Không biết do mạng xã hội phát triển, thông tin được công bố dễ dàng hơn hay do xã hội ngày càng man rợ hơn, mà mỗi ngày đều thấy tội ác xảy ra khắp nơi thông qua mạng xã hội. Có chuyện thì chắc hẳn có những người nhiều chuyện, các bình luận, phán xét từ hàng triệu cái bàn phím tự do tuôn ra như nước chảy từng giây. Tuy không phải là thẩm phán, nhưng đôi khi dòng chảy dư luận trên mạng đã nhấn chìm những phán quyết của các phiên toà ngoài đời thật hoặc các kết luận điều tra. Hên hên còn lấy lại công đạo cho vài người yếu thế.

Trần Văn Trung cầm dao ví người tháng 10, tháng 12 mới bị bắt vì tháng 12 nạn nhân mới… đăng video lên mạng xã hội cầu cứu – Nguồn: laodong.vn    

Một bữa đẹp trời, Nguyễn Thị Huyền Nhung (sanh năm 1999) lời qua tiếng lại (trên mạng xã hội) với chị Quách Thị Xoan (sanh năm 1991). Tưởng cãi nhau cho … vui, không ngờ chiều ngày 16-10-2024, khi chị Xoan đến trường học đón con thì bị chị Nhung chặn đường để … cãi tiếp ngoài đời (offline). Coi bộ ngôn ngữ bất lực, hai người phụ nữ lao vào đánh nhau, nhưng được can. Sau đó, chị Xoan chạy đến nhà của Lại Thị Tuyết Nhung (sanh năm 2000).

Chửi nhau online rồi, đánh nhau offline rồi, tưởng mọi chuyện êm đẹp rồi, nhưng không. Huyền Nhung không cam tâm, bèn gọi điện cho chồng là Trần Văn Trung (sanh năm 1992) báo tin mình bị đánh. Vợ là trời, chỉ cần nghe vợ méc, Trung bèn rủ “vài anh em” xách mã tấu (dài 80cm), chạy xe hơi xông tới nhà chị Tuyết Nhung để tìm chị Xoan (kẻ thù của vợ Trung). Vừa tới nơi, Trung nhảy xuống xe, rút dao ra “xả” không thương tiếc vào hai người phụ nữ, rất may là hụt. Trung đạp chị Tuyết Nhung té xuống đất, tiếp tục cầm dao đuổi theo chị Xoan, rất may là Trung ví không kịp. Nhiều người can lại, Trung đưa vợ về…

Chị Xoan về làm đơn tố cáo vợ chồng Trung, chờ hoài không thấy nhà chức trách phản hồi, nên đã đăng video ghi lại toàn bộ chuyện trên lên mạng xã hội kêu cứu. Ngay trong ngày 20-12-2024 – ngày chị Xoan đưa video lên mạng, Công an huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam Trần Văn Trung để điều tra…

Chị Xoan là người hiếm hoi ở xã hội Việt Nam thời nay có tâm tánh bình tĩnh, “ém nhẹm” – không thèm đưa video bằng chứng lên mạng xã hội tới tận 2 tháng trong lúc chờ câu trả lời từ nhà chức trách. Đa số, người Việt thường làm ngược lại – đăng video bằng chứng lên mạng xã hội trước, báo công an sau. Thậm chí có rất nhiều video bằng chứng được nạn nhân tung lên mạng và không có tờ đơn thưa kiện nào được gửi đi. Nhiều người tin vào các “phán quyết” của những “thẩm phán online” hơn. Ngoài ra, không ai có thể tìm ra “tung tích” “nghi phạm/kẻ xấu” nhanh bằng lực lượng các “camera chạy bằng cơm” đông đảo trên mọi nẻo đường. Như người đàn ông đã được cộng đồng mạng nhanh chóng tìm ra nhân thân chỉ sau câu hỏi “biết bố mày là ai không?”

