Trong một bài viết của nhà thơ Du Tử Lê khoảng đâu 10 năm trước, ông có một ví von khá thú vị rằng, ca khúc “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân là một bản “quốc ca của tình mẫu tử”.

Mà thật vậy. Nhạc sĩ Y Vân có hàng trăm sáng tác, không ít bài nổi tiếng nhưng nhắc đến Y Vân thì phải kể đến Lòng Mẹ và nói đến Lòng Mẹ, người thưởng ngoạn biết ngay là của Y Vân.

Nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1933 tại Hà Nội và di cư vào Nam ở tuổi trên dưới 20, trở thành một trong những nhạc sĩ tên tuổi của nền âm nhạc miền Nam. Ông mồ côi cha sớm, mẹ ông tảo tần, vất vả nuôi anh em ông ăn học nên ông là người con hiếu thảo, rất thương mẹ.

Dưới cái tựa “Lòng Mẹ” là hàng chữ “Trìu Mến Dâng Mẹ Hiền – Câu Hát Ngàn Thương” và trên đầu những dòng nhạc kẻ, chàng nhạc sĩ trẻ ghi chữ “Tha thiết”, thêm cho các ca sĩ diễn đạt ca khúc được ông sáng tác vào giữa thập niên 50s.

Ông viết Lòng Mẹ bằng một tâm tình kính yêu, bằng tình mẹ con tha thiết, chân thành nên nhạc điệu bài hát da diết, ngọt ngào, ca từ thì mộc mạc, dung dị, nghe qua là xúc động. Ai chẳng có một mẹ hiền để thương, để nhớ. Và để được mẹ yêu thương, lo lắng cho đến khi đã trưởng thành.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,

Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,

Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu”.

Nhạc sĩ Y Vân và bài Lòng Mẹ

Vậy! Tình mẹ là biển rạt rào, là suối hiền, là đồng lúa chiều, là vầng trăng tròn, là tiếng sáo diều… Có không gian và sự ví von nào gần gũi, ngọt ngào hơn vậy? Hồn hậu, tự tại, bình an.

Và có hình tượng người Mẹ nào khác với người mẹ của nhạc sĩ Y Vân, cho dù có vài chục năm trước hay mãi mãi về sau.

“Thương con thao thức bao đêm trường,

Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.

Thương con khuya sớm bao tháng ngày.

Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn”.

Bao nhiêu đêm Mẹ không ngủ, bao nhiêu ngày Mẹ vất vả, tảo tần. Cho đến ngày những đứa con khôn lớn, nên người. Lặng lẽ, âm thầm, Mẹ hy sinh cả cuộc đời cho những đứa con. Ca dao xưa bảo “Lên non mới biết non cao, có con mới biết công lao Mẹ già”, có làm Cha, làm Mẹ rồi mới hiểu công ơn biển trời của Mẹ Cha. Vậy nên:

“Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.

Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.

Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt màu.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng Mẹ yêu”. (Lòng Mẹ)

Tác giả và Hiền Mẫu

Ðặt tâm cảm, thả hồn vào bài hát, ca sĩ hay người nghe cũng dễ dàng xúc động, rưng rưng khi trình diễn hay lắng nghe ca điệu tha thiết, chạm đến lòng người. Hòa thêm tiếng sáo trúc hay đàn bầu, ca khúc cứ vậy mà sống mãi với thời gian. Vào mạng, những ca sĩ trình bày trọn vẹn ca khúc này có đến vài triệu lượt người xem.

Chính vì vậy mà nhà thơ Du Tử Lê viết thêm trong bài viết kể trên là, trong lịch sử 20 năm nền tân nhạc Miền Nam thì Lòng Mẹ là một trong vài ca khúc có sức phổ cập to lớn và hiếm có trong mọi tầng lớp người dân, từ thị thành ra đến thôn quê.

Chúng ta có thể nói thêm rằng, vài chục năm sau, bây giờ và về sau, Lòng Mẹ cũng vẫn và sẽ là một ca khúc của thời đại, bất biến với thời gian. Bởi có điều gì vĩnh cửu và to lớn hơn tình mẫu tử thiêng liêng, biển trời?

Mẹ để lại cho con một gia tài quý báu, một bài học cuộc đời về lòng yêu thương, từ ái. Con giữ gìn, trao lại cho con cái và biết cách đối xử với tha nhân. Lòng yêu thương đó cứ vậy, truyền từ đời này sang đời khác. Nên tình mẫu tử và ca khúc “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân là một di sản của thế hệ vậy.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

ĐYT