Hãng đấu giá Sotheby’s tại Geneva, Thụy Điển vừa thực hiện giao dịch phiên đấu giá một viên kim cương màu hồng có tên là “Hồng Hoa Linh hồn” (The Spirit of the Rose) nặng 14.83 carat với giá 26.6 triệu đô la. Đây là viên kim cương hồng cùng chủng loại to nhất từng được tìm thấy và được giới chuyên nghiệp trong nghề ước tính có giá từ 23 đến 38 triệu đô la. Cuộc đấu giá khởi đầu ở giá 16 triệu và được một người ẩn mặt mua với giá 21 triệu đô la, cộng thêm tiền hoa hồng và lệ phí để có giá cuối cùng là 26.6 triệu đô. Tại sao là The Spirit of the Rose?

Sự phát hiện kim cương hồng ở bất kỳ kích cỡ nào trong tự nhiên là cực kỳ hiếm có. Chỉ một phần trăm của tất cả các viên kim cương hồng là lớn hơn 10 carat và chỉ bốn phần trăm số này được xếp loại là “Fancy Vivid”, tức hiển thị màu sắc sống động, phong phú và tinh khiết và làm tăng giá trị của chúng như viên kim cương được đấu giá.

Viên kim cương có tên là “Hồng Hoa Linh hồn” (The Spirit of the Rose) được phát hiện tại Nga vào năm 2017 và được xem là một kỳ quan thiên nhiên, nằm trong di sản văn hóa và truyền thống kim cương kéo dài hàng thế kỷ của Nga. Nó đã được mang sang trưng bày và giới thiệu tại các thị trường giàu có Á Châu như Hồng Kông, Singapore, Ðài Loan… để chào mời trước cuộc đấu giá. Tại sao nó được đặt tên là “Hồng Hoa Linh hồn”  như vậy?

Ðặc tính và giá trị một viên kim cương càng được tăng cao nhờ hình dạng và góc cắt hoàn hảo của nó. Và khi ánh sáng rọi vào, sẽ có vô số góc cạnh và sắc thái của màu hồng nhảy múa một cách đầy mê hoặc trước những người có cơ hội chiêm ngưỡng. Ðó là lý do nó được đặt tên theo vở vũ kịch ballet nổi tiếng của Nga là “The Spirit of the Rose” của đoàn vũ kịch Ballets Russes. Ðược đạo diễn Sergei Diaghilev người Nga thành lập vào năm 1909 tại Paris, Ballet Russes được coi là một đoàn vũ kịch ballet có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 và thúc đẩy sự hợp tác nghệ thuật giữa các biên đạo múa, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế, vũ công và kỹ nghệ thời trang lúc bấy giờ. Ðoàn vũ kịch lưu động này có trụ sở lưu vong tại Paris và biểu diễn từ năm 1909 đến năm 1929 trên toàn cõi Châu Âu và lưu diễn khắp khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Nó chỉ bị giải tán sau cái chết của đạo diễn Diaghilev sau đúng 20 năm hoạt động mà chưa một lần trình diễn trên quê hương mình. Nó cho thế giới phương Tây một cơ hội khám phá tài năng của các vũ công và biên đạo múa về vũ kịch ballet Nga vào đầu thế kỷ 20, vốn là một nghệ thuật truyền thống và nổi tiếng của người Nga.

Phiên đấu giá của Sotheby’s và thông tin chi tiết sản phẩm

Le Spectre de la Rose, tên tiếng Pháp của The Spirit of the Rose được viết bởi nhà soạn kịch Jean-Louis Vaudoyer dựa theo một câu thơ của nhà thơ Pháp ở thế kỷ 19 là Théophile Gautier. Vở ballet được công diễn lần đầu tại Monte Carlo vào ngày 19 tháng 4 năm 1911. Vũ kịch kể về một cô gái trẻ trở về nhà sau một buổi dạ hội đầu tiên, cô đã ngủ và mơ thấy mình đang khiêu vũ với một bông hồng, đã được nhân cách hóa bởi một nam vũ công.

