Sau thế chiến II, ngành sản xuất máy bay của Mỹ phát triển như vũ bão, làm trùm thiên hạ. Ngoài việc củng cố uy tín cho Mỹ quốc, việc mua bán máy bay đôi khi mang tính ban phát và sử dụng như một “vũ khí” chính trường.

Airbus A380. Nguồn. Business Insider 

Chiếm lĩnh thị trường!

Nóng gà trước uy thế của Mỹ, các quốc gia châu Âu “vùng lên” để cạnh tranh đều thất bại thảm hại. Cuối cùng, để đủ sức đương cự với sản phẩm của Mỹ, các cường quốc châu Âu: Anh, Ðức, Pháp, Tây Ban Nha hợp lực thành lập hãng máy bay Airbus vào năm 1970.

Nhờ thân thế, Airbus cạnh tranh ngang ngửa với Boeing, đôi khi còn nhỉnh hơn cả đơn đặt hàng. Nhận thấy gió đã đổi chiều, Airbus cho ra lò Airbus A380!

Ðây là một loại máy bay dân dụng khổng lồ, nội thất sang trọng, và sức chứa trên 800 hành khách.

Tại sao Airbus quyết định tung ra A380?

Động cơ lớn của Airbus A 300. Nguồn. EMY GABALDAAFP via Getty Images

Có khá nhiều lý do:

  1. Có một số sân bay bận rộn, nhưng không có nhiều chỗ đáp, do vậy máy bay lớn chỉ cần chở khách đến một lần, thay vì phải 2 – 3 chuyến.

Khi tải nhiều khách một lần, số nhiên liệu tiêu tốn trên đầu người sẽ giảm xuống.

  1. Chỗ ngồi rộng rãi, sang trọng, thậm chí có cả giường ngủ.
  2. Có thể bay chặng dài, không dừng chân lắt nhắt, sẽ mất thời gian và chi phí bãi đáp.

Quảng cáo rầm rộ! Ðơn đặt hàng như mưa bão. Nhìn sang Boeing, không có một ứng cử nào xứng tầm với Airbus A380, thậm chí, Boeing không có một phản ứng nào,  khiến nhiều người cho rằng giai đoạn xưng hùng xưng bá của Mỹ, của Boeing đã chìm vào dĩ vãng.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Boeing vẫn cặm cụi xuất xưởng những máy bay loại trung, loại nhỏ và tỏ ra chăm chút hơn cho những máy bay cỡ vừa.

kích thước A380 và Boeing 747 nguồn: airnation.com

Nhìn vậy mà không phải vậy!

Hóa ra, không phải Boeing bất lực mà họ đã nhìn thấy trước những “tai họa” của một loại “superjumbo aircraft”!

Airbus A380 đã vấp một loạt sai lầm nghiêm trọng, những sai lầm này đã dẫn đến việc đóng cửa công trình hàng không đồ sộ bậc nhất thế giới này:

  1. Quá bự: với sải cánh dài 80 mét (dài hơn Boeing 747 là 15 mét). Nó không thể đáp xuống được những sân bay nhỏ.
  2. Airbus A380 cần phi đạo rộng hơn, dài hơn. Các sân bay bận rộn nhất lại nằm trong những khu vực đắt đỏ nhất, nên không có khả năng nới rộng sân bay. Với việc giới hạn sân bay, dẫn đến việc thu hẹp lộ trình. Cả Mỹ và Canada chỉ có 16 phi trường có khả năng “đón tiếp” A380.
  3. Mặc dầu sức chở của A380 hơn Boeing 747 đến 33%, nhưng lại hoàn toàn không có tính kinh tế. Ví dụ, chặng đường từ Sydney đến Los Angeles, A380 tốn $305,735 cho 484 hành khách. Với 14 tiếng bay, chi phí cho 1 giờ bay là $21,838. Trong khi cùng chặng đường cho Boeing 747 là $190,422, với 361 hành khách, mỗi giờ bay là $13,601. Chi phí của A380 cao hơn đến 60%.
  4. Không phải lúc nào chuyến đi chuyến về cũng có lượng khách đều nhau. Nhiều khi chiều kia vắng như chùa bà đanh.
  5. Tuyển một phi công đủ khả năng điều khiển gã khổng lồ này không dễ, với mức lương tương xứng.

Emirates, khách hàng chính của A380. nguồn: dw.com

Hồi chuông báo tử!

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Những khách hàng bậc nhất của Airbus A380 đã ngưng đặt hàng, hủy đơn, hoặc tìm cách tống khứ của nợ này.

