Tại lễ ra mắt “mạng xã hội thuần Việt” Lotus tối ngày 16-9-2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam – Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Tôi có niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm”.
2024, “mạng xã hội thuần Việt” Lotus đã biến mất khỏi thị trường internet màu mỡ trong nước (Với lượng người dùng đông đúc và hung… hãn – Thống kê của Vnnetwork vào tháng 1-2023 cho thấy, hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội sinh sống tại Việt Nam, chiếm 71% dân số cả nước). Nhưng phát ngôn của ông Nguyễn Mạnh Hùng luôn được người dân Việt ghi nhớ và nhắc lại mỗi ngày, vì mỗi ngày tại Việt Nam đều có chuyện “mà thế giới chưa từng làm” hoặc thế giới đã bỏ làm…
Ví dụ như hình ảnh những chiếc xe chuyên “hút đinh” chạy bon bon trên đường đầy hãnh diện, vừa giúp người dân bảo vệ bánh xe vừa giúp người dân bảo vệ tính mạng khỏi những “đinh tặc” ác độc, chuyên rải đinh ra đường để phá hủy bánh xe của các tài xế, buộc họ phải tìm chỗ sửa xe gần đó (chủ tiệm những tiệm sửa xe này thường chính là “đinh tặc”). Thời thế tạo anh hùng, những “anh hùng hút đinh”, “hiệp sĩ hút đinh” cũng được sanh ra ở khắp cõi tại Việt Nam. Họ ra đường, làm việc này với mục đích là tốt. Nhưng với tôi, ước gì Việt Nam không cần có những vị “anh hùng”, “hiệp sĩ” như vậy, sự hiện diện của họ chỉ cho thấy người hữu trách ở Việt Nam làm việc kém hiệu quả, không bắt được hết những “đinh tặc” và người Việt mình, vẫn còn những người đói tới mức kiếm ăn trên sinh mạng và tai nạn của đồng bào, không phải đói vật chất, họ đói lòng từ tâm, ác hồn nhiên…
Bên cạnh cái chết của những “mạng xã hội thuần Việt” (thuần Việt là do quảng cáo, còn sự thật thì tôi không chắc), cái chết những cái bánh xe, thì nhiều cái chết của người Việt cũng lạ đời so với cái chết của người nước khác.
Sinh mạng con người yếu ớt, sống khó hơn… chết, nhưng chắc ở Việt Nam có nhiều ví dụ chết lãng nhách hơn nhiều nước, như đi mua hủ tiếu, nhìn nhau – bị cho nhìn đểu, bị đâm chết. Tuần qua ở Hà Nội, một cô gái 22 tuổi bị bắn chết trong một buổi tiệc vì cô và nhóm bạn buông lời chọc ghẹo hung thủ (40 tuổi) về cái đầu trọc của anh ta. Tuần qua ở giữa đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đường bắt buộc chạy xe tốc độ cao, không được dừng), sau cú quẹt xe nhẹ giữa một xe khách và xe hơi bán tải, người trên chiếc xe khách và xe hơi bán tải đậu xe ngay giữa đường để cãi nhau cho… nóng chứ không chờ tấp xe vô lề, cùng lúc đó, một chiếc xe hơi thứ ba lao tới (vì là đường cao tốc, buộc tài xế chạy xe nhanh, không thắng kịp nên…) tông trúng đuôi xe khách và đám người đang cãi lộn, làm 2 người chết (là 2 trong số 3 người đàn ông đứng cãi nhau sau vụ quẹt xe nhẹ trước đó), 6 người bị thương. Không chỉ thích cãi lộn, người dân Việt Nam còn thích làm nhiều thứ trên đường cao tốc lắm, ví dụ như dừng xe làn dừng khẩn cấp dành cho xe ưu tiên (xe cứu thương, xe cảnh sát), xe hư, xe có tai nạn… để lót bạt ăn… lẩu, lót thảm tập… yoga v.v. (luôn có hình ảnh và chứng cứ rõ từ báo chính thống, nên đừng tỏ ra nghi ngờ như vậy!) Những người ghiền các môn thể thao mạo hiểm như trên không hề thiếu vật chất, vì đường cao tốc ở Việt Nam không dành cho người đi xe 2 bánh (người sở hữu xe 4 bánh trở lên ở Việt Nam đã ở tầng lớp trung lưu), nhiều người còn được “xuất ngoại”, tuần qua, ngày 9-7-2024, tại Úc Đại Lợi, báo Úc đưa tin một phụ nữ người Việt (52 tuổi, hay qua Úc chơi) khi chờ ở ga xe lửa đã đánh rơi chiếc dép xuống đường ray, cổ liền nhảy xuống lượm dép và bị xe lửa tông chết.
