Tháng Mười, tháng Mười Một, tháng của những cơn bão, những ngày lũ lụt dai dẳng của miền Trung, nay lan ra tận miền Bắc. Những năm gần đây, với những ai có con theo học phổ thông, những tháng này còn là tháng của thi cử, không phải thi cử lên lớp, vượt cấp, mà là thi học sinh giỏi, thi hội khỏe phù đổng, thi cử online… Và cũng từ đó, không thiếu những chuyện dở khóc dở cười với nhiều gia đình khi ghi danh cho con những cuộc tranh tài online hoặc cho con tham gia các giải phong trào.

Những giải phong trào nhiều khi làm cho con trẻ tổn thương 

Nhiều tiền cũng bị lừa, ít tiền cũng bị lừa

Chị Vy, một người mẹ có con đang học lớp 6, vừa bị mất tiền sau khi ghi danh thi online cho con chia sẻ:

– Loạn các cuộc thi online em ạ! Nào là Violympic, nào là Olympic tiếng Anh trung học, nào là Vioedu, trạng nguyên Tiếng Việt… Vừa rồi trường con chị cho các bạn đại diện ghi danh thi online, thấy các bạn thi, con chị cũng muốn thi. Nghĩ con có chí học hành là tốt, chị liền lên mạng tìm hiểu các cuộc thi, cuối cùng thấy cuộc thi Violympic có nhiều môn thi, từ Toán, Toán Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý, Khoa học… Chị liên lạc fanpage facebook của họ và được hỗ trợ rất tận tình. Cũng vì lẽ đó mà chị mất hơn nửa tháng lương, mà em biết rồi, với công nhân như tụi chị, mất nửa tháng lương thì coi như nợ ngập đầu.

– Ủa sao lại mất tiền vậy chị, em tưởng những cuộc thi online thì chỉ cần ghi danh tài khoản hoặc nếu đại diện cho trường thi thì các cháu chỉ cần có tài khoản trường cấp cho thôi?

– Nếu đại diện cho trường thì trường cấp tài khoản nhưng đa số các cuộc thi là do các tổ chức giáo dục trực tuyến tổ chức, vậy nên các bé muốn thi tốt thì phải mua khóa học. Con chị không đại diện cho lớp nên chị không tốn khoản này. Nhưng chị lại bị lừa mua hàng hoàn tiền lại khi ghi danh Violympic cho bé. Tư vấn viên báo với chị là giải thưởng của cuộc thi khi nằm trong top 30 toàn quốc lên tới 50 triệu. Họ kết bạn zalo, gọi điện, hỗ trợ chị rất nhiệt tình. Thấy vậy chị cũng sợ mất phí nhưng khi hỏi thì họ bảo là miễn phí ghi danh vì có nhà tài trợ.

Xem thêm:   Hội trường "Diên Hồng"

– Chị chưa chia sẻ với em là chị bị lừa tiền thế nào?

– À, chuyện này thì.. kể ra thì thấy mình cũng tin người quá. Họ cho chị vô một nhóm phụ huynh có con ghi danh thi giống chị. Họ bảo là vì miễn phí nên phụ huynh vui lòng tham gia tương tác hỗ trợ quảng cáo giúp nhà tài trợ để họ có chi phí. Sau 2 câu hỏi về việc con mình thích làm gì khi đi cùng các bạn trong cuộc thi như lên miền núi làm thiện nguyện hay thăm làng trẻ SOS, hay đi chơi … và khu vực mình sinh sống. Họ bảo mình chuyển khoản mua hàng, sau đó chụp ảnh cho họ, họ sẽ hoàn tiền ngay lập tức. Ban đầu chị cũng sợ bị lừa nhưng có một cô trong nhóm làm quen rồi đưa hình bảo là cô ấy có 2  đứa đang tham gia, năm rồi chị dâu cô ấy cũng ghi danh thi cho con, chuyển khoản rồi được chuyển lại, không sao cả… Vậy là chị cả tin, nghĩ là con mình có cơ hội học hỏi, thi cử còn được giải thưởng nếu chịu khó học và thi.. Thế là chị chuyển khoản mua hàng hơn 2 triệu đồng. Sau đó họ chặn mình khỏi nhóm, cô bạn kia cũng mất tăm, zalo tư vấn viên thì báo là bị khóa. Chị tối mù mặt mày, may có ông chồng động viên không chắc chị tự tử luôn đó em à!

