Trở lại Sài Gòn sau hai tuần rong ruổi vài tỉnh miền Trung, tôi và bạn có được năm ngày nghỉ ngơi, và xếp dọn những hình ảnh đã trải qua, để chuẩn bị cho cuộc hành trình kế tiếp: xuôi Nam.

Những chuyện không mấy vui trong hai tuần vừa qua được tôi dìm xuống tâm tư, chờ thẩm thấu vào đáy sâu quên lãng. Tôi không còn bồng bột để đôi co, sân si hay trách cứ, dẫu đôi khi phải nghe những lời nói không êm tai, và chứng kiến những cảnh tượng không đẹp mắt. “Chén trong sóng còn khua”, huống gì…

Thời tiết Sài Gòn vẫn vậy. Những chiều tháng Năm thường mưa rơi. Không còn bị trói buộc vào giờ giấc những thường nhật khách sạn, tôi và bạn rong chơi đây đó trong thành phố đầy tiếng động và giải quyết vài chuyện cần thiết. Tôi đi giao quà cho vài người bạn nhờ tôi mang về. Trong dịp này, tôi quen được một anh giáo sư đại học sinh lý hóa. Anh nhỏ hơn tôi vài tuổi, gốc người miền Tây, nói chuyện thân thiện, dễ mến. Anh đi xe gắn máy, đi dép da, ăn mặc xuề xòa, nói năng bộc trực. Anh là người quản lý cho chương trình từ thiện, di sản của một bà giáo sư đã qua đời, nhằm giúp đỡ những sinh viên nghèo, hiếu học. Một người bạn của tôi nhờ tôi đem về một món tiền sung vào quỹ từ thiện.

Tôi có cách giúp của riêng tôi, giới hạn trong khả năng tài chính của mình. Mua vài cái bánh chuối chiên giúp một em nhỏ rụt rè mời chào trong quán ăn. Mua trọn mớ khoai luộc sót lại buồn bã trên mẹt mây của bà cụ ngồi rúm ró ven đường. Rút vội vài tấm vé số từ tay một cụ ông tàn tật, hẳn là thương phế binh thời cộng hòa. Dúi vào tay người tài xế tờ giấy bạc khi xe  tới bến, chỉ vì bất chợt nghe anh huýt sáo khẽ khàng, nhịp nhàng đúng điệu một ca khúc quen tai trước một chín bảy lăm, khi xe khách lăn bánh vào ngoại ô Sài Gòn, vừa lúc mái trời ứa màu hoàng hôn, những tòa cao ốc thắp đèn lấp lánh, như một khúc hoan ca đón mừng người trở lại…

Dọc đường xuôi Nam. 

-oOo-

Chiếc xe đón tôi và bạn cùng gia đình các cháu và bè bạn về nhà anh chị tôi ở Cầu Kè, Trà Vinh khởi hành vào đầu trưa Thứ Sáu. Tới nơi lúc trời đã phai nắng.

Ngôi nhà nằm ven một hương lộ giao thông vắng vẻ. Nhà này cách nhà kia một doi đất rộng hay một con rạch ốm. Tôi đã tới đây một lần vào dịp ăn mừng tân gia cách đây hơn thập niên. Ngôi nhà khang trang, có khu vườn sau trồng rau và cây trái, một ao nhỏ nuôi cá có cầu tre bắc ngang, một nhà mát lợp lá, cột kèo lan can ghế bàn bằng tre đánh vẹc-ni sáng bóng. Từ đó tôi có thể phóng mắt trông ra trùng trùng ruộng nước phía sau, dẫn về những làng quê xa xôi, biết đâu chừng vẫn chưa có tên gọi. Nơi đó, những chiều mùa mưa, nắng chưa tắt hẳn, nhưng mây mù từ đâu kéo về giăng kín. Từng đàn én đồng chao liệng ngoạn mục trên ruộng mạ mênh mông. Ở chốn này, không phải chuồn chuồn, mà là  “én đồng bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Hồi ức tôi bất giác vọng vang âm thanh những ngày hè Ðà Lạt mùa thơ ấu. Mỗi sáng sớm, tỉnh giấc sau giấc ngủ đầy cạnh cha tôi và người anh kế, tôi lại nghe bầy én núi làm tổ dưới mái ngói ríu rít tưng bừng đón bình minh. Nhìn ra khung cửa, ánh sáng lem luốc sương mai, báo hiệu một ngày nắng đẹp.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Ngôi nhà, vườn cây cỏ, ao nước nuôi cá kiểng nơi đây, mỗi năm, chỉ rộn rã đôi lần, mỗi khi anh chị tôi về thăm. Những tháng còn lại là chuỗi ngày chờ đợi lặng lẽ. Như một pho sách cổ, gạch ngói và cỏ cây lặng lẽ chờ ngày bắt được hơi ấm bàn tay người, lần mở từng trang chữ.

