Guitar của ba và mandolin của má

Ba má tôi (tạm cho là) biết chơi đàn. Tuy nhiên, cả một thời thơ ấu tôi chỉ thấy ba bấm mỗi cung rê thứ. Còn giữ lại trong tôi hình ảnh ba cầm cây đàn, từng tưng hết sáu dây, không mích lòng dây nào, chỉ hai bài hát và chưa bao giờ tôi nghe ông hát trọn bài:

“Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu thương một cô gái làng bên…”.

Khi ông cao hứng:

“Cô láng giềng ơi, không biết cô còn nhớ đến tôi..”.

Việc đàn hát với ông chỉ là dăm phút thư giãn với chỉ một cung rê thứ và luôn bỏ dở nửa chừng bài hát.

Nếu không có cây đàn, bàn tay ba nhịp trên bàn gỗ bài hát ả đào:

“Mười lăm năm thắm thoát có ra gì, ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu…”.

Ông cũng chỉ hát đúng một câu và ngồi nhìn xa xăm rồi đứng lên. Ba còn nhiều việc phải làm, ông là lao động chính trong gia đình.

Hồi ấy nhà tôi còn có cây đàn mandolin. Như ba tôi, khi nào thư thái lắm, má lấy cây mandolin, cầm miếng phím và rung tremolo rất điệu nghệ bài “Nhạc Tuổi Xanh” của Phạm Duy. Má vừa đàn vừa hát:

“Ðời còn tươi như hoa mới nở sớm mai sáng ngời. Ðời còn thắm như mây non bay ven trời… Ðời còn xanh như bao cánh đồng lúa mới, bát ngát bao la như biển khơi”.

Cũng là bài hát đầu tiên trong đời khi tôi làm quen với âm nhạc từ cây đàn mandolin của má. Những nốt nhạc tôi thuộc lòng đến bây giờ:

“Sol sol rê rê rê mí sì mí rê rê rê si la sol, sol sol sí la sol sol sol mì rề”.

Mười tuổi, tôi chuyển qua guitar. Ðặt cây đàn trên đùi, tôi lọ mọ bấm từng nốt nhạc rồi tập hợp âm từ những cuốn nhạc lý của anh tôi. Rồi tôi tự đệm đàn hát hay đệm cho bạn bè hát. Một thời sôi nổi, rất vui và khó quên. Có khi tôi và anh tôi “song tấu”, tôi mandolin, anh tôi guitar và chúng tôi hát cùng nhau. Tôi biết, ba má ở phòng trong đang lắng nghe. Chưa bao giờ tôi hỏi ông bà cảm nhận thế nào khi nghe chúng tôi đàn hát. Tôi thường lấy làm tiếc về điều này!

Từ “truyền thống” của anh chị, em gái tôi cũng biết chơi guitar. Những năm khi chúng tôi chưa lập gia đình ra riêng, mỗi tối, hai chị em thường mang đàn ra ngồi trước hiên nhà và hát. Bên kia đường có nhà chú Quang nằm lọt thỏm giữa khu vườn khá rộng trồng toàn chuối và có nhiều mả Hời. Trước, chú Quang đi lính, dân Võ Bị Ðà Lạt. Sau 1975, chú về nhà mở lớp dạy kèm hai môn Toán và Lý. Từ nhà tôi nhìn sang thấy cửa sổ phòng chú Quang sáng đèn. Khi nào hai chị em thôi hát, đóng cửa tắt đèn thì sau đó nhà chú cũng chìm vào bóng tối khu vườn. Ðêm nào chú Quang cũng lắng nghe tiếng đàn, tiếng hát của hai chị em, nghe một cách rất chăm chú và… chi tiết. Tôi biết điều này bởi có một lần chú nói với tôi:

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

“Tối hôm qua hai chị em hát có một chỗ sai”.

Những ngày xưa ở ngôi nhà cũ ấy đẹp, thơ mộng và bình yên quá đỗi.

Bảo Huân

Giã biệt Boléro

Năm 1974, ở miền Nam lần đầu tiên (và cũng là duy nhất) tổ chức kỳ thi tú tài hình thức trắc nghiệm, chấm bằng máy (IBM). Lớp 12, niên khoá 1973 – 1974 chỉ thi một kỳ thi Tú tài. Trước đó thi hai kỳ, Tú tài 1 và Tú tài 2. Kỳ thi Tú tài rất quan trọng với học sinh nam, bởi “Rớt Tú tài anh đi Trung sĩ…”.

Anh tôi thuộc lớp “Tú tài IBM”. Hồi ấy anh ít bạn bè, chỉ có hai người bạn thân ở phía sau nhà tôi là anh Ðồng, do tên ở nhà của anh là Gà, nên chúng tôi gọi anh là Gà Ðồng. Một người nữa là anh Tư, không biết vì lý do gì mà chúng tôi gọi anh là Tư Kẹ.

