Vẫn như xưa…” thường được người ta dùng với mục đích khen ngợi ai/cái gì đó mà lâu rồi họ mới được gặp/thấy lại – ý nói là người kia/vật kia vẫn giữ phẩm chất lúc ban đầu (đa số là với mục đích xã giao, nhưng lâu lâu cũng có khen thiệt). Ví dụ:

Với một người phụ nữ: “Trời, bao năm rồi mà chị/em/cô/bác vẫn trẻ/đẹp như xưa ha?”

Với một người đàn ông: “Dòm anh/chú vẫn phong độ như hồi đó!”

Với một người nổi danh: “Tuy có tiếng chứ nó vẫn thân thiện lễ phép như xưa!”

Với… vợ/chồng: “Tôi vẫn yêu mình như ngày xưa!”

Với… Du Uyên: “Nhỏ này vẫn xinh đẹp, thông minh, dịu dàng, ngọt ngào… (lượt 1000 chữ) như xưa!” (cái này chắc chắn là thiệt rồi!) v.v.

Bởi vậy, một bữa đẹp trời khi tôi cùng một người bạn “Việt Kiều” bát phố, ngắm dân tình. Bạn chợt thì thầm vào tai tôi (mà tôi tưởng bạn tỏ tình nên cố lóng tai nghe cho rõ), nào ngờ bạn nói: “Việt Nam đi bao năm rồi mà như xưa ha…”  Tôi nghĩ trong bụng chắc bạn khen (hoặc là xã giao, hoặc là thiệt) cảnh vật xung quanh, quê xưa đất cũ, nên tôi im im cười mỉm chi cho (bạn) vui, chứ tôi đâu biết hồi xưa của bạn ra sao. Không ngờ bạn nói tiếp: “Ý tao là đường phố, chợ búa, con người vẫn nhếch nhác và nhiều… rác như xưa, hồi cách đây hơn 20 năm tao mới đi.”

Những chữ viết “Cam Dai Bay” lên tường được chụp năm 1989, nay vẫn nhan nhản những bức tường như thế khắp Sài Gòn – Tác giả Doi Kuro  

Nụ cười tôi cứng trên môi, dù biết đời không như là mơ, chuyện gì cũng có ngoại lệ, đâu phải cái “vẫn như xưa” nào cũng tốt. Ðâu có ai dại dột gặp ông Tập Cận Bình mà đi khen Trung Quốc “vẫn (ác/xấu/phong kiến) như xưa”. Cũng không ai gặp một chàng trai Ðông Ðức mà hỏi: “Ðất nước của cậu muốn trở về mô hình xã hội chủ nghĩa như xưa không?” Hay chẳng ai dại dột chặn đường một ông người Bắc mới ra viện, hỏi: “Bác còn hỏi người ta “mày biết bố mày là ai” như xưa hông?” Chỉ có mấy ông cao niên trà dư tửu hậu, dám vỗ ngực khoe giữa quán cà phê (chứ không phải giữa… nhà): “Ðàn ông chúng tôi chung thủy lắm, hồi 20 tuổi thích các cô gái 18 tuổi và bây giờ vẫn các cô gái 18 tuổi như xưa.”

Nhất là khi nhìn/nghe thấy những tuyên truyền “hoàn hảo” về tương lai đất nước. Với nền tư pháp “vững chắc”, với những dự án hạng nhất, với bộ máy “công bộc” muôn đời “do dân, vì dân mà phục vụ”, với những cán bộ “đi dân nhớ, ở dân thương”, với những khuyến khích “tự do ngôn luận, tự do dân chủ”. Bạn sẽ không bao giờ nghe chữ “vẫn như xưa”. Cái gì của năm sau cũng “cao hơn, rực rỡ hơn, chói lòa hơn” năm trước… Nói “vẫn như xưa” nhiều khi bị bắt chết, dù sự thật thì có khi còn “tệ hơn xưa” nữa. Ðâu phải khi không mà câu nói “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!” của bà Phạm Chi Lan (Chuyên gia kinh tế cao cấp ở VN) nói từ 2015 vẫn được người ta đồng thuận, “lưu truyền” tới tận bây giờ, 2021.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Cách đây ít nhất là 4, 5 năm, tôi có đọc được một bài (không rõ tên tác giả) có tựa đề “Người Việt Nam”. Nội dung thế này:

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan – Nguồn: infonet.vietnamnet.vn

