Bên cạnh sự hào hứng vốn dĩ của giải World Cup thế giới, người hâm mộ vẫn có thể cảm nhận được sự ẩn hiện đó đây dăm yếu tố chính trị trong mùa bóng năm nay. Liên Đoàn Túc Cầu Quốc Tế (FIFA) kêu gọi các đội banh hãy bỏ qua các yếu tố chính trị hay ngăn cấm những việc có thể làm ảnh hưởng đến mùa World Cup năm nay, nhưng chính FIFA cũng ngấm ngầm đưa ra thông điệp cổ vũ cho sự bình đẳng giới tính trong thể thao hay xã hội nói chung.

Người hâm mộ Iran giơ cao những tấm biển có nội dung “Tự do cho cuộc sống của phụ nữ” trong trận đấu FIFA World Cup giữa Anh và Iran ở Doha, Qatar, vào ngày 21 tháng 11. photo Juan Luis Diaz/Getty

Dù thua Hòa Lan trong vòng đá loại trực tiếp hồi cuối tuần qua và kết quả chung cuộc cũng không gây bất ngờ theo dự đoán, đội tuyển Mỹ đã kết thúc sự có mặt của mình tại mùa World Cup năm nay không mang lại nhiều thất vọng hay kịch tính. Bởi chiến thắng trước đội Iran vài ngày trước đó mới là một chiến thắng quan trọng và có ý nghĩa để Mỹ tiếp tục được lọt vào vòng tiếp theo.

Với gần 20 triệu khán giả tại Mỹ theo dõi trực tiếp trận đấu giữa Mỹ và Iran trên hệ thống truyền hình Fox và các đài tiếng Tây Ban Nha trong một giờ của ngày làm việc, Fox News bảo rằng đây là trận thi đấu thể thao không thuộc giải NFL cho football có đông khán giả theo dõi nhất. Và chắc chắn tại Iran cũng vậy.

Không chỉ cả Mỹ và Iran cần phải thắng trong trận đấu này để tiếp tục vào vòng hai của World Cup mà trong bối cảnh chính trị và quan hệ giữa hai quốc gia, sự chiến thắng còn mang một ý nghĩa khác hơn. Hoa Kỳ không muốn để Iran chiến thắng và lấy đó làm lý do tuyên truyền như họ đã làm từ trước khi trận đấu xảy ra. Với Iran, khao khát thắng Mỹ còn quan trọng hơn thế nữa.

Qatar 2022 Các cầu thủ Iran không hát quốc ca để ủng hộ cuộc đấu tranh trong nước. REUTERS/Marko Djurica

Một phần khác, thắng được Mỹ sẽ là một cách “chuộc lỗi” của các cầu thủ Iran. Họ đã bày tỏ một thái độ không thể chấp nhận với nhà cầm quyền của đất nước họ trước đó, khi các cầu thủ Iran không hát quốc ca của mình trong trận đấu đầu tiên với Anh. Thái độ can đảm nhằm bày tỏ sự ủng hộ với những người biểu tình tại Iran đã phải thay đổi trong thể chế độc tài khi các nguồn tin cho biết, không chỉ các cầu thủ Iran mà cả thân nhân của họ tại quê nhà bị hăm doạ nếu họ không thay đổi thái độ của mình. Và đó là lý do họ đã phải miễn cưỡng hát lại quốc ca trong những trận đấu sau đó.

Xem thêm:   Ham & hố

Vấn đề ủng hộ phong trào biểu tình tại Iran còn diễn ra ngay trong cầu trường khi có hai nhóm khán giả Iran bênh-chống chính phủ đối đầu nhau trên khán đài. Những chiếc áo thun mang các khẩu hiệu ủng hộ phong trào hay hình người thiếu nữ Iran bị bách hại và dẫn đến cuộc xuống đường tại Iran trong hai tháng qua đã được mang đó đây trên khán đài dù quốc gia tổ chức Qatar ra khuyến cáo ngăn cấm.

Ðó là lý do không ít người dân Iran trong nước đã bày tỏ sự vui mừng khi Mỹ thắng Iran trong trận đấu này. Họ bảo rằng đội bóng Iran không đại diện cho người dân Iran mà là phương tiện của nhà cầm quyền.

Biểu ngữ trên khán đài. (Ảnh AP /Alessandra Tarantino)

Tấm ảnh đội tuyển Ðức che miệng trong trận đấu đầu tiên của họ cũng trở thành một hiện tượng bàn luận trên mạng xã hội năm nay. Ðó là một tuyên ngôn và thái độ phản đối FIFA của các cầu thủ Ðức như việc bị “bịt miệng” trước lịnh không được mang băng OneLove trên sân.

