Mùa Ðông Bethlehem, chiều bủa lối, tối dâng lên, trời lạnh cắt da, Joseph đưa Mary vào thuê phòng trọ nhưng các chủ nhà trọ đều từ chối.

Cuối cùng, Joseph đưa Mary nghỉ qua đêm trong một cái hang đá giữa cánh đồng cùng với mục đồng, bò, lừa, chiên, dê. Và đêm đó, Chúa Cứu Thế, đã Giáng sinh, nằm trong hang đá nơi máng lừa.

Từ cảm hứng đó, linh mục Joseph Mohr, ở một thị trấn nhỏ Oberndorf bei Salzburg, nước Áo, năm 1816, làm bài thơ bằng tiếng Ðức “Stille Nacht” (Silent Night).

Rồi đêm trước Giáng sinh, Mohr đã mang những lời thơ nầy nhờ nhạc sĩ Franz Xaver Gruber sáng tác một giai điệu đàn ‘guitar’; vì cây Phong cầm (Harmonium) duy nhất của nhà thờ đã bị hư.

Bài thánh ca ‘Stille Nacht’  lời bằng tiếng Ðức, được trình diễn lần đầu tiên trong Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh, vào khuya 24, rạng sáng ngày 25, tháng Chạp, năm 1818 tại nhà thờ Thánh Nicola-Kirche vùng Oberndorf của nước Áo.

o O o

Huyền diệu thay, bài thánh ca ‘Stille Nacht’ đã góp phần tạo ra một cuộc hưu chiến huyền thoại, dù ngắn ngủi, giữa những người lính Mỹ và lính Ðức vào đêm Giáng sinh 24, tháng Chạp, năm 1944.

Mùa Giáng sinh năm ấy trời thật lạnh, tuyết phủ rơi quá gối, phủ ngập các lối mòn trong cánh rừng thông. Hai người lính Mỹ dìu một đồng đội, chân bị thương, máu hồng từng giọt nhỏ trên nền tuyết trắng! Họ lầm lũi đi trong rừng để lẩn tránh quân thù đã 3 ngày đêm; vì lạc lối về đơn vị.

Ðêm Giáng Sinh xa nhà, ở một nơi xa lạ, đầy ắp nỗi lo âu và sợ hãi. Rồi trong màn đêm, họ chợt thấy một ánh lửa nhỏ nhoi cuối bìa rừng.

Trong ‘cabin’ bằng gỗ đó, có 2 mẹ con, đứa bé trai mới lên 12 tuổi, tên là Fritz và người mẹ tên là Elisabeth Vincken.

Gia đình họ ở thành phố Aschen, phía Tây nước Ðức sát biên giới Bỉ và Hòa Lan. Khi phi cơ Ðồng Minh thả bom dữ dội, họ phải về trú tạm trong cái ‘cabin’ dành cho săn bắn vào mùa Ðông ở bìa rừng Hurtgen, gần biên giới nước Bỉ.

Có tiếng gõ cửa, cậu bé Fritz vui mừng vì nghĩ rằng cha mình về kịp lễ Giáng Sinh. Bà Elisabeth cẩn thận thổi tắt ngọn nến và mở cửa. Trong ánh sáng mờ mờ, bật lên giữa thảm tuyết trắng là 2 người lính Mỹ quân phục nhàu nát, phủ đầy khói thuốc súng, ướt đẫm trong tuyết và phía sau lưng họ là một người thứ ba nằm trên mặt tuyết.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Và bà cất giọng bằng tiếng Ðức, họ lúng túng trả lời bằng tiếng Anh! Sau đó qua là tiếng Pháp vụng về chắp nối; bà cho 3 người lính Mỹ vào nhà, khi nhìn thấy tình trạng của người lính bị thương.

Trà nóng được mang ra, bà mẹ sai cậu bé lấy 6 củ khoai tây và con gà đã được nướng xong để đãi ba người khách không mời mà tới.

