Hồi mới đặt chân lên nước Úc, sau một thời gian cày sâu cuốc bẫm, tôi có đủ tiền đặt cọc, mua một chiếc xe Honda Civic mới cáu cạnh; về chạy đi làm chơi cho trong đêm đen, đời ‘cu li’ của tôi vẫn còn ‘tí ti’ le lói!

(Dĩ nhiên thằng bán xe trước khi bán trả góp đã ‘check’ hồ sơ về tài chánh của tôi rồi. Có mượn tiền ai rồi giựt chạy bao giờ chưa? Chớ nó đâu có đủ ngu mà giao trứng cho ác?)

Ngày đầu tiên chạy chiếc xe mới thì thằng Afghanistan chung sở hỏi tôi rằng: “Bộ chú mầy mới trúng mối bán ‘sì ke’ hả?”

(Theo cái suy nghĩ ngu như ‘bò tót’ của nó, bất cứ người Việt Nam nào mới đặt chưn lên nước Úc mà giàu, có đủ tiền mua xe mới là do bán ma túy mà ra cả).

Tôi bèn trả đũa: “Nói như chú mầy, hổng lẽ tao thấy mầy là dân Afghanistan thì tao nghĩ ngay bọn mầy đều là quân khủng bố ‘Taliban’ chuyên ôm bom tự sát giết đàn bà và con nít hết hay sao?”

Nó nín nhưng tôi biết cái đầu óc kỳ thị của nó, nó đâu có bỏ? Cái thái độ ganh ghét nhau vì sắc tộc, vì màu da đó, mà ta thường gọi là thói kỳ thị chủng tộc vẫn còn sống một cách nhởn nhơ cho dù luật pháp Úc nó cấm.

Tệ kỳ thị chủng tộc vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày không những tại nước Úc thôi; mà ngay cả trên đất Mỹ, thế giới tự do, cũng có nó!

o O o

‘Memorial Day’ (Ngày Chiến sĩ Trận Vong) năm nay là Thứ Hai, ngày 25, tháng Năm. Hàng triệu người Mỹ đã tạm quên đi nỗi sợ hãi con Coronavirus Vũ Hán để đổ xô ra những bãi biển tắm mát và nằm tênh hênh phơi nắng cho đã trong mùa Hè nực ơi là nực!

Các nhà bác học trên thế giới trước hay sau, mau hay chậm gì thì cũng chế ra được ‘vaccine’ và thuốc chữa bịnh do con Cúm Tàu Vũ Hán gây ra.

Nhưng có một cơn dịch chúng ta có thể không bao giờ tìm thấy được ‘vaccine’!: đó là nỗi nghi ngờ, e sợ đối với những người da đen trên đường phố!

o O o

Ai cũng biết Trời màu thiên thanh, lá mùa Xuân xanh mướt và lá mùa Thu vàng úa. Nghĩa là thế giới muôn màu. Nhưng tiếc thay có những kẻ mù màu, chỉ nhận ra được hai màu đen trắng như cái máy chụp hình thời Thomas Edison vậy.

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

Chính vì thế, mới có mấy cái chuyện kỳ thị chủng tộc vừa xảy ra đây:

Vụ thứ nhứt: Một người phụ nữ da trắng dẫn chó đi dạo trong Central Park, Manhattan, thành phố New York. Một người đàn ông da đen đang ngắm chim bay, yêu cầu cô hãy buộc dây cho thú cưng của mình; vì luật lệ của công viên nầy là vậy.

Cuộc tranh cãi giữa hai người nổ ra và cô ta gọi cảnh sát hãy đến ngay vì có một người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu đang đe dọa tánh mạng của mình và con chó.”

Vụ thứ hai: Hai người đàn ông da trắng đã bắn chết Ahmaud Arbery, một người đàn ông da đen 25 tuổi, tay không vũ khí, khi ông đang chạy bộ tập thể dục ở Georgia.

Vụ thứ ba: Một cảnh sát viên da trắng đã dùng đầu gối của mình để đè lên cổ một người da đen đang nằm dưới đất thở hổn hển, van xin: “Tôi không thể thở được!” Người đàn ông da đen sau đó đã chết.

o O o

Một giáo sư trường Ðại học Mỹ đã từng nói: “Là một người da đen, dềnh dàng, cao tới 6.3 feet (1m 92), trong mười năm qua, lúc tôi đi ra đường, nhất là vào ban đêm, luôn luôn có người nhìn tôi với ánh mắt đầy lo sợ!”

Ngạc nhiên thay nỗi sợ hãi những người đàn ông da đen không chỉ xuất phát từ người da trắng không thôi; mà thậm chí nhiều người Mỹ da đen cũng coi những người cùng màu da với mình là một mối đe dọa đương nhiên.

“Không có gì đau đớn hơn với tôi, một người da đen, ban đêm đi bộ xuống phố một mình và nghe tiếng chân ai bước lại gần là tôi nghĩ ngay đến một vụ cướp. Sau đó nhìn quanh quất, và may quá, đó là một người da trắng!”

o O o

Chắc bà con mình ai cũng biết có một chuyện đùa là: “Một đám người da trắng chạy xuống đồi là gì? Là một trận tuyết lở. Một đám người Mexico chạy xuống đồi là gì? Là một trận đất chuồi. Một đám người da đen chạy xuống đồi là gì? Là một lần vượt ngục!”