Nhà anh Tư Kẹ có bộ guitar điện và trống. Giải trí duy nhất của anh tôi là qua nhà anh Tư Kẹ đánh đàn. Tôi làm khán giả. Nhà anh Tư Kẹ có bộ ván ngựa. Khán giả ngồi trên bộ ván xem ban nhạc đàn hát.

Anh Tư Kẹ hay hát boléro. Ðêm đêm, nghe từ nhà anh tiếng đàn, tiếng hát những bản boléro buồn lắm.

Anh Tư Kẹ solo cũng hay, giờ chỉ còn nhớ mấy bài như “The House Of Rising Sun” hay bài “Apache” mà bọn con nít nghịch ngợm khi ấy thường nhẩm theo: “Toòng teng cái hòn d** đen nó kêu toòng teng”, tôi chắc có người bây giờ vẫn còn nhớ.

Tôi thuộc nhiều bài hát boléro từ đó. “Rừng lá xanh xanh vây phủ đường đi, thành phố sau lưng ôm mộng ước gì…”, “Nhớ gì từ ngày anh xa mái trường, nhớ gì từ ngày anh vui lên đường…”, “Có những đêm dài anh ngồi nhìn hoả châu rơi. Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời…”, “Cho anh nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn bằng những giòng sông chảy xuôi đêm trường. Ôi những giòng sông nhẫn nhục đau thương…”…

Anh Ðồng học trên anh tôi một lớp. Tú tài 2 xong anh thi đậu vào Ðại học sư phạm Sài Gòn. Sư phạm đệ nhất cấp (dạy lớp 6 đến lớp 9),  sư phạm đệ nhị cấp (dạy lớp 10 đến lớp 12). Anh Ðồng học sư phạm đệ nhất cấp vì hoàn cảnh gia đình anh cũng khó khăn.

Rồi anh Tư Kẹ đi lính. Ðêm cuối cùng, anh hát giã biệt boléro: “Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai tôi đã đi xa rồi. Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi, trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi, kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong lòng tôi…”.

“Những ngày xưa thân ái, xin trả lại cho ai…”, anh tôi cũng tạm biệt boléro lao vào học hành. Khi anh đậu Tú tài và vào Sài Gòn học đại học, má như trút được gánh nặng ngàn cân vì anh không phải đi lính.

Một đêm, nghe Giao Linh hát “Trăng tàn trên hè phố”, những kỷ niệm ngày tháng ấy tấp nập trở về khiến tôi buồn muốn khóc luôn. Tôi nhớ những người bạn của anh tôi dừng lại ở tuổi mười tám, hai mươi. Thành phố mãi mãi phía sau lưng và không biết các anh đã ôm mộng ước gì?

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Cây đàn bỏ quên

Anh tôi học Sài Gòn mang theo cây đàn. Ở nhà, tôi mua lại một cây đàn cũ từ một bạn học cùng lớp tên là Hậu. Cây đàn ấy là của một người anh đã mất của Hậu. Ðó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến các nghi lễ cho người chết khi đến nhà Hậu coi người ta làm các nghi thức đám tang. Mà hay ghê, năm 14 tuổi, tôi chẳng chút sợ sệt gì khi chơi cây đàn đó.

Cây đàn tuy cũ nhưng tiếng nó vang và ấm, nhiều người thích. Cây đàn theo tôi “lên rừng xuống biển”, chia sẻ không biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn.

Mùa Hè năm lớp mười  nó theo tôi những đêm xoá mù chữ ở một xã miền quê. Năm lớp mười một, cây đàn cùng tôi đi lao động ở Sông Cầu, bạn bè giành nhau cây ghi ta đến nỗi hết mùa lao động nó bị bung “con ngựa” bằng gỗ .

Thời bao cấp khó khăn, tôi ra tiệm mua một cầu dây bằng nhôm về tự mày mò bắt vít níu 6 sợi dây đàn. Thùng đàn bị bung một chút nhưng tiếng vẫn còn vang và ấm lắm. Mùa Hè năm lớp mười một, cây đàn theo tôi đến lớp dạy bổ túc văn hóa. Mùa Hè năm lớp mười hai cây đàn chia sẻ cùng tôi những bài toán khó mùa thi.

Tôi vào đại học, cây đàn theo tôi vào tận ký túc xá ở Thủ Ðức, chung với tôi những niềm vui nho nhỏ, chia bớt giùm tôi nỗi buồn xa nhà, nói giúp tôi lời yêu ban đầu với một người bạn học cùng lớp…

Tôi ra trường, cây đàn lang thang cùng tôi 3 năm ở Sài Gòn, gánh bớt giùm tôi nỗi nhọc nhằn những đêm đi dạy học về khuya, tâm sự cùng tôi những buổi chiều Chủ Nhật trói chân trên căn gác nóng như một lò bánh mì ở nhà Dì.