Tối hôm ấy, anh chị tôi tổ chức một bữa tiệc mừng ngày sum họp sau hai năm vắng mặt vì đại dịch. Tiệc sáu bàn, mỗi bàn từ tám tới mười người. Cũng như trong lần ăn mừng tân gia, lần này cũng có một dàn nhạc tới đàn hát giúp vui. Thức ăn ngon miệng, bia rượu, chuyện trò vui vầy, và nhất là tránh được muỗi, nhờ thoa thuốc chống muỗi và nhang đốt trừ muỗi đặt dưới mỗi bàn.

Sau vài lon, men bia mềm giọng, tôi lên bục hát. Lại “Tiễn Em”, như lần đầu tiên tôi tới phòng trà hát với nhau ở Sài Gòn. Vẻ mặt cậu nhạc công thoáng nét ngơ ngác. Ca khúc này, dường như chưa có ai hát trước đó. Tôi ướm giọng cho cậu bắt tông, rồi nghe tiếng hát mình vang vọng đêm thôn trang. Tại một nơi xa phố thị, nắng mưa dãi dầu hiu quạnh, tôi hỏi mượn cố nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Cung Trầm Tưởng những hình ảnh một địa danh xa xôi. Tôi phấn chấn trong cơn dật lạc cùng những cung giai chia tay rã rượi. Với những “mùa đông Paris”, “tuyết rơi phủ con tàu”, “ga Lyon đèn vàng”, “em người xóm học”, … Với giai điệu rưng rưng chắp vá từng mảnh đời tha hương tôi bấy lâu, và giọng mình chất ngất hơi men, gượng vui trời ký ức. “Tiễn Em” đêm ấy giúp tôi kiếm được gần trăm ngàn tiền típ của khách giấu trong nụ hoa nhựa trao tôi tặng cho nhạc công. Vui.

Qua một đêm trải chiếu, đắp mền, nằm ngủ bừa bãi trên sàn nhà, thức dậy làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng xong, chúng tôi tụ họp ngoài sân cỏ, chơi thảy banh (boule) treo tiền thưởng của anh chị tôi. Có sáu đội, mỗi đội bốn người. Ðội số sáu có tôi, người bạn đồng hành, anh tài xế và cậu nhỏ, con chủ quán cà-phê hàng xóm. Mím môi, nhíu mắt tạo dáng, ném tới ném lui đủ trò, có trọng tài đo đạc áng chừng và la hét cổ võ, cũng như than phiền khiếu nại không kết quả, cuối cùng đội số sáu chúng tôi chiến thắng vẻ vang, lãnh hai triệu Việt Nam đồng, chia đều cho mỗi người năm trăm ngàn. Xong một ngày vui khác. Sau lần thắng giải Bài Chòi ở Hội An, lần này đội tôi lại thắng. Ðúng là, oánh đâu thắng đó. Có oánh là có thắng! Hên dễ sợ!

Trong vườn sau nhà anh chị ở Cầu Kè, Trà Vinh.

-oOo-

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Trong tiểu thuyết “Yêu”của nhà văn Chu Tử ấn hành năm một chín sáu ba hư cấu chuyện tình giữa Diễm và chú Ðạt, bạn của bố Diễm, có đoạn như sau:

“Ðạt mãi nghe chuyện Hội, nên Ao Bà Om hiện ra trước mắt chàng lúc nào, chàng cũng không rõ. Xe của Ðạt dừng bánh thì Diễm cũng vừa tới:

– Ðẹp quá nhỉ!

Diễm đứng sững ngắm cảnh u nhã của Ao Bà Om. Ao rộng lớn, nước rờn xanh, có trồng sen ở giữa. Xung quanh có những cây cao lớn, thân cây thẳng tuốt, rễ cây ngổn ngang, lan tràn mặt đất, như những con rắn khổng lồ khắp đó đây. Xe hơi có thể lượn vòng quanh ao, dưới những lùm cây…”

Thắng cảnh Ao Bà Om tôi thấy trưa đó là một hồ nước rộng hình chữ nhật, súng mọc tràn lan, vắng lặng như đang chìm trong cơn mê thiếp. Một hàng cổ thụ quanh bờ, tán lá rậm rì, rễ già gân guốc, vạm vỡ cuộn vồng trên đất.

Thành phố Trà Vinh có những con đường cây che bóng mát, những quần thể chùa chiền, kiến trúc tinh vi, lộng lẫy theo văn hóa Khờ-me, và nhiều thắng cảnh khác nữa mà tôi chỉ nghe danh, nhưng chưa được tận mắt chiêm ngưỡng.

Trong 5 ngày ngắn ngủi tại Trà Vinh, chúng tôi dành trọn một ngày đi Vĩnh Long thăm người chị bạn dì.

