Chúng ta vừa bước qua những ngày đầu năm 2021. Xin chào một năm mới bình an và tốt lành đến tất cả mọi người. Năm 2021 này đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đồng thuận và tuyên bố là Năm Quốc tế của Hòa Bình và Tín Nhiệm (The International Year of Peace and Trust) giữa 193 quốc gia thành viên cùng các tổ chức liên quan như UNESCO, UNICEF, FAO… cho dù sự hòa bình dựa trên mối quan hệ tín nhiệm trong cộng đồng quốc tế cần được cổ súy và gìn giữ trong bất cứ thời gian nào. Chuyên mục xin chuyển dịch và giới thiệu đến các bạn bản nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ về năm hòa bình và tín nhiệm này.

– Nhằm tái khẳng định hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các mục đích cùng nguyên tắc của nó, đặc biệt là cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và quyết tâm cứu các thế hệ tương lai tránh chiến tranh,

– Nhận thức được vai trò quan trọng của LHQ trong việc phát triển mối quan hệ thân thiện giữa các quốc gia, LHQ nay thừa nhận rằng cách tiếp cận của chủ nghĩa đa phương và ngoại giao có thể củng cố sự phát triển dựa trên 3 nền tảng chủ yếu của LHQ là sự phát triển bền vững, hòa bình an ninh cùng nhân quyền, trong mối liên kết và bổ sung lẫn nhau qua việc tuân thủ các nhiệm vụ tương ứng cùng điều lệ LHQ.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

– Nhận thức được tầm quan trọng của Tuyên bố và Chương Trình Hành Ðộng về một “Văn hóa Hòa bình” đóng vai trò là nhiệm vụ chung cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là hệ thống LHQ, nhằm thúc đẩy nền “văn hóa hòa bình” và bất bạo động để mang lại lợi ích chung cho nhân loại, đặc biệt là các thế hệ tương lai.

– Nhận thức được nhu cầu cấp thiết phải thúc đẩy và tăng cường ngoại giao thông qua chủ nghĩa đa phương và đối thoại chính trị giữa các quốc gia bên cạnh vai trò quan trọng của LHQ trong vấn đề này, nay thừa nhận rằng hòa bình và tin tưởng đòi hỏi các bên phải chấp nhận những khác biệt và có khả năng lắng nghe, nhận biết, tôn trọng và đánh giá cao người khác, cũng như chung sống một cách hòa bình và đoàn kết, thừa nhận vai trò của các tổ chức quốc tế, khu vực và địa phương trong việc thúc đẩy và gìn giữ hòa bình.

– Cũng thừa nhận rằng hòa bình không chỉ là việc giữ không xảy ra xung đột mà còn đòi hỏi một quá trình tích cực, năng động có sự tham gia, khuyến khích đối thoại để các xung đột, khác biệt được giải quyết trên tinh thần hiểu biết và hợp tác lẫn nhau.

Tòa nhà Liên Hiệp Quốc tại New York

Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao trong việc hỗ trợ các nỗ lực của LHQ để thúc đẩy việc giải quyết các cuộc xung đột theo đường lối hòa bình, cũng như nhằm khuyến khích các nỗ lực và hoạt động liên tục và ngày càng gia tăng của các tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới, Ðại Hội Ðồng LHQ nay tuyên bố:

  1. Tuyên bố 2021 là “Năm Quốc tế Hòa bình và Tín Nhiệm”.
  1. Nhấn mạnh rằng “Năm Quốc tế Hòa bình và Tín Nhiệm” là phương tiện nhằm huy động các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy hòa bình và lòng tin giữa các quốc gia dựa trên đối thoại, hiểu biết và hợp tác trong việc xây dựng hòa bình, đoàn kết.
  1. Kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy hòa bình và lòng tin giữa các quốc gia, xem đó như một giá trị thúc đẩy sự phát triển hòa bình, an ninh và nhân quyền.
  1. LHQ mời gọi tất cả các quốc gia thành viên, các tổ chức thuộc hệ thống LHQ, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan và các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, cá nhân cùng các bên liên quan khác cùng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Năm Quốc tế Hòa bình và Tín Nhiệm một cách thích hợp, cùng phổ biến sự cần thiết và ưu điểm của sự hòa bình và tín nhiệm thông qua các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.
  1. Ðề nghị Tổng Thư Ký LHQ đệ trình các giải pháp để thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia thành viên, các tổ chức thuộc hệ thống LHQ và các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như xã hội dân sự, bao gồm tổ chức phi chính phủ và cá nhân.
  1. Nói thêm rằng chi phí cho tất cả các hoạt động liên quan trong việc thực hiện nghị quyết này đến từ các khoản đóng góp tự nguyện.

nguồn ocls.info

ĐYT

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

chuyển dịch (Source:  Un.org)