Báo cáo của Digital do We are Social (Italy) cho biết, tới hết tháng 1/2022, số người dùng Internet và mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam là hơn 76.9 triệu người, chiếm 73.2% dân số. Trung bình người Việt dành 6-7 giờ/ngày để vào Internet. Cùng vấn đề này, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là lừa đảo qua mạng cũng phát triển mạnh. Các hình thức lừa đảo thường thấy như giả môi giới giới thiệu việc làm, đưa người đi làm việc nước ngoài, kinh doanh đa cấp, giả tin nhắn nhà mạng thông báo trúng thưởng, giả tin nhắn ngân hàng, chính quyền, cảnh sát… với mục đích xấu khiến nhiều người Việt sa bẫy.

Nở rộ các chiêu lừa đảo qua MXH ở Việt Nam. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Thủ đoạn đầu tiên bọn gian thường sử dụng là chiếm đoạt tài khoản (hack nick) của người dùng MXH như Facebook, Zalo, Gmail… sau đó nhắn tin đến người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển tiền, nhờ nạp card điện thoại… Chúng còn hack tài khoản MXH của người Việt đang sống ở nước ngoài rồi giả danh nhắn tin về cho người quen ở VN nhờ chuyển tiền bạc gấp với… 1001 lý do. Thủ đoạn khác hoành hành mạnh ở VN là dụ dỗ người dùng truy cập vào các website hay fanpage “kiếm tiền dễ dàng” với những nội dung “tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, chỉ cần có điện thoại/laptop/máy tính và thẻ tài khoản ATM là làm được. Ưu tiên học sinh – sinh viên, người già, thất nghiệp…”. Chiêu thức chúng đưa ra khá hấp dẫn như đặt mua hàng nhưng không cần nhận hàng. Việc mua hàng được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ATM do kẻ gian cung cấp. Cứ mỗi lượt mua thành công được hưởng hoa hồng 10 – 15%/sản phẩm. Ðể tạo lòng tin và kích thích lòng tham nạn nhân, kẻ gian cung cấp đường link quảng cáo vài món hàng giá trị nhỏ từ vài trăm đến 1 triệu VNÐ/sản phẩm cùng số tài khoản ATM của chúng để nạn nhân chuyển khoản số tiền tương ứng. Tới lúc nạn nhân “cắn câu” chuyển số tiền lớn hơn, bọn lừa đảo sẽ bày ra đủ thứ lý do để nạn nhân tiếp tục “say mồi” như “nhiệm vụ của bạn đã hoàn thành 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm…”. Chưa hết, chúng còn đề nghị thành viên mời mọc người thân, bạn bè cùng tham gia để nhận thêm tiền chiết khấu…

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Chị Hồ Bích Phương (36 tuổi, Ðồng Nai) là một trong những nạn nhân của kiểu lừa này. Chị cho biết ngày 15/3/2022, sau khi xem một fanpage Facebook đăng tuyển dụng cộng tác viên với nội dung “Tuyển nhân viên online qua điện thoại” bèn liên hệ trao đổi và được bên kia cung cấp đường link kết bạn Zalo và tư vấn công việc với nhiệm vụ “săn hộ hàng sale” với mức lợi nhuận 10% – 12% cho một sản phẩm. Việc giao dịch chỉ cần chuyển tiền rồi “đặt hộ” sản phẩm chứ không nhận hàng. Tuy nhiên sau khi tham gia đường link và thực hiện chuyển tiền một thời gian ngắn để thực hiện các đơn hàng, Phương đã không nhận lại được số tiền lợi nhuận và tiền gốc. Tổng số tiền Phương đã chuyển là 104.6 triệu đồng nhưng chỉ nhận lại được khoảng 15 triệu VNÐ ở giai đoạn “thử việc”!

Một số thành phần khác (có cả người nước ngoài) còn sử dụng thủ đoạn tạo các tài khoản MXH rồi xưng mình là người giàu có, muốn làm quen, kết bạn anh em, hứa hẹn yêu đương… sau đó nhã ý muốn gửi tiền, quà tặng cho người ở VN để nhờ “giữ giùm”; giúp làm từ thiện hoặc đầu tư. Khi thấy nạn nhân đã tin tưởng hoặc lạc vào “mê hồn trận”, chúng sẽ nhờ nhóm hỗ trợ là một số người Việt đóng giả làm nhân viên hãng vận chuyển, nhân viên sân bay hoặc hải quan gọi điện thoại xác nhận rằng quà cáp, hàng hóa… đã về đến VN đồng thời yêu cầu nạn nhân nộp các loại phí (qua thẻ ATM) đến khi chiếm đoạt được tiền sẽ nhanh chóng cắt liên lạc…

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Mới đây, anh Lê Quang Minh (52 tuổi, Thủ Ðức) cho biết, qua mạng WhatsApp, anh được 1 phụ nữ chủ động làm quen, kết bạn. Minh kể: “Sau khi trao đổi, tôi nắm được thông tin người này 38 tuổi, đang là lính Mỹ ở Syria. Tôi đồng ý kết bạn và trò chuyện với cô ta suốt 2 tháng. Ngày 12/5/2022, cô ta nhờ tôi nhận giúp thùng hàng bên trong có 800,000 USD mà cô tình cờ tìm được ở Syria và muốn chuyển về VN nhờ tôi giữ giùm, mai kia xuất ngũ sẽ sang VN lấy đầu tư bất động sản”. Sáng 14/5/2022, Minh nhận cuộc gọi từ số máy lạ, gặp một phụ nữ xưng là nhân viên hải quan, nói “hàng” đã tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), yêu cầu anh chuyển khoản phí vận chuyển 25 triệu VNÐ vào một tài khoản ATM của Vietcombank. Minh liền chuyển ngay số tiền trên. Sau đó, anh lại nhận được yêu cầu chuyển lần 2 số tiền 132 triệu đồng vì “bên hải quan phát hiện trong thùng hàng có số tiền USD khá lớn nên phải thu thêm phí”. Sau khi đi vay mượn đủ số tiền và chuyển, chờ mãi không thấy gì nên Minh liên lạc với các số điện thoại đã gọi cho mình cũng như của cô gái quen trên mạng thì tất cả đều… “ngoài vùng phủ sóng”. Biết bị lừa, Minh đành phải đi báo cảnh sát.

Các hình thức lừa đảo qua mạng mà kẻ gian thường dùng. Ảnh: tác giả cung cấp.

Còn có tình trạng bọn gian giả danh công an, chính quyền, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thoại trực tiếp cho nạn nhân buông lời hù dọa, chẳng hạn như “ông/bà đang bị điều tra vì liên quan rửa tiền, buôn bán ma túy, nhận hối lộ, tham ô, buôn lậu, trốn thuế…” rồi yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để xác minh hoặc yêu cầu chuyển tiền để “chạy án” nếu không sẽ bị bắt giam, khởi tố… và hàng loạt những chiêu trò khác!

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Như đã nói, những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua Internet, MXH ở VN hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, không dễ nhận rõ trắng đen. Do vậy để phòng ngừa, mọi người cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân khi truy cập Internet và tham gia các mạng MXH. Cần xác minh thông tin cụ thể của “đối tác” trước khi thực hiện các giao dịch qua mạng có dính tới tiền bạc. Phải hiểu trong cuộc đời này không có bữa ăn nào là miễn phí cả!

Một số băng nhóm lừa đảo qua MXH bị bắt (có cả người nước ngoài). Ảnh: tác giả cung cấp.

NS