Ba ngày ở Ðà Nẵng đã ghi dấu trong tâm tưởng tôi nhiều ấn tượng đậm nét: Ðêm đi Hội An tham dự lễ hội Hoa Ðăng, lần đầu tiên chơi và thắng giải Bài Chòi, viếng thăm núi đá Ngũ Hành Sơn, du ngoạn bán đảo Sơn Trà, tắm trưa biển Mỹ Khê … Nhưng rõ rệt nhất là chuyện tôi không còn thấy bóng dáng từng nhóm du khách Trung Quốc xí xô xí xào trên đường phố. Nhớ lại lần đầu tiên tới đây, tối nọ chúng tôi ghé lại một sòng bài cao cấp nằm ven bãi Mỹ Khê. Tòa nhà thắp đèn sáng trưng trong ngoài, tọa lạc trong một khu đất rộng, có vườn cây cỏ cắt tỉa tươm tất, một bãi đậu xe ngăn nắp và tiếp viên mặc đồng phục chào đón nơi cửa ra vào. Vào trong mới hay, họ chỉ tiếp đãi du khách. Bên trong, quanh bàn chơi black jack khách xí xô ngôn ngữ Trung Quốc. Trong phòng chơi máy điện tử, những người với vẻ mặt, dáng dấp, không phải “dân mình”, ngồi lầm lì trước dàn máy nhấp nháy ánh sáng, âm thanh máy móc rộn rã, và tiếng giơ-tông lào rào reo vui xuống rãnh thép. Không dưng cảm giác bực bội, xen lẫn bất mãn, trong tôi dấy lên… Xốn xang không nguôi.

Trở lại Ðà Nẵng lần này, tôi chẳng còn thấy, không còn nghe bất kỳ ngôn ngữ lạ tai nào. Ả giang hồ phố biển, sau nhiều năm lang chạ với nhiều giống đực không cùng chủng tộc, đang gột rửa lớp điểm trang, soi gương chăm sóc những dấu vết bạo hành trên thân xác nhược tiểu, băng bó tâm thức còn rỉ máu những thương tích lịch sử. Như thể:

“Em về điểm phấn tô son lại.

Ngạo với nhân gian một nụ cười”. (1)

Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.  

-oOo-

Tiếp tục đoạn đường về, chúng tôi tạt ngang Hiệp Ðức, thuộc tỉnh Quảng Nam, như anh chị tôi đã hẹn trước với đoàn hướng dẫn viên đi rừng lấy mật ong và lan dại.

Hiệp Ðức là một quận lỵ đất đỏ. Khách sạn bình dân nằm kề một con sông, trưa nước cạn, cát lầy phơi phới. Sáng đi rừng, tôi và bạn không theo cùng, vì không cảm thấy hào hứng. Chiều trở lại, anh chị tôi vào phòng nghỉ ngơi. Theo lời cậu em tài xế sôi nổi kể lại, thì… ô hô ai tai… đoạn đường tới rừng xa xôi cách trở, leo dốc xuống đồi, gạch đá ngổn ngang dằn xóc. Tới được bìa rừng thì ông anh tôi, vừa bước xuống xe, đã ngã nằm xụi lơ cán cuốc… May thay, chỉ một lát sau anh tôi tỉnh lại, cùng chị dâu tôi xuống hồ nước thác đổ gần đó, tắm táp một đỗi, rồi quay về. Rốt cuộc, mật ong, lan rừng đâu chẳng thấy, chỉ thấy được thác nước hùng vĩ ven rừng.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Ðất Quảng Nam, trong hai ngày ngắn ngủi, đã ghi khắc trong tôi dăm ba hình ảnh vụn vỡ như những mẩu giấy cứng của trò chơi lắp hình Puzzle. Của cây cầu Hiệp Ðức thưa thớt giao thông, bắc ngang dòng sông đất đỏ trưa nước ròng. Của khoảng trời mây trắng ngấn ngấn giăng ngang núi. Của một sáng sớm có cơn mưa nhỏ rớt ngang, bạt ngàn tiếng gió từ cánh rừng bên kia sông vẳng lại. Của ly cà-phê sữa đá hương vị đậm đà trong quán ven đường, hanh hanh bóng mát tàn cổ thụ rụng mảnh trên sân một trưa nắng. Và của dăm ba con gián bò ngơ ngác trong phòng tắm giữa khuya, như những khách lạ ghé ngang, không một lời báo trước.