Chị Ba là con gái duy nhất trong bốn người con. Thuở nhỏ, chúng tôi quen miệng gọi chị là chị Lùn, mặc dù chị không lùn chút nào, mà cao xông xổng so với vóc dáng phụ nữ Việt Nam. Chị được ba má tôi đem lên Sài Gòn phụ việc nhà. Từ nhỏ, tôi quen ngủ chung với dì, sau đó với chị trong gian phòng nhà sau, chỗ có bàn thờ Phật hiu hắt ánh điện đỏ, bên khung cửa luôn mở rộng cho mát, nhìn ra cây mận chua đơm trái sum suê quanh năm. Chị là người đưa đón tôi mỗi ngày thời tiểu học. Vui xiết bao, khi tan trường, tôi được chị đón về, trước đó tạt ngang chợ mua trái cây về cho nhà ăn tráng miệng, và thỉnh thoảng sà xuống cạnh bà bán ảnh nghệ sĩ đen trắng, rìa răng cưa, có tấm thuốc rửa nâu xỉn, tô sửa vụng về, bày bừa trên tấm chăn trải sàn chợ lót xi-măng. Chị thường lựa mua ảnh kỳ nữ Kim Cương, tài tử Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Túy Phượng, Bạch Yến mặc áo dài, nịt ngực hình tháp hẩy hẩy nhọn hoắtnhư hai cái bánh ít, và những nghệ sĩ có gương mặt “ăn ảnh”. Ðem về, chị dán ảnh trong một tập bìa cứng. Chị học ít, chữ xấu, nên thường nhờ chị tôi lấy thước đo đạc, nắn nót kẻ nghệ danh lên tập ảnh. Rỗi rảnh, chị và các chị tôi đem tập ảnh nghệ sĩ cá nhân ra. Ngắm nghía. So đo. Bình phẩm. Ðôi khi tranh cãi ồn ào. Cô này đẹp hơn cô kia. Tấm này đẹp, tấm kia xấu hoắc, vậy cũng mua …. Xí!!! Tôi chen ngồi giữa các chị, xoe mắt, dỏng tai mê mẩn, uống từng lời lẽ xuống tâm thức.

Bên ao Bà Om, Trà Vinh

Chị Ba tôi thuở nào, giờ đây là một góa phụ sầu héo, sau cái chết của anh Ba vài tháng trước. Cảnh nhà trong ý thức tôi trong lần ghé thăm thập niên trước, là nơi họp mặt sum vầy, rộn ràng tiếng cười nói, bếp lửa reo vui chái nhà sau. Bầy gà chọi lẫm liệt trong bội kẽm mắt cáo, lũ gà vườn xôn xao trong sân rào. Một con gà giò phận số không may, bị bắt vặt lông cho vô nồi, xé phay nấu cháo… Bây giờ, chỉ còn là những hoài niệm không người vuốt mặt.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Tôi lên nhà trên, thắp nhang cắm bàn thờ anh Ba, tần ngần giây lát trong không gian lạnh hơi người. Hiên nhà quạnh quẽ ghế bàn. Chái bếp ngoảnh mặt tro than. Chỉ còn lại tiếng chân người tới lui trên sàn gạch tàu, rón rén như sợ khơi thức những bóng hình chưa nguôi ấm.

Chị Ba theo chân chúng tôi ra thị xã Vĩnh Long, ghé nơi này nơi nọ, chiều trở về. Xe vừa lăn bánh, tôi quay mặt, thấy chị đứng quyến luyến trước cửa nhà, ngó theo. Khuôn mặt chị gấp lại những ngậm ngùi. Tôi thấy chị giơ tay dụi mắt.

Em tài xế lớn giọng, nói vói lại:

“Má Ba không khóc nhe!… Không được khóc đó!…”

Tôi cũng tự nhủ lòng mình. Không khóc, không được khóc nhe! Mà sao nước mắt ứa đầy khóe từ khi nào không rõ.

-oOo-

Trong tập truyện “Hòn Còng Lửa” có truyện ngắn “Mưa Phấn” tôi đã  tiểu thuyết hoá chị Ba thành nhân vật chị Tam. Truyện được tôi kết thúc như sau:

“Em đang sửa soạn cho chuyến du học. Xa, xa lắm. Xong, em về. Nhưng không biết sau bao nhiêu năm. Hy vọng lúc đó, quê hương mình đã yên bình, em sẽ về đây thăm chị. Ðể thấy lại mùa nắng nứt đất, mùa mưa nước lụt lênh láng. Ðể ngnhe lại tiếng tù và khắc khoải của chiếc ghe thương hồ lờ lững trên sông. Ðể em nhỏ lại, thấy mình hóa thân thành cánh bướm xập xòe rắc mưa lên vườn ngoại. Chị ơi, cơn mưa phấn ấu thời…”()

Trong chùa Âng, Trà Vinh.

NND

(Về Giữa Mùa Mưa – Phần 5 )