Tháng Bảy năm 1972, trong thời gian đang thụ huấn Khóa 3/72 Bộ Binh Cao Cấp, tôi có dịp vào thăm vài người quen làm việc trong Trại Ðào Bá Phước của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa ở Sài-Gòn.
Nhân chuyến thăm viếng này tôi đã gặp mặt, rồi trở thành em kết nghĩa của Niên Trưởng Cao Văn Ủy Khóa 7 Ðà Lạt.
Trung tá Cao Văn Ủy biết và có cảm tình với tôi là do sự giới thiệu của Trung tá Bùi Văn Sâm, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.
Thời gian này Trung tá Ủy đang giữ chức vụ Trưởng Phòng Kiểm Ðốc của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Lực Việt-Nam Cộng Hòa.
Trung tá Ủy có hứa rằng, nếu mai này ông ra đơn vị, chỉ huy liên đoàn, thì ông sẽ xin tôi về làm việc dưới quyền ông.
Sau này Trung tá Cao Văn Ủy đã được đề cử giữ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 7 Biệt Ðộng Quân, vinh thăng cấp đại tá, rồi chuyển sang chỉ huy Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân.
Dù đã coi nhau thân như anh em, dù anh Cao Văn Ủy nhiều lần muốn đem tôi về phục vụ dưới quyền anh, nhưng tôi dứt khoát thoái thác.
Chỉ vì, tới khi anh Ủy nắm được chức chỉ huy liên đoàn thì tôi đã quyết định không đi khỏi Vùng 2 nữa, dù có cho tôi về làm việc trong các đơn vị Tổng Trừ Bị, hậu cứ ở Sài-Gòn, tôi cũng không đi.
Bởi vậy mà ngày còn chinh chiến, tôi và Ðại tá Cao Văn Ủy chưa từng sống chung đơn vị.
Chiến tranh tàn, tôi đi tù, Ðại tá Cao Văn Ủy cũng đi tù.
Trong tù tôi gặp một người sau này tôi coi là một trong những anh bạn mà tôi thân thiết nhất.
Người này tên là Lê Thái Bình, cựu Ðại úy Tuyên Úy Phật Giáo của Tiểu khu Phú-Bổn.
Tháng Hai năm 1979 có tin Trung Cộng sẽ đánh Việt-Cộng, tôi và Lê Thái Bình bị đưa từ Trại Cải Tạo Phú Sơn 4, Thái Nguyên về Trại Cải Tạo Nam Hà A.
Ở Nam-Hà A tôi đã gặp lại Ðại tá Cao Văn Ủy và có dịp giới thiệu Ðại Ðức Lê Thái Bình cho Ðại tá Cao Văn Ủy. Từ ấy anh Ủy có thêm một thằng em là Lê Thái Bình.
Tôi có công giới thiệu cho anh Ủy một đứa em thì anh Ủy cũng đáp lại bằng cách giới thiệu cho tôi một ông anh.
“Tao thấy mày và thằng cha Trí này có vài điểm giống nhau, nên hai người nhận làm anh em đi!”
Một ngày tháng Hai năm 1979, dưới hiên Buồng số 2 của Trại Nam Hà A, anh Ủy đã nghiêm nghị nói câu này với tôi, trong lúc tay anh chỉ cho tôi một ông cải tạo viên cấp đại tá đang ngồi cạnh Ðại tá Biệt Ðộng Quân Trần Công Liễu.
Tôi thắc mắc,
– Ông Trí có gì giống tôi vậy?
– Ðiều thứ nhất tao thấy chú và ông Trí giống nhau là làm lính sạch, không tham nhũng. Ðiều thứ hai giống nhau là cả hai đều vào loại đánh giặc ngon lành. Ðiều thứ ba giống nhau là gặp lúc nguy nan chú và ông Trí đã không bỏ anh em. Ngày triệt thoái Cao Nguyên, cả quân đoàn chạy rồi, Ðại tá Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn II cho máy bay riêng tới đón, chú mày vẫn không đi mà ở lại với lính. Ông Lý nói rằng, chú mày đúng là một thằng điên! Ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975 ông Trí có dư điều kiện để ra đi, nhưng chấp nhận ở lại với thuộc cấp và chấp nhận đi tù. Nhiều người cũng cho rằng ông Trí là một thằng điên!
Sau ngày đó, tôi có thêm một người anh trong tù, anh tôi là Nguyễn Thành Trí Cựu Ðại tá Tư Lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến Việt-Nam Cộng-Hòa.
