Con cái bỏ nhà đi là cơn ác mộng của bất cứ bậc cha mẹ nào. Trong khi hầu hết mọi người đều có chung ý nghĩ rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra với con cái và gia đình mình thì các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn các em tuổi niên thiếu đều từng có lần thoáng qua ý nghĩ sẽ bỏ trốn khỏi nhà vì một lý do nào đó. Trên thực tế, theo National Runaway Switchboard thì hàng năm có khoảng từ 2 đến 2.8 triệu em đã bỏ trốn nhà. Lý do gì để con cái bỏ trốn khỏi nhà hay bỏ nhà ra đi khi vừa đủ tuổi?

nguồn childrensmn.org 

Ðã quá nửa khuya, chuông cửa nhà tôi reng. Im lặng. Reng lần thứ nhì. Rồi có tiếng đập cửa. Tôi mở camera nhìn ra. Một phụ nữ thấp người đang bồn chồn đứng phía ngoài. Ðêm đã khuya, tôi không mở cửa nhưng lên tiếng sau cánh cửa. Té ra đó là một người mẹ đi tìm đứa con gái của bà đã bỏ nhà đi không về nhà. Bà bảo rằng bạn bè có bảo thấy nó đi với con gái tôi ngày trước đó.

Quả đúng vậy. Ðêm ngày trước đó, lần đầu tiên con gái tôi xin phép cho một đứa bạn ngủ lại. Cô bé bảo rằng bạn đang buồn nên muốn đến ở lại chơi, trò chuyện với con gái tôi. Có đôi chút lưỡng lự nhưng tôi đồng ý vì nghĩ rằng ngày cuối tuần, những cô cậu mới lớn vẫn thường “sleepover”, ngủ lại nhà bạn thân, xem phim, chơi game, rúc rích trò chuyện đến khuya…. Nhất là con gái tôi muốn an ủi bạn mình. Nhưng đêm Chủ Nhật, khi cô bé nằn nì cho bạn ở lại một đêm nữa thì tôi hiểu ngay rằng nó không còn là câu chuyện ngủ lại nhà bạn cuối tuần thông thường nữa. Cô bé kia chắc chắn đang có vấn đề gì đó với gia đình, không muốn về nhà vì hôm sau là ngày lại phải đến trường.

Con gái tôi có vẻ không vui khi tôi từ chối nhưng lẳng lặng vào phòng khi tôi khen con biết quan tâm đến bạn, trước khi giải thích rằng nó còn liên quan đến trách nhiệm pháp luật nếu cô bé kia bỏ trốn nhà. Và đúng như tôi nghĩ, đêm đó mẹ cô bé là người đã gõ cửa nhà tôi để tìm con giữa đêm khuya như nói trên. Là những người làm cha làm mẹ, không hiểu chuyện gì nhưng quả thật xót xa và thông cảm với người mẹ đi tìm con giữa đêm khuya như vậy. Cuối tuần qua, bà lại bấm chuông nhà tôi một lần nữa giữa ban ngày. Tôi mở cửa và trò chuyện. Con gái bà đã về nhà rồi lại bỏ nhà đi lần thứ hai, không biết đang ở đâu.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Người mẹ là một phụ nữ trung niên gốc Mỹ La Tinh, nói tiếng Anh với giọng của người sinh ra tại Mỹ và là một cô giáo tiểu học, kiêm một hội trưởng hội phụ huynh tại trường học mà đứa con thứ hai của bà đang theo học. Bà xin lỗi đã gõ cửa nhà tôi giữa khuya hôm trước và quay lại với hy vọng con gái tôi biết con bà đang ở đâu. Bà bảo xin đừng nghĩ con gái bà là một cô bé hư hỏng, ngỗ nghịch. Tôi gật đầu bởi trò chuyện với bà cũng như qua trò chuyện với con gái tôi trước đó đã cho tôi hiểu rõ hơn về câu chuyện.

nguồn softonic.com/

Cô bé là một học sinh lớp 11 khá giỏi, đang theo học chương trình AP và là đội trưởng bóng chuyền của trường. Cho đến tuần trước đó thì cô bé có “perfect attendance”, chưa bao giờ vắng học ngày nào. Thích tâm lý học và đạt điểm tối đa môn tâm lý học, cô bé là người rất hiền lành, dễ mến theo như lời con gái tôi. Tôi cũng nhận thấy sự lễ phép, nhã nhặn khi em chào hỏi và cảm ơn chúng tôi hồi tuần trước. Nói chung cô bé chẳng khác gì con gái tôi hay bất kỳ con cái sinh ra trong một gia đình thông thường nào khác. Ngoài chuyện cha mẹ em đã ly dị tám năm và gần đây, người cha đã có vợ mới vừa dọn trở về thành phố này. Người mẹ bảo bà thương con hết mực và chẳng biết buồn phiền gì mà em bỏ nhà đi như đã kể trên. Dẫu thông cảm nhưng tôn trọng chuyện riêng gia đình người khác nên tôi chẳng hỏi thêm nhưng biết cô bé này đang buồn phiền chuyện gia đình nên bỏ đi, theo như lời tâm sự của em với con gái tôi.

