Vốn là một pháo thủ, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ sung cho một đơn vị pháo binh 175 ly đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 BB và Biệt Ðộng Quân. Khoảng ba tuần trước khi mất nước, tôi bị thương ở chân trong một vụ tấn công vào căn cứ. Cuộc tấn công đã bị đẩy lui, hai bên đều bị thiệt hại. Toán chiến binh Bắc Việt này có lẽ đang trên đường di chuyển về Saigon từ biên giới Việt Miên, bị phi cơ quan sát phát hiện mấy ngày trước. Phi cơ và pháo binh đã yểm trợ BÐQ chận đánh. Ðó là những trận đánh cuối cùng trước khi mất nước.

Nằm trong Quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng. Ngày 29 tháng 4, tôi nhờ chú em con bà cô chở ra bến Bạch Ðằng, Saigon xem tình hình và  thấy rất nhiều tàu kể cả chiếc Việt Nam Thương Tín, Trường Xuân, một số tàu Hải Quân đậu dọc theo bờ hay lênh đênh trên sông Sàigòn. Trong số này có mấy chiếc tàu đánh cá của một công ty Ðức, to rộng rãi và bằng sắt đàng hoàng. Trở về nhà, tôi hối Ba đi trước với chú em. Hai chú cháu lọt được vào căn cứ Hải Quân và đi theo họ. Riêng tôi còn lần khân ở lại, hy vọng đến phút chót có thể gặp lại được người yêu đầu đời của mình, nhưng phép lạ không xảy ra.

Sáng ngày 30 tháng Tư, tôi trở lại bến Bạch Ðằng, Chiếc tàu Trường Xuân vẫn còn đó, đầy nhóc người lên xuống tấp nập. Từ giữa sông chiếc VN Thương Tín bắt đầu di chuyển về phía kho 5. Tôi đạp xe lần theo, nhưng không vào được cổng. Lính gác cổng không cho vào, phải chi tiền, mà tôi thì chỉ còn hai tờ Ðức Thánh Trần thôi. Người ta đang phá các kho thực phẩm để khuân vác về nhà. Tôi ghé quán chú Ba ăn no bụng và mua một mớ mì gói mang theo rồi đi ngược về phía Saigon, đạp xe lòng vòng xem tình hình. Dân Saigon ào vào mấy chung cư Mỹ khuân ra nào TV tủ lạnh, giường nệm. Ngang qua tòa Ðại sứ Mỹ, còn vài người lảng vảng ở đó, cửa đóng, bên trong im lìm, họ đã di tản hết rồi! Tôi trở ra bến Bạch Ðằng, nhảy qua mấy chiếc tàu đánh cá đậu sát nhau, leo lên chiếc đậu ngoài cùng.

Khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chiếc VN Thương Tín bò ra giữa sông hướng về Vũng Tàu. Thuyền của tôi theo sau một quãng.

Nhóm chuyên viên NASA có nhiệm vụ tính toán đường bay của phi thuyền. Tác giả (thứ 4 từ phải) một trong những người có nhiệm vụ viết thành program để máy điện toán điều khiển phi thuyền khi bay trên không gian.    

Một tiếng ầm vang lên, cánh cửa phòng lái bung ra, lỗ tai tôi lùng bùng, đầu kêu o o như có con ve sầu đang ca hát trong đó.  Tôi nhủ thầm, đạn trúng phòng lái rồi. Con tàu vẫn chầm chậm trôi đi như không có chuyện gì xảy ra. Có ai đó đóng cửa lại. Tôi đoán chắc có người bị thương nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng la khóc gì cả. Một đỗi sau, dìu ông già đứng dậy. Ông ta chỉ bị thương nhẹ trên môi, còn cẳng chân tôi máu chảy ra xối xả. Tôi vội xé chiếc áo thun đang mặc và cột chặt phía trên chỗ bị thương. Một lúc sau vết thương ngừng chảy máu, coi lại, thấy chỉ bị một mảnh nhỏ ghim vào chân. Ông Thiếu Tá Cảnh Sát, sau này theo con tàu Việt Nam Thương Tín về lại Saigon với một đám sĩ quan cảnh sát khác người miền Trung, dù tôi đã can ngăn  hết lời. Ðời ông chắc là thê thảm lắm, khi hoang tưởng rằng phía “người anh em” bên kia sẽ dung thứ cho ông!

“Họ cũng là người Việt như mình cả mà”, ông nói với tôi như vậy, bây giờ chắc ông đã hiểu họ là người gì rồi!

Chiếc tàu đánh cá chạy cà rịch cà tàng sang Singapore. Mỗi ngày được ăn một lần. Nhà bếp nấu một nồi cơm nhỏ, phát cho mỗi người một muỗng cơm. Cứ chìa tay ra, họ đổ muỗng cơm vào bàn tay, mình hất vào miệng thế là xong.