Thời gian sống trong cảnh tù đày đúng là thước đo lòng người. Nhiều cải tạo viên lon cao, chức lớn đã xuôi tay đầu hàng địch, biến thành Nhân Viên Văn Hóa, Trật Tự, Thi Ðua, Ðội Trưởng, Ăng Ten hay Cò Mồi.
Trong khi đó, hai ông anh Ủy và Trí của tôi vẫn nhẫn nhịn âm thầm giữ vững nhân cách, làm gương cho những đứa em.
Chúng tôi không quên chuyện anh Ủy và anh Trí đã hết lòng yểm trợ tinh thần và tài chánh cho sự hiện diện của chiếc radio ở Nam Hà A thời gian đó.
Anh Trí không những là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến dạn dày trận mạc, mặt khác, anh còn là một nghệ sĩ thực thụ. Dưới mắt tôi, anh Trí là một guitarist tuyệt vời.
Ai đã từng là tù cải tạo ở Nam Hà A năm 1979 chắc không quên những buổi hòa nhạc của một ban nhạc độc nhất, vô nhị trên đời. Ban nhạc này quy tụ bốn nhạc công, gồm một ông thiếu tướng và ba ông đại tá! Một cây Mandolin và ba cây guitars.
Ðại tá Cao Thông Minh (Không Quân), thủ cây Mandolin, còn Thiếu tướng Lê Minh Ðảo (Sư Ðoàn 18 Bộ Binh), Ðại tá Nguyễn Thành Trí (Thủy Quân Lục Chiến), và Ðại tá Phạm Kim Quy (Cảnh Sát Quốc-Gia) thì ôm guitar.
Ngày nào cũng vậy, cứ vào giờ lãnh cơm buổi chiều, tôi lại theo bạn tù tụ họp trước Buồng 7 bên bờ giếng nước Trại Nam Hà A để nghe ban nhạc này trình diễn.
Dưới những ngón tay điêu luyện, thần sầu, của bốn nghệ sĩ này, tiếng gõ trên thùng đàn đã thành tiếng trống, một cái vuốt xuôi dây đã thành tiếng réo của vĩ cầm, một cái búng tay trên dây Sol thấp đã thành một nốt Piano…
Chỉ với bốn cây đàn dây cầm tay mà ban nhạc độc đáo này đã trình diễn không khác gì một dàn nhạc lớn…
Ðứng tựa lưng vào bờ tường Buồng 7, tôi nhắm mắt, buông cương cho hồn tôi phóng chạy theo tiếng đàn.
Ban nhạc dẫn dắt người nghe, khởi đầu là, “Waves of the Danube” – “The Blue Danube”- Qua “Chiều Về Trên Sông”, “Ngày Xưa Hoàng Thị”, “Nghìn Trùng Xa Cách” v.v.
Nghe những khúc nhạc này, tôi có cái cảm giác hạnh phúc như đang sống lại thời son vàng đã mất…
Tôi bước đi trên cánh đồng bát ngát lúa vàng trĩu hạt Hải Dương, bên tôi là những con trâu hiền đang gặm cỏ…
Tôi hồn nhiên vô tư, cùng bạn bè đồng lớp Ðệ Thất Trường Trung Học Trần Quý Cáp Hội-An dang tay, chồm tới, cố rướn mình vượt qua từng đợt sóng bạc đầu cuồn cuộn xô vào bãi cát Cửa Ðại, Quảng-Nam giữa trưa nắng cháy mùa Hè…
Tôi ngồi ôm tay lái chiếc xe Jeep nhà binh đậu bên kia đường, mà lòng thì nôn nóng không yên, chỉ vì tôi đang đợi chờ bóng dáng người con gái tôi yêu sẽ hiện ra sau cánh cổng Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột giờ tan lớp…
Ôi! Ðẹp biết bao! Một thế giới màu xanh rực rỡ hoa vàng, và rộn rã tiếng chim…
Thế rồi, đột nhiên dòng nhạc uốn qua một khúc quanh, dẫn chúng tôi về thực tại, nhắc nhở chúng tôi cái thân phận của chính mình với hai nhạc khúc, nghe xong mà nước mắt cứ tự nhiên rơi:
“Bridge on the River Kwai” và “The Longest Day”
Giờ đây chúng tôi đang là những kẻ bại trận, bị cầm tù.
Chúng tôi là những kẻ có lỗi với quê hương, với đồng bào…
Thế rồi sự xuất hiện của những buổi hòa tấu bên giếng nước trại tù vào đúng giờ phát cơm chiều của Trại Nam Hà A cũng bị cai tù để ý, theo dõi.
Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau khi chào đời, ban nhạc này đã bị giải tán.
Guitarist Lê Minh Ðảo bị điệu về giam trong Trại Hà Tây.
Từ đó, mỗi chiều khi đi ra giếng, chúng tôi đều phải bịt tai vì cái loa to treo ngay trên cửa Buồng 7 cứ ra rả phát đi bản tin tức của Ðài Phát Thanh Hà-Nội, kèm theo tiếng thét chói tai của các ca sĩ Tô Lan Phương và Quốc Hương.
Ðôi khi sóng điện bị nghẽn, cái loa cứ rít lên như tiếng còi báo động, làm nhức cả óc.
Từ đây, vào giờ phát cơm chiều, quanh giếng vắng tanh.
Mấy chục năm sau, nếu có ai hỏi tôi rằng:
“Trên đời này anh yêu thích ban nhạc nào nhất?”
Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời:
“Ban nhạc của 4 ông cải tạo viên Ðảo, Minh, Quy, Trí ở Trại Nam Hà A năm 1979”
…
Năm 1987 Ðại Ðức Lê Thái Bình được thả ra khỏi trại tù.
Năm 1988 Thiếu tá Vương Mộng Long và Ðại tá Nguyễn Thành Trí cũng được tự do.
Tới năm 1990 Ðại tá Cao Văn Ủy mới được cho về. Hai năm sau anh Ủy lên đường đi Úc đoàn tụ với gia đình và anh đã qua đời ở Úc.
Còn Lê Thái Bình, Vương Mộng Long và Nguyễn Thành Trí thì rời Việt-Nam theo chương trình HO tới Mỹ định cư.
Thoáng chốc mà 30 năm đã đi qua…
Tháng Sáu năm 2023, trời nắng ráo, tôi lái xe hạ sơn…
Về tới Seattle, người đầu tiên tôi gọi thăm lúc giữa trưa ngày 3 tháng Sáu năm 2023 là anh bạn Lê Thái Bình. Bình đang làm công quả trong một ngôi chùa Việt-Nam ở Arlington, Texas.
Trong máy, chỉ nghe tiếng nói rổn rảng của nhau thôi, chúng tôi cứ tưởng như còn đang độ tuổi ba mươi.
Sau khi tâm sự một hồi cùng Thầy Bình, tôi quay qua gọi Cựu Ðại tá Nguyễn Thành Trí ở Houston,
– Dạo này anh chị có mạnh khỏe không?
– Anh vẫn vậy, còn chị thì ốm tong teo Long ơi! Thế bà xã của Long có mập thêm chút nào không?
– Anh đừng lo! Chị ấy mà gầy lại là điều hay. Người càng gầy, càng sống lâu. Vợ em dạo này không ăn cơm, chỉ ăn trái cây, nên cũng không béo lắm!
Hình như anh tôi đã chờ tôi gọi để tâm sự, nên anh hào hứng nói,
– Ngày Chủ Nhật 18 Tháng Sáu này quân ta làm lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực. Mình tổ chức sớm hơn một ngày, vì ngày 19 rơi vào Thứ Hai. Chắc anh cũng cố gắng có mặt với anh em.
Tôi nhớ ra, giữa Tháng Sáu này anh tôi cũng mừng sinh nhật vừa tròn tuổi 88, vậy mà anh tôi vẫn chưa quên Ngày Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, vẫn nhớ tới anh em…
Nghe giọng nói của anh, biết anh vẫn còn khang kiện, tôi cũng mừng.
Lần gần nhất mà anh em tôi gặp nhau cũng đã 7 năm rồi.
o O o
Hy vọng rằng, qua mùa lũ lụt Texas năm nay, tôi sẽ có dịp lái xe chở vợ chạy thẳng một lèo xuống Grand Prairie,Texas thăm Thầy Bình, rồi tiện đường xuôi Nam tới Houston, Texas thăm anh tôi…
Kỳ này, tôi sẽ bắt anh tôi dạo lại cho tôi nghe hai khúc nhạc, “Ngày Xưa Hoàng Thị” và “Cầu sông Kwai” mà tôi đã có dịp thưởng thức nơi cửa Buồng Giam Số 7 của Trại Cải Tạo Nam-Hà A năm nào…
VML
Seattle ngày 4 tháng 6 năm 2023
Cao nguyên sau ngày đình chiến
Trẻ xin tạm ngưng loạt bài “Cao nguyên sau ngày đình chiến” một kỳ để đăng bài “Một ban nhạc lạ đời”. “Cao nguyên sau ngày đình chiến” sẽ được đăng tiếp theo trong số sau.