Gần đây ở Việt Nam, tình trạng người mắc bệnh tâm thần gây án diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều hành vi nguy hiểm. Nạn nhân chủ yếu là người thân ruột thịt, hàng xóm chung quanh của họ kể cả những người không liên quan. Những hành động này đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về vấn nạn từ những người tâm thần khi cùng chung sống giữa cộng đồng hiện nay.
Người bệnh tâm thần đang gia tăng?
Chưa có con số thống kê cụ thể số vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây ra ở VN những năm gần đây nhưng hầu hết các địa phương cả nước thời gian qua đều xảy ra tình trạng người tâm thần gây án, từ vụ nhỏ đến lớn, thậm chí ra tay giết người. Chẳng hạn 10 tháng đầu năm 2024, Sài Gòn có ít nhất 15 vụ án do người tâm thần gây ra khiến 2 người chết, gần 50 người bị thương.
VN dường như đang đối mặt với tình trạng người bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng. Thống kê của Bộ Y Tế VN cho biết hiện có khoảng 14.9% dân số (tương đương 15 triệu người) mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến với khoảng 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt… có hơn 13 triệu người mắc phải (40% bệnh nhân độ ở tuổi dưới 30). Trong đó tỷ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0.47%; trầm cảm chiếm 5.4%, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0.33%), chậm phát triển tâm thần (0.63%), mất trí tuổi già (0.88%); rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0.9%); lạm dụng rượu bia (4.3%), ma túy, chất gây nghiện (2.8%)…Tỷ lệ tự sát là 5.68 trên 100,000 dân (thống kê năm 2020). Tuy vậy số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị tại nhà hoặc được gia đình đưa vào các trung tâm, trại tâm thần.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân tâm thần có nguy cơ gây án hình sự cao hơn người bình thường gấp 3-4 lần. Hình thức, mức độ gây án của những người này rất đa dạng nhưng thường gặp hơn cả là nhóm bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt, người lạm dụng rượu bia, ma túy…với các hành vi như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, phá hoại tài sản, giết người… Đáng chú ý, một bệnh nhân tâm thần khi đã phạm tội thường có xu hướng sẽ tiếp tục phạm tội một hoặc nhiều lần nữa nếu bệnh vẫn chưa được điều trị triệt để. Thực tế cũng cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, thậm chí che giấu việc người nhà đột ngột có những biểu hiện tâm thần. Chưa kể khi áp dụng các biện pháp bắt buộc đưa người bệnh đến các trung tâm chữa trị, một số gia đình do không lo đủ kinh phí hoặc cơ quan điều tra bàn giao chính quyền địa phương quản lý trong khi chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng có điều kiện theo dõi. Những việc này dẫn đến việc bệnh nhân tâm thần tiếp tục sống trong cộng đồng dân cư khi chưa được chữa trị.
Hiểm họa chực chờ
Dù vậy cũng ở VN, pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng việc yêu cầu bắt buộc chữa bệnh với những người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ chưa có hành vi nguy hiểm. Trong khi ấy, phần lớn bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần đang sống chung giữa cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc chu đáo, chữa trị đúng cách vì vậy dẫn đến tình trạng bệnh càng nặng hơn, tạo ra những hiểm họa luôn chực chờ mọi người.
Những con số khác: Trong khi VN có khoảng 15 triệu người rối loạn tâm thần thì nước này hiện có không hơn 150 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Chưa kể dịch vụ tâm lý lâm sàng cũng không phải là dịch vụ chính thức được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy số nhà tâm lý này chủ yếu được coi là kỹ thuật viên chuyên làm các trắc nghiệm tâm lý chứ không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự. Hầu hết người dân VN cũng chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Dịch vụ sức khoẻ tâm thần chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến trung ương và tỉnh thành. Ở tuyến huyện, xã chủ yếu điều hành điều trị tâm thần phân liệt và động kinh, trong khi theo điều tra của Bệnh viện Tâm thần trung ương thì 2 thứ bệnh này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Tương tự, mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở VN cũng rất thiếu. Hiện có 2 bệnh viện tâm thần tuyến trung ương gồm Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và 2 cùng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Chỉ có 43/64 tỉnh, thành phố có bệnh viện chuyên chăm sóc người tâm thần, còn lại là khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa. Cả nước có hơn 600 bác sĩ tâm thần, đạt 0.62 bác sĩ/100,000 dân, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu (1.7). Hiện tại, Văn phòng WHO tại VN đang hỗ trợ Bộ Y Tế phát triển mô hình lồng ghép sức khỏe tâm thần vào sức khỏe nói chung tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trước vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở VN, nước này cũng đã phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025”. Tuy nhiên tính đến nay, kế hoạch này đã đi gần hết chặng đường nhưng hiệu quả ra sao cũng chưa nhìn thấy rõ. Một bác sĩ (đề nghị giấu tên) của Bệnh viện Tâm thần Sài Gòn cho biết: “Để chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần thành công, tôi nghĩ Bộ Y Tế VN và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm cả chuyên khoa sâu và chăm sóc sức khỏe tâm thần cơ bản trong các cơ sở y tế khác và tại cộng đồng, cả chữa trị bằng thuốc và không thuốc…”.
NS