhà nông, việc uống rượu trước khi ra đồng, trước khi bán rau là việc cần thiết hay sao mà phải xin ngừng thổi?!
Gặp một người nông dân vốn là thầy giáo về hưu, tên Thông, chúng tôi hỏi thăm, ông chia sẻ:
– Từ ngày thổi nồng độ cồn ráo riết đến giờ, nông dân thực sự khóc mếu, mà khóc mếu trên cả nước chứ chẳng riêng gì tỉnh nào, huyện nào!
– Theo bác thì đâu là mối liên hệ giữa việc thổi nồng độ cồn với nông sản ế ẩm, thưa bác?
– Thì con xem đi, toàn bộ hàng quán đều đóng cửa, mà Việt Nam là xứ ăn nhậu nhiều nhất hành tinh, lượng bia rượu tiêu thụ nhiều nhất hành tinh. Giờ đóng cửa hàng loạt thì kinh tế phải khủng hoảng trong phân khúc ăn nhậu này rồi. Mà khi hàng quán đóng cửa thì kéo theo các loại rau củ quả vốn cung cấp cho hàng quán phải đứng lại. Từ đó sinh ra tình trạng nông dân khó khăn vì nông sản không tiêu thụ được.
– Bác có thể cho con biết thêm những loại rau củ quả nào là quán xá tiêu thụ mạnh được không ạ?
– Nhiều lắm, cà rốt, khoai tây là cao cấp, rau mồng tơi, rau muống, đặc biệt là cải xanh, bí đỏ… Những thứ đó tiêu thụ rất mạnh, cải dùng để ăn lẩu, bí đỏ thì nấu đủ các món, cà rốt, khoai tây, khoai môn thì để hầm xương, nấu cà ri, nấu món um, rồi rau thơm như rau húng, rau thì là, rau diếp cá, thậm chí khổ qua, còn gọi là mướp đắng đó, nhiều lắm… Trước đây, bác bỏ cho một cái quán nhỏ, mỗi ngày bỏ rau cho họ kiếm được từ ba đến năm trăm ngàn đồng. Nghĩa là mình không trồng đại trà để bán cho nhà buôn mà trồng rau tương đối sạch, nhiều loại để bỏ cho quán. Đùng một cái, quán đóng cửa vì ế ẩm, vậy là bác mất mối. Mà chuyện này là trên cả nước nghe, chứ chẳng riêng tỉnh nào đâu!
– Nông sản ế ẩm như vậy thì mình sống ra sao hả bác?
– Thì cũng đắp đổi qua ngày thôi, trước đây mình ăn 4 lát cá thì bây giờ ăn lại còn 1 lát, 2 lát cho mỗi bữa. Một gia đình 8 người, dĩa cá có 4 lát là đã ít, giảm xuống còn 2 lát thì mỗi người xỉa một chút thôi. Trước đây mình lỡ có bán rau ế thì còn sống dựa vào tiền lương con cái đi làm đắp đổi, bây giờ tụi nó cũng thất nghiệp. Hai đứa đi dạy, còn lại công nhân với bán quán, công nhân thất nghiệp, bán quán thất nghiệp, thì mình ăn rau thế cá, thế thịt. Mà cái khó kép con à!
– Khó kép nghĩa là sao vậy bác?
– Khó kép tức là khi mình không có thu nhập thì thị trường lại lên giá, giá điện tăng, giá nước tăng, giá phân tro tăng và giá gì cũng tăng. Nhất là giá vàng tăng nữa, thành thử trước đây cầm mười ngàn đồng có thể mua được mớ cá vụn về kho quẹt, còn bây giờ cầm mười ngàn đồng mua chẳng được cái gì, ngay cả ra chợ mua bó rau cũng không được. Vậy mà rau trong vườn mình bán cả chục bó mới được mười ngàn đồng. Mọi thứ khốn đốn, thậm chí là khốn nạn nữa kia!
Tạm biệt ông Thông, chúng tôi tiếp tục đi vào Quảng Nam với hy vọng xứ Quảng gần Đà Nẵng, có thành phố du lịch Hội An, chắc là người nông dân có đường tiêu thụ nông sản khá hơn. Nhưng, theo lời của chị Hương, một người buôn rau hành, thì:
– Ui chu choa, năm ni kinh khủng quá, chưa bao giờ mình phải la làng vì nhà nông như năm nay!
– Sao lại phải la làng vì nhà nông hả chị?
– Thì họ trồng nhiều như trước đây, mà thị trường thì ế nhể nên họ cứ mang rau ùn ún tới cho mình, mình không mua họ thả đó đi về, cứ như ăn vạ mình vậy. Có bữa mình phải hù họ nếu để thì mình mang ra cống đổ, họ mới chịu mang đi nơi khác. Mà mình không tài nào mua nổi đâu, nhiều quá, trong khi đó bán không được.
– Các chợ đầu mối ở Đà Nẵng, chị thấy mức tiêu thụ ra sao?
– Ô chu choa, các chợ đầu mối cũng vắng tanh như chùa bà Đanh vậy! Kinh tế khó khăn quá, các ông giao thông thi nhau thổi nồng độ cồn, thổi ráo riết, kết quả là quán xá đóng cửa hết! Giữa lúc khó khăn này, công nhân thì thất nghiệp, quán xá thì đóng cửa, nông sản thì không bán được. Chết!
Chữ “chết” được chị Hương buột miệng nói ra sao nghe thê thảm và áo não đến mức không thể nào chịu được. Chúng tôi tạm biệt chị Hương, những cánh đồng rau vốn tươi mát và thơ mộng đập vào tầm mắt nghe cứ cay xè!
UC