Emirates (là một hãng hàng không quốc gia thuộc nhà nước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates) là khách hàng chính của A380 kể từ ngày thành lập năm 2007, chiếm phân nửa trong 300 đơn đặt hàng, đang sở hữu 110 chiếc A380 và 13 chiếc còn trên giàn lắp ráp cũng thấm đòn, ngán ngẩm. Nhưng chính họ cũng quyết định cắt giảm đơn đặt hàng từ 162 xuống còn 123 máy bay. Khi Emirates cắt đứt dây chuông,  A380 rơi tự do!

Ban đầu Airbus hy vọng sẽ bán được cỡ 750 chiếc, nhưng chương trình sản xuất của hãng tiêu tùng vào năm 2021 sau khi chỉ có 250 chiếc Airbus A380 chính thức ra lò từ Toulouse (Pháp).

Với giá gần nửa tỉ đô /chiếc. A380 rất chật vật để thu hồi vốn nếu không “chặt’ giá vé phù hợp. Người nghèo dĩ nhiên không có tiền mua, nhưng những người giàu “lành mạnh” như các triệu phú Mỹ cũng không thích xa hoa. Nếu thích, họ tự sắm máy bay riêng.

Nữ chiêu đãi viên và bar rượu của hàng không Emirates. Nguồn. BBC.com

Chỉ những ông Hoàng Ả Rập, xài tiền chùa từ mỏ dầu mới dễ dàng vung vít. Nên từ thuở sơ sinh, A380 đã phải sống loi ngoi lóp ngóp.

Mặc dầu là con cưng của Châu Âu, nhưng ngay cả những hãng máy bay lớn nhất của châu Âu, cũng chỉ mua lèo tèo vài chiếc. Sau Emirates, Singapore Airlines sở hữu 24 chiếc, Lufthansa 14, Quatas 12, British Airways 12, Air France 10…

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Ở Mỹ, thị trường hàng không lớn nhất thế giới, không có đơn đặt hàng A380 nào. Ðiều này không có nghĩa Mỹ khoái Boeing, vì các mẫu Airbus khác, vẫn bán vèo vèo ở Mỹ: American Airlines sử dụng phần lớn Airbus A319, A321, tiếp đó JetBlue, hãng hàng không thứ 6 của Mỹ đã không dùng một chiếc Boeing nào, gần 80% là Airbus.

Hạng business. Nguồn.Picfair

Lời cuối cho cuộc tình

Rõ ràng là chuyện sử dụng một chiếc máy bay quá lớn, 4 động cơ bự sự, uống xăng như uống bia, là một sáng kiến sai lầm!

Chính Airbus cũng đã thừa nhận sự sai lầm của mình trong dự án Airbus A380.

Airbus CEO, Tom Ender đã nói “Người ta cho rằng Airbus A380 đã đi sớm trước 10 năm, nhưng tôi nghĩ rằng, trên thực tế chúng tôi đã đi lùi hết 10 năm”. Và ông từ chức ngay sau đó.

Phòng ngủ giường đôi cho hạng nhất. Nguồn. TOH TING WEIAFP via Getty Images

Kỹ sư trưởng Robert Lafontan vớt vát “Airbus A380 cần những thị trường có khả năng thích hợp, nhưng công nhận rằng đây là chiếc máy bay có kỹ thuật cao nhất của hàng không trong thời đại này”.

Mặc dầu ngưng sản xuất, việc bảo trì và yểm trợ các máy bay A380 vẫn phải tiếp tục bình thường và Airbus A380 dự báo sẽ chắp cánh trở lại vào năm 2040!

Ðó cũng có thể là tín hiệu lạc quan, cũng có thể như một sự tự an ủi, vì điều hành một “business”, cũng tương tự như cai quản một quốc gia, phải nhìn vào thu nhập thực tế, nồi cơm bát gạo của mỗi gia đình chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu và “ný nuận” là đủ!

Phòng tắm sang trọng cho hạng nhất. Nguồn. Martin RoseGetty Images

HĐV

Tài liệu tham khảo:

Jacopo Prisco, CNN – Updated 1st May 2020

https://www.forbes.com/sites/danielreed/2019/02/15/the-plane-that-never-should-have-been-built-the-a380-was-designed-for-marketplace-failure/?sh=78b09a503c59

http://www.differencebetween.net/technology/difference-between-airbus-a380-and-boeing-747/

https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Airbus