Đời sống vốn dĩ luôn hiện diện những thách đố bên cạnh các ân sủng. Trong mùa Tạ Ơn năm nay, dù cho mỗi cá nhân vẫn còn không ít những lo toan trước mặt nhưng có lẽ cần ghi nhận những tín hiệu tốt lành hơn gấp bội năm trước, vào thời điểm mà cơn đại dịch hoành hành nguy hiểm diễn ra khắp mọi nơi. Khi nhân loại đi qua một đại nạn to lớn như vậy, còn điều gì đáng cảm tạ hơn khi mỗi cá nhân vẫn được bình an và sum họp cùng gia đình và bạn hữu trong mùa lễ Tạ Ơn năm nay?

Lễ Tạ ơn 2021 này nước Mỹ sẽ đánh dấu 400 năm kể từ bữa tiệc Tạ Ơn đầu tiên ra đời vào năm 1621, xuất phát từ một giá trị sống còn và văn hóa đáng cổ súy trong việc giúp đỡ người khác và được đáp trả lại trong câu chuyện lịch sử nước Mỹ. Ắt đây cũng là một dịp thích hợp để chúng ta cùng suy nghiệm và nhắc về lòng biết ơn.

Lòng biết ơn là bài học làm người vỡ lòng và quen thuộc đến độ tưởng chừng không cần phải nhắc đến. Tuy nhiên, lòng biết ơn dù là một trạng thái tự nhiên nhưng khá phức tạp bởi nó liên quan đến cảm xúc, lý trí lẫn tình trạng thể chất và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, cũng cần một sự chiêm nghiệm tích cực lẫn cả việc thực hành để có thể nhận biết những điều được-mất mà có  được tâm tình cảm tạ và lòng biết ơn.

Lòng biết ơn là gì?

Lòng biết ơn là biểu hiện một tâm tình cảm tạ đối với những gì mà một người có hay nhận được. Ðây là nhận thức về một giá trị tinh thần, độc lập với các giá trị vật chất và tiền bạc. Xuất phát từ nội tại, nó thể hiện tấm lòng và tính cách mỗi cá nhân. Cảm xúc xã hội này đã giúp thắt chặt các mối quan hệ xã hội và giao tiếp giữa con người với nhau trong một xã hội bác ái và cảm thông.

Biết ơn là một cảm giác tự nhiên tự phát nhưng các nghiên cứu ngày càng cho thấy giá trị sống thực của các phương pháp thực hành, tức là các nỗ lực có ý thức để nhận biết ân sủng của mỗi người. Các nghiên cứu này đã cho thấy rằng, có những lợi ích xã hội và cá nhân quan trọng cho chính những người luôn nuôi dưỡng lòng biết ơn. Có thể đó là lòng biết ơn với những người thân yêu, với đồng nghiệp, bạn bè, người ngoài hay với thiên nhiên và đời sống nói chung. Cảm xúc này sẽ tạo ra một không khí tích cực trong nội tâm và mở rộng ra đến thế giới bên ngoài.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Lòng biết ơn có phải là một cảm xúc và cảm giác?

Ðúng vậy, lòng biết ơn là một cảm xúc, một cảm xúc làm cho một người cảm thấy hạnh phúc hơn. Biết ơn là một tâm lý cũng như một tính cách riêng biệt của mỗi cá nhân. Một số người có xu hướng cảm nhận lòng biết ơn như một thói quen hàng ngày và có những người thường bỏ qua. Lòng biết ơn cũng có thể là một cảm giác nhất thời vừa là một tâm trạng tự nhiên. Trong cả hai trường hợp, lòng biết ơn liên quan đến quá trình nhận diện, đầu tiên là cá nhân đó đã nhận được một điều tích cực và đã có một điều hay người nào đó đã mang lại cho họ điều tích cực đó để tạo ra cảm xúc hay cảm giác như vậy.

Tại sao lòng biết ơn lại quan trọng?

Các nhà tâm lý học đã cho rằng, cảm giác biết ơn sẽ làm gia tăng hạnh phúc và tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, ngay cả đối với những người đang phải vật lộn với các vấn đề về tâm lý. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc thực hành lòng biết ơn sẽ hạn chế việc sử dụng những hành động và ngôn ngữ thể hiện cảm xúc tiêu cực và loại trừ hay hạn chế những cảm xúc tiêu cực này như sự giận dữ và ganh tị, giảm thiểu sự giày vò, than van, vốn là một dấu hiệu hay dẫn đến những stress, sự trầm cảm.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Những người có lòng biết ơn và cảm tạ dễ có tinh thần lạc quan và vui vẻ, tạo được các mối quan hệ xã hội lành mạnh và tốt cho tinh thần lẫn thể chất của họ hơn. Nhóm người này có xu hướng ít bị trầm cảm và gia tăng khả năng phục hồi tinh thần sau những biến cố, nhất là với nhóm lớn tuổi.