“Người Việt Nam

  1. Ðến phi trường Singapore, làm thủ tục nhập cảnh, các bạn nữ bị săm soi, hỏi han đủ điều, bị đưa vô phòng an ninh cách ly để thẩm vấn, thậm chí sau đó bị trục xuất về nước.
  2. Ðến phi trường nước Ðức, làm thủ tục nhập cảnh, xuất trình cuốn passport bìa xanh chữ vàng “Socialist Republic…”, lập tức sẽ được hỏi “Ðến nước Ðức làm gì?”, “Ở bao lâu? Khi nào về?”, “Mang theo bao nhiêu tiền?”…
  3. Ði du lịch Thái Lan, vô nhà hàng buffet ăn trưa thì đập ngay vào mắt là bảng thông báo chỉ viết bằng tiếng Việt: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 bath đến 500 bath. Xin cảm ơn.”
  4. Ði du học Nhật Bản, bạn thấy những tờ giấy thông báo dán trên xe bus “Không được vứt rác, hút thuốc bừa bãi trên xe bus”. Những tờ giấy cảnh báo dán khắp các siêu thị, shop bán hàng “Ăn cắp là phạm tội”, “Camera đang hoạt động”. Tất cả viết bằng hai thứ tiếng Nhật, Việt.
  5. Ði du lịch Hàn Quốc, thỉnh thoảng bạn đọc được cảnh báo bằng song ngữ Hàn-Việt “Không xả rác bừa bãi. Nếu không sẽ bị phạt tiền. Phạt tiền tới 1 triệu won”.
  6. Ði lao động Ðài Loan, bạn bắt gặp những cảnh báo răn đe tội ăn cắp vặt bằng song ngữ Trung – Việt ở khắp nơi.
  7. Ngồi trong một quán cafe lãng mạn ở Rome (Ý), trong không gian ngập tràn ánh nến và những tiếng nói cười thì thầm, bỗng nghe rú lên tiếng cười hoang dại từ bàn bên vọng lại: “Ối giời ơi! Thế á? Cái Hà nó khoe mua cái túi này ở Milan những 5 nghìn đô cơ đấy!”
  8. Ðang xếp hàng mua vé vào xem bảo tàng viện Louvre (Paris, Pháp), bỗng một cô gái châu Á tóc đen chen vào trước bạn, nở một nụ cười cầu tài: «Em đang vội. Merci bố ku “.
  9. Lang thang trên đường phố Barcelona (Tây Ban Nha), thả hồn theo buổi hoàng hôn nắng nhẹ, mơ màng theo các cô gái tóc vàng gợi cảm, bỗng nghe đâu đây “một câu hò Nghệ Tĩnh”: “Ð*t mẹ! Con nhỏ đang dắt chó đó, vú to vãi luôn mày ạ!”
  10. Ði đã rồi, về đến phi trường Tân Sơn Nhất, làm thủ tục nhập cảnh, anh hải quan cứ cầm cái Passport đưa lên đưa xuống, lật qua lật lại, hỏi vặn vẹo đến hơn 10 phút “Ði đâu về?”, “Ði làm gì?”… Ðến lúc lấy hành lý thì bị bẻ khóa, rạch ngăn kéo.»

TP.HCM “sương mù” dày đặc từ sáng tới trưa ngày 20-1 vì ô nhiễm – Nguồn: tuoitre.vn

Và thật không may, bây giờ, 2021, tôi đọc lại 10 điều trên, chẳng có điều nào mà không nằm trong danh sách “vẫn như xưa” cả. Thậm chí, 10 điều mà người đời cho là ta thán, mỉa mai nặng nề trên về người Việt bây giờ đã là quen thuộc, khó lòng khiến dân tình “nhột” (như hồi bài viết này mới “chào đời”). Vì bây chừ, hầu như mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, trên bản tin về tội phạm ở các nước Nhật, Hàn, Thái, Ðài Loan, Phi Luật Tân, thậm chí là Mỹ, Anh… đều có vài tội phạm có xuất xứ từ “Việt Nam”. Không còn là xả rác, vẽ bậy, ồn ào sương sương nữa mà nào là trộm chó, buôn ma túy, trồng cần sa, buôn người, đánh cá trái phép, ăn cắp siêu thị, ăn cắp dữ liệu trên mạng… Những tội mà lúc trước người Việt chưa đủ kiến thức và “gan” để phạm!

Xem thêm:   Ăn năn - mặc kệ

Quả tình, tôi biết mình sanh sau đẻ muộn, nói về “đất nước”, nói về “người Việt” thì chung chung và lớn lao quá, tôi không đủ sức, cũng không đủ kiến thức để lạm bàn. Nên giờ tôi nói riêng Sài Gòn, mảnh đất quê hương của mình. Nơi tôi sanh ra và lớn lên, nơi tôi dư sức biết chỗ nào/khúc nào của nó có “đi bao năm rồi mà vẫn như xưa” như bạn tôi nói, hay chừ nó đã “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” như mấy ông trên tivi vẫn thường nói. Và, dẫu rất yêu Sài Gòn, yêu từng hàng cây, từng con kênh, từng bầu trời, từng cái lô cốt, từng tiếng chửi thề của dân lao động, tự câu dạy dỗ của người cao niên… Tất cả đã ngấm vào máu từ thủa lẫm chẫm tập đi, đến khi lò dò khép nép chạy qua các ngã tư đèn xanh đèn đỏ đông kín xe và người đeo khẩu trang kính mát. Yêu cả cái tốt, cái xấu, cái tệ, cái giỏi của Sài Gòn. Yêu đến nỗi, nếu tôi không phải người Sài Gòn thì tôi sẽ dọn về… Sài Gòn sống. Nhưng đành phải công nhận một điều: Sài Gòn bây chừ không những là một thành phố “vẫn như xưa” theo lời bạn tôi nói, mà nó còn tệ hơn xưa.

