Nhớ: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam”. Khoảng năm 1950, ông Trần Viết Long, đoàn Kim Chung ở Hà Nội làm bộ phim Kiếp Hoa. Bài hát “Làng Tôi” của Chung Quân đã được chọn làm bản nhạc nền.

Người Bắc trồng cây đa ở đầu làng, chợ, giữa cánh đồng, ở sân đình, chùa, bến đò. Khi phải vượt Trường Sơn vào xâm lược Miền Nam, nhớ cây đa đầu làng cao vút trời xanh, là điểm chuẩn để ‘thằng cu’ tưởng ‘sinh Bắc; tử Nam’ may còn sống sót nhắm hướng để trở về nơi mẹ và bu nó đang mong ngóng.

Ngoài ra, còn có ‘cây đa, cây đề’ trong giới văn học thời CS. Các nhà văn lớp hậu sinh của Bắc Kỳ có ý xỏ xiên ‘lão ấy’ (như Tố Hữu, Huy Cận, Thanh Tịnh… là bọn ‘sống lâu lên lão làng’, sáng tác nhàn nhạt như nước sirop, cà lăm ý cũ. Chỉ làm Thượng sĩ già vậy thôi!

Ngoài ra còn có câu: “Cậy thần phải nể cây đa”. Muốn đút lót Huyện Trìa là phải qua Thầy Đề. Trong tuồng Nghêu, sò, ốc, hến, ta thấy cái hủ tục đó.

Sài Gòn không có cây đa; chỉ có cây da.

Cây da trong Vườn Ông Thượng (quan lớn). “Dinh quan Thượng” là Nha Nội Vụ (Le Directeur de l’intérieur). Gia Định Báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta: “Ai muốn mua thì tới dinh quan Thượng lại tại Sài Gòn cho người ta biên tên, mua trót năm thì giá 20 francs mua 6 tháng thì 10 francs, mà mua 3 tháng thì 5 francs”.

Cây da trong Vườn Bờ Rô (préau tiếng Pháp nghĩa là “sân lót gạch giữa vườn)

Cây đa đầu làng 

Vườn Bờ Rô, thời CS là Công viên Tao Đàn, khoảng 10 mẫu tây, rộng nhứt cái đất Sài Gòn. Chu vi của nó là đường: Chasseloup Laubat thời Pháp, đường Hồng Thập Tự thời VNCH, Nguyễn Thị Minh Khai, thời CS. Đường Miss Clavell, thời Pháp. Huyền Trân Công Chúa. Tabert thời Pháp Nguyễn Du. Đường Verdun thời Pháp, thời VNCH Lê Văn Duyệt và Cách Mạng Tháng Tám thời CS.

Xem thêm:   Cưới vợ

Cây da trong Thảo Cầm Viên Blanchard de la Brosse, còn gọi là Sở Thú, số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sài Gòn còn có cây da nổi tiếng trước Dinh Gia Long (vì nó nằm trên đường Gia Long). Thời Pháp, nó được gọi là Palais de l’Inspection (Dinh Thanh tra) và sau đó là Palais de l’Indochine (Dinh Đông Dương). Giờ CS lấy Dinh Gia Long làm Bảo tàng Thành phố. Chúng bỏ tên đường Gia Long mà thay bằng đường Lý Tự Trọng. (Lý Tự Trọng (1914-1931) sinh tại Hà Tĩnh. Tháng 11 năm 1930, Lý Tự Trọng bắn chết một viên mật thám, Pháp xử tử hình Lý Tự Trọng khi mới 17 tuổi vào ngày 21 tháng 11 năm 1931)

Vì cây cao bóng cả, vẻ uy nghiêm, cây da thường trồng ở nơi thờ phượng. Vào năm 1744, Lý Thoại Long, người Minh Hương, đã xây một cái am trên gò vắng có trồng một cây da. Ngày nay là Chùa Giác Lâm hay Tổ Đình Giác Lâm của phái Thiền Lâm Tế Tông số 565 đường Lạc Long Quân thuộc Phường10, Quận Tân Bình.

