Ông Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Giáp Thân, vừa qua đời cách đây vài tuần, chính quyền Hà Nội đã tổ chức lễ tang cho ông, quốc tang được quy định vào ngày 25 và 26 tháng 7 năm 2024. Kể cũng lạ khi các phản ứng của người dân có vẻ như rất mâu thuẫn và có phần xung đột khi bàn về cái chết của một lãnh đạo cấp cao như ông. Nếu các xung đột và mâu thuẫn này ở miền Nam, tức Nam vĩ tuyến 17 thì nghe có vẻ hợp lý, nhưng các xung đột lại trải đều các tỉnh thành Việt Nam mới là lạ!

Lò cháy đến bao giờ?  

Ai khen, ai chê?

Thì đương nhiên là nhân dân rồi, lãnh đạo chết, nhân dân là những người khen – chê nhiệt tình nhất chứ còn ai nữa! Như lời anh Vĩnh, một cựu giảng viên đại học:

– Sự nghiệp chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sự nghiệp quá phức tạp!

– Sao anh lại cho rằng đó là phức tạp?

– Nó phức tạp bởi vì hầu hết các lãnh đạo khi chết đi vài năm thì người ta mới bàn tán về công hay tội của họ, còn ông Trọng, người ta bàn rất sớm. Và hiện tại, nói ông có công cũng đúng mà nói ông có tội cũng đúng nốt, cuối cùng chẳng biết đâu mà lần.

– Theo anh, ông ấy có công gì, tội gì?

– Công của ông ấy với đảng Cộng sản vô cùng lớn, không phải là công đốt lò, người đốt lò vĩ đại gì như báo chí trong nước tán dương đâu. Mà đó là công xây dựng đảng Cộng sản trở nên vững vàng, lớn mạnh và độc tài một cách hiện đại thay vì độc tài theo kiểu của Bắc Hàn hay Lào, Cuba… Nhìn chung, cái công chép và nhái mô hình của Trung Quốc, biến Việt Nam trở thành phiên bản khác của Trung Quốc là vô cùng lớn. Bởi chỉ có vậy, đảng mới bảo đảm độc quyền, độc tài lãnh đạo đất nước. Chứ nếu ông Trọng không khắc nghiệt, ráo riết trong vấn đề này thì Việt Nam sẽ mở cửa theo cách khác.

– Đó chỉ đơn thuần là lèo lái con thuyền của đảng mà ông lãnh đạo, còn vấn đề nhân dân thì sao?

– Nhân dân, hầu như nhân dân xem ông là người liêm sỉ, người đảng viên có công xây dựng hệ thống sạch sẽ, chống tham nhũng và đương nhiên, đại đa số nhìn thấy ở ông một con người liêm chính, chí công vô tư.

Xem thêm:   Ngày Độc Lập

– Anh có nằm trong đại đa số nhân dân ấy không?

– Không, rất tiếc tôi lại nằm trong nhóm thiểu số, không dễ tung hô và không dễ tin vào một thứ gì đó xanh, sạch, đẹp trong cái nhìn của người khác, kể cả năng lượng mặt trời, xe chạy bằng pin. Ví dụ như để có một cục pin nặng mấy trăm ký lô trong xe hơi, người ta phải tốn hàng trăm tấn đất đá để tinh luyện và sau đó nếu nó hư hỏng, người ta vứt nó đi đâu? Cũng giống như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió vậy, rất tốn kém và chi phí cho nó quá cao, mà cái gì nói rằng sạch nhưng để có nó, buộc phải đụng đến quá nhiều thứ sản xuất mà cuối cùng, khi thải đi lại trở thành rác thì tôi chẳng bao giờ tin nó sạch được. Mọi thứ mô hình lý tưởng chỉ nói cho vui thôi, nó ít thực tế lắm!

– Nhưng, trên phương diện chính trị, anh từng là một đảng viên, dạy học và phục vụ trong môi trường nhà nước?

– Tôi  đồng ý là vậy. Chị ngẫm lại xem, có bao nhiêu trí thức Việt Nam thực thụ có ăn có học, có thực lực mà không nằm trong diện “quy hoạch đảng viên”? Đó là quy hoạch bắt buộc, trước đây ai mơ “thăng tiến” thì “phấn đấu” thành đảng viên, còn gần đây và bây giờ, ai muốn yên thân thì không để mình trở thành lập dị trong mắt đồng nghiệp. Khó nói lắm! Nhưng tuy rằng tôi từng là đảng viên mà vấn đề vẫn là tôi có tình cảm với ai, cảm tình của tôi ra sao thôi!

– Xin lỗi anh vì tôi đi hơi quá đà, xin hỏi lại anh câu này, người ta không ưa ông ở chỗ nào, anh có thể chia sẻ thêm, lúc nãy anh có đặt vấn đề nhưng chưa chia sẻ?

– Xứ sở này, vấn đề chính trị chỉ cần nói vắn tắt trong một câu, đó là “ghế thì ít mà đít thì nhiều”. Những ai ngồi quá lâu trên ghế quyền lực đều không được ưa trong mắt người thức thời và tiến bộ. Vì anh khư khư ôm ghế quyền lực để mưu đồ những thứ anh gọi là lý tưởng xã hội, điều đó chứng tỏ anh chỉ tin vào bản thân anh, anh coi năng lực và nhân cách của người khác không ra gì. Và, một người tiến bộ chả bao giờ là kẻ cố chấp, độc đoán hay độc tài hoặc tham quyền cố vị. Chỉ có những kẻ có phần bất thường, thậm chí hơi tham kia mới thấy việc tham quyền cố vị là bình thường thôi!

