Lời Giới Thiệu: Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.
Ngày 7 tháng 4 năm 1974:
Sáng ngày 7 tháng 4 năm 1974 một hợp đoàn trực thăng đáp xuống Pleime để di chuyển hai Ðại đội 2 và 3 cùng bộ chỉ huy hành quân của tôi ra Căn Cứ Hỏa Lực 711. Tôi nhận cái căn cứ này từ một đại đội của Tiểu Ðoàn 205 Ðịa Phương Quân bàn giao.
Vì nhu cầu chiến thuật, Căn Cứ Hỏa Lực 711 ra đời vào cuối năm 1973. Ðây chỉ là một tiền đồn dã chiến được dựng lên trên miếng đất hình chữ nhật với diện tích chừng nửa mẫu tây.
Cứ điểm này nằm sát lề Tây của Liên Tỉnh Lộ 6C trên ngọn đồi tương đối bằng phẳng có cao độ 600 mét.
Cứ Ðiểm 711 có bờ đất bao quanh cùng một hệ thống giao thông hào và bốn cái lô cốt ở bốn góc. Trên nóc mỗi lô cốt đều có một chòi gác lợp tranh.
Ra vào chỉ có một cái cổng chính hướng Ðông sát với tỉnh lộ.
Bên trái cổng là điếm canh, bên phải cổng là phòng khách cũng là phòng thuyết trình của căn cứ.
– Ngày 8 tháng 4 năm 1974:
Trưa 8 tháng 4 năm 1974 Trung tá Huỳnh Văn Lộc, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 25 Biệt Ðộng Quân đáp xuống Ðồn 711 thăm tôi và chuyển quyền giám sát hành quân Tiểu Ðoàn 205 Ðịa Phương Quân cho tôi, thay vì dưới quyền Liên Ðoàn 25 Biệt Ðộng Quân.
Liên Ðoàn 25 Biệt Ðộng Quân hiện thời trú quân trong quận lỵ Thanh-An và chốt giữ Ðèo Thanh-Bình nên liên lạc với Tiểu Ðoàn 205 Ðịa Phương Quân rất khó khăn vì Bộ Chỉ Huy của Tiểu Ðoàn 205 Ðịa Phương Quân lại đồn trú trong Quận Phú-Nhơn.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 205 Ðịa Phương Quân là Thiếu tá Nguyễn Hoàng.
Năm 1965 khi tôi còn là một Sinh Viên Sĩ Quan khóa 20 Ðà-Lạt thì ông Nguyễn Hoàng là thầy tôi. Ngày đó ông Hoàng là Trung úy sĩ quan cán bộ Ðại đội phó Ðại Ðội B Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị.
Sau khi đại đội giữ Ðồn 711 rút đi thì Tiểu Ðoàn 205 chỉ còn một đại đội đóng quân trên Tỉnh Lộ 6 C cách Ngã Ba Mỹ Thạch chừng năm cây số.
Tôi giao cho thành phần còn lại của Tiểu Ðoàn 205 Ðịa Phương Quân giữ vai trò trừ bị.
– Ngày 9 tháng 4 năm 1974:
Sáng 9 tháng 4 năm 1974 tôi nhận được một xe ủi đất với một sĩ quan và hai binh sĩ Công Binh tăng phái từ Sư Ðoàn 22 Bộ Binh cùng lúc với sơ đồ thiết lập một căn cứ hỏa lực mới nằm trong làng Plei Ngol Ho bên lề Ðông của tỉnh lộ và cách 711 một cái thông thủy.
Nửa giờ sau tôi tiếp nhận đoàn xe của Trung úy Danh, một Pháo đội trưởng của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh kéo theo 2 đại bác 155 ly vào tăng cường.
Vì Trung úy Danh đóng chung vị trí với tôi, mà tôi lại không có tiền sát viên, nên anh Danh kiêm luôn vai trò sĩ quan hỏa yểm cho đơn vị tôi.
Cũng từ hôm đó, tôi phân nhiệm cho Ðại Ðội 2 phòng thủ Ðồn 711 đồng thời duy trì một tiền đồn trên Ðồi Tử Chiến, cách 711 chừng 2 cây số về hướng Nam.
Bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 cùng Ðại Ðội 3 và Trung Ðội Trinh Sát 82 đóng chung với Pháo Binh và Công Binh trong Plei Ngol Ho.
Công tác xây dựng Căn Cứ Plei Ngon Ho tiến hành không được suôn sẻ, vì sau khi hoàn thành hai cái ụ pháo binh thì chiếc xe ủi đất cứ bị chết máy hoài.
– Ngày 10 tháng 4 năm 1974:
Sáng ngày 10 tháng 4 tôi nghe báo cáo, toán tuần tiễu an ninh hướng Nam 711 vướng lựu đạn gài, một quân nhân bị thương.
Ông sĩ quan trợ y tới trình diện tôi,
– Trình Thiếu tá, thằng lính bị thương không cho tôi băng bó, nó cứ đòi gặp Thiếu tá!
Nghe vậy, tôi liền đi theo ông trợ y ra ngoài Tỉnh Lộ 6 C nơi có năm, sáu người đứng vây quanh một cái cáng cứu thương và đang tranh nhau bàn tán xôn xao.
Ðám đông tản ra cho tôi bước tới. Anh sĩ quan trợ y phân bua,
– Con cu của nó bị mảnh lựu đạn cắt đứt một khúc, nó cứ nằng nặc bắt em phải nối con cu cho nó thì nó mới cho em chùi rửa vết thương.
Vừa thấy mặt tôi, anh thương binh đã lớn tiếng la,
– Thiếu tá ơi! Thiếu tá cứu em!
– Gì thế?
Hai tay ôm khư khư một vật trước ngực, anh lính người sắc tộc Ja Rai nhìn tôi, khẩn khoản,
– Con cu của em bị đứt! Thiếu tá làm ơn nối nó lại cho em! Nếu không em chết đó!
Tôi móc túi rút bao thuốc lá Lucky ra, lột cái vỏ bằng giấy bóng bao ngoài, rồi ngồi xuống bên cạnh anh lính, từ tốn nói,
– Em mở bàn tay ra, bỏ đầu con cu vào đây, Thiếu tá sẽ viết thư cho bác sĩ nối nó lại cho em!
Tới lúc này anh chàng mới xòe bàn tay cho tôi coi, trong lòng tay anh ta là một cục thịt màu đen dài chừng bốn hay năm phân.
Anh lính Thượng run run bỏ cục thịt vào cái bao thuốc lá rồi lại khư khư ôm chặt nó.
Tôi lấy quyển sổ nhật ký của Ban Quân Y trên tay anh trợ y, xé ra một tờ, rồi ghi vội vàng một lời nhắn:
“Kính gửi Bác sĩ Trung, Bác sĩ Thiết, Bác sĩ Anh hoặc bất cứ bác sĩ nào nhận được thư này.
Tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, xin giới thiệu với bác sĩ.
Ðây là một người anh hùng đang hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương.
Xin bác sĩ hãy đặt mình vào tình trạng của anh lính này mà ra tay cứu giúp anh ta.
Xin cám ơn quý vị.
Thiếu tá Vương Mộng Long”
Sẵn có chiếc xe Doge 4×4 của đơn vị, tôi ra lệnh cho Thiếu úy Trần Văn Phước áp tải anh thương binh về bệnh viện. Phước cũng được lệnh phải trao tận tay vị bác sĩ trực ngày hôm đó lá thư nhờ vả của tôi.
Hai tháng sau ngày đó, giữa tháng 6 năm 1974, anh thương binh người Thượng Ja Rai có tên Nay On được xuất viện trở về.
Trình diện tôi, On hớn hở khoe,
– Nhờ ông Thiếu tá giới thiệu với ông bác sĩ, ông bác sĩ đã khâu vá con cu cho em. Em không bị con vợ nó bỏ. Nếu em mà mất con cu thì vợ em bỏ em, em sẽ bắn vào đầu em chết ngay đó! Xuất viện, em được lệnh thuyên chuyển về tiểu khu, gác dinh tỉnh trưởng, nhưng em nhớ ơn ông Thiếu tá, em xin về lại tiểu đoàn mình! Em thương ông Thiếu tá nhiều nhiều lắm!