Ðến Singapore, có cả ngàn chiếc tàu lớn nhỏ đậu trong vịnh, nhưng không ai được lên bờ. Họ cho thực phẩm, nước, và xăng dầu rồi đuổi cả đám thuyền tàu qua Subic Bay bên Phi Luật Tân. Ðến Subic Bay chúng tôi được dồn vào trại nghỉ mát của quân đội Mỹ, ngủ trong mấy phòng mát mẻ có máy điều hòa không khí, ngày ngày đi lãnh đồ ăn và tắm hồ bơi. Tôi chẳng còn tâm trí đâu mà hưởng những tiện nghi của họ. Nỗi cô đơn và buồn tủi luôn đeo đẳng, nước mất nhà tan, tương lai vô định, còn gì nữa để vui chơi.

Ở Subic Bay đâu được một tháng, chúng tôi được chuyển từ từ qua đảo Guam. Tôi gặp lại Ba tôi và chú em ở đó, rồi cùng nhau qua Mỹ.

Ðịnh cư ở Mỹ, tôi làm lại cuộc đời từ con số không. Làm đủ thứ nghề lao động.

Tác giả tại phi trường Honolulu khi du học về Pháo Binh

Những ngày đầu được một cựu Ðại Tá phi công hồi hưu bảo trợ về thành phố Oklahoma lạnh giá, mỗi sáng hai cha con đạp xe đi làm trong trại ương cây. Chiếc xe tải mui trần chở một đám nhân công ra cánh đồng để đào cây, bó chặt gốc bằng bao bố rồi quăng lên xe tải. Cánh đồng mùa đông đầy tuyết, cứng như đá, những nhát cuốc bổ xuống dội lên tê rần cánh tay. Chỉ đào mươi phút, thân thể nóng ran phải cởi bỏ lớp áo lạnh dầy cộm. Một ngày chỉ đào được 3 cây là cùng, trong khi đó mấy ông Mễ cùng toán đào được ít nhất 10 cây. Tuy vậy đào cây cũng không cực nhọc bằng khiêng một đống cây mới đào quăng lên xe tải. Những gốc cây đầy đất và rễ, nhiều khi còn nặng hơn cả thân mình, làm sao khiêng nổi?  Mùa đông ở Oklahoma lạnh đến nỗi nước hồ đóng thành băng thường xuyên. Những lúc buồn nhớ nhà, tôi ra ngồi bên bờ hồ, nhìn đàn vịt trượt tuyết trên mặt hồ làm vui, nước mắt lại ứa ra, nghĩ thân phận mình không bằng những con vịt đang vui chơi hồn nhiên ngoài kia.

Làm cho hãng trồng cây được vài tháng, có người bạn giới thiệu làm lau chùi quét dọn trong nhà thương. Tôi nhận ngay, ít ra cũng được làm trong nhà ấm cúng. Tuần đầu Sếp giao đánh bóng sàn nhà cả một tầng lầu. Qua tuần thứ hai Sếp giao thêm một tầng nữa, tuần thứ ba giao thêm một tầng nữa, như vậy cả thảy là 3 tầng phải làm xong trong một đêm.

Một ngày nọ đi chợ, có anh chàng cao bồi da trắng cao nhòng, đứng cạnh hỏi:

– Hi young man, are you Vietnamese?

– Ðúng rồi, tỵ nạn mới tới đây!

– Tôi tên Joe, hân hạnh được biết anh.

– Tôi tên Lập.

– Láp, Láp hả. Tôi phát âm như vậy có đúng không?

– Không đúng lắm, nhưng cũng tạm được.

Từ đó tôi được gọi là Láp, giống như “bá láp” vậy.

Chàng cao bồi nói huyên thuyên như vớ được một người thân vắng mặt lâu ngày. Tiếng Mỹ ăn đong của tôi cũng lõm bõm hiểu rằng, chàng là đầu bếp trong một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến ở Chu Lai. Về lại cố hương, mở tiệm ăn nho nhỏ, hỏi tôi có muốn làm cho chàng ta không. Công việc là phụ nấu bếp và rửa chén. Dĩ nhiên tôi nhận lời ngay, nếu tiếp tục làm nhà thương chắc có ngày Sếp sẽ giao đánh bóng cả 20 tầng lầu.