Rời Hiệp Ðức, chúng tôi trở lại Qui Nhơn, lần này để viếng mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử, nhà thơ tài hoa, mệnh bạc của thi đàn Việt Nam. Mộ phần nằm trên một ngọn đồi thấp, trong khuôn viên du lịch Ghềnh Ráng. Ðầu trưa hôm ấy, thấy khoảng chục du khách đến thắp nhang và khấn nguyện. Tôi tưởng niệm thi sĩ bằng cách tưởng lại trong đầu một ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ ông: “Ðây Thôn Vĩ Dạ”.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà? (2)

Sực nhớ lại đêm nào, thuở còn đi học, trong phòng trọ cư xá sinh viên, bên ngoài tuyết đổ trắng xóa, tâm tư tôi mọc lên vô vàn cảm xúc. Vu vơ. Một khuôn mặt từ đáy nước cảm xúc trồi lên rạng rỡ. Tôi thấy mình hoang đàng cùng chữ, rạo rực dâm hoan cùng những nhân vật hư cấu.

“…Tôi chới với chết đuối trong sông trăng Hàn Mạc Tử. Có thuyền ai kịp chở trăng về, vớt tôi lên? Tôi thầm gọi, bạn ơi, đừng ngâm chi những câu thơ não lòng ấy, vì tôi vừa tìm thấy chút bình an trong tâm hồn. Hãy để tôi vui phận đời mình. Ðừng lay thức những tử thi thành bóng ma hoang rong chơi, ngợi ca cái chết!… ” (3)

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Sáng hôm đó, trong quán cà-phê trông ra cảnh biển Qui Nhơn, ven bãi đá trứng Hoàng Hậu, chúng tôi xuống bãi bấm vài tấm ảnh. Thưa thớt chừng trăm hòn đá trứng lăn lóc cùng rác rến. Nước biển đùng đục, tưởng như gã đầu bếp thiên nhiên lỡ tay nêm quá liều gia vị. Mây vần vũ bủa trời.

Có lẽ cũng thắc mắc như tôi, cậu tài xế hỏi em trai phục vụ:

“Gọi là bãi đá trứng, mà sao chỉ có chừng đó trứng vậy em?”

“Dạ, bị người ta lấy cắp nhiều lắm anh…”

Trời, mỗi hòn đá trứng nặng cả trăm, đôi khi cả ngàn ký, làm như trứng gà trứng vịt không bằng, tôi ngẫm nghĩ và thấy ra, xứ sở này vẫn đầy dẫy rác, những điều phi lý và lắm chuyện khôi hài. Ở ngoài đời. Và trong cả lòng người.

Cầu trước khách sạn ở Hiệp Đức. Quảng Nam.

-oOo-

Từ Mũi Né, thuộc tỉnh Phan Thiết, đi thêm một quãng đường dài ven biển sẽ tới Mũi Kê Gà, thuộc tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi tới đó khi chiều xuống. Ðất trời phủ sắc chàm. Thỉnh thoảng một cơn mưa rớt xuống rụt rè. Ðường vắng. Biển bên này đục lờ, chểnh mảng lùa sóng vô bãi, lô nhô đá tảng. Ðất liền bên kia, nhiều ngôi nhà hoang phế, trống hốc, kèo cột đỡ đần mái ngói lở lói, liêu xiêu trên nền gạch vỡ. Vườn tược um tùm cây cỏ. Cảnh tượng tiêu điều như có cơn bão vừa thốc qua. Ðêm xuống, hẳn thấy những hồn ma quá khứ trở về, tìm nhặt những mảnh tiếng động và hình ảnh vụn vỡ của một thời huy hoàng, tấp nập du khách trước hai năm đại dịch, rơi rớt lại đâu đó.

