Chắc không phải ai sanh ra cũng đã thích gây sự. Trước khi trở thành một kẻ thích gây sự, có lẽ họ từng là một kẻ không thích gây sự, nhưng rồi họ tìm ra lý do để thích gây sự. Như:

Bảo Huân     

1

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1908, một anh chó giống Newfoundland đã được ví là “người hùng của Paris (Pháp)” sau khi chàng cứu một đứa trẻ khỏi chết đuối bên bờ sông Seine ở ngoại ô Paris. Người chứng kiến miêu tả: “Ngay khi nghe tiếng khóc của đứa trẻ và nước bắn tung tóe, con chó nhảy qua hàng rào và chạy về phía phát ra tiếng động. Nó lao xuống nước và cứu cậu bé lên bờ”. Hành động đó khiến chàng chó được ca tụng là anh hùng. Vị “anh hùng 4 chân” được thưởng miếng bít-tết thơm ngon. Chàng chó đã rất vui vì cứu được đứa trẻ nhưng thứ nó thích thú hơn có vẻ là miếng bít-tết kia. Hai ngày sau đó, chàng tiếp tục cứu được đứa trẻ khác. Suốt vài ngày sau đó, chàng tiếp tục có mặt kịp thời để cứu nhiều đứa trẻ bị té ở khu vực đó. Tuy nhiên, lúc này, mọi người xung quanh cũng bắt đầu đặt câu hỏi: Sự gia tăng của các vụ trẻ em gặp nạn dưới nước tăng liên tục. Ðây rõ ràng không phải chuyện ngẫu nhiên. Liệu có phải một tên tội phạm nguy hiểm đang ở gần đây và chỉ chầu chực để đẩy bọn trẻ xuống sông?

Sau khi điều tra, họ phát hiện thủ phạm không ai khác chính là chàng “chó hùng” kia. Sau khi cứu thành công đứa trẻ đầu tiên, trong đầu nó đã hình thành suy nghĩ cứu trẻ con để được thưởng bít-tết. Chắc cũng đợi hoài không thấy đứa trẻ nào ngã nữa, nên chàng phải tự tạo công ăn việc làm cho mình bằng cách: Khi thấy đứa trẻ nào ở gần sông, chàng sẽ đẩy chúng xuống sông rồi lại cứu lên. Thì ra chàng là phiên bản chó của nhân vật Bá Kiến trong làng Vũ Ðại được cố nhà văn Nam Cao miêu tả ở tác phẩm “Chí Phèo”: “Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì vứt trả năm hào vì thương anh túng quá!” May mắn là, chàng chó cũng không bị trừng phạt gì bởi nó chưa bao giờ có ý định xấu. Ðơn giản nó chỉ muốn có thịt bò ăn và chưa từng để trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Chàng chỉ bị báo chí khắp nơi “bóc mẽ”, tờ New York Times khi đó còn gọi chàng chó này là “anh hùng giả”. Chàng hết đường “làm ăn”.

Chàng “anh hùng giả” ở trên cũng giống như mọi “anh hùng giả” khác trên đời, bỗng một ngày đẹp trời tìm ra chân lý bít-tết, vô tư làm việc xấu. Nếu không ngăn chàng kịp lúc, thì sẽ tai hại không thể lường. Không ai có thể chắc được chàng chó luôn luôn cứu được mọi đứa trẻ té xuống sông. Hoặc một bữa đẹp trời nào đó, người ta quên cho chàng bít-tết sau khi chàng “cứu” một đứa trẻ, không biết chàng sẽ làm gì?

Hai “đại sư” Thích Trúc Thái Minh và Thích Nhật Từ cãi nhau trên mạng xã hội – Ảnh: Chụp màn hình Facebook

2

Việt Nam là một nước mà đa số người dân tin đạo Phật, Phật tử đông hơn người theo các Ðạo khác. Nhưng khổ nỗi, các nơi không được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam “duyệt” thì không được công nhận là… tu (như Tịnh Thất Bồng Lai), nên gần như Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là nơi duy nhất mà các Phật tử có thể dựa vào để tu hành.