Lễ ra trường Master của tác giả với anh bạn cựu sĩ quan Nhảy Dù (trái)

Anh chàng “Cao Bồi” cũng tử tế, mướn giúp một căn nhà nhỏ, tặng cho một tủ lạnh cũ. Chàng ta bán lại cho tôi chiếc xe hơi to cồng kềnh với giá 100 đô, trả góp 10 đô một tháng. Xăng lúc bấy giờ chỉ 32 xu một galon (4 lít). Thuốc lá vài đô la Mỹ một cây 10 gói, hút chết bỏ. Từ đó tôi cai thuốc lá luôn sợ ghiền thuốc chắc phải bán phổi cho mấy bà nấu cháo lòng. Ði chợ chỉ 20 đô 2 người ăn 1 tuần rộng rãi.

Tiệm ăn nhỏ, Joe và tôi làm trong bếp. Bà xã tên Nancy và cô con gái tên Kim làm tiếp viên. Kim còn rất trẻ, mới vào đại học.

Buổi trưa, khách chỉ lai rai, nhưng buổi tối và cuối tuần rất bận rộn. Chẳng bao lâu, Joe mướn thêm người phụ bếp. Tôi được làm tiếp viên và dọn bàn. Joe muốn tôi có cơ hội học thêm anh văn và có thêm tiền “tip”. Lúc rảnh rỗi, hai chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm lúc còn ở Việt Nam. Kim cũng lắng nghe và góp ý kiến hoặc đặt câu hỏi với tôi, Kim còn trẻ nên không hiểu mấy về cuộc chiến VN như hầu hết sinh viên phản chiến lúc bấy giờ. Nàng cho rằng, tại sao người Mỹ lại phải đổ biết bao tiền bạc và xương máu ở một xứ sở xa lắc xa lơ chẳng ăn nhập gì với đất nước này. Người Mỹ lúc này chỉ muốn quên đi chiến tranh VN. Những chàng chiến binh trở về từ chiến trường VN không được đối đãi nồng hậu như thời Ðệ nhất, Ðệ nhị thế chiến. Họ luôn mang mặc cảm, thứ mặc cảm mà giới truyền thông Mỹ đã “brainwash” (tẩy não) dân chúng thời đó điển hình là nữ tài tử điện ảnh Jane Fonda đã sang tận Hà Nội để ca tụng người Cộng Sản chiến đấu anh dũng.

Tôi sắp xếp với Joe để chỉ làm việc từ 4 giờ chiều tới 12 giờ đêm, công việc vẫn vậy, tiếp viên, phụ bếp, dọn bàn, lau chùi quét dọn trước khi đóng cửa. Thật vất vả cực nhọc, nhưng tôi có cả ngày để đi học. Kim giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ, ghi danh chọn môn học, xin tiền học bổng và trợ cấp của chính phủ, lựa chọn thời khóa biểu, và nhiều thứ linh tinh khác.Tôi không có bằng trung học của Mỹ nên phải thi bằng tương đương. Cũng chẳng khó khăn gì chỉ là trình độ trung học đệ nhất cấp của VN. Lúc đó ngành điện toán mới bắt đầu phát triển vả lại học điện toán chẳng đòi hỏi nhiều chữ nghĩa như các ngành khác. Tôi có thể bắt kịp dễ dàng.

Ngày đầu đi học, tôi vừa vui mừng vừa e dè như cậu bé nép vào áo mẹ đến trường mà Thanh Tịnh đã tả trong bài “Hôm nay tôi đi học”. Tôi còn nhớ lõm bõm vài câu: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Kỷ niệm Chương trình Ráp nối 2 phi thuyền Nga Mỹ. Certificate được cấp cho Hoang H. Nguyen (tác giả)

Ngày xưa, trong thời chiến tranh tôi vẫn ước mơ như trong bài hát “Qua Cơn Mê” của Nhật Ngân:  “Một mai qua cơn mê, qua cuộc đời bềnh bồng, anh lại về bên em …Cùng theo lũ em học hành như xưa”. Tôi đã qua cơn mê chưa nhỉ?  Không theo lũ em học hành như xưa bên quê nhà  nhưng là đi một mình, trên mảnh đất tạm dung, xa lạ. Tôi đã già đi rất nhiều vì chiến tranh. Năm 1976, 31 tuổi đầu 7 năm tuổi lính. Không một mảnh bằng, không nghề ngỗng, chữ nghĩa ăn đong. Tôi đi làm lại cuộc đời đánh mất!

Kim giúp tôi làm luận văn, đọc Hamlet của Shakespeare: “To be, or not to be, that is the question”. Tôi chỉ nàng giải toán, sửa program, môn toán “Math for Engineer” làm cho nàng nhức đầu còn với tôi chỉ là dĩa cơm tấm sườn bì tàu hủ ky!

