Nếu có ai hỏi, những thể nghiệm nào trong chuyến đi Việt Nam lần này, tôi cảm thấy bực bội nhất? Không phải chuyện mưa nắng. Không phải chuyện giao thông. Cũng không phải chuyện rác. Mà là chuyện muỗi.

Muỗi ta và muỗi tây chỉ giống nhau ở chỗ thích hút máu người, ngoài ra khác nhau như trời vực. Muỗi tây lớn xác, rề rà độc hành trong đêm tối trong vài tháng hè. Tôi rành sáu câu tính khí muỗi tây.

Sài Gòn không phải là đất cho các mợ muỗi tung chiêu. Nhưng ở những nơi khác tôi đã đi qua, mỗi chiều xuống, thấy nhóc. Trà Vinh, Vĩnh Long, ngay cả phố biển Phan Rang hay đất cao nguyên Ðức Trọng.

Sau gần một tuần ở Trà Vinh, tôi và bạn cùng anh chị trở lại Sài Gòn, cũng vào một chiều ẩm ướt sau cơn mưa. Ngày mốt, anh chị bay trở lại Mỹ. Chúng tôi chụp ảnh, chia tay nhau trước một ngôi đền Trung Hoa trên đường Trần Hưng Ðạo. Tôi và bạn về lại nhà trọ trong quận bảy, nghỉ ngơi và chuẩn bị đi thăm nhà bạn ở Phan Rang.

Chuyến xe khách giường nằm Sài Gòn đi Phan Rang có hai mươi bốn chỗ, mỗi chỗ nằm rộng vừa đủ cho một người trở mình, giăng màn kéo. Một cửa kính rộng lắp màn nhựa che nắng. Một màn hình nhỏ treo cuối giường. Khách đi chân không lên xe. Một phòng vệ sinh ở cuối xe, có treo sẵn giấy đi cầu, một ngoại lệ hiếm có tại những quán xá kinh doanh ở Việt Nam, và một bồn nước rửa tay ráo hoảnh như thể chưa một lần sử dụng.

Phan Rang với tôi, trước đó, là thành phố không có một liên hệ gắn bó nào. Chỉ là một địa danh bên lề trong những chuyến nghỉ hè thời thơ ấu ở Nha Trang, duy nhất một lần ghé lại, và được ăn bữa trưa với những món đặc sản lạ khẩu vị. Vùng đất ấy, trong thời chiến tranh, có lẽ là một trong những “làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi…”(1). Nhưng lần này, sau hơn nửa đời người, theo bạn về Phan Rang, hành trang trong tâm tư tôi là những cảm xúc háo hức, rạo rực, như thể tôi là một nhà khảo cổ sắp sửa khám phá một miền đất bị bỏ quên từ lâu trong ký ức dửng dưng của con người.

Bãi biển Bình Sơn, Phan Rang, trăng rằm vừa mọc. 

Phố biển Phan Rang đón chúng tôi một xế trưa nắng lóa. Ngôi nhà trệt nhỏ nằm trong một khu phố sầm uất, nhà sát nhà bên này, bờ tường thấp bên kia. Ngôi chợ tạm đầu ngõ treo bảng “Chợ tạm Ðông Hải Thành”, nhóm đều đặn mỗi sáng trưa. Nhà có cổng sắt và cửa sổ lá sách sơn màu thiên thanh. Một cây hoàng yến bên hiên nhà, đơm hoa vàng chóe. Ðón chúng tôi là chú chó lông xù, sủa giòn nhác thấy khách lạ. Con ngõ trước nhà rộn ràng tiếng xe gắn máy, người qua lại sáng chiều. Thỉnh thoảng vang lên tiếng rao hàng. Nhiều sạp bán thức ăn sáng bày ven lề đường, chỉ vài tiếng mỗi sáng. Bánh căn. Bánh bèo. Bánh canh. Bún chân giò, chả cá. Cháo lòng.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Cảm giác đầu tiên dấy lên trong tôi, khi xuống xe, là thứ cảm xúc của kẻ vừa kề môi nhắp chút rượu pha cây trái nhiệt đới, nồng nàn hương nắng, thắm thiết lệ mặn và tiếng cười hội ngộ của những lần “trở về”. Như lúc tôi cất giọng luyến láy rã rời, khi theo chân bạn tới một phòng trà tỉnh lẻ hát với nhau:

“Về đây nhìn mây nước bơ vơ.

Về đây nhìn cây lá xác xơ.

Về đây mong tìm bóng chiều mơ.

Mong tìm mái tranh chờ.

Mong tìm thấy người xưa…”  (2)

Giờ đây, sau hơn hai thập niên chiến tranh, không còn thấy những “mây nước bơ vơ” hay những “cây lá xác xơ”, nhưng đáy tâm tư tôi vẫn còn nguyên vẹn đó những “mong tìm bóng chiều mơ, mong tìm mái tranh chờ, mong tìm thấy người xưa”…

Hát ở phòng trà Nguyệt Sonate, Phan Rang.