Cuối tháng 7 năm 1974 Binh nhất Nay On đã tử trận ngay ngày đầu chiến dịch vây hãm Pleime mở màn.
– Ngày 12 tháng 4 năm 1974:
Trưa 12 tháng 4 năm 1974 có hai chiếc xe GMC chạy tới Cứ Ðiểm 711; một xe chở thực phẩm tiếp tế cho đơn vị do Thiếu úy Nghị chỉ huy; xe thứ nhì do Thiếu úy Việt chỉ huy.
Thiếu úy Phạm Ðại Việt vừa khỏi bịnh sốt rét xuất viện trở về đơn vị. Cùng đi trên chuyến xe của Thiếu úy Việt còn có 5 ông Thiếu úy Ðà-Lạt, 5 ông Chuẩn úy Ðồng-Ðế và 1 ông Chuẩn úy Thủ-Ðức tới Tiểu Ðoàn 82 để thực tập quan sát sau khi mãn khóa Rừng Núi Sình Lầy.
Vì căn cứ hỏa lực mới chưa có phòng hội, nên tôi tập họp 11 sĩ quan thực tập trong phòng thuyết trình của Ðồn 711 để phác họa cho các tân sĩ quan biết tình hình địch hiện nay đồng thời chỉ dẫn cho họ những việc cần làm trong thời gian ở đây.
Trong lúc tôi đang thao thao trên bục, trước tấm bảng đen thì đạn đại bác 105 ly của địch bất ngờ theo nhau nổ “Ùm! Ùm! Ùm!” trên căn cứ.
Kẻng báo động gióng lên “Canh! Canh!” Cùng với tiếng binh sĩ kêu gọi nhau: “Xuống hố! Sẵn sàng chiến đấu!”
Trong hầm thuyết trình, tôi vẫn bình tĩnh đứng trên bục gỗ. Trong khi đó 10 ông tân sĩ quan đã nhanh nhẹn nằm rạp xuống nền đất tránh đạn, chỉ còn duy nhất trên hàng ghế đầu, một chuẩn úy mặt còn rất trẻ đang ngồi ngây người, giương to đôi mắt nhìn tôi.
Trong màn khói bụi, tôi lớn tiếng trấn an những sĩ quan đàn em,
– Bình tĩnh! Hầm này có hai lớp bao cát, xung quanh cũng có tường bao cát. Mảnh đạn pháo binh sẽ bay lên theo hình nón ngửa, không xuyên qua tường được đâu! Ðứng dậy! Ngồi lên ghế! Ðừng sợ!
Ðợt tấn công bằng pháo 105 ly của Việt Cộng chỉ kéo dài chừng năm phút, với tổng số khoảng trên, dưới 30 viên chạm nổ rơi ngay trên sân Tiền Ðồn 711.
Ðợi cho các tân sĩ quan đã yên vị, tôi mới từ tốn nói,
– Ðây là một kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm đầu tiên trong cuộc đời chinh chiến sau này của các chú.
Tôi cúi xuống vỗ vai anh chuẩn úy ngồi hàng ghế đầu, rồi đọc được cái bảng tên “LONG” của anh ta, nên buột miệng
– Chú tên là Long! Vậy chú mang họ gì?
– Trình Thiếu tá em là Hồ Văn Long, sĩ quan Thủ-Ðức.
– Anh khen ngợi chú đấy! Sau khi thực tập, nếu chú muốn về 82, anh sẽ nhận chú ngay!
Một thiếu úy Ðà-Lạt mang bảng tên là Tuân hay Tuấn rụt rè đứng lên thắc mắc,
– Em có thắc mắc là tại sao niên trưởng không phản pháo?
Tôi gật đầu cười,
– Một câu hỏi rất hay! Anh không cho phản pháo vì anh biết chắc chắn rằng, chỉ một phút sau khi bắn, địch sẽ kéo súng sang vị trí khác. Ta không nắm chắc tọa độ súng địch ở đâu, thì có phản pháo cũng chỉ bắn cầu âu, chỉ phí đạn mà thôi!
Ðợt đột kích bằng pháo binh của địch không làm ai bị thương.