Khuôn viên Nhà thờ Đức Bà (Cathédrale Notre-Dame de Saïgon) có nhiều cây da lớn. Thời Việt Nam Cộng Hòa, là Công trường Hòa Bình; rồi đổi thành Công trường John F. Kennedy tưởng niệm Tổng thống Hoa Kỳ bị bắn chết ngày 22 tháng 11 năm 1963. Sau tháng Tư, năm 1975, CS đổi lại là Quảng trường Công xã Paris. Trong tiếng Việt, công trường thường được dùng để chỉ những khu vực rộng lớn, tụ tập cho lễ lạt lớn. Công trường hồi chiến tranh, mật danh Công Trường 7, CS lại chỉ sư đoàn 7 quân CS. Nghĩa là chúng xài chữ ‘Công trường’ lung tung, bà con không biết đâu mà rờ?.

Xem thêm:   Bò!

Tàn rộng che mưa đụt nắng, cây da trong sân rộng 1000 m2 của Đình Nam Chơn số 29 Trần Quang Khải, Tân Định, Quận Nhứt.

Cây da cổ thụ trước Dinh Gia Long – nguồn kienthuc.net

Với tàn rộng giúp che mưa, đụt nắng, cây da cũng là nơi họp chợ. Sách Gia Định thành thông chí (1820), Trịnh Hoài Đức ghi chép về Chợ Cây Da (Khung Dung thị): “Phía nam trấn, dưới chân thành về phía hữu có cây da nhánh rễ rằng ni, bóng lá xum xuê nửa mẫu, người buôn bán nhóm chợ dưới bóng cây. Lúc đầu canh tư người ta đã đi chợ đèn đuốc sáng trưng kẻ đội người gánh những đưa bí rau cải đến nhóm tại đầu chợ phía tây, có người mua sỉ ngồi bán lại; đến sáng đầu chợ phía đông cá thịt và vật hàng mới bày bán”

Tập Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, ấn bản 1885): “Trên khoảng Khám đường (nay là Tòa án mới, xưa có ngôi chợ gọi là chợ Cây Da Còm (còm cõi). Gần ngã tư đường Bà Hom, quận Sáu có cây da rất lớn; vùng đất đó bà con mình gọi là Cây Da Sà (cây sà xuống). Chợ Cây Da Bà Bầu (Quận Mười) gần nhà nhạc sĩ Trường Kỳ (1946-2009). Chợ Cây Da Thằng Mọi thời Đức Tả quân Lê Văn Duyệt; giờ ở góc đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh, Quận Nhứt. Chợ này có bán chưn đèn bằng đất nung, nặn hình thằng mọi, đội đèn trên đầu, trong đó đặt một cái tim bấc thấm ngập dầu phộng hay dầu dừa.

Xem thêm:   Alain Delon

Xã An Mỹ, quận Kế Sách (nơi tui một thời dạy giáo) tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) cũng có cây da ở ngã ba sông, là bến nước, đò Kế Sách ghé vô rước em ra chợ quận thăm anh ngày cũ

Quê người, tui nhớ: Vườn hoa Lạc Hồng, gần nhà hàng Cửu Long, cuối đại lộ Gia Long, tỉnh lỵ Mỹ Tho, một chiều giông gió năm 1969, cây da đà trốc gốc ngã làm chết người đụt mưa dưới tàn cây của nó.

Tui nhớ cái đất Sài Gòn, với câu hát ru: “Cây da Chợ Đũi nay nó trụi lủi, trốc gốc, mất tàn. Tình xưa còn đó, ngỡ ngàng nan phân” Rồi: “Cây da trước miễu? Ai biểu cây da tàn? Bao nhiêu lá rụng; em thương chàng bấy nhiêu! Cây da trốc gốc trôi rồi. Em xa người nghĩa đứng ngồi không yên.”

Ối em ơi! Anh giờ như cây da đà trốc gốc. Trôi rồi ra biển tuổi xuân anh. Cái thời tuổi trẻ anh yêu dấu, Đã chết lâu rồi bởi chiến tranh.”  “Đại mộc lưu giang, bất đắc hồi cố”. Cây lớn trôi sông, chẳng đặng về chỗ cũ. Xin em đừng đợi nữa em ơi!

ĐXT