Yêu thích lịch sử và các vấn đề xã hội, Luật sư Nguyễn Xuân Phước là một nhà hoạt động, từng đóng góp nhiều tiểu luận về luật pháp, chính trị xã hội giá trị cho cộng đồng hải ngoại và trên Trẻ Magazine.
Nhân ngày giỗ 8 năm của anh trong tháng Sáu này, chúng tôi xin giới thiệu lại một trích đoạn trong một tiểu luận không mang thời gian tính của anh, để nhớ về một người bạn bình dị, chân thành và vui vẻ rất đáng mến, đồng thời là một trí thức, một nhà hoạt động nhiệt thành, đầy lý tưởng (ĐYT)
“Văn minh nghĩ kỹ còn nhiều việc”
(Lý Đông A)
Chúng ta quen sử dụng hai chữ văn minh để chỉ dấu cho sự tiến bộ của con người và xã hội. Nhưng một con người văn minh là gì? Một xã hội văn minh là gì?
“Văn” là “đẹp” và “minh” là “sáng”. Nguyên nghĩa của “văn minh” có nghĩa là “sáng đẹp”. Nhưng thế nào là một con người hay xã hội sáng đẹp?
Tự điển bách khoa mở định nghĩa và diễn giải hai chữ “văn minh” như sau:
“Văn minh là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố tiên tiến tại thời điểm xét đến để tạo nên, duy trì, vận hành và tiến hoá xã hội loài người. Các yếu tố của văn minh có thể hiểu gọn lại là di sản tích lũy tri thức, tinh thần và vật chất của con người kể từ khi loài người được hình thành cho đến thời điểm xét đến. Ðối nghịch với văn minh là hoang dã, man rợ, lạc hậu. Khái niệm văn minh chỉ mang tính tương đối, có tính so sánh tại thời điểm xét đến mà không có giá trị tuyệt đối.”
Ý niệm “văn minh” do đó, là sự “sáng đẹp” đi liền với sự duy trì vận động và tiến hoá của xã hội loài người. Ðó là một vận động hướng thượng để đưa loài người lên một trình độ cao hơn, đẹp hơn, gần với những giá trị nhân bản hơn, và xa cách đời sống dã man của động vật trong thiên nhiên hơn.
Sự hình thành đời sống người từ thời hồng hoang đến nay là một cuộc vật lộn liên tục giữa con người với xã hội và thiên nhiên. Từ thời kỳ sống trong hang, hái lượm trái cây, sống lẫn ở lẫn với thiên nhiên và các loại cầm thú khác, loài người ý thức được nhân tính và dần dà tách ra khỏi đời sống thiên nhiên để thực hiện đời sống người.
Nhà cách mạng Lý Ðông A trong tài liệu Duy Nhân Cương Thường cho rằng sự xuất hiện của nhân thể (human form) chưa phải là sự thành hình đời sống người trong ý nghĩa đời sống người là đối nghịch với đời sống cầm thú. Do đó, sự xuất hiện của tập đoàn sinh vật có nhân thể chỉ là sự xuất hiện của người dự bị, hay ngợm sắp thành người.

Nhà tư tưởng Lý Đông A
Lý Ðông A cho rằng nhân thể trở thành người khi tập đoàn nhân thể đó biết tái sản xuất sự sản xuất của tự nhiên, như biết trồng trọt, chăn nuôi, nướng thịt; và biết tu chỉnh lối sinh sản đực-cái của thú vật để chuyển thành lối sinh sản chồng-vợ và thành lập gia đình – mà ông gọi là tái sinh sản cái sinh sản của tự nhiên. Ông cũng cho rằng loài người tiếp tục tu chỉnh cách sống chung kiểu bầy đoàn thú vật “mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết” để chuyển thành cách “sống, còn, nối, tiến, hóa đến vô cùng”, để thành lập xã hội loài người, và luôn luôn tăng tiến hiệu suất của xã hội theo chiều hướng thượng, “ngày một mới” – mà ông gọi là tái hiệu suất cái hiệu suất của xã hội và lịch sử.
