Tháng Năm, sáng sớm, mới có bảy giờ mà trời đã oi bức và quán cà phê ‘Cuối Phố’ đã bắt đầu đông khách. Ông Thịnh ngồi trầm ngâm một mình bên tách cà phê chờ bạn. Ông về quê thăm gia đình người anh Cả hôm kia. Hôm qua ông gặp lại hai người bạn học cũ và họ hẹn sẽ đến quán này để ‘cà phê cà pháo’ và ‘tám’ với ông cho vui sau khi đưa cháu đến trường. Cả ba ông đều đã vào tuổi lục tuần. Ngày xưa, họ học cùng lớp. Sau 1975, họ cùng lao động ở nông trường Hoàng Lệ Kha cho đến lúc ông Thịnh cưới vợ gốc Gò Công, chạy được giấy ‘hộ khẩu’ cư trú ở quê vợ rồi sau đó có cơ hội vượt biên, định cư ở xứ lạnh Canada.

Mang tên ‘Cuối Phố’ vì quán cà phê nằm ở cuối một ngõ hẻm, hai bên san sát nhà mái ngói, mái tôn, vách gạch, vách ván. Ngày xưa, nơi này gọi là Xóm Bún vì trong xóm có đến năm bảy lò bún. Ngày nay, đầu hẻm có cái cổng chào đề tên ‘Khu Phố Văn Hoá Phường Bốn’ và trong hẻm không còn gia đình nào làm bún. Nằm ở cuối hẻm nên quán ‘Cuối Phố’ có một khung cảnh khá nên thơ nhìn ra đồng ruộng, tuy không bát ngát nhưng cũng đủ cho ai đó làm ra bốn câu thơ viết theo lối thư pháp treo trước cửa quán, như sau:

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Cuối phố ta thư giãn

Nhấm cà phê đậm đà

Tâm hồn ta bình thản

Nhìn đồng ruộng bao la…

Bảo Huân

Lầm thầm đọc bốn câu thơ rồi đầu óc suy nghĩ vẩn vơ nhưng ông Thịnh không thể bỏ ngoài tai một câu chuyện đang được ba, bốn vị khách kể nghe rôm rả ở bàn kế bên.

“Hôm qua mầy đi đâu mà không thấy đến uống cà phê vậy?”

“Tao với bà xã đi bác sĩ ở thành phố rồi lấy thuốc mới có tiền rủng rỉnh đi uống cà phê với tụi bây đây.”

“Cái gì?! Lúc trước tao nghe mầy nói vợ chồng mầy uống nghệ và mã đề nên không cần phải uống thuốc hạ mỡ máu nữa mà!”

“Ðúng vậy! Tụi tao bỏ uống thuốc hạ mỡ máu, cữ ăn mỡ, thịt bò, uống toa thuốc nam này được khoảng nửa năm rồi. Kết quả thử máu tốt, mức độ mỡ trong máu dưới 200. Nhưng tụi tao có bảo hiểm, không phải trả tiền thuốc, tội gì mà khai thiệt với bác sĩ. Tụi tao lãnh thuốc về bán, trừ tiền xe cộ vẫn còn lời chán!”

“Ði bác sĩ với bảo hiểm sức khoẻ không dễ đâu mầy! Ngồi chờ cả ngày thấy mẹ đó!”

“Tụi tao có bôi trơn bằng mấy kí lô xoài và mãng cầu bà xã tao mua ngoài chợ nhưng nói là trái cây sạch, hái sau vườn nhà, biếu ngài bác sĩ ăn lấy thảo. Ngài cám ơn rối rít, khám qua loa rồi kê toa cho tụi tao lấy thuốc. Tụi tao đi sáng, trưa đã về tới nhà rồi…”

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Chiếc điện thoại cầm tay bỗng reng lên, làm ông Thịnh giật thót người. Một bạn nhắn tin, nói sẽ đến trễ vì đang sắp hàng chờ đóng lệ phí hỗ trợ nhà trường của cháu. Ông Thịnh chưa kịp bấm hai chữ OK vào máy thì người bạn kia trờ tới, ngồi vào bàn.

“Thằng Hùng chưa đến à?”

Người bạn vừa hỏi vừa móc trong túi ra gói ba số 5. Ông Thịnh trả lời:

“Nó mới nhắn tin cho tao. Nó đến trễ một chút vì đang chờ đóng lệ phí hỗ trợ gì đó!”

“Ð.m. Thời này đi học trường công lập không phải đóng học phí nhưng lệ phí thì đủ thứ, đóng ngập đầu, ngộp thở luôn.”

Người bạn châm điếu thuốc, hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi nói tiếp:

“Ðã đóng lệ phí lại còn phải học thêm nữa. Bởi vậy, có người nói ‘Trước 1975: tiên học lễ, hậu học văn. Sau 1975: Tiên học phí, hậu học thêm’. À, đó là chưa tính đến tiền mua đồng phục mới! Tao không hiểu mắc mớ gì mà mỗi năm hầu như trường nào cũng đổi đồng phục. Hai thằng cháu của tao, thằng anh mặc đồng phục được một năm rồi phải bỏ, không thể để dành cho thằng em. Sách giáo khoa cũng vậy, nhà trường cứ thay sách mới hoài chứ không như hồi xưa…”

Nghe bạn nói vậy, ông Thịnh ngạc nhiên hỏi:

“Sao kỳ vậy? Hồi đó, trong 7 năm trung học tụi mình mặc quần xanh đậm, áo trắng đi học, trường này khác trường nọ chỉ ở bảng tên trường may trên túi áo mà thôi…”

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Nói đến đó thì có tiếng cười ha hả ở bàn kế bên làm cho ông Thịnh khựng lại, tiếp theo là một giọng nói nghe sao quá chán chường, bi quan:

“Mầy trị được bệnh cao mỡ, tao thì uống trà khổ qua, ăn cơm ít lại để trị bệnh tiểu đường. Còn ung bướu thì sao? Ngài bác sĩ của mầy chỉ đụng đến thức ăn sạch. Còn tụi mình đang uống gì đây? Cà phê nhuộm đen bằng bột pin? Mầy gạt được ngài bác sĩ nhưng gạo, mắm, thịt, rau mầy mua ăn hàng ngày có chắc là sạch không?”

Một cơn gió man mát lùa vào quán nhưng nghĩ đến những  chuyện mình vừa nghe lén ở bàn kế bên, ông Thịnh ngập ngừng, không dám hít thở mạnh. Ðưa mắt nhìn về hướng đồng ruộng, ông thấy màu xanh của mạ sao có vẻ giả tạo, nó xanh quá là xanh như màu xanh của cây kiểng vừa được tưới hoá chất. Trời hỡi trời, đi uống cà phê mà phải nghe chuyện đời như thế này thì làm sao mà thư giãn để cho tâm hồn được bình thản đây?!

ĐAD