Câu chuyện của em làm tôi nghĩ đến vài vụ các em gốc Việt bị “mất tích” và được thông báo, chuyển tin nhờ tìm con trên khắp các trang mạng xã hội trong cộng đồng người Việt đôi tháng qua. Bằng một trực giác có căn cứ, tôi suy nghĩ rằng, cơ hội các em này bỏ nhà đi nhiều hơn là bị “mất tích” theo ý nghĩa xấu, như bị bắt cóc chẳng hạn khi đọc tin tức. Và quả đúng như vậy, chỉ sau một đôi tuần chộn rộn trên các diễn đàn, cuối cùng gia đình và cảnh sát thông báo rằng đã tìm ra các em an toàn. Tôi không tìm hiểu thêm vì có lẽ chỉ có cha mẹ các em mới hiểu rõ lý do “riêng” như thông báo đưa ra. Và những trường hợp này chẳng phải là hiếm hoi, khi tôi vào tra tìm danh sách người mất tích, đã có hàng chục em gốc Việt tuổi mới lớn hay đôi mươi đang nằm trong hệ thống dữ liệu này, có em chỉ mới vừa bỏ nhà đi đôi ba ngày trước khi tôi đang viết những dòng chữ này.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Các cuộc nghiên cứu cho thấy hầu hết các em bỏ trốn nhà chẳng phải hư hỏng. Và cha mẹ các em cũng chẳng phải bỏ bê, vô trách nhiệm. Thậm chí còn là những em rất ngoan và những bậc cha mẹ hết lòng thương con, bất kể là sắc dân nào, như câu chuyện người mẹ tìm con bên trên. Chỉ có một tỉ lệ khá nhỏ là vì bị cha mẹ sách nhiễu tinh thần, thể chất. Có em buồn phiền chuyện bất hòa, gãy vỡ giữa cha mẹ. Có em đã có những giây phút cảm thấy bế tắc, bất mãn cha mẹ rồi bốc đồng bỏ đi. Bởi ở tuổi mới lớn, tâm tính nhiều thay đổi, các em dễ nổi loạn và hay trái ý cha mẹ, trong khi không ít phụ huynh chưa chuẩn bị cho mình kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý của con cái để có cách ứng xử thích hợp khi tiếp tục đối xử con mình như lúc còn nhỏ.

Áp lực quá lớn về việc học? – nguồn scmp.com/

Ðặc biệt trong một số gia đình Á Ðông, dù yêu thương con cái hết mực nhưng thói quen cấm cản con cái và đặt mệnh lệnh cùng sự phục tùng trong mối quan hệ cha mẹ – con cái lên trên sự đối thoại thông hiểu của một số phụ huynh không phải là cách tốt nhất. Các em cảm thấy không khí gia đình ngột ngạt, cảm thấy bị ràng buộc, áp chế quá mức, bị đặt áp lực quá lớn lên mình. Không dành nhiều thời gian cho con cái, sự giải trí, thú vui tinh thần bị xem nhẹ, trong khi áp lực việc học và điểm học của các em bị đặt lên hàng đầu, đã là mầm mống ẩn hiện trong suy nghĩ các em muốn thoát khỏi tình trạng này và bùng phát khi có một nguyên cớ gì đó xảy ra.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Chắc chắn việc bỏ đi không phải là quyết định đúng đắn nhưng đó là giải pháp mà các em nghĩ rằng là tốt nhất để bày tỏ thái độ với cha mẹ, chứng tỏ sự độc lập của mình. Nhất là các em bị tiêm nhiễm từ bạn bè trang lứa, ít nhất cũng từng biết một vài bạn bè nào đó của mình đã từng bỏ trốn nhà. Các em không ý thức những rủi ro và bất chấp hậu quả ra sao. Bởi bỏ trốn nhà sẽ là một rủi ro khác khi dễ đưa các em đến với bia rượu, chất kích thích hay bị sách nhiễu tinh thần và thể chất khác. Thậm chí manh nha ý nghĩ tự tử, vốn đang là hiện tượng báo động về giới trẻ hiện nay.

Ðể tránh một viễn cảnh đầy ám ảnh này thì điều quan trọng là các cha mẹ luôn tìm hiểu và giúp các em biết cách đối diện và giải quyết những khó khăn, trở ngại đang gặp. Chúng có thể là sự xung đột với cha mẹ, là áp lực với bạn bè hay trường lớp, là những buồn phiền riêng tư, bồng bột tuổi mới lớn. Nếu các em hiểu và đủ tin tưởng cha mẹ có thể giúp được mình, luôn cảm thông tha thứ khi mình phạm lỗi thì không có lý do gì để các em bỏ trốn nhà, nơi mình cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu. Còn rào kín một bức tường vô hình với sự khó khăn, kỷ luật nhất để ngăn ngừa là một giải pháp phản tác dụng khi nó là lý do để các em càng muốn bỏ trốn khỏi nhà hơn. Và hãy nhớ, một khi các em đã bồng bột bỏ nhà ra đi đôi ngày rồi về lại, sự kỷ luật và trừng phạt là cách tốt nhất để các em lại bỏ nhà ra đi. Lâu và khó trở về hơn. Thậm chí là quyết định rời luôn khỏi nhà khi chớm vừa đủ tuổi.

Tâm lý chung là sẽ hiếm có bậc phụ huynh nào nghĩ đến việc một ngày nào đó, đứa con ngoan ngoãn mà mình hết mực lo lắng và thương yêu bỗng bỏ nhà ra đi. Tất nhiên mọi việc không xảy ra cho đến khi chúng bất ngờ xảy ra. Bởi như nói trên, vài triệu em bỏ trốn nhà mỗi năm, nó không là điều gây ngạc nhiên khi đến với bất cứ gia đình nào. Và nếu điều này xảy ra, liệu cha mẹ có tự vấn rằng, nó là sự bồng bột của con cái hay một phần do trách nhiệm của chính mình?

ĐYT

DALLAS – TX