Lý Ðông A cho rằng chính sự kiện tập đoàn nhân thể thời hồng hoang biết cải biến thiên nhiên để phục vụ cho mình chính là cuộc cách mạng đầu tiên đưa bầy đoàn ngợm thành xã hội người, và lập thành nhân đạo. Nhân đạo là cách sống và đường sống đặc thù của loài người khác loài vật.
Quá trình chung sống thông qua giai đoạn cách mạng nông nghiệp và xã hội đầu tiên đó của loài người nẩy sinh ra những quy luật để tạo ra đời sống người. Qua quá trình tiến hóa đó, sinh vật gọi là người trên nhân thể trở thành người có nhân tính và nhân đạo.
Lý Ðông A gọi xã hội đầu tiên có nhân tính là “xã hội tự tính”. “Xã hội tự tính” đó phải trải qua thời gian và điều kiện không gian để phát huy và phát triển. Lịch sử, theo Lý Ðông A, là lịch sử nhân đạo, là quá trình hiện thực hóa “xã hội tự tính” qua thời gian và không gian.
Qua cuộc sống thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm sống, còn, nối, tiến, hóa của hàng triệu năm, con người đã dần dần chuyển được tính sống còn tự nhiên của mọi loài sinh vật thành nhân tính đặc thù của loài người. Quá trình đó tạo thành đường sống đặc thù của loài người mà ngày nay chúng ta gọi là nhân đạo. Chính sự xuất hiện của nhân đạo và nhân tính mới làm cho loài người khác với loài vật. Xây dựng một xã hội văn minh là xây dựng một xã hội Người, theo nhân đạo, có nhân tính.

Bộ luật dân sự đầu tiên “Corpus Juris Civilis” và tác phẩm “An Essay on the History of Civil Society” của Adam Ferguson
Phân tích cụ thể hơn, Lý Ðông A thấy rằng, qua thời gian, nhân tính được thể hiện trên ba mặt: Trinh, Bình, và Hòa:
– Trung thành hay trung trinh là chất keo sơn để kết hợp xã hội. Do đó từ quan hệ đực cái của loài vật, nhân tính đòi hỏi vợ chồng phải lấy sự trung thành làm gốc khi thành lập đời sống người. Và cũng dựa trên nguyên lý trung trinh, xã hội thiết lập định chế hôn nhân để thực hiện và bảo vệ sự trung thành đó và để bảo lưu huyết thống được sinh, tồn, tục, lâu dài và bền vững. Do đó, nhân tính đầu tiên là sự trung trinh, và đó là ý nghĩa của nhân tính Trinh.
– Ðể giải quyết nhu cầu ăn, mặc, ở, nhân tính chối bỏ quy luật của thiên tính tự nhiên là mạnh được yếu thua, giành miếng ăn hay áo mặc. Nhân tính hướng dẫn con người giải quyết nhu cầu sinh thực bằng sự mãn thích nhu yếu cách đồng đều. Do đó, con người có nhân tính biết chia cơm sẻ áo cho người nghèo đói. Ðó là ý nghĩa chữ Bình.
– Mâu thuẫn giữa người và người xảy ra khi người không tôn trọng sự trung thành với nhau, khi loài người không biết tôn trọng sự bình đẳng trong sự mãn thích nhu yếu, khi thú tính áp chế nhân tính. Ðể giải quyết mâu thuẫn, loài người có thể gây chiến tranh, nhưng đồng thời loài người có thể giải quyết mâu thuẫn bằng sự hoà giải. Chiến tranh là dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, là bản năng của thú tính. Khả năng hoà giải là một đặc tính của loài người. Ðó là ý nghĩa chữ Hoà.
Nhân tính chính là khoảng cách giữa loài người và loài vật. Cho nên một xã hội văn minh đúng nghĩa là phải thực hiện được nhân tính trong đời sống người. Một xã hội văn minh đưa dẫn con người đến chỗ hoàn thiện “trinh, bình, hoà” trong quan hệ giữa người và người. Và xã hội văn minh chính là xã hội đã xa rời xã hội dã man của loài cầm thú, luôn hướng đến và cải tiến cách thực hiện những nhân tính gốc của xã hội tự tính.