Tôi không ngờ đợt pháo kích vừa rồi, cũng như những đợt pháo kích nhắm vào Ðịa Phương Quân trước đây, là nhằm điều chỉnh yếu tố tác xạ cho trận đánh sau này của địch.
Hết báo động, sinh hoạt trên Căn Cứ 711 trở lại bình thường.
Tôi giao cho Thiếu úy Phạm Ðại Việt chỉ huy 11 ông sĩ quan thực tập. Nhóm sĩ quan này tạm thời tá túc với đại đội chỉ huy của tiểu đoàn.
Chiều 12 tháng 4 năm 1974 một trực thăng đáp xuống 711, Thiếu tá Ðồng Ðăng Khoa, Trưởng Phòng 3 Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 trao cho tôi một công điện mang tay, thông báo cho tôi biết rằng, từ trưa 13 tháng 4 năm 1974 Chi đoàn 3/19 Thiết Vận Xa sẽ tới tăng phái cho tôi.
Kế đó, anh Khoa cũng đưa cho tôi một phóng đồ hành quân, ra lệnh cho tôi phải cấp tốc tổ chức một cuộc hành quân chớp nhoáng nhằm tảo thanh vùng rừng thưa cách Plei Xôm 4 cây số về hướng Tây.
Cuộc hành quân này sẽ đi, về trong ngày, lực lượng tham dự là Chi Ðoàn 3/19 Thiết Quân Vận cùng một đại đội Biệt Ðộng Quân tùng thiết.
Trong thời gian chờ trực thăng quay trở lại, Thiếu tá Khoa nói nhỏ với tôi,
– Quân đoàn có tin A2 cho biết Việt-Cộng sắp đánh Long đó! Long nhớ cẩn thận!
Thiếu tá Ðồng Ðăng Khoa, khóa 19 Võ Bị là bạn thân của tôi. Anh Khoa vừa đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng 3 Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 được vài ngày.
– Ngày 13 tháng 4 năm 1974:
Sáng 13 tháng 4 năm 1974 Chi Ðoàn 3/19 từ Pleiku tới 711.
Ðơn vị này có 18 Thiết Quân Vận M113 do Ðại úy Nguyễn Xá, Chi đoàn trưởng chỉ huy.
Vì Căn Cứ Plei Ngol Ho đang trong thời gian xây dựng, xe cộ phải đậu lộ thiên, do đó Ðại úy Xá đề nghị với tôi để Chi Ðội Chỉ Huy gồm 6 chiếc M113 trên Plei Ngol Ho, số còn lại sẽ trú quân trong Ðồn 711 vì nơi đây có tường đất cao bao quanh và hầm hào đã thiết trí sẵn.
Như vậy, chiều 13 tháng 4 năm 1974 trong khu vực hành quân lực lượng bạn gồm có:
Tại 711 có mặt Ðại Ðội 2/82 và 12 Thiết Vận Xa. Trên Ðồi Tử Chiến có một tiểu đội.
Tại Plei Ngol Ho có Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 82, Ðại Ðội 3/82, Trung Ðội Trinh Sát 82, hai khẩu pháo 155 ly, một xe ủi đất và 6 Thiết Vận Xa M113 trong đó có chiếc xe chỉ huy của Ðại úy Nguyễn Xá.
Chiều 13 tháng 4 tôi vừa ngả lưng trên chiếc võng dưới vòm bụi tre gai thì bỗng đâu, có một con chim cu còn đỏ hỏn rơi “độp!” trên ngực tôi. Tôi lượm con chim non lên rồi thả nó vào bụi tre sau võng. Con chim non cứ run rẩy, ngoác mỏ liên tục “Chim chíp! Chim chíp!” kêu thương. Con chim đã khuất dạng trong cỏ rồi, tai tôi vẫn còn nghe tiếng “Chim chíp!” não lòng.