Phạm Tiến Thành – người được cả cộng đồng mạng VN tìm bố giùm – Nguồn: sggp.org.vn

Cụ thể, ngày 16-12-2024, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một chiếc xe hơi cá nhân chặn đầu một chiếc xe tải chở hàng giữa đường. Tài xế xe hơi hùng hổ bước xuống, tay cầm gậy đánh bóng chày lao về phía tài xế xe tải đe dọa bằng vô số lời hung dữ, tục tĩu. Chưa dừng lại, tài xế xe hơi tiếp tục quay lại xe lấy ra một bình xịt hơi cay, liên tiếp xịt thị uy về phía tài xế xe tải, vừa xịt vừa hỏi tài xế xe tải: “Mày biết bố mày là ai không?”

Bố anh là ai thì chưa rõ, nhưng chưa tới 3 bữa, cả Việt Nam biết hình ảnh, nhân thân anh ráo trọi. Anh tên Phạm Tiến Thành, sanh năm 1985, ngày 18-12-2024 anh bị khởi tố, khám xét chỗ ở, bắt tạm giam 3 tháng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Xem thêm:   Việt Nam trong tầm ngắm

Ngày 19-12-2024, người dân cả nước lại có dịp biết thêm tin anh Thành hiện đang chấp hành án 18 tháng tù treo, án này được tuyên vào ngày 30-9-2024,  cùng một cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” khác (thời gian thử thách 48 tháng kể từ ngày tuyên án). Có lẽ anh cũng từng hỏi nạn nhân ấy “Biết bố tao là ai không?”. Nếu cụ thân sinh của anh còn sống, cụ buồn lắm!

Mạng xã hội ngày nay, tìm tin tức về một… án mạng không khó, tìm… bố của một kẻ xấu càng không khó. Cái khó nhất là lý giải tại sao con người ta ngày càng hung dữ, ngày càng ác và tại sao họ chọn làm ác, làm liều, làm bậy… thay vì làm chuyện khác hoặc không làm gì khi nóng giận? Những câu chuyện trong bài viết này đáng ra chẳng cần có những cái kết tệ như vậy!

Hôm trước đánh người mặt đỏ như vang, hôm sau lên công an mặt vàng như nghệ – Nguồn: Facebook

Nhưng chúng vẫn xảy ra. Như mới đây, Cao Văn Hùng (sanh năm 1973 tại Hà Nội) đã tạt xăng đốt một quán cà phê ở Hà Nội, làm chết 11 người, 2 người nguy kịch, 5 người bị thương trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người biết tin. Người ta càng hoang mang hơn khi nghe những lời từ chính miệng ông Hùng khai tại trụ sở công an (được quay clip lại và đăng lên mạng):

Xem thêm:   Khoảng trống Syria

“Tôi gọi một bao thuốc lá và một lon bia rồi hỏi cô phục vụ, bao nhiêu tiền anh gửi. Cô phục vụ nói năm mươi nghìn (2 đô-la), tôi móc túi để lấy ví, sực nhớ ví để phòng bên cạnh. Tôi nói với cô phục vụ chờ anh để anh đi lấy ví, cô phục vụ kêu to thằng chó này không chịu trả tiền. Một phục vụ nam lao tới đấm vào hàm của tôi, tôi ngã, người phục vụ lại tiếp tục đá tôi dăm bảy cái vào bụng… Tôi đau quá tôi ngất 10 phút, sau đứng dậy chạy ra đường, nghĩ phải mua xăng đốt tụi này vì nó đánh đau quá. Tôi mua một cái xô, ra cây xăng mua đầy xô xăng, sau đó bắt taxi quay lại đổ hất vào cửa, xăng bắn lên người tôi, tôi châm lửa đốt. Lửa bùng cháy, cháy luôn cả cái quần đang mặc… Tôi ân hận quá.”

