Người Pháp du nhập bánh mì vào Việt Nam cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, nhưng khi vô tới Sài Gòn thì nó được “Sài Gòn hóa”, đến mức gọi nó là một thứ “đặc sản Sài Gòn” cũng không sai.

Bán bánh mì dạo. nguồn: ongvove.wordpress.com

Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần có ai đó trong gia đình hay hàng xóm đi xa ra khỏi phạm vi làng xã, lúc trở về thứ quà bánh người đó mua cho đám con nít trong nhà, biếu cho hàng xóm mỗi nhà một ít “ăn lấy thảo” là ổ bánh mì Sài Gòn với vài cục nem chua. Tất nhiên, không phải người đó đi tận Sài Gòn (cách quê hơn 300 cây số) để mua bánh mì, chỉ cần từ nhà lên chợ huyện, chợ tỉnh là có bán bánh mì Sài Gòn rồi, tức là người miền Tây làm bánh mì kiểu Sài Gòn.

Bánh mì (kiểu) Sài Gòn được làm hai loại: Loại thứ nhứt, ổ bánh mì dài sọc khoảng ba gang tay giống như cái bánh mì baguette. Loại thứ hai dài khoảng một gang tay, chính giữa no tròn có đường mổ trên mặt ổ bánh trước khi cho vô lò nướng nên khi nướng nó nở ra rất giòn, hai đầu nhọn. Cho nên hễ ai có vòng eo “không khiêm tốn” thì người miền Nam kêu là “eo bánh mì”. Ðiều làm nên sự khác biệt của bánh mì (kiểu) Sài Gòn với bánh mì nơi khác là bánh mì luôn nóng, thơm phức; lớp vỏ ngoài mỏng vàng sậm, bóng lưỡng, bẻ ra ăn giòn rụm. Phần ruột bánh mì bên trong đặc ruột màu trắng ngà, xốp và mềm, xé ra một miếng bỏ vô miệng nhai, càng nhai càng thấy miếng bánh mì dẻo dẻo và ngọt nhẹ nhàng, ăn hoài không biết chán. Nghe nói bánh mì Sài Gòn thơm, giòn và có màu vàng sậm bóng loáng đẹp mắt là nhờ trước khi cho vô lò nướng người thợ bánh phết thêm dung dịch trứng gà đánh tan với mật ong bên ngoài cục bột (!?)

Miền Nam có hai thứ nem bì, chua ngon nổi tiếng để dùng ăn với bánh mì, là nem Thủ Ðức và nem Lai Vung (Ðồng Tháp). Cục nem cỡ ngón chưn cái, thêm vài miếng ớt đỏ, vài hột tiêu đen, vài miếng tỏi mỏng, gói trong miếng lá tra non, lá vông nem non, hoặc lá chùm ruột non, ngoài gói chặt bằng lá chuối dày, rồi dùng dây lạt cột chặt lại thành một cục vuông cỡ trái chanh. Khi ăn nem thì lột bỏ lớp lá chuối thôi, ăn nem chung với lá tra, lá vông nem, lá chùm ruột mới ngon. Mổ ổ bánh mì banh ra, xắt nem ém vô giữa rồi cầm nguyên ổ bánh mì mà cắn ăn từ từ, bánh mì ăn chung với nem chua nó ngon lạ lùng, chỉ có người miền Nam mới có kiểu ăn bánh mì này.

Người miền Tây còn có kiểu ăn bánh mì kẹp cà rem (kem) cây, bánh mì kẹp chuối già, bánh mì chấm muối tiêu, bánh mì chấm sữa đặc Ông Thọ, bánh mì xắt miếng ra nướng giòn trên lửa than rồi phết chút bơ và rắc đường cát trắng lên. Còn bánh mì paté, bánh mì xíu mại, bánh mì phá lấu hay thịt heo quay thì quá ngon không cần phải nói. Bánh mì không, ăn không hết đem xắt miếng xéo xéo, phơi nắng cho thiệt khô rồi nhúng bột (thêm vài con tép nhỏ) chiên như chiên bánh cống, cũng ăn với với rau sống, nước mắm chua ngọt như bánh cống.

Tôi nhớ cứ tầm 7-8 giờ tối, chờ cho ngoài đường có tiếng rao: “Ai bánh mì nóng giò..ò..ò.ò.ò.n?” hoặc đơn giản, “hùng hồn” hơn: “Bánh mì nóng giòn đây” là tụi tôi vừa chạy túa ra, vừa kêu “Bánh mì, bánh mì kìa mẹ”. Mẹ tôi chưa kịp đồng ý, bọn tôi đã chạy ra trước cửa la lên thiệt lớn (sợ thằng nhỏ bán bánh mì không nghe nó sẽ đi luôn): “Bánh mì”. Lập tức, thằng nhỏ bán bánh đứng lại, hạ cái bao bố vác trên vai xuống rồi chờ mẹ tôi ra. Mẹ tôi móc tiền mua bánh, nó mở miệng bao bố ra, tôi thấy bên trong bao bố có cái bao nilon trắng lớn đựng bánh mì (cho sạch sẽ và giữ nóng). Nó mở tiếp miệng bao nilon lấy bánh mì bỏ vô cái túi giấy bán cho khách. Tôi cầm túi giấy đựng bánh mì hít lấy hít để mùi thơm ấm nóng từ ổ bánh mì bay ra. Hôm nào có hộp sữa Ông Thọ thì quả là tuyệt vời. Rót chút sữa đặc ra cái chén nhỏ rồi mỗi người cầm một ổ bánh mì nóng trên tay, xé ra quẹt một chút sữa trong chén ăn ngon lành. Không có sữa Ông Thọ thì xé ra ăn không, bánh mì thơm phức vừa giòn vừa dẻo vừa ngọt, một mình tôi ăn một ổ bánh mì thiệt chỉ đủ nhét kẽ răng.