Tôi về Nha Trang làm  việc, cây  đàn cùng tôi quy cố hương. Tôi lập gia đình ra riêng, cây đàn vẫn theo tôi những năm tháng tuổi ba mươi, rồi bốn mươi…

Tôi cất nhà mới. Ngày dọn nhà, nhìn thấy cây đàn cũ kỹ quá, không hợp với bức tường, tôi mang ra tiệm nhờ “tân trang”, và nôn nao nghĩ đến những đêm trăng trên sân thượng bập bùng tiếng guitar…

Cây đàn được  làm mới trông đẹp lạ lùng. Ông chủ tiệm nói với tôi:

“Cây đàn này còn tốt lắm, nhưng nếu  không chơi thường xuyên, tiếng nó sẽ bị câm”.

Tôi đem cây đàn về nhà treo trên vách và… bỏ quên từ đó, bởi có quá nhiều thứ giải trí trên máy tính khi bắt đầu thời kỳ của công nghệ số.

Các con đến tuổi thích chơi đàn, tôi lấy cây đàn cũ, bấm vài hợp âm thấy không ưng ý. Tôi cất nó vào kho kỷ niệm của đời người và mua cây đàn mới sử dụng đến bây giờ.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Tiếng hát

Con trai tôi ít thích chơi đàn mà cháu hay hát và hát hay, lại thêm thích “cái món” beatbox là một nghệ thuật sử dụng miệng, giọng để mô phỏng âm thanh của bộ gõ, kèm theo những cử động tay rất dễ thương.

Thời tuổi teen của con trai tôi gắn liền với beatbox đến khi cháu vào đại học và đã có một đêm diễn beatbox trên sân khấu của trường. Ðam mê chỉ một thời. Vào tuổi trưởng thành, con trai tôi không còn say mê beatbox nữa. Bỏ lâu, thỉnh thoảng, cháu lại nói giọng có chút nuối tiếc, vương vấn: “Bây giờ hết cảm xúc để làm beatbox nữa rồi!”.

Con trai tôi bị bệnh, cháu cần tôi vào Sài Gòn để hỗ trợ về tinh thần. Thời gian đầu, cháu hơi hoang mang, tôi thấy cháu không hát. Nói thêm là cháu rất hay hát ở nhà. Ði đâu về, vừa mở cửa vào nhà là hát, hát trong nhà tắm, đi quanh nhà cũng hát, nấu tô mì gói, pha ly cà phê cũng hát rộn ràng. Nói chung, mọi lúc, mọi nơi. Mỗi khi nghe các con hát, tôi hiểu, tâm trạng chúng đang vui và tất nhiên thể trạng khoẻ.

Rồi bệnh cháu thuyên giảm. Một ngày, tôi giật mình khi nghe tiếng cháu hát trong nhà, cháu còn làm beatbox với những cử động tay sống động. Niềm vui rạng rỡ. Tôi hiểu, mọi thứ qua đi, ngày mới sang trang mang đến cho con người nhiều hy vọng đôi khi bắt đầu từ tiếng hát.

Gu âm nhạc của mỗi người không giống nhau, như khẩu vị. Có người thích loại nhạc này mà không thích loại nhạc kia. Âm nhạc nói lên tâm trạng con người. Có nỗi niềm thích nghe nhạc buồn, buồn quá hát lên cho khuây khoả. Âm nhạc đi vào đời sống mỗi người theo mỗi cách khác nhau, tuỳ theo thời điểm và cảm xúc: buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau, tích cực…

Tôi đọc trong các tài liệu, nhà nhân chủng học Gilbert Rouget, đã viết: “Ca hát và ăn uống quan trọng giống nhau trong việc bảo đảm cho sự tồn tại”. Và cha đẻ của Thuyết Tiến Hoá, Charles Darwin, gọi âm nhạc là “điều bí ẩn nhất mà nhân loại được ban tặng”.

Âm nhạc là ký ức, là cảm xúc ùa về mỗi khi nghe một giai điệu mình ưa thích hay có liên quan đến kỷ niệm. Tôi nhớ lại ngày xưa mỗi khi ba tôi ôm cây đàn và hát vài câu, hay khi ông ngồi gõ nhịp bài hát ả đào, tôi biết tâm trạng ông đang vui.

Má cũng vậy, phải thật thảnh thơi chuyện nhà, bà mới cầm cây mandolin và hát: “Ðường xa, ta cứ đi. Ðời ta bao nỗi vui, lòng ta chan chứa đầy nụ cười. Ngày mai xong ước mơ, nhiều khi trong gió thu, nhìn nhau ta nhớ nhung ngày thơ” (bài hát Nhạc Tuổi Xanh – Phạm Duy).

Riêng tôi, tôi luôn nhắc mình, hãy đàn hát lên, dù buồn hay vui. Hát cho phong phú cuộc sống và hát cho người yêu thương mình an tâm rằng, cất lên được tiếng hát có nghĩa mọi sự đều ổn.

ĐTTT