Thời gian gần đây ở Việt Nam, các đường dây buôn người qua biên giới hoạt động khá mạnh. Bọn này thường lợi dụng sự nhẹ dạ của một số người, nhất là phụ nữ, trẻ em gái, người trình độ văn hóa thấp, gia đình nghèo, thất nghiệp hoặc giới trẻ ham ăn chơi, muốn nhanh chóng “đổi đời” rồi bày trò lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, môi giới kết hôn, môi giới con nuôi… song thực chất là tìm cách lừa bán nạn nhân qua nước khác để trục lợi, nhất là qua Campuchia.

Những người bị lừa qua Campuchia làm việc tập trung ở một quán nước chờ xe rước đi 

Lợi dụng trào lưu nhiều người ưa sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat, Telegram, Tik Tok… bọn lừa đảo càng có thêm chiêu thức làm quen, tiếp cận từ xa. Từ đó đưa nạn nhân vào bẫy của chúng thông qua hình thức “tuyển dụng lao động sang Campuchia làm việc, được bao ăn ở, có đủ chế độ lương thưởng, được nghỉ phép về quê”…Tuyến biên giới VN – Campuchia với chiều dài 1,200 km tiếp giáp với 10 tỉnh VN gồm Kon-Tum, Gia Lai, Ðăk-Lăk, Ðăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang với 32 huyện, 104 xã phường, 9 cửa khẩu quốc tế, hơn 30 cửa khẩu phụ và rất nhiều đường mòn, đường sông rạch. Những địa phương này phần lớn còn là vùng hẻo lánh, địa hình hiểm trở, giao thông hạn chế, xa trung tâm đô thị cũng là điều kiện rất thuận lợi cho bọn tội phạm buôn người hoạt động.

Xe ôm có sẵn ở các cửa khẩu sẵn sàng đưa người “vượt biên” qua Campuchia bằng đường rừng

…Sống trong một gia đình nghèo ở Giồng Trôm, Bến Tre, em Oanh (16 tuổi) được gia đình cho đi học nghề gội đầu, làm móng và xin được việc làm ở một tiệm gần chợ huyện. Bữa nọ có một phụ nữ tên Sương thông qua nhóm fanpage Facebook “Hội người Việt ở Cambodia” lân la làm quen, kết bạn rồi gạ gẫm qua Campuchia làm nails. Bà này cho biết bên đó cô sẽ làm cho một công ty lớn, thu nhập cỡ…2,000 USD/tháng cùng các khoản “tip” cộng lại ít nhất 3,000USD/tháng. Nghe bùi tai, Oanh đồng ý ra đi. Tới nơi, cô được đưa đến một…sòng bạc ở Sihanoukville “học việc” 1 tháng rồi được công ty cấp “thẻ nhân viên” để không bị cảnh sát bắt. Cũng thời điểm này, Oanh bỗng dưng mắc nợ công ty số tiền…4,000USD gọi là tiền học phí và bị buộc ký hợp đồng làm việc trừ vào lương 2 tháng. Họ bảo sau thời gian này cô mới tự do, có quyền về nước hoặc ở lại làm tiếp tùy ý. Cũng như nhiều cô gái VN khác, hàng ngày Oanh phải làm việc từ 9 giờ sáng đến khuya, không được ăn mặc kín đáo mà chỉ một bộ đồng phục giống đồ lót đi quanh sòng bạc chào mời khách sử dụng các dịch vụ cộng thêm như massage, spa, ăn uống… Quá tủi nhục, Oanh đòi về nhưng công ty bảo muốn về phải trả ngay 5,000USD vì họ đã “mua lại” cô từ một người nào đó (?). Vì thương con, gia đình cô phải tìm cách chạy vạy và thương lượng nhiều lần mới được bên kia đồng ý giá 3,460 USD. Số tiền này phải gửi vào tài khoản của Oanh, sau khi “giao dịch thành công” cô mới được trở về VN vào cuối tháng 6/2022 vừa qua.

