Người ta có câu “thuận mua vừa bán”, nhưng người ta cũng có câu “chỉ có người mua lầm chớ người bán đâu có lầm”. Nên đôi khi, “thuận mua” xong mới than trời vì người ta đâu có “vừa bán” với mình.

Khi khách hàng nổi giận – Hình từ Facebook     

  1. Bức “tâm thư” rất tâm… thần

Vì “Chỉ có người mua lầm chớ người bán đâu có lầm.” Nhiều khi người mua nhìn thấy hai món kia cùng kiểu trang trí, cùng một nhãn hiệu, cùng một màu sắc. Nhưng qua con mắt “nhà nghề” của người bán, hai món kia rõ ràng là “một cái về đỉnh cao, một cái về vực sâu”. Nên khi mua những món hàng giá trị, tôi sẽ ra cửa hàng hoặc mua/order từ trang web chính hãng, để được sự bảo hộ của nhãn hàng (dù giá khá cao so với nhiều nơi bán online khác). Còn khi mua đồ trên mạng/online tôi chỉ mua những chỗ quen biết và có uy tín. “Trộm vía”, trừ những ngày đầu tiên chập chững “vào đời” ra, thì nhiều năm nay tôi rất ít khi bị “dính” phải những cuộc mua bán nào gây tổn thương tâm hồn (vốn mỏng manh của mình). Ðối với cái xã hội một mét vuông có nhung nhúc kẻ xấu này, tôi cũng được coi là một người may mắn. (Có lẽ do “ăn ở”.)

Nhưng mới hôm rồi, khi nhận hàng từ một cửa hàng quen. Tôi đã đứng hình mất mấy giây vì tờ giấy dán trên gói hàng. Trên đó ghi:

“Hãy quay clip khi mở hộp, để đối chiếu camera tại ‘shop’, trong trường hợp thiếu-sai-bể hàng. ‘Shop’ không hỗ trợ với các đơn (hàng) khiếu nại nếu không có clip. Cảm ơn bạn!”

Có nghĩa là sau khi mua hàng, trả tiền xong, trong lúc ngồi chờ người giao hàng gọi xuống cổng nhà lấy hàng, nếu chưa có điện thoại (hoặc điện thoại không thể chụp ảnh) thì bạn hãy chạy ra ngay tiệm gần nhà mua cho mình một cái điện thoại có camera “thủ sẵn”. Sau đó trang điểm thật đẹp để khi hàng tới, tự (hoặc nhờ người giao hàng) quay lại cảnh lấy hàng, mở hàng, kiểm tra hàng. Nếu “thiếu-sai-bể hàng” thì phải gọi cho người bán, gửi clip khiếu nại và chờ họ “duyệt đơn”, “xem xét” coi sự khiếu nại của bạn có hợp lệ không. Rồi sau đó, cũng chính họ, xem xét coi bạn có được đền bù hay nghe … chửi, hoặc bị làm lơ. Nghe cái “quy trình” sao nó cứ quen quen là… (Cũng may là có cảm ơn, chớ không thì tôi sẽ rưng rưng nước mắt vì cảm giác bị bắt nạt rồi.)

Lá thư “dằn mặt” dán trên thùng hàng

Dĩ nhiên, cửa hàng này tôi quen biết và thường mua hàng, nên phản ứng đầu tiên khi đọc tờ “dằn mặt” kia của tôi là “chắc nó chừa mình ra”. Nhưng bao nhiêu người mua hàng khác sẽ nghĩ gì khi nhận được những tờ giấy như thế này? Nếu tôi không quen biết chủ cửa hàng, chưa từng mua hàng ở đây, liệu tôi có đủ tin tưởng để nhận hàng hay không?

Trong khi cửa hàng có nhiệm vụ kiểm hàng trước khi giao, “đền” cho khách khi có những trường hợp “thiếu-sai-bể hàng”. Quy định này được để chình ình trong phần giới thiệu của cửa hàng và trên phần quy định của trang web trung gian (nhận nhiệm vụ rao và giao hàng). Cũng là một trong những lợi thế của trang web/cửa hàng, khiến cho khách tin tưởng hơn, yên tâm mua hàng hơn. Cho nên, đối với riêng tôi, tôi sẽ từ chối nhận hàng vì tờ giấy “dằn mặt” này. Và tôi đã làm vậy…

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Từ lúc trả hàng, nhận lại tiền hàng (từ trang web trung gian giữa người mua và người bán) đến nay, tôi chưa nhận được câu hỏi từ người bán để … mắng vốn lý do   (vì sao tôi trả hàng). Nên tôi buồn, tổn thương, suy sụp, cuối cùng tôi đưa ra quyết định, đi kể lể cho tất cả người quen nghe. (Tiện … tay, “trèo” lên đây để “méc” với cả thế giới…)

Có nhiều người bạn cho rằng tôi “chuyện bé xé ra to”. Giữa xã hội không ai tin ai, cửa hàng trên làm vậy cũng có lý do của họ. Hãy cảm thấy may mắn là tôi vẫn có thể trả hàng và được hoàn tiền lại. Quả tình, nếu thời gian quành lại lúc tôi nhận hàng, trên thùng hàng có lá thư “dằn mặt” kia, tôi cũng sẽ chọn không nhận hàng. Khi tôi sống ở một xã hội xấu xa, thì không có nghĩa tự nhiên tôi phải “hèn hèn”. Tuân theo số đông, chấp nhận những điều không đáng.