Nhan nhản nơi rao bán các khóa ôn, bộ đề ôn các cuộc thi online trên mạng

– Ôi chị, thôi chuyện gì qua rồi cũng qua chị ạ. Từ từ rồi kiếm lại, tất cả cũng vì mình thương con thôi.

Chị Huyên, một người từng bị lừa hàng chục triệu đồng chia sẻ tiếp:

– Cô ấy bị lừa chừng đó thì có gì đâu, hè vừa rồi chị bị lừa gần cả trăm triệu đồng cũng vì mấy cái vụ online đấy.

– Hè mà sao bị lừa được chị.

– Thì hè mới bị lừa chứ em, chị định ghi danh cho bé đi cắm trại, thấy họ quảng cáo hay quá nên chị vào xem. Họ bảo là cắm trại 3 ngày 2 đêm ở resort bên Singapore, rồi có giao lưu với các bạn Tây, đi tắm hồ bơi, có người bảo vệ… Ôi, họ đưa đầy đủ hình nhìn tin tưởng lắm, chị chuyển khoản gần cả trăm triệu đồng em à. Sau đó phát hiện mình bị lừa, hình họ đưa toàn chim mồi cả thôi!

– Mất số tiền lớn vậy, chị có báo công an không?

Xem thêm:   Vui buồn cau được mùa

– Cũng báo công an mà đâu giải quyết được gì đâu. Thôi thì mình ngu mình chịu chứ biết sao giờ. Mà em biết không, cái ngu của chị đâu dừng ở đó, nửa tháng trước chị cũng mới bị lừa mấy trăm ngàn. Hì, nghĩ là mấy chục, mấy trăm triệu mới bị lừa chứ ai nghĩ mấy trăm hả em?

– Bị lừa gì nữa hả chị?

– Thì vẫn vụ chơi, học của con chị thôi. Chị lên mạng mua mấy gói ghi danh học ôn để thi Vioedu cho con, một cuộc thi trực tuyến trường con chị cũng có tham gia, ai dè chuyển khoản xong, không thấy mã học gì được gửi cả. Chị hỏi trong hội nhóm mới biết bị lừa. Vậy mới thấy là tiền nhiều cũng bị lừa mà tiền ít cũng bị lừa em à, cơ bản là thôi chị xin chừa, không theo cái gì online cho con nữa, cũng sợ mấy vụ chim mồi rồi.

Những lời hỗ trợ tận tình của một fanpage giả, sau đó là lừa tiền của người tham gia

Nhan nhản giải phong trào, con trẻ như con rối

Nếu như việc ghi danh các cuộc thi hoặc mua các gói ôn luyện cho con thi online khiến không ít bậc cha mẹ bị lừa tiền thì với con trẻ, có lẽ nỗi sợ lớn nhất là các giải phong trào, bởi chúng bị điều khiển như con rối và đôi khi con rối còn bị tổn thương.

Cháu Ken, mới tham gia một cuộc thi bơi phong trào ở Quảng Nam chia sẻ:

– Ba con nói là nếu con được bơi 50m tự do thì chắc cũng có huy chương. Nhưng thầy con bắt con bơi 100m bơi ếch. Thiệt tình là con mới học bơi ếch nên bơi không được nhanh lắm, về may thầy không la con, nhưng hai chân con giờ vẫn còn ê ẩm chẳng muốn đi học luôn.

