Được các tạp chí du lịch đánh giá là một trong những tiểu bang đẹp nhất của nước Mỹ, Alaska vẫn đang chào đón những du khách muốn tìm thấy những vẻ đẹp hoang sơ và thô nhám của thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên cũng không là điều vĩnh cửu và cần sự quan tâm của con người để giữ gìn trọn vẹn cái đẹp của nó. Chuyên mục xin kết thúc loạt bút ký du lịch trên số báo hôm nay qua một đôi cảm nhận về thiên nhiên mà hành trình đi về xứ tuyết Alaska đã mang lại.

Kỳ cuối

Alaska, bài học về thiên nhiên

Khi chở du khách về lại bến cảng sau chuyến dạo quanh  thành phố và công viên quốc gia, người tài xế kiêm hướng dẫn du lịch giới thiệu thêm cùng chúng tôi một vài nhà hàng quanh bến cảng và ngay khu trung tâm thành phố Juneau. Giới thiệu vài nhà hàng hải sản lẫn giá cả, ông giải thích thêm lý do tại sao cua cá Alaska đang mắc hơn. Tất nhiên ngoài việc đắt đỏ của những điểm du lịch, Jon – một nhân viên chính phủ lâu năm đã nghỉ hưu và làm thêm công việc hướng dẫn du lịch trong dịp Hè bảo rằng, bởi Alaska đang ấm hơn.

Nhiệt độ có tăng hay giảm một đôi độ có thể là chuyện thay đổi khí hậu thông thường về mặt địa lý và với con người. Nhưng chỉ cần sự thay đổi nhỏ nhiệt độ nước biển đã có thể ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái trong lòng đại dương. Jon bảo nước biển Alaska ấm hơn đã làm các loài tôm cua, cá biển di chuyển lên mạn Bắc xa hơn để tìm nhiệt độ thích hợp và quen thuộc với chúng. Việc đánh bắt hải sản do vậy có phần khó khăn và khan hiếm hơn, dẫn đến việc giá cả tăng theo.

Xe bus chở du khách đến công viên băng hà quốc gia Mendenhall.

Ra vậy! Câu chuyện của ông khá tự nhiên và không hề mang ngụ ý đến vấn đề to lớn nào khác. Nhưng nó khiến tôi liên tưởng đến một vấn đề toàn cầu được nhắc đến nhiều trong những năm qua: sự biến đổi khí hậu.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Một số người có thể xem câu chuyện biến đổi khí hậu là chuyện xa xôi hay là việc muôn đời của tự nhiên nhưng thật ra nó có ảnh hưởng thật sự đến hệ sinh thái và rồi đến con người như Jon nói là điều tất nhiên.

Cảng Victoria tại Canada, điểm dừng cuối của các du thuyền Alaska.

Nếu nhìn vào những cơn hạn hán hay các trận bão lụt ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn ở khắp mọi nơi trên quả địa cầu này thì đó không là câu chuyện giả tưởng hay bị thổi phồng. Tương ớt Sriracha tăng giá hay thậm chí thiếu hụt trong mùa Hè này được nhà sản xuất bảo rằng hạn hán đã làm mất mùa loại ớt chỉ chuyên để chế biến tương ớt này. Con người sẽ khó lòng chống chọi thiên nhiên nếu không nhìn ra nguyên do cùng vấn nạn của nó mang lại.

Tại công viên quốc gia Mendenhall, trong trung tâm đón du khách có để những hình ảnh và thước phim chạy chữ rằng, vài chục năm trước tòa nhà này nằm ngay gần sát dải băng hà. Nhưng hiện nay nó đã tan dần, cách xa bờ đất liền chúng tôi nhìn ra cũng một đôi dặm.

Cáp treo đưa du khách lên núi ngắm cảnh

Ði một ngày đàng,  học thêm đôi điều ngoài lý thuyết hay sách vở. Tại khu vực Hubbard Glacier, tôi mới thật sự hiểu ra tại sao có những tảng băng trôi lững lờ giữa đại dương nhiều như vậy. Khi du thuyền tiến gần hơn ngọn núi tuyết, du khách nghe những tiếng ầm ầm như sấm nổ và có thể chứng kiến được nhiều vách băng đang sụp đổ xuống biển. Phải những tảng băng to lớn lắm mới gây nên tiếng sấm động nghe được từ xa. Các tảng băng đó trôi ra biển rồi tan dần khi gặp vùng nước ấm hơn. Tuyệt tác của thiên nhiên đang bị tan vỡ dần dần. Chúng sẽ tồn tại bao lâu nữa không ai biết được.

