Người Việt có câu: “nhà văn, nhà báo, nhà giáo cộng lại thành nhà nghèo”. Quả thật, nếu chỉ hành nghề viết lách, dạy trẻ đúng trách nhiệm, lương tâm thì lấy đâu ra mà giàu. Cho nên cũng có câu: “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”.

Nhà văn pháp Alexandre Dumas cha (tác giả của tiểu thuyết thuộc dòng văn học cổ đại bất hủ là Ba người lính ngự lâm) đã viết: “lịch sử chỉ là chiếc đinh để tôi treo chiếc áo tác phẩm của tôi lên.” Tác phẩm của nhà văn 10 phần thì có đến 7-8 phần là sản phẩm của trí tưởng tượng rồi, nên nói “nhà văn nói láo” cũng không ngoa chút nào, nhưng nhà báo mà “nói thêm” lại là chuyện đáng phải bàn.

Ở Việt Nam, tất cả báo, TV đều do nhà cầm quyền cộng sản quản lý, làm chủ, không có báo chí tư nhân, làm nghề báo cũng “lãnh đồng lương chết đói” như công chức nhà nước mà thôi, lấy gì làm giàu. Làm báo muốn giàu phải kiêm thêm “nghề” tống tiền. Tất nhiên, nhà báo không tống tiền bằng dao, bằng súng, bằng vũ lực như các băng đảng xã hội đen hay côn an (không có ký tự “g”), nhà báo tống tiền bằng ngòi bút. Viết bài khen hay chê gì cũng đều “tống” được tiền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ăn bết bát, chất lượng kém cỏi, nhưng muốn lừa công chúng thì mướn nhà báo viết bài bốc thơm sai sự thật, tất nhiên để có bài báo đó thì doanh nghiệp phải xỉa tiền ra “phong bì, phong bao”. Khi nhà báo tìm hiểu về một doanh nghiệp nào đó, để ý chụp hình, quay video những sai phạm của doanh nghiệp, rồi viết bài la làng lên. Bài đó trước tiên gởi cho chủ doanh nghiệp đó, nếu không chịu xì tiền ra thì lập tức bài báo được “nhá cạnh” cho doanh nghiệp cạnh tranh đối phương, đối thủ cạnh tranh tất nhiên sẽ khoái chí xì tiền ra đăng bài “đập” thằng kia để mình được độc quyền. Nếu ngay từ đầu “thằng” doanh nghiệp sai phạm chịu xì tiền ra thì bài sẽ không đăng. Nói túm lại là bài viết xong đăng hay không đăng thì “nhà báo nói láo” cũng hốt tiền vô nặng túi.

Tôi dám khẳng định với quý độc giả rằng, hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam hiện nay làm cho tất cả mọi người đang sống ở Việt Nam đều là những “tội phạm tiềm năng”, đều “có cơ hội” vô tù như nhau, từ thằng “dân ngu khu đen” cho tới thằng quan chức bự thì “cơ hội” vô tù cũng được chia đều ra (tôi sẽ phân tích kỹ vấn đề này trong một video bình luận pháp luật khác), nên nếu có chút kiến thức về pháp luật đều nhìn thấy sai phạm của đối tượng mà “nhà báo nói láo” muốn săm soi. Do đó, không chỉ doanh nghiệp sợ loại “nhà báo nói láo” này mà ngay cả quan chức nhà nước cũng sợ bị moi móc.

Thời gian tôi làm chuyên viên quản lý du lịch tại sở Thương mại – Du lịch Bạc Liêu, ngoài nhiệm vụ quản lý hành chánh tất cả các khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, khu du lịch, điểm du lịch, tiệm karaoke trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thì tôi còn được giám đốc sở phân công kiêm nhiệm vụ hướng dẫn du lịch khi có các đoàn khách từ Tổng cục Du lịch, Bộ Thương mại hay đoàn cán bộ lãnh đạo các tỉnh bạn đến thăm Bạc Liêu, nhiệm vụ mà trưởng, phó phòng quản lý du lịch bị sếp gạt ra ngoài. Số là sếp biết tôi rành rẽ pháp luật, lịch sử, chính trị nên mới đưa tôi ra đối phó với đám “nhà báo nói láo” luôn luôn tháp tùng theo các đoàn khách viếng thăm này. Vì tôi rành luật, tôi biết rõ chỗ nào nên đưa khách đến thăm, chỗ nào nên né và dụ khị khách đi chỗ khác. Tôi rành về lịch sử, chính trị nên tôi có thể “thao thao bất tuyệt” đủ thứ chuyện mà không bị “lạc đường lối”, thậm chí dùng triết học mác-lê, nghị quyết trung ương đảng cộng sản để “khè” cho đám “nhà báo nói láo” bọn họ không có cửa “nắm đầu” giám đốc sở tôi.