Cũng có khi người bán là một thanh niên trẻ, một ông hay bà đứng tuổi, thì những người lớn này có sức khỏe hơn, thường vác sau lưng cái cần xé tre, trong lót bao bố, bao nilon đựng hàng trăm ổ bánh mì đi bán khắp nơi.

Các lò bánh mì miền Nam cho người bán lẻ nhận bánh mới còn nóng đi bán, lỡ đi hoài mà bán không hết, bánh bị nguội thì quay về lò đổi bánh nóng mới đi bán tiếp, nên bánh mì bán dạo luôn luôn nóng giòn. Ðó cũng là cách hấp dẫn người mua, mà cũng là cách đối xử rất có tình người giữa chủ lò và người bán dạo vậy.

Mùa mưa, trời mau tối, không khí lành lạnh và ẩm ướt, mà khi lạnh thì thường mau đói. Năm giờ chiều ăn cơm rồi nhưng tầm bảy giờ tối thì cả nhà lại ngồi hóng tiếng rao “Bánh mì nóng giòn đâ..y.y.y.y…” kéo dài vang vọng. Tôi chỉ cần nghe tiếng rao là hình ảnh ổ bánh mì vàng ruộm, giòn tan, nóng hổi và thơm phức như hiện ra trước mặt, cảm thấy chảy nước miếng rồi. Hình dung lúc xé miếng bánh mì bỏ vô miệng nhai rôm rốp, vừa giòn vừa dẻo, vị ngọt nhẹ nhàng thấm thía cả người. Ðối với một đứa con nít như tôi có ổ bánh mì nóng ăn buổi tối nó hạnh phúc làm sao. Riết rồi ghiền ăn bánh mì. Tối tối mà thiếu tiếng rao bánh mì, thiếu cái bánh mì không là bụng kêu rột rột không ngủ được.

Thập niên 70, 80, bánh mì Sài Gòn không còn nữa, thay vô đó là bánh mì quốc doanh cứng ngắc, khô queo, không mùi vị, bị người dân đặt tên là “Bánh mì chọi chó lỗ (bể) đầu”. Ðến thập niên 90, 2000 tình hình có khấm khá hơn; dân miền Tây lại ăn được những ổ bánh mì Sài Gòn ngon lành như trước năm 1975. Sau này tôi ở Sài Gòn, sáng nào tôi cũng mua một ổ bánh mì bì của bà bán bánh mì trước tiệm cà phê gần chỗ ở. Bà chỉ bán duy nhất một món bánh mì bì. Tôi thích bánh mì của bà chỉ vì ổ bánh giòn khấu, ruột mềm, xẻ ra dồn thêm bì heo, xịt chút xì dầu thì ăn ngon vô cùng mà lại rẻ tiền.

Bây giờ tôi không thấy ai ăn bánh mì theo các kiểu tôi vừa kể ở trên nữa. Little Sài Gòn (Nam Cali) có nhiều tiệm bán bánh mì của người Việt; cũng có tiệm lấy tên Bánh Mì Sài Gòn luôn. Tiệm nào tôi cũng cất công mua bánh mì ăn thử, nhưng than ôi, tôi chưa bao giờ được ăn một ổ bánh mì nóng giòn thơm đúng kiểu Sài Gòn. Vỏ bánh dày mà cứng, không giòn, ruột bánh không mềm xốp, nhai không dẻo ngọt. Tôi đồ rằng chủ mấy tiệm bánh mì ở đây không phải là người miền Nam chánh gốc. Nghe tên bánh mì Sài Gòn nổi tiếng nên lấy tên đặt cho tên tiệm của mình mà thôi chứ thật ra chủ tiệm chưa từng ăn bánh mì Sài Gòn; làm ra cái bánh mì không ngon, không giống bánh mì Sài Gòn chút nào, nhưng người chủ không biết mà cải tiến cách làm để bánh ngon.

Tôi mua bánh mì kiểu Ý, kiểu Pháp ở lò nướng trong tiệm Walmart ăn thấy ruột bánh cũng giống bánh mì Sài Gòn, nhưng vỏ bánh mềm xèo dù có nướng lại. Than ôi! Ngồi trong tiệm Bánh Mì Sài Gòn mà không được ăn bánh mì Sài Gòn là vậy đó.

TPT

Little Sài Gòn, CA.