Nhưng dù “lập trường cách mạng” của tôi có “kiên định” cỡ nào, thì những điều bạn tôi nói, tôi cũng thấy … đúng. Vì có rất, rất nhiều món hàng ở Việt Nam, bạn phải vừa bỏ tiền ra mua khi không muốn mua, vừa phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi món hàng đến tay chẳng ra gì. Mắng vốn? Bạn sẽ bị đánh/mắng/bỏ tù… Tùy theo độ “máu mặt” của người bán. Sẵn còn … giấy, để tôi méc vài chuyện “lan quyên” (liên quan) gần đây luôn!

“Quỷ Núi” trước và sau khi “kiểm duyệt” – Hình từ Facebook

  1. Quỷ xuống núi

Ở Việt Nam có hai thành phố du lịch nổi tiếng là thơ mộng và hoang sơ. Với khí hậu lạnh và những ngọn núi, rừng cây bạt ngàn, dân tình hiền hòa. Ðó là Sapa và Ðà Lạt. Nhưng đó chỉ là dĩ vãng, dưới sự tàn phá của hai chữ “quy hoạch” và các công ty quốc doanh. Hai thành phố này luôn nằm trong danh sách nuối tiếc của những con người đã, đang, sẽ đặt chân đến.

Vì Sapa ở tuốt miền Bắc, nên địa điểm tôi thấy “thân” hơn trong hai chỗ trên là Ðà Lạt. Ðối với thị dân, cả trẻ và lớn, thì Ðà Lạt vừa là một nơi trốn nóng, trốn người vừa là một nơi che chở tâm hồn khi đã mệt mỏi với bon chen chốn thị thành. Vì Ðà Lạt nhỏ xíu, người ở Ðà Lạt ít, cây ở Ðà Lạt nhiều. Vì muốn đi Ðà Lạt thì cứ ra bắt cái xe giường nằm, ngủ một giấc. Sáng dậy (nếu không có gì thay đổi) thì bạn đã ở nơi cần đến, được hãng xe đưa rước đến khách sạn đã “book” luôn (cũng vì Ðà Lạt nhỏ xíu)… Nhưng, đời không như là mơ. Các công trình “mọc” lên, những rừng thông bị hạ xuống. Người ở Ðà Lạt ngày càng đông, trời ở Ðà Lạt ngày càng “đỡ” mát. Ðặc biệt là, tuy là thành phố nơi cao nguyên, nhưng mấy năm gần đây, Ðà Lạt liên tục bị ngập sau một/hai cơn mưa “sương sương”. Mới đây, dân Ðà Lạt thi nhau “khoe” cảnh cao nguyên mùa nước… nổi. Khiến dân tình cả nước nổi da gà!

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Da gà chưa kịp lặn, dân tình (từ người bổn xứ đến kẻ phương xa) lại được phen giật mình khi nghe nói Ðà Lạt mới khai trương một khu du lịch mới có tên “Quỷ Núi”, góp tên vào danh sách những khu du lịch mang tính chất rùng rợn, ma quỷ, âm u. Theo nhiều người, đây là “đặc sản” của phố núi này (?). Càng tìm hiểu, người ta càng hoảng hồn hơn… Không phải sợ Quỷ (trên) núi, mà sợ Quỷ dưới núi

Chưa nói đến những khu rừng, ngọn đồi bị tận diệt vì khu du lịch này. Với những bức tượng, hình ảnh trên 18+, phô bày những bộ phận sinh dục (bị phóng đại) của nhân loài, lại được đặt trong khu du lịch không giới hạn số tuổi khách thăm thú, thì khu du lịch này đủ để bị lên án trong đất nước có tư tưởng Khổng/Nho nặng nề như Việt Nam. Không biết từ bao giờ, đa số người làm du lịch ở Việt Nam lại có quan niệm làm du lịch thông minh là tạo ra những sản phẩm gây sốc để kéo khách, cho dù đó là những sản phẩm phản giáo dục, phản văn hoá?

Đà Lạt – một tỉnh miền núi, lại ngập lụt sau cơn mưa – Hình từ Facebook

Chuyện khen chê cũng là lẽ thường tình với những cái gì mới (và xấu). Nhưng cách đáp trả mới là điều quyết định sự thắng thua của người điều hành.

Một mặt, đại diện tập đoàn Liên Minh – chủ đầu tư khu du lịch Quỷ Núi, gửi lời mời đến người dân địa phương và du khách đến trải nghiệm và kiểm chứng xem trong khu du lịch Quỷ Núi có thật sự thô tục, phản cảm như những chia sẻ trên mạng hay không. Ðồng thời tuyên bố rất đanh thép: “Chỉ cần 1% khách phản đối sẽ đóng cửa khu Quỷ Núi”.