OneLove là một yếu tố khác đã gây tranh cãi, bàn luận trong mùa bóng năm nay. OneLove là dải băng đeo tay nhiều màu sắc, một phong trào nhằm bày tỏ sự ủng hộ đến cộng đồng đồng tính và chuyển giới LGBTQ, không phân biệt và loại trừ ai, do Liên Ðoàn Túc Cầu Hòa Lan đưa ra trong mùa banh Châu Âu năm 2020. Ðức cùng sáu đội tuyển quốc gia Châu Âu khác cho biết họ sẽ mang dải băng này tại mùa World Cup năm nay như thái độ trước việc chính phủ Qatar có những luật lệ hà khắc với người đồng tính.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

FIFA khuyến cáo rằng, thể thao là sự kiện thể thao nhằm đoàn kết thế giới, mang lại tinh thần thể thao phi chính trị thay vì tạo ra các đối đầu hay xung đột. Cầu thủ nào mang dải OneLove sẽ bị thẻ vàng. Nước chủ nhà Qatar thì tuyên bố rằng họ không phân biệt, loại trừ cá nhân nào, đồng thời cần tôn trọng luật lệ và văn hóa khi đến với quốc gia họ.

Tiền đạo Hoa Kỳ Christian Pulisic ghi bàn trong trận đấu bảng B Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 giữa Iran và Hoa Kỳ tại Doha vào thứ Ba. AFP-JIJI

Các cuộc tranh luận đã âm ỉ, kéo dài trong mùa banh năm nay và Ðức cùng các đội khác đã không mang dải OneLove trước rủi ro bị thẻ vàng, tuy nhiên họ đã lên tiếng phản đối quyết định này của FIFA vì cho rằng quyền diễn đạt tư tưởng của họ đã bị ngăn cấm. Họ cho rằng mang OneLove không phải là một tuyên ngôn chính trị mà là vấn đề nhân quyền, yếu tố căn bản trong sự hành xử giữa con người và con người.

Một quan chức của FIFA đã tạo ra những tranh cãi khác trong tuần qua khi tuyên bố các quốc gia đặt chính trị sang một bên trong mùa bóng năm nay có thành tích thi đấu tốt hơn, như sự ám chỉ sự thất bại của Ðức trong năm nay. Các bình luận viên bóng đá của Qatar cũng có những lời nói và hình ảnh chế giễu đội Ðức khi họ bị loại ngay vòng đầu tiên, đội mà luôn đến World Cup với dự đoán sẽ là một trong những đội giành được cúp vàng.

Đội trưởng đội tuyển Anh Harry Kane nằm trong số những người muốn đeo băng đội trưởng ‘OneLove’ ở Qatar – nguồn CBC

Trong vai trò ban tổ chức của mình, FIFA đã cố gắng dàn xếp để bất cứ những vấn đề nhạy cảm nào cũng không làm ảnh hưởng đến giải thi đấu cũng như bị chỉ trích trong nhiều quyết định. Tuy nhiên cũng ghi nhận rằng việc lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, FIFA đã để cho cả ba nữ trọng tài cầm còi điều khiển một trận đấu của các nam cầu thủ, trận đấu giữa Ðức và Costa Rica tại Qatar hay Trung Ðông không thể là quyết định ngẫu nhiên. Vì hiểu khác hơn, đó cũng là một thông điệp về nữ quyền tại khu vực mà nữ quyền vẫn còn là điều được mong muốn.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Những trận đấu cuối mùa ngày càng quyết liệt và hào hứng hơn với những phấn khích, dự đoán quốc gia nào sẽ đăng quang chức vô địch trong mùa World Cup năm nay. Nhưng bên dưới những trận banh này là những làn sóng ngầm vẫn còn âm ỉ trước những nhìn nhận khác biệt về vấn đề xã hội. Giữa sự cấp tiến của phương Tây và bảo thủ trong thế giới Hồi giáo.

Nhìn nhận ở quan điểm nào, xét cho cùng, thể thao, âm nhạc hay nghệ thuật cũng không thể tách ra khỏi chính trị và xã hội.

Các cầu thủ đội tuyển bóng đá Đức che miệng khi họ chụp ảnh trước trận đấu bóng đá bảng E World Cup giữa Đức và Nhật Bản. (Ricardo Mazalan/AP)

ĐYT