Có lần, tôi dẫn khách đi thăm một ngôi biệt thự cổ được xây dựng thời Pháp, nền nhà cao cách mặt sân xi măng cả thước tây, có bậc thang đá hoa cương mài bóng đi lên đại sảnh, trước biệt thự có chôn một cái móc sắt lớn cố định giữa sân xi măng, móc sắt này móc vô một cái vòng sắt lớn đường kính khoảng một gang tay, nặng trịch nhưng nắm lúc lắc qua lại được. Ðoàn khách vô quan sát biệt thự xong quay ra hỏi cái vòng sắt lớn trước sân để làm gì? Thật tình tôi chưa bao giờ để ý tới cái móc sắt đó, bây giờ khách hỏi mới nhìn thấy mà giật mình, choáng váng không biết nói sao luôn, vì chưa thấy sách vở nào viết về biệt thự cổ thời Pháp nói tới tác dụng của cái móc này. Nhưng chẳng lẽ bây giờ tôi lại trả lời rằng “không biết” thì không được, tôi bèn “đía” luôn rằng thời đó nhà nghèo thì đi bộ, đi xuồng, nhà giàu cỡi ngựa, không có xe. Cái móc đó là để dành mỗi khi đi đâu người ta cột ngựa trước sân nhà, cho nên chúng ta chỉ thấy cái móc mà không thấy đường cho xe chạy vô, cũng chỉ có bậc thang đi lên mà không có đường phẳng nghiêng cho xe chạy lên nhà trên. Khách nghe xong gật gù ra ý “hiểu rồi”, “thì ra là vậy” và không hỏi thêm, làm tôi mừng được “thoát nạn”. Giải thích kiểu đó, xứ tôi gọi là “giải nghĩa đùi”, tức là giải thích vô căn cứ, nhảm nhí, bậy bạ. Tuy nhiên, nói xạo mà không hại ai, lại làm cho nhiều người vui vẻ, hài lòng thì ngu gì mà không nói xạo, nếu không thì sếp cũng mất mặt lắm, đám “nhà báo nói láo” lại có cơ hội đưa lên báo giễu cợt cơ quan quản lý du lịch mà không biết gì về địa điểm du lịch trong tỉnh mình quản lý.

Tuần trước, tôi tới nhà bạn chơi, được chủ nhà mời ăn kiểm. Kiểm là một loại canh “chay mặn đều dùng được”, ăn ngon mà mát trong những ngày Hè nắng nóng. Bạn tôi hỏi kiểm có phải là tiếng tàu không? Tại sao lại kêu là kiểm? Tôi vừa dùng cái muỗng bự bới tô kiểm lên ăn vừa nói: “trong này có mướp, đậu hủ chiên, cà chua, củ cải trắng, khoai tây, khoai lang…. À, à! Nhiều thứ quá nên phải vừa ăn vừa đếm coi bao nhiêu thứ như vầy nè, nên mới gọi là kiểm, tức là đếm, kiểm trong chữ kiểm điểm đó.” Cái này cũng là một kiểu “giải nghĩa đùi” như tôi đã kể ở trên.

Kiểm là món ăn không thể thiếu trong các chùa miền Nam. Ðó là do Phật tử ở quê thật thà, chơn chất, trong vườn có trồng được trái gì thì hái đem vô chùa dâng cúng. Các sư mới gộp lại nấu chung thành canh kiểm cho mọi người cùng ăn. Bí rợ, khoai lang, khoai mì, cà rốt, củ cải trắng gọt sạch, tàu cua chiên, xắt cục bằng ngón chưn cái. Ðậu trắng, đậu phộng, hồ ky ngâm nước cho nở ra, vuốt sạch. Hồ ky xắt khúc ngắn. Vắt nước cốt một trái dừa khô, để nước gião và nước cốt đầu riêng.

Bắc cái nồi lớn lên bếp, cho ít dầu ăn vô, phi tỏi cho thơm rồi đổ hết tất cả rau củ đậu vô xào sơ qua, nêm chút muối, bột ngọt, tiêu xay vô xào để gia vị thấm vô rồi đổ nước dừa gião vô nồi. Nếu thấy nước dừa không ngập rau củ thì thêm nước dừa tươi vô. Cho lửa lớn lên để rau củ chín mềm mới đổ phần nước cốt dừa đầu vô nồi. Chờ sôi lên thì nếm thử coi vừa ăn chưa, gia giảm thêm nước hoặc gia vị rồi tắt lửa. Vậy là chúng ta có nồi canh kiểm vừa ngon vừa béo, thơm lừng mùi tỏi phi, mùi tiêu xay và nước cốt dừa.

Kiểm ăn với cơm hay bún đều ngon và mát. Mát tới mức độ tối ngủ khỏi đội nón luôn.

TPT

Little sài gòn, CA