Thì mặt khác, một người “bản địa” là anh Ðỗ Khôi Nguyên (34 tuổi, phường 2, thành phố Ðà Lạt, Lâm Ðồng) “bỗng nhiên” bị đánh hội đồng sau khi đăng một bài bình luận, có ý chê khu du lịch Quỷ Núi. (Trước khi bị đánh, còn bị buộc xóa bài viết). Người cầm đầu “đội” đánh hội đồng anh này là Phạm Ðức Vượng – một võ sư, theo thông tin của báo trong nước, đồng thời là “nhân viên thử việc” của tập đoàn Liên Minh. Vượng khai, đánh anh Nguyên do “muốn ‘lấy lòng’ ông Phúc” [Ngô Quang Phúc, chủ tịch Hội đồng quản trị Liên Minh Group.]

Cũng may, sau khi bị dư luận phản ứng về những bức tượng phản cảm, Khu Du lịch Quỷ Núi đã bị “tạm đóng cửa” thật. Nhưng không phải bị đóng do bị 1% lượng người đến thăm thú phản đối đâu. Mà bị đóng cửa vì Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Ðồng “sờ gáy”. Bởi các sai phạm trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Xem thêm:   Chó...

Ơ hay, không “nhờ” cư dân mạng phản đối, thì cái khu du lịch bự tổ chảng giữa lòng Ðà Lạt nhỏ xíu không bị thanh tra dù sai phạm hay răng?

  1. Tiền nào của nấy?

Hồi xưa, người ta nói “chính phủ nào xã hội đó”. Tôi đâu có tin, cãi cho bằng được. (Mà lúc đó, tôi đã cãi rồi thì xui lắm mới … huề.) Nhưng bây chừ, tôi thấy mình hồi xưa cũng hơi “sai sai”. Cứ nhìn cách hành xử của những người đứng sau lưng khu du lịch Quỷ Núi và cách hành xử của những người đứng sau bộ máy chính phủ đương thời (qua những “scandal” như cách các tài xế phản đối BOT/những người biểu tình/những người phản đối cưỡng chế đất đai trái luật/những người phản đối cảnh sát giao thông v.v. “bỗng nhiên” bị “ai đó” đánh.) Cố tìm một chút khác biệt coi cỡ “mò kim đáy biển” hay không?

Đôi khi không phải “Tiền nào của nấy” – Hình từ Facebook

Người đời cứ nói “tiền nào của nấy”, nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam thì câu đó sai bét.

Mặc dầu người dân Việt, cũng như mọi công dân nước khác, vẫn phải đóng thuế – thậm chí phải đóng nhiều loại thuế vô lý hơn công dân xứ khác, nhưng ngoài thuế trên giấy tờ còn thuế tay, thuế chân, thuế trà nước, thuế bến, thuế bãi, thuế bảo kê… (Mặc dầu Việt Nam cũng có hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền này quyền nọ như ai.) Ngoài ra, làm người Việt lúc nào cũng phải đề phòng. Phải đề phòng chuyện “chỉ có người mua lầm chớ người bán đâu có lầm”; phải ngăn những “bức tâm thư” tâm thần (dù Việt Nam cũng có Bộ công thương, có hội bảo vệ người tiêu dùng, có hội chống hàng giả…) Dù Việt Nam có Bộ công an, “lực lượng an ninh giỏi nhất thế giới”… nhưng không chỉ dân Ðà Lạt mà cho dù là công dân tỉnh nào trong 63 tỉnh/thành phố, dân tộc nào trong 54 dân tộc ở Việt Nam, đều phải tìm cách trốn tránh chuyện “Quỷ xuống núi” nếu muốn nói sự thật.

Ngoài ra, dù người dân Việt ở trên biển hay đất liền liên tục bị Trung Quốc “chơi” cho lên bờ xuống ruộng như: ngăn/đánh đuổi ngư dân bắt cá trên vùng biển chủ quyền; xây những con đập khổng lồ ở thượng nguồn để thu giữ nước lại; ngăn dòng chảy của sông Hồng, sông Mê Kông làm vùng đồng bằng sông Cửu Long khô hạn, dân Miền Tây đói/khát vì hạn mặn v.v. Nhưng một ngày đẹp trời, giữa lúc gói 62 ngàn tỷ hỗ trợ người dân sau dịch COVID-19 (cũng từ Trung Quốc) vẫn còn lênh đênh nơi nào, những kẻ đóng thuế vẫn phải ngậm câm khi thấy các tờ báo Việt Nam đồng loạt đăng tin:

“Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyết định ủng hộ Chính phủ và nhân dân Trung Quốc 100,000 USD nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, động đất.” – Trích vov.vn, ngày 17-7-2020.

Ở Việt Nam, lâu lâu đi mua đồ tôi lại được người bán hàng “dụ khị”: “Nếu em thật lòng muốn mua thì chị sẽ bớt cho em!” Mỗi lần nghe như vậy, tôi tự hỏi: “Phải chi mấy nước tư bổn thấy sự ‘thật lòng’ của dân Việt lúc xin visa thì hay biết mấy…”

DU