Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 10)

– Mình là người lớn, nói phải giữ lời! Anh nói với ông Hai Lẻ Chín đừng vi phạm cái giao kèo này đấy nhé!

Vài phút sau tôi lên xe cùng với ông Trung tá Hoàng Kim Thanh phóng như bay ra Quảng-Ðức.

Chiều đó xe của tôi trở về Kiến-Ðức chở theo ông cao bồi bắn… dở như hạch, tên là Trần Văn Phước.

Hai ngày sau, ông Ðại tá Từ Vấn bàn giao chức vụ Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân cho ông Trung tá Hoàng Kim Thanh.

Buổi lễ bàn giao liên đoàn diễn ra vô cùng giản dị. Trên cái bàn dài có hai chai rượu Hennessy cùng mấy đĩa thịt gà luộc. Hiện diện quanh bàn tiệc, ngoài năm vị cầm đầu liên đoàn ra, có chừng năm sáu sĩ quan tham mưu.

Diễn văn từ biệt của Ðại tá Từ Vấn vỏn vẹn ba câu ngắn gọn, mà bốn mươi sáu năm sau tôi vẫn còn nhớ nằm lòng,

(1) Hôm nay tôi gặp mặt từ giã anh em để lên đường nhận nhiệm vụ mới.

(2) Tôi chúc tất cả anh em luôn luôn mạnh khỏe, bình an.

(3) Chúc Thiếu tá Long vinh thăng trung tá để giữ chức liên đoàn trưởng!

Sau khi ông Từ Vấn ra đi khá lâu, tôi mới hiểu ý nghĩa những lời giã từ của ông ấy. Thì ra câu, “Chúc Thiếu tá Long vinh thăng trung tá để giữ chức liên đoàn trưởng!” chỉ là một câu nói móc lò. Ông Vấn chắc chắn đã biết cái lon trung tá đặc cách tại mặt trận của tôi đã bị người ta ém nhẹm mất tiêu rồi, nên ông ta cười vào mặt tôi, mà tôi không hay!

Ông Ðại tá Từ Vấn thuyên chuyển, Trung tá Hoàng Kim Thanh đương nhiên được đảm nhận chức vụ Xử Lý Thường Vụ Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân, và Trung tá Trịnh Thanh Xuân từ Pleiku tới nhận chức Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24.

Ông Trịnh Thanh Xuân vốn dĩ là Tiểu đoàn trưởng của Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân. Trong thời gian Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bị vây ở Pleime thì đơn vị của ông Xuân trú quân vùng Tây Pleiku.

Một đêm tối trời, tiểu đoàn của ông Xuân đã có công đánh lui một mũi Ðặc-Công Việt-Cộng trong lúc chúng đang cố gắng cắt rào, chui vào khu vực phòng thủ của pháo binh ở Căn cứ 333 vùng Tây Pleiku.

Sau khi thất bại, tụi Việt-Cộng đã bỏ chạy và để lại chiến trường bốn cái xác mặc quần áo đen, cùng mấy bánh thuốc nổ, nhưng không có khẩu súng nào.

Thiếu tá Trịnh Thanh Xuân được Ðại tá Phạm Duy Tất và Trung tướng Nguyễn Văn Toàn cho đặc cách thăng cấp trung tá vì công trạng này.

Cùng đi với Trung tá Xuân là một đại úy, dự trù sẽ được bổ sung cho Tiểu Ðoàn 82 thay chỗ Ðại úy Nguyễn Hữu Tài. Ông đại úy này tên là Lê Bá Ngọ mới từ Sài-Gòn thuyên chuyển tới.

Ðại úy Ngọ là “Cố nhân” đồng thời cũng là người chỉ huy tôi ngày tôi mới ra trường.

Ðầu năm 1966 ông Ngọ là Trung úy Ðại đội trưởng Ðại Ðội 3/11 Biệt Ðộng Quân, tôi là một thiếu úy trung đội trưởng dưới quyền ông Ngọ.

Tôi với ông Ngọ xa cách lâu rồi, nay ông ta xin về làm tiểu đoàn phó cho tôi, nhưng tôi đã thẳng thắn từ chối, không nhận Ðại úy Lê Bá Ngọ về đơn vị mình.

Hôm sau, tôi lại bị gọi về liên đoàn để nhìn mặt một “Ứng Viên” thứ nhì cho chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Lần này là một đại úy người Nam xuất thân Khóa 10 Trừ Bị Thủ -Ðức.

