Dau-Xuan-Noi-Chu-Phuc-Back

Triết gia cổ đại từng tranh cãi về giá trị và bản chất của hạnh phúc và ngày nay, người ta vẫn tiếp tục mổ xẻ khái niệm này…

Hạnh phúc đến từ đâu?

Hạnh phúc là một trong những cảm giác tuyệt vời mà con người trải nghiệm trong cuộc đời. Người mẹ cảm thấy nhẹ nhõm khi căn bệnh đứa con mình qua cơn hiểm nghèo. Bà nội trợ cảm thấy hãnh diện sau khi làm món ăn được nhiều người khen. Cậu sinh viên thở phào sau đợt thi cử dài ngày…

Hạnh phúc như thế nào dưới lăng kính khoa học? Khảo sát mới đây của Trung tâm y tế dự phòng Hoa Kỳ cho biết ở độ tuổi từ 20-24 thường “bị buồn” trung bình 3, 4 ngày/tháng so với 2, 3 ngày ở người 65-74 tuổi. Và hôn nhân? Câu hỏi này khá phức tạp. Người có gia đình tỏ ra hạnh phúc hơn thành phần độc thân nhưng nụ cười gia đình của họ chỉ thường xuất hiện ở thời kỳ đầu. Yếu tố cần kể nữa là tôn giáo; niềm tin tôn giáo cũng ảnh hưởng đến tinh thần.

 Trong nhiều trường hợp, hạnh phúc xảy đến sau khi đạt được khoái cảm. Hạnh phúc đôi khi không khó tìm nhưng thật mong manh và chóng tàn. Có lẽ chính vì vậy, Phật giáo quan niệm rằng việc kiếm tìm hạnh phúc hệt như đuổi theo cái bóng.

Tính phức tạp của hạnh phúc nằm ở chỗ cảm giác này không bất biến. Nó không tĩnh. Ngay ở các đối tượng được xem là hạnh phúc nhất cũng có những phút giây buồn bã hay phiền lòng. Thậm chí các nhóm được xem là chán đời nhất cũng có những khoảnh khắc khiến họ mỉm cười. Và người ta đã lập ra nhiều phương pháp để đo lường hạnh phúc. Với Edward Diener (Đại học Illinois) – mệnh danh “bác sĩ Hạnh phúc”, một trong những nhà khoa học nghiên cứu hạnh phúc cặn kẽ nhất giới tâm lý học hiện nay – thang biểu đánh giá hạnh phúc là hệ thống đơn giản gồm 5 câu hỏi dùng tính điểm. Với nhà tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi, phương pháp là sự thăm dò bất chợt nhằm vào nhóm bất kỳ (qua công cụ máy nhắn tin hoặc máy tính cầm tay), bằng một số câu hỏi đại loại “Bạn đang làm gì? Bạn thích công việc đó không? Làm một mình hay với người khác?”…

Phương pháp này đã vẽ nên bức tranh thú vị về sự thỏa mãn ở thời điểm cụ thể thông qua một hoạt động cụ thể. Cách thức gần tương tự đã được thực hiện bởi nhà tâm lý đoạt giải Nobel – Daniel Kahneman thuộc Đại học Princeton. Theo Kahneman, người ta nên theo hình thức thăm dò cụ thể để lần ra đầu mối của ý niệm hạnh phúc, bằng trực nghiệm thực tế của đối tượng hơn là xem xét bề mặt chung chung. Cụ thể hơn, một du khách đến Ý hẳn có lúc cáu tiết bởi sự chậm chạp của người phục vụ hoặc thè lưỡi kinh hãi trước giá cả đắt đỏ nhưng khi kết thúc chuyến du lịch và được hỏi “Kỳ nghỉ như thế nào?”, người ấy hẳn sẽ huyên thuyên rằng mình thật vui và chỉ kể lại những kỷ niệm thú vị nhất.

Yêu đời là hạnh phúc

Một trong những vấn đề lớn nhất liên quan nghiên cứu hạnh phúc là mức độ thỏa mãn như thế nào mới gọi là hạnh phúc. Trong hầu hết trường hợp, người ta thường liên tưởng mức độ thỏa mãn vật chất đến cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên, tiền chưa là tất cả, giàu có chưa là tối thượng. Từ năm 1960 đến cuối thập niên 1980, GDP Nhật tăng gấp năm; bây giờ, mỗi gia đình Nhật có hơn một xe hơi và bình quân mỗi người Nhật xài gần 1,000 USD/năm cho du lịch giải trí. Biểu đồ giá trị vật chất ở Nhật liên tục tiến lên nhưng biểu đồ trạng thái tâm lý thỏa mãn cuộc sống lại phẳng lì như mui chiếc Lexus LS 430 của họ! Và Nhật hiện đang lên cơn sốt với “dịch” khủng hoảng tâm lý.

Khảo sát của báo Time tại Mỹ cho biết mức độ hạnh phúc có khuynh hướng tăng khi lợi tức tăng đến 50,000 USD/năm nhưng sau cột mốc đó, tiền nhiều hơn đã không còn mang lại ảnh hưởng cho niềm vui hạnh phúc.