Thời đó chưa có PC. Tất cả program phải dùng key punch (đục lỗ trên tấm thẻ) rồi nạp cho computer operator đọc vào máy. Một program ngắn cũng cần một số thẻ dầy cỡ một gang tay. Một lần, Kim cầm xấp “thẻ” program của nàng để nạp cho operator chẳng may ai đó đụng vào cánh tay, cả xấp thẻ rớt xuống đất. Phải mất rất lâu để gom lại và xếp theo thứ tự. Giờ thi và nạp bài cuối khóa đã gần đến, nàng ngồi bệt xuống đất thu lượm thẻ mà nước mắt chạy quanh. Tôi đi ngang, hối nàng vào phòng thi, để xấp program đó tôi lo cho. Thi cuối khóa nàng được điểm “A”, tôi được nàng tặng cho một nụ hôn nồng cháy nhớ đời!

Thường thì viết program rồi cho vào máy computer chạy thử, nếu sai, sửa lại, chạy lại. Cứ như thế cho đến khi hết lỗi, rồi kiểm soát lại kết quả mà program đưa ra xem có đúng như đòi hỏi không? Kim rất thông minh, những bài program khó đến đâu, chỉ nói sơ qua là nàng hiểu ngay. Chạy program hai, ba lần là sạch lỗi. Tôi cố gắng học tất cả các khóa hè, cho nên cũng bắt kịp Kim. Chúng tôi ra trường cùng một lượt. Ngày ra trường, Joe và Nancy được chúng tôi mời đi dự, có cả Ông Bà Nội của Kim nữa, hai ông bà là chủ một nông trại gần Kansas City. Joe giới thiệu tôi là người VN, một cựu chiến binh. Hai ông bà rất ngạc nhiên, chưa từng thấy người VN bao giờ, chỉ nghe nói trên TV. Ông cũng từng là cựu chiến binh thời Ðệ nhị thế chiến, và rất hãnh diện. Ông Bob (ba của Joe) tiết lộ rằng ở tỉnh nhỏ, đám thanh niên chỉ học cho lấy lệ, phần lớn giúp cha mẹ trông lo nông trại, lớn lên nhập ngũ để thỏa mãn mộng giang hồ vì cả đời không có dịp đi xa hơn tỉnh nhỏ của mình!

Hai cha con trong trại Fort Chaffee, tác giả bên phải.

Joe cám ơn tôi đã giúp Kim học hành, còn tôi cám ơn ông đã cho tôi cơ hội. Nancy rất cảm động nói với tôi:  “Kim là người duy nhất trong gia đình tốt nghiệp Ðại Học”.

Chúng tôi may mắn, kiếm được việc ngay sau khi tốt nghiệp trong một hãng lớn đang có hợp đồng với Trung Tâm Không Gian tại Houston. Tôi tiếp tục học thêm vào buổi tối, chẳng bao lâu lấy thêm bằng cao học. Một lần nữa tôi mời Nancy, Joe và Kim đi dự lễ ra trường của tôi. Joe đã đóng cửa tiệm ăn mấy ngày và bay qua Houston. Tôi cảm ơn Joe và nước Mỹ đã cưu mang tôi và cho tôi cơ hội như ngày hôm nay. Ông ôm lấy tôi và nói trong nghẹn ngào:
– Tôi thành thực xin lỗi những người tỵ nạn VN, chúng tôi đã bỏ rơi chiến hữu VN nhưng các bạn không hề oán hận. Tôi giúp cho Láp có giờ đi học chẳng qua là muốn bạn đạt được những ước vọng mà tôi hằng mong muốn.

Tôi cũng đáp lại bằng lời cám ơn vụng về:

– Cám ơn Joe, tôi chỉ cố gắng hết mình và Trời cũng giúp tôi nữa.

Joe an ủi tôi bằng những lời rất chân tình:

– Những người chiến binh như tôi, khi nhập ngũ, ai cũng hy vọng đăng lính vài năm rồi giải ngũ, quân đội sẽ giúp học bổng để tiếp tục đại học. Nhưng thực tế số thành tựu không nhiều. Từ chiến trường VN trở về chúng tôi với thân xác mệt mỏi, nghiện ngập, chán nản không mấy ai nghĩ đến chuyện cắp sách đến trường nữa.

Tôi và Kim yêu nhau, lấy nhau. Joe trở nên cha vợ của tôi. Ở với nhau một thời gian, những dị biệt về văn hóa, tuổi tác, nếp sống càng ngày càng lớn. Nàng luôn luôn tranh cãi với ba tôi. Những buổi họp mặt bạn bè hay gia đình của tôi, mới đầu nàng cũng tham gia nhưng dần dần càng thưa thớt hơn. Nàng không thể thưởng thức được món ăn VN. Chúng tôi chẳng có con cái nên việc phải đến đã đến: ly dị.

MDNTH