Vừa bắt tay nhau, ông đại úy đã toét miệng cười, để lộ hai, ba cái răng bịt vàng,

– Tui mới từ Sài-Gòn ra, được lệnh tới Tiểu Ðoàn 95 giữ chức tiểu đoàn phó. Nhưng tui nghe ông cần người phụ tá, tui vội tình nguyện đi ngay.

– Làm phó 95 có khác gì làm phó 82 mà ông lại xin về 82?

– Tui thích ông, phục ông, nên xin về 82. Vả lại tui biết ông từ năm 1966, ngày ông mới ra trường!

– Năm 1966 ông ở tiểu đoàn nào ngoài Vùng 1 mà nói biết tôi?

– Tui ở Ban Ðại Diện Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 1 dưới quyền Thiếu tá Hoài. Tui là anh trung úy đã lái xe ra đón mấy ông thiếu úy Khóa 20 Ðà Lạt ở sân bay Ðà-Nẵng, rồi đem các ông phân phối cho ba tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân của Quân Khu 1. Trong số mấy ông Khóa 20 ngày đó tôi nhớ tên ông nhất, vì tên ông vừa lạ lại vừa đẹp!

– Từ đó tới nay cũng 8 năm rồi, ông còn nhớ tôi thì quả là ông giỏi lắm đó! Nếu có duyên thì mình sẽ có dịp ở với nhau lâu. Tôi nhận ông về làm việc với tôi kể từ giờ này.

Vài ngày sau tôi nhận được công điện xác nhận của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 ghi rõ ràng việc bổ nhậm chức vụ của ba vị sĩ quan có tên dưới đây:

1) Ðại úy Nguyễn Hữu Tài, Khóa 10 Thủ-Ðức, giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân.

2) Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, Khóa 10 Thủ-Ðức, giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

3) Ðại úy Lê Bá Ngọ, Khóa 12 Thủ-Ðức, giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân.

Ông tân tiểu đoàn phó của tôi đi đâu cũng đem vợ con theo, tôi phải cho gia đình ông đại úy tá túc trong một căn hầm khá rộng nằm sát vách hầm truyền tin của tiểu đoàn. Gia đình này gồm một chồng, một vợ, một bé gái và một con chó Nhật bé tí teo.

oOo

Đời lính, vinh quang và cay đắng…

Hạ tuần tháng 10 năm 1974 tôi nhận được danh sách những quân nhân được tưởng thưởng do chiến thắng Pleime 1974.

Tôi ngạc nhiên khi thấy trên công điện thông báo thì Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân vỏn vẹn có tên ba người được thăng cấp là ông Tiểu đoàn phó Nguyễn Hữu Tài lên thiếu tá, ông Trưởng Ban 3 Trần Dân Chủ lên đại úy, ông Trưởng Ban 2 Trần Văn Phước lên trung úy.

Những sĩ quan khác đều bị gạch tên, không huy chương, không lên lon, kể cả Thiếu tá Vương Mộng Long và ba ông sĩ quan đại đội trưởng tác chiến.

Vị đại đội trưởng tác chiến duy nhất của tôi được thăng cấp đó là Thiếu úy Phạm Ðại Việt, Ðại đội trưởng Ðại Ðội 3/82. Thiếu úy Phạm Ðại Việt đã được cấp trên gắn cho cái lon Cố Trung Úy.

Thượng cấp không nỡ gạch tên ông ta, chỉ vì ông ta đã bị trúng đạn pháo kích của địch quân ngày 16 tháng 8 năm 1974 và đã chết mất rồi!

Tôi là người thay mặt Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng gắn ba bông mai vàng lên ve áo của ông Trần Dân Chủ.

Ðại úy Ngũ Văn Hoàn thay mặt cho Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng gắn hai bông mai vàng lên ve áo của ông Trần Văn Phước.

Vì Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu không cho tôi biết lý do vì sao những quân nhân còn lại của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã bị loại ra khỏi cái danh sách thăng thưởng mà tôi đề nghị, nên tôi không thể đại diện cho Ðại tướng Cao Văn Viên trả lời thắc mắc của những người lính dưới quyền tôi.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Trong cuộc đời 10 năm chinh chiến, tôi đã lên voi xuống chó nhiều lần rồi, vấn đề lon lá tôi không coi trọng.

Nhưng những quân nhân dưới quyền tôi thật là tội nghiệp, họ đã nghiêm chỉnh thi hành lệnh của Ðại tá Chỉ huy trưởng Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2, Trung tướng Tư lệnh Quân Ðoàn II và Tổng thống nước Việt-Nam Cộng-Hòa là: “Chọn cái chết chứ không di tản chiến thuật”.