Bất ngờ có tiếng gõ cửa. Thoáng nghe tiếng Ðức, bà mẹ lo sợ, khuôn mặt tái đi, vì sẽ bị tử hình nếu che giấu và giúp đỡ kẻ thù.

Những người lính Ðức nầy cũng run rẩy vì đói lạnh, chúc mừng Giáng Sinh và xin Bà cho vào nhà để trốn rét.

Bà mẹ bảo rằng họ có thể vào và ăn lễ Giáng Sinh với bà, nhưng trong nhà hiện có vài người được xem là thù địch. Các người lính Ðức thay đổi thái độ ngay, tay đặt lên cò súng.

Bà mẹ nhìn thẳng vào mắt viên Thượng sĩ Ðức và nói: “Es ist Heiligabend und hier wird nicht geschossen.”  (Ðêm nay là Ðêm Thánh, sẽ không có nổ súng tại nơi nầy!) Nếu muốn được vào nhà, các ông phải bỏ súng ở ngoài!

Khi vào được bên trong, những người lính Ðức đứng trân trân nhìn bà mẹ Ðức buộc 2 người lính Mỹ buông súng xuống và cất tất cả súng phải xếp vào một góc phòng.

Căng thẳng vì nghi kỵ nhau phút đầu; nhưng rồi ánh lửa ấm áp từ lò bếp, từ ngọn nến, từ thức ăn mừng Giáng Sinh được dọn ra, làm nỗi căm thù của hai bên đối địch lắng xuống và họ ngồi đối diện nhau quanh một chiếc bàn gỗ.

Một trong 4 người lính Ðức, là sinh viên trường Y trước khi nhập ngũ, xem xét vết thương cho người lính Mỹ. Vết thương không nhiễm trùng nhờ Trời giá lạnh nhưng mất máu nhiều nên người lính nầy cần phải ăn và cần phải nghỉ ngơi.

Bữa tiệc Giáng sinh bắt đầu khi người lính Ðức khui chai rượu mạnh của mình.

Một người lính Mỹ bóc gói thuốc Lucky Strike ra, chia đều cho mỗi người một điếu.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Khi bà mẹ cúi đầu cầu nguyện, cám ơn Thượng Ðế, trước khi vào tiệc Giáng Sinh thì tất cả các người lính của hai phe đều nước mắt lưng tròng.

Ðúng nửa đêm, họ cùng bước ra ngoài ‘cabin’ nhìn lên bầu trời. Các vì sao lấp lánh trên đầu bìa rừng; như ‘ngôi sao Bethlehem’ đã dẫn đường cho Ba Vua tới hang đá nơi Chúa Giáng Sinh! Trong lòng họ tràn ngập một “Ðêm Thánh vô cùng”.

Sáng ngày mai, người lính Ðức đã cho những người lính Mỹ một địa bàn, chỉ vào điểm đứng trên bản đồ để hướng dẫn những người lính Mỹ biết lối mà tìm về đơn vị. Những người lính thuộc hai phe thù địch đã bắt tay nhau và chia làm 2 hướng. Từ xa xa, âm vọng ì ầm của đạn pháo lại dội về.
Sống sót sau cuộc chiến, cậu bé Fritz ngày ấy, gần 58 năm sau đêm Giáng Sinh ngày đó, đã kể lại câu chuyện mà ít ai tin! Như phép lạ của mùa Giáng Sinh năm 1944.

o O o

Tiếc thay trong cuộc chiến Việt Nam, khi CS quân Bắc Việt xua quân xâm chiếm Miền Nam, theo nhà văn John Steinbeck (l902-l968), giải Nobel văn chương năm 1962, về phía CS Bắc Việt, chỉ có căm thù; chớ không hề có được một câu chuyện nào đầy ắp tình người như người Ðức, lính Ðức đối xử với người lính Mỹ sa cơ, là kẻ thù của mình như thế!

