…Cõi người có bao nhiêu

Mà tình sầu vô lượng…”

[PhạmThiênThư]

Khi bay tới Havana, tôi không ở tại thành phố có những kiến trúc nửa cổ điển, nửa tân kỳ. Những hào nhoáng của vài building, cố gắng hết sức để từa tựa như White House hay Toà Nhà Quốc Hội ở Washington DC.

Ðáp chuyến xe lửa ầm ĩ, còn nguyên những trăm năm của một chuyến tàu vừa chậm chạp, vừa cũ kỹ. Từ Havana tôi ghé Matanzas Town.

Loanh quanh trong những xóm nghèo, tôi tìm ra con phố bé xíu, nơi tôi hỏi thuê một gian nhà nhỏ, chẳng có chút tiện nghi nào.

Tiện nghi? Có phải đã chẳng đâu bằng nước Mỹ, nhất lại là California…

Khi đến với Cuba, tôi mê những heo hắt, những nắng tàn mưa sớm, cùng sự quạnh hiu của mỗi đêm về, trong những khu xóm nghèo nàn.

Mỗi chiều, tôi hay ngồi cafe ở một quán nhỏ ngoài trời. Dựa lưng bên tường vôi loang lở, nhìn những vũng nước chẻ đôi chẻ ba trên nền gạch vừa nghiêng chao, vừa như sắp vỡ.

Tôi ngồi đó tới tối, chờ khi ánh đèn măng sông thắp sáng. Cái ánh sáng không tối, cũng chẳng bao giờ đủ sáng, hắt ra từ cái xóm lạ mà như đã rọi soi, đã theo tôi tìm về chút tàn rơi, của một đời sống từ những tháng ngày vô cùng xưa cũ…

Ôm ấp nhiều mơ màng, tuổi 15, 17 tôi mang thơ Phạm Thiên Thư rải trên tóc thơm tho, viết trong tà áo trắng.

“…Anh khoác áo nâu sồng

Em chân trời biền biệt…

…Bây giờ anh qua đó

Còn thấy chữ trong chuông…”

                       [PhạmThiênThư]

Nhà thơ Phạm Thiên Thư

Và rồi khi đất nước điêu linh năm 1975. Những thơ, những văn chương chữ nghĩa đã rụng rơi theo mọi thứ hoang tàn của một quê hương lầm than với đầy những tai ương, và điên đảo.

Lần đầu tiên anh đến nhà chúng tôi ở Cư xá Thanh Ða, Phạm Thiên Thư chẳng mang dáng vẻ gì của một Thi sĩ như tôi từng tưởng tượng qua những vần thơ hằng đọc thời thiếu nữ. Anh cũng chẳng màng gì nữa đến chuyện thi ca, văn chương hay thơ phú.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Nghiêu Ðề và Phạm Thiên Thư, hai nhân vật sống vất vưởng trên mây, giờ phải ngồi giữa nhà, bàn chuyện cơm áo. Ðó là những tháng ngày của đầu năm 1977.

Anh nói với giọng điềm đạm, chậm rãi. Chú chó nhỏ của tôi nằm bên bàn tay ve vuốt của Anh mà như sắp ngủ.

“Con chó liêm sỉ ”, tên mới chúng tôi gọi, khi qua đã nhiều ngày mà nó nhất định không ăn bo bo, mì sợi, khoai sắn, như chúng tôi đã phải ăn mỗi sáng, mọi trưa và chiều tối.

Nó có liêm sỉ hơn chúng tôi, nó quyết liệt, nó thà nhịn đói, nó thà chết…

Phạm Thiên Thư giận dữ với câu chửi thề hiếm hoi, quăng hộp diêm mà dù cố gắng lắm, cũng chẳng có que nào cháy, vô lò than. Loại than mà không phải riêng anh, cả nước đã không ai nhóm nổi. Có lần tôi đã phải đầm đìa nước mắt vì khói và với cả tức giận, vì sau 2 tiếng loay hoay, tôi cũng không biết làm sao cho than cháy trước bữa cơm chiều.

“Quán” Cafe mà luôn chỉ có hai người. Anh Nghiêu Ðề và tôi.

Một ông yêu thơ Phạm Thiên Thư, có căn nhà trên đường Phan Thanh Giản, tốt bụng cho Anh Chị kê 2 chiếc bàn nhỏ bên góc hiên nhà để bán cafe, đặc biệt là chỉ được bán buổi chiều, sau 5 giờ.

Quán không có điện, chút ánh sáng vật vờ từ những ngọn đèn đường, không đủ cho chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Nhờ chút ánh lửa từ lò than rực rỡ, có khi đã làm cho đêm bớt tối tăm, và như đã sưởi ấm bốn người chúng tôi, nhỏ to quanh những câu chuyện mà ai cũng chỉ dám thì thào, nho nhỏ…

Khởi đầu cho những tiếng cười, luôn là lúc anh Nghiêu Ðề quăng gói Vàm Cỏ trên bàn mời mọc: “Hút đi ông, hút đại đi cho nó bổ”.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Mỗi tháng, “Văn nghệ sĩ” được mua 4 gói thuốc lá, anh Phạm Thiên Thư phải để dành Vàm Cỏ để bán lẻ cho khách, anh chỉ hút thuốc “lá đu đủ Lạng Sơn”. Rất chậm rãi, và lặng lẽ, anh quấn những sợi thuốc lá trong tờ giấy lịch, hình ảnh trông hiền lành, lại có chút gì như sắp cam tâm.