Họ đã quên mạng sống của chính mình để “Tử Thủ” và sẵn sàng chết theo Pleime nếu tiền đồn này rơi vào tay giặc.

Vì thế mà nghe được cái tin “Tất cả quân nhân tham chiến trận Pleime 1974 sẽ được đặc cách thăng một cấp” thì nhiều ông đã thủ sẵn trong túi cặp lon mới sáng chói, chờ ngày “Rửa lon”.

Ai ngờ cấp trên đã nói trước, quên sau, những lời hứa chỉ còn là cái bánh vẽ!

Các ông Trung úy Nguyễn Công Minh, Nguyễn Hữu Anh, Thiếu úy Lê Ðình Khay, Phạm Văn Thủy, Huỳnh Kim Hoàng, Nguyễn Văn Hổ, Chuẩn úy Phan Quốc Thiều, Lê Hữu Ðức, Nguyễn Hữu Ðức, Nguyễn Hữu Phước, Lê Văn Phước, Lê Hữu Bảo, Thượng sĩ Nguyễn Văn Năng, Y Khăm Nier, Y Ngon Nier, Trần Văn Sơn, Lê Hữu Phong, Trung sĩ 1 Lưu Ðức Hoàn, Hạ sĩ 1 Mom Sol… cùng với ông Trung úy Pháo binh Biên Phòng tên là Nguyễn Như, khi thấy mình lọt sổ trên danh sách thăng cấp đặc cách thì cũng buồn năm phút, nhưng các vị này hết buồn ngay sau khi biết rằng con chim đầu đàn là Thái Sơn mà còn bị người ta “quên” (!)

Tôi cũng được thông báo rằng, Trung úy Nguyễn Văn Song, Ðại đội trưởng Ðại Ðội 2/ 81 là đơn vị tăng phái cho tôi đã được đặc cách lên đại úy và ông trung úy Trưởng Ban 3 liên đoàn cũng được lên đại úy.

Khi nghe tin ông Trung úy Y sĩ trưởng của liên đoàn được tưởng thưởng một huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Ðồng, tôi cũng mừng cho ông ấy, vì Quân Y mà có Anh Dũng Bội Tinh thì hiếm lắm!

Nhưng tôi lại rất buồn khi nhìn thấy anh Hạ sĩ nhứt Y tá tên là Chiến của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã không được lên lon mà cũng chẳng nhận được một tờ giấy khen dù là của cấp trung đoàn.

Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân không có sĩ quan trợ y, Hạ sĩ 1 Chiến chính là ông “Bác Sĩ Vĩ Đại” của chúng tôi trong 33 ngày đêm tử thủ. Từ chuyện chữa trị chứng nhức đầu, sổ mũi của anh tân binh sau một đêm dầm mưa, tới chuyện băng bó những vết thương gãy tay, lòi ruột của anh em trong chiến trận, việc gì “Bác Sĩ Chiến” cũng làm được cả. Ðặc biệt là lúc nào trên môi Chiến cũng sẵn nụ cười hiền hoà, và lời an ủi vỗ về “Không sao đâu! Không sao đâu!”

Sau khi kho thuốc của tiểu đoàn bị pháo binh địch bắn cháy thì không còn chai thuốc đỏ, thuốc mê, thuốc tê nào nữa. Nhiều thương binh Pleime ngày đó đã trải qua những ca mổ bụng, ghép xương mà không được chích tê, mê.

Nhờ những lời an ủi dịu dàng và nụ cười của chú Chiến mà các thương binh đã quên đau.

Dưới mắt tôi, Hạ sĩ 1 Chiến là người thầy thuốc lành nghề, siêng năng, tận tâm và can đảm nhứt mà tôi đã thấy trong suốt cuộc đời mười năm trận mạc.

Pleime 1974 là chiến công lớn nhất trong năm của Vùng 2 Chiến Thuật, nên có vài ông sĩ quan văn phòng của Quân Ðoàn II cũng được lên lon ăn ké”.

Không biết bằng cách nào mà mấy vị sĩ quan này có thể chen vai, luồn lách vào danh sách đề nghị thăng thưởng do Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 thiết lập.

Một anh sĩ quan Khóa 20 Thủ-Ðức, từ ngày ra trường đã liên tục tá túc ở Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II, kỳ này cũng “ké” được cái lon thiếu tá.

Xem thêm:   Về Cà Mau

Anh ta là một trong vài sĩ quan siêng năng, vất vả nhất của quân đoàn. Cuối tuần nào anh ta cũng phải đi làm thêm giờ ở nhà ông đại tá, sau này là Chuẩn tướng Lê Trung Tường. Anh sĩ quan này là chuyên viên chia Bài Tứ Sắc và Bài Xẹp cho bà Tường!