Nơi làm việc của người bị lừa qua Campuchia thường là các sòng bạc, dịch vụ massage, khách sạn…

Không riêng chị em phụ nữ sa bẫy, bọn lừa đảo còn nhắm vào cả đàn ông, thanh niên trai tráng mà trường hợp em Cường (20 tuổi, ngụ Châu Ðốc, An Giang) là ví dụ. Cha của Cường kể lại con trai ông được một phụ nữ tên Thi quen biết qua mạng Zalo rủ sang Campuchia làm kế toán trong một khách sạn với mức lương khoảng 25 triệu VNÐ/tháng. Nghe lời, Cường theo bà này đến khu phòng trọ gần bến xe Miền Ðông (Sài Gòn) mà ở đây có sẵn 4 chàng trai khác trạc tuổi. Hôm sau, có xe ôtô 7 chỗ tới chở Cường cùng những bạn kia lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Sau đó cả nhóm được xe ôm chở qua Campuchia bằng đường rừng mà không cần trình báo giấy tờ. Ðến nơi, nhóm Cường được đưa vào một ngôi nhà cao tầng, chung quanh có mấy chục bảo vệ toàn nói tiếng Tàu và tiếng Khơ-me, có trang bị súng ngắn, gậy và roi điện. Tiếp theo, Cường được giao việc là hàng ngày lên mạng lừa người khác chơi game, nạp tiền ảo trúng thưởng, với chỉ tiêu mỗi ngày phải lôi kéo được 25-30 khách “xuống tiền”. Nếu không đủ số sẽ tăng ca, bình quân mỗi ngày làm việc 15-16 tiếng đồng hồ, ai ngủ gật liền bị bảo vệ chửi mắng, tát tai, không cho ăn cơm!. Công việc quá áp lực nên Cường toan bỏ trốn nhưng bị bảo vệ bắt lại và giam trong phòng kín. Thông qua một bảo vệ tương đối dễ chịu, Cường liên lạc cầu cứu gia đình. Sau khi nghe tin, bố Cường phải bán xe máy, vay mượn nhiều nơi được 160 triệu VNÐ chuyển khoản qua chuộc con về!.

Một trong những nơi làm việc của người bị lừa qua Campuchia

Theo cảnh sát VN chỉ tính từ năm 2021 đến hết tháng 6/2022, VN đã tìm ra hơn 350 vụ buôn người, với gần 900 tội phạm, lừa bán khoảng 600 nạn nhân. Trong đó, hơn 70% số vụ buôn người qua Trung Quốc, 25% số vụ sang Campuchia, số còn lại là qua các nước khác. Những địa phương có người bị lừa bán qua Campuchia nổi bật là Ðồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai, Long An, Bến Tre, An Giang…Cảnh sát cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, họ đã phối hợp với phía Campuchia giải cứu hơn 250 người Việt bị lừa bán sang nước này cũng như xác định nhiều tên cầm đầu những vụ buôn người, đòi tiền chuộc… phần lớn là người Trung Quốc với sự tham gia, giúp sức của một số người Việt. Ðịa bàn hoạt động chánh của chúng là Bavet (Svay Rieng), Banteay Meanchey (Poipet), Sihanoukville (Preah Sihanoukville), Chrey Thom (Kandal) và thủ đô Phnom Penh. Hầu hết các trường hợp bị chiêu dụ qua Campuchia vẫn là cái bẫy “việc nhẹ, lương cao”.

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

…Bọn lừa đảo buôn người dù sớm hay muộn cũng sẽ trả giá trước pháp luật. Song nếu không có “cung” cũng chẳng có “cầu”, nghĩa là nếu không có những người mù quáng nghe lời ngon ngọt, đường mật của kẻ gian đã không có điều gì rắc rối xảy ra và đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai quá nhẹ dạ, cả tin. Nhất là với những gia đình nghèo khó, kể cả những bạn trẻ quá ham mê cuộc sống giàu sang nơi xứ người mà không biết rõ bản chất vấn đề cũng như vị trí của mình là nơi đâu trong xã hội!

Hai em Cường và Oanh (đánh dấu X) được giải cứu sau khi gia đình nộp tiền chuộc mạng

NS