Vài phút sau, tôi ngồi dậy tính đi một vòng kiểm soát vị trí đóng quân thì nghe sột soạt trên lá tre khô dưới chân. Rồi một con rắn đen to bằng cổ tay, dài cả thước cứ từ từ uốn mình trườn qua lưng hai chân giầy của tôi. Nhìn cái lưỡi rắn thè ra, quét qua quét lại hai bên mép nó mà tôi cảm thấy tóc gáy mình dựng ngược. Cái đầu rắn ngóc cao cả gang tay, cứ ngất nga, ngất nghểu, tôi không biết lúc nào nó sẽ mổ xuống ngay đầu gối của mình.
Tôi nín thở, ngồi im. Cả phút sau con rắn mới trườn qua chân tôi rồi biến vào bụi rậm.
Tôi không tin vào những chuyện dị đoan mộng mị, nhưng chuyện vừa xảy ra cũng làm tôi suy nghĩ vì tôi thường nghe nói rằng thấy nhạn lạc, xà qui là điềm xấu, sắp gặp điều không may.
Theo như các cụ ngày xưa, thì chỉ nhìn thấy chim sa, rắn lượn đã sợ rồi, vậy mà chiều nay tôi đã bị chim rơi ngay trên ngực, rắn bò ngang qua chân, nên cũng thấy lo.
Tôi lo ngày mai Chi Ðoàn 319 và Ðại Ðội 282 vào vùng địch có thể gặp chuyện chẳng lành.
Ði ngang ụ pháo binh, tôi thấy mấy anh xạ thủ đang xúm vào nhau rầm rì chuyện gì đó. Tôi tới gần thì họ nhìn tôi một cách lấm lét rồi tản đi. Mãi sau này tôi mới nghe báo cáo rằng hôm đó, mấy anh lính pháo binh xuống suối múc nước đã phát giác ra một đường dây điện thoại mới căng dưới chân đồi, nhưng họ không báo cáo vì sợ phải dẫn đường cho lính Biệt Ðộng Quân đi kiểm chứng. Ði kiểm chứng mà gặp Việt-Cộng thì sẽ phải bắn nhau. Họ sợ phải bắn nhau nên không báo cáo cho tôi hay Việt-Cộng đã có mặt ở đây rồi.
Nếu tôi biết được tin tức này thì tình hình trận đánh ngày hôm sau đã diễn ra khác đi nhiều.
Tôi đã biết, địch thường mở các cuộc tấn công rạng đông vào khoảng 5 giờ sáng, nên hàng ngày, đúng 4 giờ tôi đã cho anh em thức dậy ngồi sẵn dưới giao thông hào chờ.
Nào ngờ địch đã ra tay sớm hơn thời điểm mà tôi đã trù liệu.
– Ngày 14 tháng 4 năm 1974:
Ba giờ sáng 14 tháng 4 năm 1974 tiền đồn Ðồi Tử Chiến báo cáo rằng có tiếng động cơ xe di chuyển trong vùng hướng Nam.
3 giờ 30 từ hai hướng Tây và Nam, đại bác 105 ly, đại bác 122 ly nòng dài và hỏa tiễn AT3 của địch rơi như mưa trên 711. Không ai có thể đếm được số đạn đã được địch bắn đi, tiếng nổ chen nhau, hòa vào nhau chứ không nối tiếp nhau. Chỉ có chớp nhóa, khói, bụi tung lên, cùng tiếng “Ùng! Oành! Ùng! Oành!”
Ðợt pháo kích đầu tiên kéo dài chừng hai mươi phút. Im tiếng pháo, Ðại úy Xá báo cho tôi biết có 2 chiến xa M 113 bị cháy. Trung úy Thọ cũng cho tôi hay, y tá của Thọ chỉ cứu được một sĩ quan thiết giáp sống sót nhưng bị phỏng nặng, những người khác đều đã chết theo xe.
Ông Chuẩn úy kỵ binh này tên là Nguyễn Tá đã được khiêng sang chỗ tôi để quân y băng bó.
Trung úy Nguyễn Công Minh, sĩ quan Truyền Tin 82 động lòng trắc ẩn, mồi một điếu thuốc lá đầu lọc đặt lên môi anh thương binh,
– Bồ hút điếu thuốc cho quên đau!
Anh sĩ quan thiết giáp mấp máy môi,
– Em cám ơn huynh trưởng!
Hình như ông Minh và ông Tá có quen nhau?
(còn tiếp)