Qua video ghi lại cảnh ông Hùng ngồi trả lời với công an tại đồn, nhiều người không tin ông hối hận vì ông vừa kể vừa cười như khoe “chiến tích”. Một họa sĩ vẽ biếm họa cho các tờ báo lớn trong nước – Facebooker Đỗ Dũng đã vẽ lại nụ cười ông Hùng kèm cảm thán: “Phóng hỏa làm 11 người chết mà Hùng vẫn có thể ngồi vừa khai báo vừa cười, nụ cười của Hùng vừa “bí ẩn” vừa man rợ!!”

Có lẽ, quá khó để lý giải tội ác của ông Hùng, rất nhiều người còn cảm thấy ông Hùng khai… gian, như Facebooker Liêu Thái:

“Cho đến lúc này, không thể tin lời khai của tên sát nhân đã phóng hỏa giết chết 11 người ở Hà Nội, vì các lý do sau:

  1. Y nói rằng vì để quên tiền, không có tiền trả 50K nên bị chủ quán đánh đập, đá vào mặt, ngã xuống đất… nhưng không đưa ra được bằng chứng (vết bầm chẳng hạn, nhất là dấu vết bị đá vào mặt đến bất tỉnh như hắn nói).
  2. Nếu không có 50K trả tiền gói thuốc và chai bia thì lấy đâu ra tiền đi taxi và mua cái xô 10k, 100k xăng?
  3. Thử hỏi, có cây xăng nào dám bán xăng vào cái xô? Vì theo nguyên tắc an toàn cháy nổ, không ai chế xăng vào xô mà bán cả, và nếu có, thì y phải khai ra cây xăng nào bán để tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm. Nhưng, vấn đề bán xăng vào xô hoàn toàn không có, vì vế thứ 2 chứng minh cho vế 1, đó là y nói bắt taxi lên đốt tiệm. Thử hỏi, có chiếc taxi nào dám chở một người cùng xô xăng bên cạnh, ngay cả việc xách can xăng/dầu cũng không được lên taxi.

Nụ cười sát nhân Cao Văn Hùng – Nguồn: Facebook Đỗ Dũng

Cả ba vấn đề trên đều không thật, vậy thì không cần điều tra theo hướng này, mà phải điều tra, lấy khẩu cung lại từ đầu. Bởi y đã nói dối (trừ khi y chứng minh được điều y nói là thật bằng cách dắt đến cây xăng, trích xuất camera cây xăng…).

Trên đây là một số lập luận về vụ thiêu sống 11 người trong quán karaoke ở Hà Nội. Và có vẻ như đằng sau kẻ sát nhân này, còn một bóng ma khác, cần điều tra sâu hơn.”

Những người con miền Nam như tôi và Facebooker Han Phan thì lại thấy lời khai của ông Hùng vô lý ở một góc khác:

Xem thêm:   Những cái chén bể

“Nói ra mọi người lại chửi tôi phân biệt vùng miền chứ cái câu chuyện thằng điên đốt quán làm 11 người chết oan đó, sẽ rất khó xảy ra ở miền Nam. Tôi sống tới tuổi này, đã ăn nát bao nhiêu quán xá, nếu lỡ quên mang tiền thì chỉ bối rối chút thôi! Bởi mấy cô mấy chị, mấy anh mấy chú chủ quán hay bưng bê xứ Nam kỳ lục tỉnh sẽ không bao giờ chửi tôi là ăn quỵt, cũng không ai vì mấy đồng bạc mà xông vào đánh tôi. Họ sẽ cười hề hề: thôi có gì đâu, bữa khác ghé ăn rồi trả. Hoặc nặng nề lắm thì mặt mày cũng chỉ sa sầm một chút, ngó lơ tôi rồi thôi…”

Thật vậy, phiên tòa online này, phải nhờ những người ở Hà Nội giải rồi. Sống ở Sài Gòn từ nhỏ tới lớn hơn nửa đời người với cái tánh mau quên của mình, tôi chưa bao giờ bị đánh/chửi vì quên đem tiền trả cho các tiệm/quán, nhiều nơi còn nhét cho mượn thêm chút đỉnh ngừa “đạp bánh tráng’. Ngay cả khi quán đó là của người yêu cũ hay tình địch mở!

DU