Nhìn từ góc cạnh Tây phương, và đứng về phương diện ngữ nghĩa, “văn minh” trong tiếng Pháp và tiếng Anh là “civilization”. Ðó là sự kết hợp của chữ “civil” (dân sự) và tiếp vĩ ngữ “ization” (trở thành). Trong gốc Latin, “văn minh” có nghĩa là “trở thành dân sự” hay “dân sự hoá”. Như vậy, “văn minh” nguyên nghĩa của nó có nghĩa là quá trình trở thành dân sự của một xã hội.
Thoạt đầu, “civilization” chưa có ý nghĩa “văn minh”. Chữ “civil” có nghĩa là “dân sự” được dùng sớm nhất trong tiếng Latin. Ở thế kỷ thứ 6, Hoàng đế Justinian của đế quốc Byzantyne soạn bộ luật dân sự đầu tiên được gọi là “Corpus Juris Civilis”. Cho đến thế kỷ thứ 14, chữ “civil” cũng chỉ có nghĩa là “liên hệ đến người dân”. “Civilis” biến dạng thành “civility” có nghĩa là “lịch lãm.”

Văn minh – nguồn wikipedia
Do bối cảnh lịch sử của Tây phương, cho đến giữa thế kỷ thứ 18, chữ civilization (dân sự hoá) mới có ý nghĩa đối nghịch với “dã man”. Các sử gia cho rằng Adam Ferguson trong tác phẩm An Essay on the History of Civil Society (Luận đề về lịch sử xã hội dân sự) (Edinburgh, 1767 – p. 2) là tác giả người Anh đầu tiên đã sử dụng “civilization” để chỉ dấu cho sự tiến bộ của loài người bằng sự hình thành “xã hội công dân”, hay “xã hội dân sự”.
Như vậy quá trình hình thành, ý nghĩa chữ văn minh đi từ gốc Latin có nghĩa là liên hệ tới người dân. Do chữ “văn minh” trong tiếng Việt không có chứa đựng chữ “người dân” cho nên trong ngôn ngữ Việt Nam không thấy được giá trị con người hay người dân trong hai chữ “văn minh”.
Tại sao dân sự hoá trở thành văn minh?
Từ thế kỷ thứ 15, lịch sử Tây phương bước dần ra khỏi thời kỳ Trung cổ với sự suy tàn quyền lực tuyệt đối của đế quốc La Mã Thánh – The Holy Roman Empire. Xuất hiện đồng thời với phong trào cải cách giáo hội của Martin Luther là phong trào độc lập của các vương quốc Âu Châu đối với giáo quyền Vatican. Xã hội Tây phương bắt đầu bước ra khỏi sự kiềm chế uy quyền của Giáo hoàng và giáo hội để đi vào thời đại phục hưng.
Từ đó, các tư tưởng tự do dân chủ bắt đầu xuất hiện. John Locke với ý niệm quyền tự nhiên về đời sống, tự do và tài sản; Montesquieu với tư tưởng tam quyền phân lập; Voltaire với quyền tự do tư tưởng; Hobbes và Rousseau với ý niệm khế ước xã hội và quyền lực chính thống đến từ người dân. Các quốc gia Tây phương chuyển mình từ chế độ phong kiến độc tài sang chế độ dân chủ.
Cuộc cách mạng dân chủ Hoa Kỳ 1776 và cách mạng Pháp 1789 đã lan rộng khắp Âu Châu đưa tới sự cáo chung của chế độ phong kiến Tây phương và xã hội dân sự ra đời với sự thành hình của chế độ dân chủ.
Dân sự hoá chính quyền là giải thể chế độ chuyên chính của chế độ phong kiến, của các vương quyền và giáo quyền để người dân được tham gia vào sinh hoạt chính trị. Giải trừ độc tài là quá trình dân sự hoá xã hội. Ðó là chỉ dấu của sự tiến bộ, của sáng và đẹp. Và đó chính là ý nghĩa nguyên thủy của hai chữ “văn minh”.
LS Nguyễn Xuân Phước