Cho dù tỷ lệ phạm tội trong cộng đồng người da đen, theo thống kê, có thể hơi cao hơn một chút so với các sắc dân khác. Nhưng đã sanh ra là người da đen, đâu phải ai ai cũng đều là tội phạm?

Xem thêm:   Cám ơn kỷ niệm nuôi em lớn

Những người da đen lương thiện, chí thú làm ăn, nuôi vợ, nuôi con ăn học. Sống tốt đời đẹp đạo! Ðến nhà thờ xem lễ vào mỗi sáng Chúa Nhật mà vẫn còn phải học cách sống với ánh mắt sợ hãi của sắc dân khác nhứt là của người da trắng đối với mình.

Ngay cả những cảnh sát viên da trắng, được đào tạo bài bản đàng hoàng, đôi khi cũng có thành kiến người da đen là mối đe dọa, phải dè chừng!

Ở thế kỷ 21 rồi, người Mỹ đã từng bầu cho Barack Obama, một người da màu, làm Tổng thống Hợp Chủng Quốc suốt hai nhiệm kỳ, 8 năm, mà sao cho tới năm 2020, người đàn ông da đen vẫn còn là nỗi sợ hãi của nhiều người?

Bảo Huân

o O o

Vấn đề đặt ra là: “Nỗi sợ hãi này từ đâu đến?” “Tại sao nó vẫn còn tồn tại một cách dai dẳng như một căn bệnh trầm kha không thuốc chữa?” “Và chúng ta cần phải làm gì để ngăn nó lại?”

Ðó là một câu hỏi mà những người đàn ông da đen trả lời theo nhiều cách khác nhau.

Có những người da đen nhạy bén, tránh rắc rối trước khi nó xảy ra, bằng cách tự nhủ với lòng mình là: “Không bao giờ đi quá gần phía sau lưng một người da trắng. Tốt hơn là nên băng qua đường, đi một mình, nhứt là vào ban đêm.”

Và nếu làm việc ở công ty, phải nhón chân khi đi qua chỗ đông người. Nói nho nhỏ vừa đủ nghe, đừng bao giờ vì tức giận mà to tiếng. Vì tức giận mà to tiếng nó sẽ gọi cảnh sát đến ngay; vì nó nghĩ bạn sẽ móc ra một con ‘chó lửa’ mà ‘bùm bùm’ cả đám!

Tế nhị như vậy không những để dập tắt nỗi sợ hãi của thiên hạ đối với cá nhân mình mà cũng để dập tắt nỗi sợ hãi của mình đối với thiên hạ.

Xem thêm:   Về Cà Mau

Cố gắng làm mọi thứ có thể được, để tránh trở thành một người da đen, có hình là nạn nhân, trên trang nhứt của một tờ báo hay trong ‘video clip’ lan truyền trên các trang mạng xã hội!

o O o

Cách trả lời thứ hai, khó làm hơn, cho tệ phân biệt chủng tộc, thành kiến với người da đen là hành động của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng cả đất nước Hoa Kỳ là Gordon Parks (1912-2006).

Gordon Parks là con út của một gia đình người Mỹ gốc Phi Châu làm công cho một nông trại ở  Fort Scott, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ có tới 15 đứa con.

Ông nói: “Tôi sanh ra là một đứa bé da đen và tất nhiên là tôi nghèo. Nhưng Mẹ tôi không bao giờ cho phép tôi phàn nàn về tệ nạn phân biệt chủng tộc mà tôi đang gánh chịu!”

Tôi có thể dễ dàng thủ một con dao hoặc lận lưng một khẩu súng, giống như nhiều người bạn thời thơ ấu của tôi đã làm. Hầu hết trong số họ đã bị giết hoặc bị tống vào tù … Tôi không chọn đi theo cách đó.

Tôi đã chọn một chiếc máy chụp hình mà tôi đã mua nó ở thủ phủ Seattle, tiểu bang Washington với giá bảy đô la và năm mươi xu. Chiếc máy chụp hình đó là vũ khí để tôi chống lại những thứ tôi căm ghét nhất trần đời là: tệ phân biệt chủng tộc, đầu óc hẹp hòi và sự nghèo đói.

Những tấm ảnh của tôi để nói thay cho những người không thể tự cất lên tiếng nói phản kháng bất công còn tồn đọng trong xã hội Hoa Kỳ.

Sanh ra là một người da đen không có nghĩa là đã mang sẵn bản án tử hình! Tôi đã bị kỳ thị bởi màu da đen, nhưng tôi không cho phép tệ phân biệt chủng tộc xấu xa nầy cướp mất sự tự do của tôi.

Tôi vẫn tin rằng còn có một giải pháp nữa là sự giáo dục về nhân quyền, về công bằng và bác ái cho thế hệ mai sau! Rồi các sắc dân sống chung đụng cùng nhau, sẽ hiểu nhau hơn để tệ phân biệt chủng tộc dần nhạt phai đi!

ĐXT