Ðể ý, tôi thấy anh chỉ sôi nổi khi bàn về “Dưỡng Sinh Ðiển Công”, một môn Ðông Y mà sau 1975 rất nhiều người theo học, vì cả nước có nhu cầu mà chẳng bao giờ được đầy đủ thuốc men.

Bạn bè thường nhờ anh hướng dẫn về thuốc Nam, nhân tiện anh giúp bấm huyệt cho hết nhức mỏi, đau tứ chi, hay cả đau đầu…

Có khi tôi thấy anh có tướng của một ông thày bốc thuốc hơn là một Thi sĩ. Tôi đã dần quên đi một Phạm Thiên Thư có những vần thơ trác tuyệt, một PTThư đã mang đầy hương lửa, vào giấy vở học trò thơ mộng của chúng tôi.

Thay vào đó, chị Mai Trinh, hiền thê của anh, và cũng là ái nữ của nhà văn Hoàng Ly.

Với đôi mắt long lanh sáng, bên bếp lửa Cafe, chúng tôi thường được nghe đọc những bài thơ Chị làm cho Phạm Thiên Thư. Những vần thơ đẹp như trăng, và rất nồng nàn…

Cafe Phạm Thiên Thư vắng tanh, với những im lìm, dù quán chỉ xao xác với 2 chiếc bàn nhỏ.

Thỉnh thoảng Thi sĩ Bùi Giáng, vai khoác chiếc túi rách tả tơi, tay kéo theo sợi dây dài có gắn rất nhiều lon sữa bò sét rỉ. Với vẻ mặt hóm hỉnh, Ông nghênh ngang tới ngồi ở chiếc bàn còn lại.

Tiếng kêu của những lon sữa kéo lê, khi chầm chậm, lúc vội vã trên nền ciment, tạo ra một âm thanh vừa kỳ quái, vừa dễ sợ. Cộng thêm là tiếng cười man dại, đầy cuồng điên của Bùi Giáng…

Nhưng đó là những âm thanh, những lao xao duy nhất của Cafe Âm U.

Tôi uống tới ly cafe thứ 4, trong buổi chiều cuối cùng ngồi với Cuba.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Mưa lất phất lạnh, tôi vẫn dựa lưng trên vách ướt ngoài trời, vẫn ngó mông xa ra con hẻm nhỏ, có những mái nhà hoang sơ ướt.

Chủ quán múa tay cho tôi hiểu, phố xá đang bị cúp điện. Bà muốn tôi vô trong ngồi cho ấm áp…

Hơ đôi tay lạnh, tôi nhìn ngọn lửa đỏ chấp chới trong bếp nấu cafe.

Ánh lửa làm bùng cháy nỗi nhớ của tôi về quán cafe tăm tối của Phạm Thiên Thư 40 năm về trước. Cái quán mà bàn ghế cũng quạnh hiu, chỉ có 4 chúng tôi buồn rầu ngồi thở than cùng ế ẩm. Cafe âm u tối, Cafe với những mưa bay, và gió se sắt lạnh của Sàigòn.

“Quán cúp điện” ở tận Cuba, mà sao tôi lại thiết tha nhớ về những con đường tăm tối? Những ngày Sàigòn, nhiều khi ánh điện đã chẳng tới được bất cứ nhà ai.

Ðêm đó, cũng như mọi đêm không đèn đóm. Cafe Phạm Thiên Thư ngoài ánh lửa, còn có chút trăng soi.

Trăng nghiêng trên tóc anh, và lần đầu tiên chúng tôi nghe anh thầm thì, lan man đọc lại những vần thơ cũ.

“Xưa em làm kiếp chim

Chết mục bên đường cỏ

Anh làm cội băng mai

Ðể tang em mấy thuở

Xưa em làm chữ biếc

Nằm giữa lòng cuốn kinh

Anh là Thiền Sư buồn

Ngồi tụng dưới ánh trăng…”

[Phạm Thiên Thư]

Rời Cuba khi trời còn mờ mờ tối, quán Cafe tôi hay ngồi vẫn chưa mở cửa.

Phía trước tôi, là một ông Cuban. Trong ánh sáng mù câm, tôi chẳng thấy gì, chỉ nghe tiếng rớt rơi của những chiếc lon, mà Ông đang quăng ra từ vài đống rác nhỏ ven đường.

Chút lúng túng của những tiếng rơi, sao tôi nghe như nhiều gần gũi?

Suốt chuyến bay dài, tôi đã chẳng nghe thấy gì khác. Bên tai tôi là vang vọng cái âm thanh lạ kỳ…

Âm thanh từ những chiếc lon được kéo rất ngập ngừng, nhưng lê thê buồn của Bùi Giáng.

LCG