Nhật không là trường hợp duy nhất. Hàn Quốc ngày nay có thể hãnh diện tạo dựng thành công một nền kinh tế công nghiệp tiêu dùng có đẳng cấp thế giới nhưng người dân nước này vẫn lắc đầu khi được hỏi về sự hài lòng cuộc sống hiện tại. Còn Mỹ? Thập niên 1950, Trung tâm nghiên cứu ý kiến quốc gia cho biết có 1/3 người Mỹ phát biểu rằng mình “rất hạnh phúc”; bây giờ, GDP đầu người ở Mỹ cao hơn gấp đôi thập niên 1950 nhưng tỉ lệ người “rất hạnh phúc” vẫn không tăng đáng kể.

Khảo sát tại Anh cũng tương tự. GDP nước này đã tăng từ 34 tỉ USD lên hơn 2 ngàn tỉ USD trong 50 năm qua nhưng tỉ lệ những người thỏa mãn cuộc sống hiện thời vẫn ngang bằng so với thống kê ghi nhận giữa thập niên 1970. Thế thì cảnh nhà nghèo có khiến người ta vui sướng? Tất nhiên là không. Nghiên cứu của giáo sư Ruut Veenhoven (Đại học Erasmus, Rotterdam, Hòa Lan) – một trong những chuyên gia nghiên cứu đề tài hạnh phúc số một thế giới hiện nay – cho thấy rằng những người sống tại nước nghèo, với lợi tức ít hơn 10,000 USD/năm, đều cho biết họ rất không hạnh phúc. Giàu cũng không cười và nghèo cũng không vui, vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào?

Hai thập niên qua, loạt nghiên cứu xã hội và tâm lý học cho thấy không có sự quan hệ then chốt giữa số tiền kiếm được và mức độ thỏa mãn có được. Tiền không hứa hẹn đem lại hạnh phúc, một phần bởi hiện tượng mà giới xã hội học gọi là “sự lo lắng liên quan”. Khảo sát tại Mỹ đã chứng minh rằng cho dù kiếm được bao nhiêu, người ta cũng muốn kiếm được nhiều hơn mới có thể “vui với đời”.

Do vậy, một trong những nguyên nhân đem lại cảm giác bất hạnh là thành phần không tự thỏa mãn với những gì đang có. Kinh tế gia Carol Graham (Viện nghiên cứu Brookings, Washington DC) cho biết sự kỳ vọng tương lai có ảnh hưởng ít nhiều đến cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên, bi kịch cuộc đời ở chỗ tất cả chúng ta đều được “điều kiện hóa” để nghĩ rằng sẽ không ổn chút nào nếu năm nay không kiếm được nhiều tiền hơn năm ngoái, như vậy chúng ta không nhớ mình đang có gì và mức độ cuộc sống hiện tại đã có thể được xem là đạt “chuẩn hạnh phúc” đối với nhiều người khác…

Yếu tố văn hóa nền

Calcutta (Ấn Độ) có thể được xem là một trong những thành phố nghèo nhất thế giới. Phố xá đầy ổ chuột và nước sạch là thứ xa xỉ đối với nhiều người dân. Tuy nhiên, theo phương pháp tính điểm của Edward Diener, Calcutta hiện xếp thứ 4 (trong hệ thống tổng cộng 7 điểm), biểu thị mức độ “hoan lạc” (trong tâm trạng công chúng) hơn nhiều so với các thành phố tráng lệ sung túc khác trên thế giới. Dân Mỹ Latin cũng là nhóm được đánh giá hạnh phúc nhất thế giới, theo rất nhiều nghiên cứu trong nhiều năm.

Ngoài ra, một trong những quốc gia sống trong nền kinh tế nghèo nhưng người dân có cảm giác an nhiên tự tại nữa là Philippines. Khảo sát giá trị thế giới do Đại học Michigan cho biết Philippines là một trong những nơi có điểm (hạnh phúc) cao nhất châu Á, hơn cả các nước-khu vực giàu như Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc. Đất nước quanh năm sống chung với bão lụt, lở đất, núi lửa… này luôn sẵn sàng nở nụ cười. Với người dân Philippines, hạnh phúc không là vật chất mà là xã hội, là cộng đồng. Họ vui với gia đình cũng như bạn bè. Họ tự miêu tả mình là mababaw ang kaligayahan (dễ cười), và như vậy, họ cười từ trong nhà ra đến ngoài ngõ…

Có thể lấy ý kiến của nhà tâm lý Martin Seligman (Đại học Pennsylvania) làm kết luận. Trong quyển Authentic Happiness, Seligman cho rằng có ba thành tố tạo ra hạnh phúc: sự vui thích; sự thu hút (gia đình, công việc, tình cảm, sở thích…) và ý nghĩa. Trong ba con đường dẫn đến hạnh phúc trên, Seligman cho rằng sự vui thích là yếu tố có giá trị thấp nhất.