John Steinbeck rời Hoa Kỳ đi Việt Nam suốt 3 tháng trước lễ Giáng Sinh năm 1967 qua khỏi Tết Dương lịch, để chứng kiến tận mắt cuộc chiến Việt Nam đang hồi ác liệt.

Là phóng viên chiến trường, John Steinbeck đã viết hàng chục lá thư, ghi lại những cảm nhận của ông về cuộc chiến, gởi về cho tạp chí Newsday do bà Alicia Patterson, vợ của một người bạn thân quá cố, đang làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

John Steinbeck đã từng nói cuộc chiến tranh Việt Nam khác hẳn với tất cả cuộc chiến tranh quy ước khác. Nó không có mặt trận, không có hậu phương, không có phía trước và cũng không có phía sau…

Có hứa hẹn hưu chiến lễ Giáng Sinh, nhưng không có ngừng bắn! Hàng trăm vụ vi phạm hưu chiến đều do CS Bắc Việt và VC ở Miền Nam gây ra!

o O o

Trong bức thơ từ Cần Thơ, vào ngày 21, tháng Giêng, năm 1967, tức ngày 11 tháng Chạp, năm Bính Ngọ, còn 19 ngày nữa mới tới Ðinh Mùi của người Việt chúng ta! John Steinbeck đã viết cho Alicia là: “Sau cuộc tuần tra bình an vô sự trên một dòng sông giữa đôi bờ tĩnh lặng và những vì sao nhấp nháy bởi bầu trời đẫm những hơi sương. Chúng tôi về bến chưa tới 9 giờ đêm. Một phần trong chiến dịch tên Game Warden đặt căn cứ tại Cần Thơ, thành phố lớn nhất vùng châu thổ.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Ở Cần Thơ, có vài nhà hàng nhỏ, nơi người Việt dẫn con cái đi ăn, chuyện trò với nhau bằng tiếng Việt, âm vang như đang hát. Nơi đó đèn không đủ sáng. Vì thiếu điện, phải cần thêm những ánh đèn dầu chập chờn, leo lét.

Khoảng 10 giờ tối, hai thanh niên đang lảng vảng, chợt dừng lại trước cửa nhà hàng đang đông thực khách, bất ngờ ném hai trái lựu đạn xuyên qua khung cửa mở.

Một trái lép. Trái còn lại nổ tung và miểng xé nát thân thể người lớn lẫn trẻ con. Không có bất cứ người lính nào lúc đó trong nhà hàng kể cả Mỹ hay Việt.

Một viên đại úy Mỹ chạy vào và bế ra một em gái nhỏ khoảng chừng 7 tuổi. Khi đưa tới bịnh viện, anh ấy khóc nức nở vì em đã chết rồi!”

Có ai tin rằng VC, những kẻ đã nỡ nhẫn tâm làm như thế với chính đồng bào mình lại có thể vì dân, vì nước khi chúng chiếm được chính quyền. Tôi không tin.

John Steinbeck là một nhà tiên tri của thời đại! Thảm sát Tết Mậu Thân sau đó chỉ một năm và những biến cố xảy ra sau năm 1975, khi CS chiếm được chánh quyền đã chứng tỏ John Steinbeck biết trước và biết chính xác đến dường nào!

o O o

Gần 45 năm, ngày mất miền Nam, phải làm thân viễn xứ, tôi xin bắt chước nhà thơ Cao Tần ở Hoa Kỳ mà tin rằng: “Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa. Ông anh hùng ông cứu được quê hương. Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo. Lùa cả nước vào học tập yêu thương!”

‘Silent Night!’ Ðêm tĩnh lặng, đêm bình yên, đêm không căm thù, không tiếng súng. Ðêm Thánh vô cùng! Ðêm rao giảng yêu thương ắt sẽ thành hiện thực trên quê mình!

ĐXT

Melbourne