Xem thêm:   "Thế hệ cợt nhả"

Ðạo nào cũng muốn con người tốt đẹp, nên sẽ không có gì nếu trong nhiều năm gần đây, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam không để xảy ra quá nhiều bê bối trong môi trường tu hành mà họ quản lý. – Từ việc các chùa lớn buôn thần bán thánh công khai (lớn nhất có thể nhắc chuyện Chùa Ba Vàng bán “vé” cúng “oan gia trái chủ, nộp tiền thật cho Chùa để chùa mua tiền giả đốt cho “vong”) tới các sư đức cao vọng trọng tự bôi tro trát trấu vào mặt mình lẫn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam bằng cách sân si với người đời, trụ trì chùa này chửi tay đôi trên mạng xã hội với trụ trì chùa kia, các sư bận đồ hiệu/xài xe sang/xúng xính post hình khoe lên mạng… – Khiến nhiều người lung lay niềm tin của mình vào các cơ sở/chùa chiền thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Mới đây nhất, có thêm một chuyện ồn ào khiến cư dân mạng lại được dịp bày tỏ thái độ thất vọng với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nữa, đó là chuyện hiệu gà chiên Kentucky – KFC lừng danh mới mở một chi nhánh ở đường Thích Quảng Ðức.

Thường thì mỗi chi nhánh của các cửa hàng sẽ được gọi liền với tên đường đang chứa cái tiệm đó để dễ dàng nhận biết khi order online, hoặc để nhận diện dễ khi khách hàng muốn tìm tới tận nơi thưởng thức món ăn: Như lẩu cá kèo Sư Thiện Chiếu nổi tiếng bao năm nay, hay massage Sư Vạn Hạnh, heo quay Trường Chinh, bệnh viện phụ sản Hùng Vương, cơm gà Thích Quảng Ðức, cháo lòng Võ Thị Sáu, Xiên khè Lê Văn Tám v.v. Nên KFC đã đăng video quảng cáo chi nhánh mới lẫn tin tuyển dụng gọi tắt chi nhánh mới của mình là “KFC Thích Quảng Ðức”. Và câu chuyện ồn ào bắt đầu từ đây:

Trong thông cáo gởi các cơ quan truyền thông và gửi Tổng Giám đốc KFC Việt Nam được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 31-10, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự – Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, đã đề nghị Tổng Giám đốc KFC Việt Nam xem xét và thay đổi tên gọi “KFC Thích Quảng Ðức”. Vì ngài Thích Quảng Ðức được nhiều người Việt coi là bồ tát, nên tên tiệm không nên dính vào cái tên đường của ngài (đại loại như vậy).

“Cho vừa lòng em” Ảnh: thanhnien.vn

Việc cư dân mạng Việt đa số phản ứng trái chiều với đề nghị trên của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam có nhiều nguyên do, thứ nhất là… ghét sẵn (sau các bê bối từ những người trong Giáo hội này gây ra).

Xem thêm:   Cuộc tấn công ngoại mục

Thứ nhì là ngài Thích Quảng Ðức không phải vị sư duy nhất được đặt tên cho đường sá Việt Nam – cái xứ mà mỗi quận có vài cái chùa. Những con đường mang tên các sư đó chưa bao giờ là vấn đề “nhạy cảm” khi được đặt kế quán ăn, ngay cả các đường Thích Quảng Ðức trên khắp Việt Nam. Ðường nào thì cũng là… đường, ngày ngày xe cộ chạy đè lên đó, người đi bộ giẫm đạp lên, chưa kể chó/mèo/con người xả thải bừa bãi, đầy hàng quán tiệm ăn-nhậu-massage-karaoke-tệ nạn… Nếu phản đối kiểu như trên, chắc phải phản đối chính cái kẻ đặt tên đường.

Thứ ba, thói quen của người dân là hay gắn liền địa danh với cái tiệm ăn cho dễ nhớ và ngắn gọn. Ðói bụng, đuối sức thì rủ nhau “ê đi ăn KFC Thích Quảng Ðức hông?” cho nhanh, chứ đâu ai dư… nước miếng mà nói “ê đi ăn KFC ở địa chỉ số 87, đường Thích Quảng Ðức, khu phố 2, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, Ðông Nam Á, Châu Á, hành tinh Trái Ðất, thuộc hệ mặt trời…” đâu!

Thứ tư, Việt Nam thì anh hùng nhiều vô kể, họ được đặt tên đường rất nhiều, như vài người mà tác giả Ngô Trường An liệt kê dưới đây:

«Thằng cháu hỏi: Chú ơi, con nghe nói chính thể miền Nam trước kia cũng giàu có, văn minh, tại sao trong chiến tranh họ lại thua miền Bắc hả chú?