Trò chơi chính trị còn khắc nghiệt hơn trò chơi đu dây điện, tuy cả hai cùng là “kiếm cơm”.

Những đảng viên đàn em, đàn anh nói về ông Trọng

Xem thêm:   JO Paris 2024 một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi

Một người đàn ông yêu cầu không nêu tên, từng là cựu đảng viên, năm nay 83 tuổi, chia sẻ:

– Nói tới công thì cũng nhiều mà nói tới ghét ông, tôi cũng là người không ưa ông.

– Vì sao ông không ưa ông Tổng bí thư Trọng?

– Vì trong thời đại ông Trọng lãnh đạo, Việt Nam giống như một bản sao mờ của Trung Quốc, đây là một mối hiểm họa khó lường.

– Vậy những thời đại trước Việt Nam không bị lệ thuộc Trung Quốc sao?

– Vẫn bị nhưng không đến mức ghê gớm như sau này. Nhưng chuyện ấy rất khó nói, thôi, mình không ưa là vậy, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, cũng không thể nói nhiều hơn đâu!

Cùng quan điểm không ưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người khác, bà là cựu giảng viên, cũng là cựu đảng viên, không muốn nêu tên, chia sẻ:

– Thực ra, ông chỉ là người đốt lò chống tham nhũng, giờ bỏ qua chuyện phe nhóm, thì cái công đốt lò của ông cũng rất nhỏ.

– Vậy nghĩa là sao thưa cô?

– Cái công đốt lò, nhóm lò thì rõ ràng ông Trọng có công lớn, nhưng cái công chặt củi mang về cho vào lò thì lại thuộc về ông Tô Lâm. Nếu không có ông Lâm tung hoành chinh Nam phạt Bắc thì làm gì có cây củi nào. Mà nói cho cùng thì có vẻ như đây là cuộc chơi không có điểm dừng.

– Chơi không có điểm dừng nghĩa là sao cô?

– Nghĩa là ban đầu có vẻ như chống tham nhũng, nhưng càng về sau, cuộc thanh trừng phe nhóm hình thành, và ông Trọng lúc này vẫn cầm trịch để cho đàn em, thuộc cấp chinh phạt nhau. Nhưng càng về phút cuối, có vẻ như những tướng lĩnh đàn em bắt đầu dòm chiếc ghế của đàn anh. Và câu chuyện kết thúc rất có hậu.

Xem thêm:   Tảo hôn ở Việt Nam

– Kết thúc có hậu nghĩa là sao, em chưa hiểu chỗ này thưa cô?

– Nếu lúc này, ông Trọng vẫn còn sống, thì ông có nguy cơ cũng nằm trong nhóm củi của đàn em, đến lúc đó, những gì gọi là thanh liêm, cao quý sẽ bị xét lại, từ vụ Capital cho đến nhiều vụ khác… Và lúc đó, mọi thứ trở nên tệ hại hơn. Chính vì vậy, trong vô vàn cái không may, cái không may cuối cùng là phải chết đi. Nhưng trong một số trường hợp, cái không may cuối cùng lại là cái may mắn lớn nhất. Cái gì rồi cũng có hai mặt của nó, giống như hai mặt của tấm huân chương vậy. Có thể nói rằng trong cuộc đời làm chính trị của mình, Tổng Bí thư Trọng có cái chết rất có hậu, và dường như mọi lựa chọn của ông cũng rất có hậu.

– Những lựa chọn có hậu này là cái gì thưa cô?

– Lựa chọn có hậu tức lựa chọn cho cá nhân của ông thôi, từ việc di huấn khi qua đời phải về quê chôn cất hoặc quyết định giữ lửa lò chống tham nhũng không có vùng cấm cho đến phút cuối mặc dù giờ phút đó, ông cũng thừa hiểu rằng bản thân ông không còn quản lý được nguồn củi cũng như nhiệt lượng trong lò nữa rồi, nó đã thuộc về kẻ khác rồi. Nhưng dẫu sao, mọi chọn lựa của ông khiến bản thân ông dễ dàng được phong thánh. Còn vấn đề lựa chọn cho đồng chí của mình, e rằng không tốt lắm đâu, có những đảng viên lâu năm như cụ Lê Đình Kình, là đồng chí, là đàn anh của ông ấy đấy, nhưng khi cụ Kình bị bắn chết bởi thuộc cấp của ông, chỉ cần một tiếng  nói của ông thì mọi sự có thể thay đổi. Nhưng ông chọn im lặng. Nói cho cùng, hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Mà tiếng thì muôn đời!

Hiện tại, các luồng dư luận nói về ông Trọng dường như rất trái chiều, đặc biệt luồng dư luận phía Bắc, ngay trên quê hương ông Trọng. Cũng xin nói thêm, tất cả những người tham gia trả lời trong bài viết đều là người Bắc vĩ tuyến 17 cả. Và miền Nam thì khỏi phải bàn!

Xứ sở của trò chơi lửa củi

UC