Vài ngày trước chuyến khởi hành của chúng tôi, báo chí đưa tin một du thuyền Alaska đã va phải một tảng băng khá lớn. Nó không gây thiệt hại cho thuyền nhưng do tuân thủ các yêu cầu an toàn nghiêm ngặt cho du khách, du thuyền phải tấp vào lại Juneau và hủy hải trình còn lại, cũng như đưa thuyền vào ụ khi về lại Seattle để thẩm định trước khi cho thuyền tái hoạt động. Nó làm lỡ dịp của các du khách trên tàu và các chuyến kế tiếp, có cả đứa cháu trai tôi lẽ ra cũng sẽ lên tàu trong chuyến đi ngay sau đó.

Câu cá hồi

Chuyện các quần đảo băng sơn Alaska và những nơi khác trên quả địa cầu này đang tan dần và tan nhanh so với vài chục năm trước thật ra có ảnh hưởng gì đến chúng ta? Nó có quan trọng hơn chuyện lạm phát, giá xăng tăng giảm hay thiếu tương ớt Sriracha?

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Thưa có! Và đó là sự giải thích và mối quan tâm của khoa học, trí tuệ của loài người.

Nhà hàng giới thiệu cua Alaska sống cho du khách

Khoảng gần ba phần tư bề mặt quả địa cầu được bao phủ bởi đại dương và hơn 10% đất liền là các dải băng hà hay những ngọn băng sơn. Khi các sông băng và những ngọn núi tuyết này tan chảy, chúng làm tăng mực nước biển, xói mòn bờ biển. Sự thay đổi về áp suất, nhiệt độ, thủy triều, hải lưu… do điều này gây ra như vậy đã tạo ra những ảnh hưởng đến hệ sinh thái đại dương cũng như có thể gây nên các trận sóng thần, cuồng phong hay mưa lũ cuồng nộ nơi này và hạn hán khắc nghiệt chỗ khác trên trái đất.

Và các thiên tai này tấn công ngược lại vào chính đời sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Ðó là sự đình trệ trong khai thác, vận chuyển xăng dầu, tôm cá, lương thực thực phẩm hay thất bát mùa màng mỗi khi thiên tai xảy ra. Nhiều người ắt không quên hình ảnh những hàng xe dài xếp hàng đổ xăng trong những trận bão lớn.

Nhân viên một tiệm hải sản đang luộc càng cua Alaska

Phần lớn các núi tuyết nằm tại Greenland và Nam Cực, Alaska hay Bắc Cực chỉ là một phần trong nhóm này. Tuy nhiên Bắc cực là khu vực được các nhà khoa học ghi nhận là đang ấm nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên quả địa cầu. Kỹ nghệ đánh bắt thuỷ hải sản là kỹ nghệ quan tâm đến điều này nhất nên thường lên tiếng cảnh báo về nó vì trực tiếp ảnh hưởng đến công việc của họ cùng nguồn cung ứng cho người tiêu thụ.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Môi trường thay đổi, tôm cá hay động vật hoang dã cũng thay đổi bản năng tự nhiên của mình. Các nhà khoa học bảo rằng việc thay đổi khu vực sống hay thời gian sinh sản của tôm cá cũng là hệ lụy tất nhiên. Ðó cũng là lời người hướng dẫn du lịch nhắc đến việc tôm cua chuyển dời vùng sinh sống trong câu chuyện đời thường.

Du khách xếp hàng trước một tiệm hải sản

Tôi không kết thúc bút ký du lịch của mình khi kể thêm về dăm điều thú vị nào đó trong hành trình Alaska mà chia sẻ riêng đôi điều cảm nhận được về thiên nhiên từ chuyến đi. Bởi cũng có thể có người sẽ bảo rằng, chỉ cần mở phim ra là bạn có thể thấy được vô số điều ngoạn mục khác, có cần gì phải lặn lội đi xa. Cũng xác đáng! Xét theo cách sống và suy nghĩ của mỗi người.

Nhưng cho riêng tôi, tầm mắt của mình nếu bị giới hạn chỉ đến cái màn hình chiếc máy điện toán, cái truyền hình hay màn ảnh điện thoại thì cũng khó cảm nhận hết được sự kỳ vĩ của thiên nhiên để có sự trân trọng hay ý thức bảo vệ nó, hay vô số điều khác nói chung.

Tác giả tại Ketchikan, nơi được mệnh danh là thủ phủ cá hồi của thế giới

Ngạn ngữ của những người thổ dân da đỏ bảo rằng, “Chúng ta không thừa hưởng trái đất này từ tổ tiên mà chúng ta đang vay mượn nó từ con cháu”. Bảo vệ cái đẹp của thiên nhiên, chống chọi lại những bất trắc của đất trời, chúng ta sẽ trả lại cho những thế hệ tương lai một thiên nhiên còn nguyên vẹn, không bị tàn hủy quá nhiều bởi bàn tay con người.

Xin tạm biệt Alaska! Cảm ơn những cố gắng gìn giữ cái đẹp để những du khách như tôi được một lần chiêm ngưỡng và học hỏi thêm đôi điều trong một lần đi về xứ tuyết.

Ráng chiều giữa đại dương

ĐYT