Sài Gòn ngày càng cũ, cũ mèm, không phải cũ do năm tháng, do niên đại, do thay đổi tên, thay đổi chế độ, thay đổi thời cuộc… hay cũ do nó chẳng có gì… mới. Mà cũ ở cách nó đang hoạt động và cách nó đang hiện diện trong tâm trí thị dân.

“Tương lai tươi sáng” trên báo trong nước – Nguồn: thanhnien.vn

Sau mấy chục năm đã trầy trật đi qua một quá trình dài “hiện đại hóa”, khi “người ta” cố gắng phá sạch sành sanh, đập sạch sành sanh những vẻ đẹp, di tích (lẫn tàn tích) lịch sử vốn có của mảnh đất này, rồi cắm đầu tô trát, xây dựng phục vụ cái gọi là “phát triển”, thì Sài Gòn vẫn nhếch nhác, cũ mèm. Mới làm sao được khi những tòa nhà/biệt thự/hàng cây mang dấu tích lịch sử thì bị phá bỏ, thay vào đó là những kiến trúc thiếu thẩm mỹ, mất đi sự hòa hợp với mọi thứ xung quanh. Như những con hẻm hẹp đầy rác, những bức tường vẽ đầy chữ “cấm đổ rác”, “cấm đái bậy” hôi rình, những đứa trẻ con bị người lớn bóc lột sức lao động, lang thang ăn xin/bán vé số/bán kẹo sing-gum/nuốt kiếm, phun dầu hôi… đi lang thang ngay con đường được báo đài tung hô là sang trọng bậc nhất đất nước. Mưa tới, nhiều nơi bị ngập hơn xưa. Nắng lên, không khí Sài Gòn cũng ô nhiễm hơn xưa. Con người cũng ác hơn xưa, các trò lừa đảo tinh vi hơn, tội phạm ấu dâm và giết người (vô lý, vô cớ) cũng tăng cao, lượng người tự tử cũng không thua kém… Mà nguyên nhân để họ ác, họ lừa đảo, họ bóc lột trẻ em, họ ấu dâm, họ giết người, họ tự tử… là gì? Có phải do nghèo đói về tinh thần lẫn giáo dục, những thứ mà ở một xã hội thật sự mới, người ta sẽ “nâng cấp” đầu tiên? Và ai sẽ “nâng cấp” những thứ đó cho người dân? Khi mà chúng ta vẫn có những ông/bà nhà giáo khẳng định: “Ăn thịt chó thuộc về văn hoá Việt Nam” – Giáo sư kiêm tiến sĩ Trần Lâm Biền nói về món “thịt chó đóng hộp” từng được sản xuất ở Ninh Bình, thử nghiệm để xuất cảng, nhưng thất bại, hay “Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật” –  Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) nói tại một phiên tòa về nâng điểm thi tốt nghiệp học sinh, “Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật” – Phó Giám đốc Công an Hà Nội Ðào Thanh Hải.

Xem thêm:   Biden & Trump

Xin kết bài bằng một “tâm tình” của tác giả Ngô Trường An, về hiện tại và tương lai của Việt Nam:

Nói gì thì nói, cũng phải công nhận dân tộc VN có một quá khứ hào hùng và một tương lai rực rỡ!

– Quá khứ hào hùng: ai cũng biết, đó là, chúng ta đánh thắng nhiều “đế quốc hùng mạnh” để giành độc lập. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới bị Anh, Pháp, Mỹ, Bồ Ðào Nha… đô hộ, dân tộc họ không dám đánh, không dám cướp chính quyền. Cho nên, đất nước họ ngày nay cô đơn, chẳng có ma nào thèm ngó tới, chứ đừng có nói là thuộc địa!

– Tương lai rực rỡ: theo các “chuyên gia” thì  năm 2030 nền kinh tế VN thuộc “top” 10 nước có nền kinh tế mạnh nhất châu Á. Năm 2045 sẽ là nước có thu nhập cao nhất toàn cầu. Ngoài ra, Tp.HCM sẽ là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Ðông; Hà Nội sẽ như Paris; Ðà Nẵng bằng Kyoto… và mỗi tỉnh sẽ là một đầu tàu kinh tế thế giới mới. Ngoài kinh tế, đời sống nhân dân cũng được nâng cao đến tận mặt trăng. Cụ thể, mỗi người dân VN sẽ có một bác sĩ riêng theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Và người giúp việc tầm tầm cũng có bằng chuyên gia tâm lý. Cái này báo chí nói, và tôi tin có thiệt.”

Tương lai “Mỗi người dân Việt Nam sẽ có một bác sĩ riêng”, giờ tạm thời nằm chung giường hoặc dưới gầm giường đỡ nhé – Nguồn: vietnamnet.vn

DU