Những chuyện mà “người Việt Nam có thể làm mà thế giới chưa từng làm” thì rất nhiều, nhưng nổi tiếng khắp năm châu bốn bể có lẽ là chuyện đi du học, đi “xuất khẩu lao động” kết hợp ăn cắp để kiếm thêm. Nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng, thậm chí là nhà dân ở Hàn, Nhật, Đài Loan… những năm gần đây bắt đầu có tiếng Việt, không phải để chỉ dẫn hay chào mừng mà là để cảnh báo, cảnh cáo, cảnh giác người Việt, đây là nỗi nhục quốc thể thực tế và trần trụi nhất. Nhưng, bất chấp các lệnh cấm, thậm chí là cấm nhập cảnh đối với nhiều tỉnh ở phía Bắc Việt Nam, người Việt vẫn “ngựa quen đường cũ”, khi bị bắt, họ đem cái nghèo ra để vừa nguỵ biện vừa kêu gọi lòng thương hại của người khác. Như hồi tháng 3-2024, cảnh sát tỉnh Fukuoka (Nhật Bổn) đang bắt giữ nhóm 4 người Việt bao gồm cả nam và nữ với cáo buộc ăn cắp quần áo tại nhiều cửa hàng Uniqlo ở Nhật, thiệt hại ước tính lên tới 20 triệu yen (tương đương 135,000 USD). Theo cảnh sát Nhật, nhóm 4 người Việt nói họ đến Nhật Bản ăn trộm để… thoát nghèo vì bị lâm cảnh nợ nần và bệnh tật ở quê nhà. Họ cho biết một kẻ cầm đầu đường dây trộm cắp của người Việt tại Nhật nói với họ rằng “Nhật Bản là nơi dễ dàng cho việc ăn cắp ở các cửa hàng”.
Không biết ăn trộm ở Nhật dễ thiệt không chứ ăn trộm ở Việt Nam thì có khi khó khi dễ, cũng trong tuần qua có một chuyện trộm cắp xảy ra vừa vui vừa rất… Việt Nam, xác suất xảy ra nhỏ hơn trúng số: Một bữa đẹp trời, Lê Hoàng Kiệt nảy sinh ý định đi ăn trộm món gì trọng trọng để bán lấy tiền xài. Khi chạy xe đạp dạo quanh thị xã Tân Châu, An Giang thì Kiệt “tia được chiếc xe Honda của bà Nguyễn Thị Diệu (sinh năm 1987) đang dựng trước nhà không có người coi. Kiệt đã lén lút đổi xe đạp của mình để lấy chiếc xe Honda trên. Sau khi lấy trộm được xe Honda, Kiệt chạy vòng vòng thành phố Châu Đốc (An Giang) để tìm nơi bán, nhưng đi hoài không thấy chỗ nào mua xe gian, chiếc Honda tự nhiên lại hết xăng. Biết rằng đồng bào ta luôn tốt bụng với nhau, Kiệt đi vào một quán nhậu để xin tiền đổ xăng. Người mà Kiệt chọn để xin tiền là ông Trà Phước Thảo (sinh năm 1983), người đàn ông miền Tây có vẻ ngoài hồn hậu, vui vẻ. Chỉ không may cho Kiệt một chút xíu ở chỗ ông Thảo là chồng của bà Diệu (chủ chiếc xe Honda vừa hết xăng) nên Kiệt bị ông Thảo bắt lại giao cho cơ quan Công an, vì ông Thảo nhận ra chiếc xe của người vợ (hơi hiền) của ông. Phi vụ đổi xe của Kiệt không thành, nhưng phi vụ nhậu nhẹt của ông Thảo coi bộ thành công, hổng chừng sau đó ông còn được bà xã xét khen thưởng cho vài chầu nhậu…
Những việc người Việt Nam làm được, không phải chuyện gì cũng xấu xa và đáng ghét. Tôi vừa học được một bài học ngay hôm nay từ một cuộc “đánh ghen” nhẹ nhàng xảy ra ở Sapa. Thay vì cảnh thường thấy ở Việt Nam là người đàn ông khổ sở can ngăn hoặc khoanh tay đứng nhìn hai người phụ nữ của anh ta (bồ và vợ) xâu xé, đánh nhau để giành một trái dưa chuột héo… à không, trái tim héo của người đàn ông bội bạc. Thì nay, người đàn ông phải khúm núm đứng một bên, nhìn vợ và người yêu ngã giá bản thân. Cô vợ đã rao bán chồng mình cho cô bồ nhí của chồng với mức giá công khai 200 triệu VND (hơn nữa hành động của chị đã được gia đình hai bên đồng ý). Thiệt may, cô bồ đồng ý, giao dịch đã diễn ra thành công tốt đẹp, người thì thành chính thất người thì có thêm tài chính. Có lẽ, 200 triệu VND không đủ bù những tổn thương cho người ở lại, nhưng ít ra cũng đỡ hơn nhìn cảnh hai người phụ nữ xâu xé, bóc mẽ nhau, bôi xấu nhau vì một người đàn ông lừa dối. Tôi không định có chồng, nếu lỡ có chồng rồi thì tôi chỉ định đánh chồng chứ không đánh ghen, nhưng đây là một bài học thú vị!
DU
Bà Tám ở Sài Gòn