-oOo-

Trong một bài viết cũ, đã có lần tôi lạm bàn về hương vị những món ăn ba miền, như một biểu tượng cho cá tính của con người: “Món Bắc hơi mặn, món Trung hơi cay, món Nam hơi ngọt.” Vậy mà, chẳng hiểu vì cớ gì, trong lần này, sau khi thưởng thức vài món đặc sản Phan Rang, tôi thấy ra, món ăn Phan Rang bây giờ không cay, mà ngọt. Ngọt ngỡ ngàng. Ngọt kinh hoàng. Ngọt bẽ bàng. Ngọt hiếp dâm vị giác. Cái bánh bao một lần mua về, trời ạ, nhân thịt bằm còn lợn cợn những vụn đường chưa tan. Và những loại nước chấm cũng như các món nước, từ nước mắm pha cho tới nước dùng, họ nêm ngọt quá. Ðến độ tôi phải than phiền cùng bạn: “Sao thức ăn ở đây ngọt quá vậy em?” Và, trong nhiều quán ăn tại đây, khách tự tiện xả rác. Giấy lau miệng, lau muỗng đũa, đôi khi cả đũa và muỗng thiếc, vung vãi trên sàn gạch, dưới bàn ghế. Lại than phiền: “Trời, một cái giỏ nhựa đựng rác cho mỗi bàn mà họ cũng không chịu mua là sao vậy em?”

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Trong chuyện ăn uống, tôi không phải là người khó tính. Như đã nói, tôi rất thích la cà những quán lề đường. Nhiều sáng, tôi và bạn cuốc bộ ra hàng điểm tâm lề đường. Nơi đó có một sạp bán bánh bèo dầy cui, rắc chút tôm chấy và đậu xanh chấy, rưới mỡ hành và chan vô vài vá nước mắm nêm ngọt lừ với đậu phộng giã nhuyễn. Ai không thích nước mắm, thì chan mắm nêm hay nước cá kho. Kế bên là sạp bún giò heo, nước dùng cũng ngòn ngọt vị đường. Cạnh đó là sạp cháo lòng là món ít ngọt nhất, mà tôi hay ăn, mỗi tô chỉ mười lăm hoặc hai mươi ngàn. Bạn tôi ăn vậy, nhưng khi nấu cơm, có những món chấm thì bạn toàn dùng nước mắm nguyên chất, giằm thêm chút ớt. Tuy không đúng khẩu vị, nhưng tôi ăn tuốt theo chủ trương, thứ nào hợp thì ăn nhiều, thứ nào không hợp thì ăn lấy lệ. Có lẽ vì vậy, mà chỉ sau một tuần, má của bạn dành cho tôi rất nhiều cảm tình. Bà cứ bâng quơ: “Cái thằng dễ ăn. Thấy tội!”

Còn con chó có tên Ruby, từ từ quen hơi khách lạ, thôi sủa. Ruby ưa ăn xúc-xích và phô-mai hiệu con bò cười, nên cứ vài ngày tôi và bạn đi đâu về, lại ghé tiệm tạp hóa mua vài hộp. Ruby và tôi kết nhau từ dạo đó. Có khuya, nó bắt được con chuột nhắt, tha bỏ trước cửa phòng bạn tôi, có lẽ ngụ ý: “Con có món quà tặng ông nè!”

Trong một quán cà-phê ở Phan Rang

-oOo-

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Thành phố sinh quán của bạn tôi đâu chỉ có những đặc điểm đó, mà còn có biển và những công trình kiến trúc tôn giáo cực kỳ độc đáo.

Bãi biển Bình Sơn nơi đây là chỗ bạn tôi tới đá banh mỗi chiều. Bạn đá banh, tôi tắm biển. Bãi tắm Bình Sơn cát vàng sẫm, tương đối sạch, trải dài một đoạn khoảng vài cây số. Biển sóng nhỏ. Xa xa bên trái là cảnh núi non chập chùng, là ngôi Trùng Sơn Cổ Tự lấp lánh nắng chiều trên lưng đồi thấp. Bên phải là những cao ốc khách sạn còn thưa thớt du khách.

Những chiều nơi đó, tôi đã thảnh thơi ngồi, nằm trên tấm khăn tắm, ngắm nhìn dân địa phương ra đây hóng mát, tắm biển. Tôi đã quen mắt với hình ảnh người cha nắm tay cậu con trai khuyết tật, mặc áo phao, chập chững lần bước xuống triền nước nhấp nhô. Tôi đã dõi mắt nhìn cảnh người đàn ông và hai con chó, một nâu một trắng, đùa giỡn trên bãi, dưới nước. Con lông nâu đã có lần dạn dĩ bơi ra chỗ người đàn ông đang đứng, nước sâu tới ngực, còn con lông trắng cứ chần chừ ngần ngại nơi rìa sóng lùa. Tôi đã hết chướng mắt khi thấy những phụ nữ để nguyên đồ bộ, rủ nhau xuống nước đùa giỡn bì bõm. Tôi không còn khó chịu vì mùi thức ăn suồng sã lan trong không khí của đám trẻ nướng hải sản trong chéo rừng thùy dương còi cọc, và âm thanh dàn karaoke ầm ĩ những chiều cuối tuần. Tất cả dần dà trở nên quen mắt, thuận tai, không còn lấn cấn khứu giác.

Và khi nắng dần tắt, bóng tối lan tỏa, ngoài khơi xa chốc chốc lại bật lên một ngọn đèn thuyền câu mực, dàn thành một dòng thủy đăng huy hoàng. Ðêm rằm trăng sáng, tôi và bạn ngồi bên nhau, lặng lẽ dõi theo vầng nguyệt từ khơi nhẩn nha trồi lên, càng lên cao càng to và rực rỡ.

Bãi biển Bình Sơn, Phan Rang, trăng rằm vừa mọc.

NND