– Vậy là con bơi 50m nhanh lắm phải không?

– Dạ con bơi nhanh lắm, con bơi nhanh hơn anh học lớp 5, nhưng không hiểu sao thầy nói với Ba con là con bơi chậm hơn anh lớp 5, nhưng bền hơn nên anh lớp 5 được thi 50m còn con thi 100m. May mà về mẹ cho con uống nước cam, mẹ bảo lớp 4 mà bơi được 100m như con là giỏi lắm rồi.

Thương cho người cháu của mình, cô Lan, một người mẹ từng có con đạt giải bơi quốc gia chia sẻ:

– Trước con của cô từng đạt huy chương quốc gia nhưng sau tốn kém quá cô không lo cho nó đi dự giải khu vực được. Mà giờ cháu cứ muốn đi nên thôi cô dẫn đi chứ mấy giải phong trào này đủ điều oái oăm lắm!

Xem thêm:   Võ Thị Sáu

– Sao lại oái oăm vậy cô?

– Đây nha, không riêng gì thằng Ken không được thi môn sở trường đâu, nhiều đứa giống vậy lắm. Mấy ông thầy thể dục của mấy trường tiểu học kiểu giống ‘đã dốt mà tỏ ra nguy hiểm’ vậy. Có ai mà bắt mấy đứa nhỏ đi bơi thi ngồi co rúm trong góc mưa lạnh hơn 3 giờ đồng hồ rồi nghe đến lượt bơi mới cho ra hồ, kiểu đó may không sốc nước bất tỉnh là may rồi, còn bị chuột rút là bình thường. Chưa kể cứ đẩy mấy đứa nhỏ có khiếu lên bơi nội dung của lớp lớn hơn vì lớp lớn hơn không có người tham dự, mục đích là lấy điểm toàn đoàn, tham gia đầy đủ nội dung thi. Con xem, có ai đi thi mà chơi cào bằng kiểu xã hội chủ nghĩa vậy không?

– Có chuyện đó nữa hả cô?

– Chuyện đó thì nhằm nhò gì con, cô vào phòng vệ sinh nữ lúc 4h30 chiều, tức là trước vòng bơi 100m nữ. Một cô giáo dắt đứa học trò cao cỡ 1m2 nặng cỡ 25 kg, chắc học lớp 2, lớp 3 gì đó vào cùng. Cô ta bảo: “Cô bảo con tát mạnh vào mặt con như thế này cho tỉnh, tát mạnh vào”. Cô bé kia nước mắt đầm đìa vừa rửa mặt vừa tát theo lời cô giáo. Xong cô ta bảo: “Con khóc gì, đi, ra bơi, con bơi được thì phải bơi.” Nói xong kéo cô bé kia xuống chuẩn bị cho vòng bơi 100m.

Mà không riêng gì giải bơi đâu con à, giải gì mà các trường buộc phải tham gia, như cờ vua, hát nhảy… chẳng hạn, mấy thầy cô đa số là bắt học trò luyện ngày luyện đêm, bất kể bắt bỏ tiết, và chẳng thông báo gì về ngày thi, cũng chẳng tăng cường dinh dưỡng gì cho tụi nó cả. Có đứa thi xong về nhập viện luôn, cũng có đứa thì nôn mửa ngay tại chỗ. Thiệt tình cô không hiểu là học trò đang được vui chơi hay là giáo viên đang điểm danh thành tích rồi hành học trò nữa. Cứ với cái đà này, đứa có tài thì nó giấu mà không thì cũng bị thui chột, đứa a dua thì nó ngông nghênh, chẳng biết tương lai của tụi nhỏ về đâu nữa.

Lời tâm sự của cô Lan chắc cũng nói lên được ít nhiều bản chất của các giải phong trào trong học đường hiện tại. Và nỗi lo của cô cũng là nỗi lo chung của nhiều bậc cha mẹ có con cái cắp sách đến trường.

Bài và hình UC