Thậm chí huy chương tưởng thưởng chiến công Pleime 1974 còn bay tới tận Qui-Nhơn, tới tay những vị có công ký giấy chấp thuận những đơn xin cấp phát lương khô, gạo, đạn, cho các chiến sĩ trú phòng Pleime.

Vì ông Tài đã thuyên chuyển, nên tiểu đoàn chỉ tổ chức lễ “rửa lon” cho hai ông Phước và Chủ, bữa tiệc này cũng là bữa tiệc tiễn đưa Ðại úy Trần Dân Chủ thuyên chuyển lên liên đoàn đảm nhận chức vụ Trưởng Ban 3 liên đoàn thay chân cho ông đại úy cựu trưởng ban mới được lên lon và xin thuyên chuyển về Nam.

Thời gian này Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân đã đi Dục-Mỹ tái bổ sung và huấn luyện, thay chân bằng Tiểu Ðoàn 89 Biệt Ðộng Quân đóng quân ở Bù Binh, trong vùng Nam quận Kiến-Ðức.

Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 89 Biệt Ðộng Quân là Ðại úy Ðặng Xuân Tòng. Ông Tòng là một đồ đệ của Ðại tá Phạm Duy Tất.

Ðại úy Tòng còn có biệt danh là “Tòng Xì Ke” vì có một thời gian ông ta vướng víu vào con đường chích choác và hút xách.

Thời điểm này, quân của Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân được phân phối trên ba vị trí:

(1) Ðại Ðội 24 Trinh Sát Biệt Ðộng Quân do Ðại úy Nguyễn Văn Song chỉ huy, trú đóng ở Xã Nghi-Xuân, vùng Bắc Gia-Nghĩa.

(2) Bộ chỉ huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân cùng một nửa Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân do Trung tá Hoàng Kim Thanh, Trung tá Trịnh Thanh Xuân, và Thiếu tá Trần Ðình Ðàng chỉ huy, trú quân trong khu rừng tre, nằm trên Tỉnh Lộ 344 cách Gia-Nghĩa 4 cây số về hướng Tây, và cách Kiến-Ðức 25 cây số.

(3) Phần còn lại của liên đoàn do Thiếu tá Vương Mộng Long chỉ huy kéo dài từ đồi Bù Row hướng Bắc, tới ranh giới Phước-Long hướng Nam, với các đơn vị tham chiến là Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, Tiểu Ðoàn 89 Biệt Ðộng Quân và một nửa Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân.

Nửa Tiểu Ðoàn 63 tăng phái thì có công điện xác nhận, nên tôi cho một đại đội đóng chốt ngay Ngã Ba Mả Thượng và kiểm soát cái cống nước hướng Bắc phi trường Nhơn-Cơ, trên Tỉnh Lộ 344. Ðại đội thứ nhì nằm tại làng Bu M’Bré bên suối Dak Blao.

Riêng Tiểu Ðoàn 89 thì tôi chỉ có nhiệm vụ để mắt xem nó có cần gì thì giúp nó!” như khẩu lệnh của ông liên đoàn trưởng.

Vì không có lệnh xác nhận bằng công văn, công điện, nên tôi cũng không thèm mua việc.

Từ ấy, mỗi ngày đơn vị này chỉ có hai lần liên lạc với Tiểu Ðoàn 82, năm giờ tối là một công điện báo cáo các điểm đóng quân đêm, năm giờ sáng là đoản văn “Tình hình trong đêm vô sự!”

Tôi nghĩ rằng, dù gì thì sự có mặt của Tiểu Ðoàn 89 cũng là một điều tốt, cứ coi như hướng Nam của tôi có một cái tiền đồn cấp tiểu đoàn. Nếu địch có đánh cái tiền đồn này thì cũng cả giờ sau chúng mới có thể tiến tới chân đồi Kiến-Ðức.

Thực ra, với khả năng của tôi, công việc chỉ huy hai hay ba tiểu đoàn đâu có gì là khó? Tôi đã từng nhiều lần chỉ huy những cánh quân liên binh với quân số trên hai tiểu đoàn rồi.

Nhưng hiện nay, tôi không phải liên đoàn trưởng, mà cũng không phải liên đoàn phó, tự dưng khoác lên cổ cái trách nhiệm bá vơ, bá láp này làm gì cho khổ thân!

Ðường Liên Tỉnh Lộ 8B đã được khai thông, Quảng-Ðức không còn lo thiếu lương thực.

(còn tiếp)

VML