Khu dưỡng sức, chúng tôi ghé lại nghỉ chân, có cảnh vườn êm ả, phòng trọ là những căn nhà nhỏ, xinh xắn. Bãi tắm vắng tanh. Biển một chiều mây giăng hoang mang, sầu muộn như nhuốm bệnh. Sóng lùa vào, rút xuống từng đợt, từng đợt chểnh mảng.

Chúng tôi là những khách trọ duy nhất ghé lại hôm ấy. Mũi Kê Gà níu chân chúng tôi chỉ một đêm. Trưa hôm sau, tiết trời hanh nắng, chúng tôi thu xếp hành lý ra xe. Ngó thấy bên kia đường, một cây phượng vĩ đơm bông đỏ rực, tôi mới hay rằng, đất trời và cỏ cây vẫn mặc nhiên đổi thay theo chu kỳ thời tiết, dẫu những thiên tai và dịch bệnh.

Như đã dự tính trước, trên đường về lại Sài Gòn, chúng tôi tạt ngang huyện lỵ Lộc Ninh, thăm viếng nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, là bà con với chị dâu tôi.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Lộc Ninh, miền đất đỏ, với những cánh rừng cao su bạt ngàn, di sản của thực dân Pháp, là địa bàn hoạt động của những tay giang hồ mối lái, mánh mung vùng biên Cam-pu-chia và Việt Nam. Là chỗ trú thân sau một chín bảy lăm của bào tỷ cố nhà văn Hồ Trường An: bà Nguyễn Thị Thụy Vũ. Trong thập niên một chín sáu mươi, cùng với Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng và Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ là một ngòi bút sáng giá, chuyên viết về những đề tài “cấm kỵ” trong giới buôn hương bán phấn và lính Mỹ. Với những tập truyện “Mèo Ðêm”, “Lao Vào Lửa”, “Chiều Mênh Mông” và tiểu thuyết “Khung Rêu”, bà đã khẳng định vị trí vững vàng, tài hoa của mình trong văn đàn Việt Nam.

Người đàn bà đã một thời gióng giả rao bán văn chương, phóng bút tung hoành cõi văn chương phơi-tông, giờ đây là một bà cụ mỏng mảnh như món cổ ngoạn dễ vỡ, nằm võng nghỉ ngơi trong bóng chiều ảm đạm mái hiên nhà. Nét mặt bà ngơ ngác bất ngờ, khi thấy cô cháu gái cùng chúng tôi bước vào, xôn xao chào hỏi. Bà lảng tai, phải đeo máy trợ thính. Suốt buổi tối ấy, trong một quán cơm sang trọng của thành phố, và sáng hôm sau, ra vườn sau thắp nhang cho mộ phần những người thân, chúng tôi tuyệt nhiên không đá động gì tới chuyện văn chương thi phú. Như thể đã từ lâu, bà ngộ ra lý lẽ: “… Bây giờ em mới biết. Em đã chết từ lâu(4)

Viếng mộ Hàn Mạc Tử, Ghềnh Ráng, Qui Nhơn.

-oOo-

Sau hai tuần rong ruổi một vài địa danh miền Nam Trung phần, xe đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn vào một chiều mưa tạnh. Nhưng không lâu. Khi tôi và bạn đón tắc-xi về chỗ trọ trong quận Bảy, chạy ngang đường Hai Bà Trưng, mưa đổ ào ạt. Có lẽ từ khá lâu trước đó, vì lòng đường đã thấy lênh láng nước. Vậy mà, về tới quận Bảy, đường phố ráo hoảnh như không hề hay biết những trận mưa bầm giập bên kia cầu Khánh Hội.

Cứ vậy, Sài Gòn đón tôi bằng những cơn mưa. Mưa như thổn thức những giọt lệ mừng.

Cùng nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lộc Ninh.

NND

(1)  Trích “Cảnh đoạn trường”, thơ Thái Can.

(2)  Trích “Đây Thôn Vĩ Dạ”, thơ Hàn Mạc Tử.

(3)  Trích “Đêm và Những Truyện Ngắn Khác”, tập truyện cùng tác giả, sắp ấn hành.

(4)  Có Bao Giờ Em Hỏi, nhạc Phạm Duy, thơ Duyên Anh.