Xem thêm:   Mất mạng

Câu chuyện lãng mạn, những bước nhảy điêu luyện kết hợp cùng âm nhạc cuốn hút, trang phục tuyệt vời đã làm thổn thức khán giả. Người ta kể rằng, người hầu của các vũ công đã thu nhặt những cánh hoa hồng rơi xuống sàn sân khấu trong vở diễn và bán chúng cho khán giả giữ như một món quà lưu niệm khi xem vở nhạc kịch mà đã kiếm đủ tiền để xây một ngôi nhà mới cho mình.

Phương Tây yêu thích The Spirit of the Rose vì nó cho họ cơ hội khám phá nghệ thuật và văn hóa dân gian Nga thông qua vở vũ kịch ballet này. Mặt khác nó hấp dẫn khi mời gọi trí tưởng tượng và nguồn cảm hứng của các nhà thiết kế thời trang và trang sức danh tiếng đã hợp tác cùng Ballets Russes, trong đó Coco Chanel là một trong những nhà thiết kế trang phục chính và Charles Jacqueau, nhà thiết kế chính của Cartier đã đưa các ý tưởng và thiết kế đồ trang sức vũ công cho Ballet Russes. Danh họa Picasso dù không thiết kế riêng cho vở nhạc kịch này nhưng cũng đã có thiết kế các trang phục lập thể cho đoàn Ballet Russes. Còn nhạc trưởng của đoàn Ballet Russes là nhạc sĩ lẫy lừng Igor Stravinsky, người được xem là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng và nhiều ảnh hưởng của thế kỷ 20.

Poster Le Théatre với Tamara Karsavina trong trang phục Con chim lửa, tháng 5 năm 1911; Roger Désormière, Sergei Diaghilev, Serge Lifar, Boris Kochno, Alexandra Danilova, Felia Doubrovska và Lubov Tchernicheva trong chuyến lưu diễn Liverpool, 1928 nguồn artsthread

Vở nhạc kịch trở thành một hiện tượng tại Paris và Châu Âu nói chung không chỉ vì vẻ đẹp cùng sự điêu luyện của các vũ công ballet mà còn nhờ những cộng tác của các nhạc sĩ, nhà thiết kế nữ trang và trang phục trứ danh như vậy. Ðồng thời, nó đã mang niềm cảm hứng ngược lại cho giới thợ kim hoàn và thiết kế thời trang sáng tạo ra các kiểu mẫu mới qua những vũ điệu ảo diệu cùng văn hóa Nga mà The Spirit of the Rose mang lại.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Nói chung Ballets Russes đã minh họa sống động mối liên hệ giữa nghệ thuật, âm nhạc, lịch sử, sắc đẹp, nữ trang và thời trang qua kiệt phẩm The Spirit of the Rose cùng các vũ kịch khác của nó. Người ta đã thu thập các hiện vật liên quan đến nó để trưng bày tại nhiều bảo tàng viện uy tín của thế giới, trong đó có cả Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia tại Washington DC.  Giới kim hoàn đầy am hiểu chuyên môn cùng văn hóa, lịch sử đã chọn một cái tên đầy xứng đáng cho viên kim cương màu hồng, một kiệt tác của thiên nhiên.

Vaslav Nijinsky trong vở ballet “The Spirit of the Rose” năm 1911 – nguồn Wikiwant

Nhưng người ta đã bảo, nghệ thuật giống tình yêu ở chỗ là thông qua nó, chúng ta thấy chính mình ở nơi không phải là mình. Nếu nhạc kịch The Spirit of the Rose đã phục vụ trọn vẹn cho công chúng yêu nghệ thuật, mang cho họ niềm hứng khởi hay cảm nhận được những xúc cảm nội tâm của chính mình thì viên kim cương đắt tiền kia sẽ nằm đâu đó trong chiếc két sắt kiên cố của một nhà sưu tập tư nhân giàu có nào đó. Dẫu có là kỳ quan thiên nhiên đắt giá nhưng nó mang lại điều gì cho đại chúng? Có phải đó là điều khác biệt giữa kim cương và nghệ thuật?

Trang phục lập thể Picasso thiết kế cho đoàn Ballet Russes – nguồn artsthreat

DYT