Bức tranh năm 1914 “Lễ tạ ơn đầu tiên ở Plymouth” của Jennie A. Brownscombe ở Bảo tàng De Lakenhal ở Leiden, HòaLan. Những người Pilgrim đến vào năm 1620 và tổ chức Lễ tạ ơn vào năm 1621. Stedelijk Museum De Lakenhal

Nuôi dưỡng và thực hành lòng biết ơn thế nào?

Biết ơn khởi đầu bằng việc nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhận biết những tặng thưởng mà mỗi cá nhân hay gia đình mình có được. Trong một xã hội vật chất luôn cổ vũ sự ham muốn không ngừng nghỉ và xem của cải vật chất là nguồn gốc của hạnh phúc thì nó không phải là mảnh đất thích hợp nhất cho lòng biết ơn. Nhưng không vì rào cản này mà không thể nuôi dưỡng lòng biết ơn. Ðố kỵ và đặc biệt là sự yếm thế hay ích kỷ là những điều đánh cắp đi lòng biết ơn. Và ngược lại, nuôi dưỡng lòng biết ơn sẽ giúp xóa bớt đi những cảm xúc tiêu cực như vậy.

Có một gia đình yêu thương và những bạn bè chan hòa có thể giúp cho một người cảm thấy biết ơn hơn. Ngoài ra, khi trân trọng đời sống và bớt hoài nghi hơn sẽ dễ đưa một người vào tâm trạng cảm tạ nhiều hơn. Ngay vào một thời điểm nào đó, khi phải đối mặt với một quyết định khó khăn hay tình cảnh đầy thử thách, tâm tình tạ ơn cũng là động lực và sức mạnh để một người có được quyết định hay vượt qua sự thách đố đó.

Lòng biết ơn tùy thuộc vào mỗi cá nhân và tất cả mọi người đều khác nhau về mức độ cùng xu hướng trải nghiệm và bày tỏ lòng biết ơn. Ví dụ có người biết ơn khi đặt ưu tiên lên sự phát triển tính cách cùng sự khoẻ mạnh của con cái hơn những điều khác nhưng có người lại thất vọng khi con cái không đạt được thành tích như họ mong muốn. Hay có người dù có ít nhưng bày tỏ lòng biết ơn bằng tấm lòng quảng đại, bằng sự giúp đỡ người khác nhưng cũng có người,  dẫu đã nhiều vẫn luôn cảm thấy chưa đủ, chỉ muốn thu lợi thêm về mình.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Như nói trên,  lòng biết ơn là một cảm xúc xã hội và việc bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác, đối với nhau sẽ  mang lại lợi ích cộng đồng và xã hội khi nó giúp lan truyền lòng biết ơn về nhau và với nhau.

Thủy thủ đoàn tàu USS Durham (LKA-114) đón người tị nạn Việt Nam từ một chiếc tàu nhỏ vào năm 1975. (Ảnh: Cục Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Hoa Kỳ)

Thực hành lòng biết ơn cách nào?

Chính vì vậy mà các nhà cố vấn tâm lý và giáo dục luôn đề nghị một danh sách những điều có thể thực hành về lòng biết ơn. Không phải ai cũng có cơ hội thực hành được tất cả những điều này, tuy nhiên có thể chọn một đôi điều thích hợp để hình thành các thói quen theo sau:

– Viết ra hay ghi lại những niềm vui lớn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, chia sẻ những điều tích cực đến người khác, một thực hành dễ dàng với các trang mạng xã hội ngày nay.

– Nhận diện một số điều tốt lành và tốt đẹp cho mình và gia đình, rồi suy nghĩ về lý do có được.

– Nói lời cảm ơn với người khác nhiều hơn, ví dụ mùa lễ đang đến là dịp để cảm ơn thầy cô giáo của con cái, cảm ơn người đưa thư, đổ rác, cắt cỏ, người cảnh sát hay người lính tình cờ gặp đâu đó.

– Hãy nghĩ về những người đã mang niềm cảm hứng đến cho bạn và những điều gì ở họ là quan trọng nhất.

– Hãy tưởng tượng đời sống của mình sẽ như thế nào nếu không có những cơ may, những điều đã nhận được trong quá khứ.

– Và điều cuối cùng là hãy cảm tạ vì mình không phải là một trong những mảnh đời khốn khó, bất hạnh hay đang bệnh tật rất nhiều ngoài kia trong mùa lễ Tạ Ơn này.

Chúc các bạn một mùa lễ Tạ Ơn ấm cúng, tràn đầy tâm tình cảm tạ.

nguồn istock.com

ĐYT

(Source: Psychology Today)