– À, tại miền Nam lúc đó không có thiên tài, còn miền Bắc thì nhiều như sao trên trời con ạ.

– Thiên tài là sao hả chú?

– Chẹp! Nghĩa là…nghĩa là người ấy được trời ban cho một tài năng rất đặc biệt, có thể xếp vào dạng thần, thánh chứ con người không thể cao siêu như thế được. Hiểu chưa?

– Vậy chú có thể cho con biết các thiên tài ấy là ai không ạ?

Cộng đồng mạng Việt Nam “ra tay” – Ảnh: Facebook

– Ủa? Thế 16 năm học dưới mái trường XHCN, mày không nhận ra những thiên tài mà các thầy cô đã liên tục nhét vào đầu mày à? Vậy tao hỏi mày ha:

Anh Nguyễn Văn Trỗi khi bị trói toàn thân vào cây cột để chờ tử hình. Thế mà anh ấy đưa tay lên giật tung được mảnh vải bịt mắt. Thế có phải là thiên tài hông? Người thường sao làm được chuyện đó. Ðúng chưa?

Chị Võ Thị Sáu khi ra pháp trường cũng bị trói tay ra phía sau, và có hai hàng lính đi kèm hai bên áp giải. Ấy vậy mà chị Sáu nhà mình vẫn hái hoa cài lên mái tóc được. Không thiên tài là gì?

Anh phi công Nguyễn Văn Bảy học 7 ngày đã xong 7 lớp. Khi chiến đấu trên không, máy bay anh bị địch bắn thủng 82 lỗ, trong đó có lỗ rộng đường kính tới 30cm nằm ngay trước mặt. Thế là anh vội lấy bàn tay che lỗ thủng, vì vận tốc máy bay lúc ấy đang là 700km/h, còn lại một tay cầm cần lái cho máy hạ cánh an toàn.

Và, nào những thiên tài bắn xâu táo 1 phát giết được 5 tên giặc; thiên tài ghì càng trực thăng không cho bay lên; thiên tài dùng rìu chém rớt máy bay, thiên tài ém máy bay trong mây, tắt máy chờ máy bay địch xuất hiện là xông ra bắn; thiên tài lấy thân chèn pháo; thiên tài lấp lỗ châu mai… Ðấy! Toàn những thiên tài đều ở phe miền Bắc. Còn miền Nam, tất cả quân, dân, cán, chính đều là những con người bình thường. Họ có những cái hay, có những cái dở, có mặt tốt, và cũng có mặt xấu. Không có ai trong số họ được thần thánh hóa, kể cả lãnh đạo. Nãy giờ tao nói vậy mày đã hiểu ra chưa?

– …” – hết trích.

Xem thêm:   Châu Âu thụt lùi

Chẳng lẽ vì mấy tiệm ăn mà phải đổi hết tên đường của “các thánh” ở trên?

Bên cạnh những ý kiến lên án Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thì cũng có nhiều ý kiến bênh vực, tôi không biết họ có thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam không. Nhưng theo lý thuyết mà họ bênh vực thì trên đường Thích Quảng Ðức có rất nhiều tiệm ăn, quán nhậu, khách sạn… cần đổi tên, hoặc người dân nên kiến nghị đổi cái tên đường đó cho nhanh. Nhiều người cũng góp ý KFC nên đổi thành KFC Thích Quảng… Nam hoặc chuyển địa điểm của tiệm này tới gần công viên Lê Văn Tám, đổi tên thành KFC Lê Văn Tám (Ðây là nhân vật hư cấu nên chắc không ai cảm thấy khó ở).

Quá nhiều quán cần đổi tên sau vụ này – Ảnh: Chụp màn hình

3

Trước khi biết hương vị bít-tết, vị “anh hùng giả” đã không đẩy đứa bé nào xuống nước, thậm chí còn cứu các bé khỏi hiểm nguy. Trước khi biết hương vị quyền uy, có lẽ các vị điều hành giáo hội đã là những bậc chân tu, không quan tâm sự đời, không gây ra bao tranh cãi – trừ khi họ đi vào ngã Phật vì cái ghế, cái chức, cái quyền (Tôi không muốn nghĩ theo hướng đó). Vì đâu mà họ thay đổi? Vì họ tìm ra lý do để thay đổi, và không ai cản (được) họ. Cái xấu sẽ lớn dần nếu không được ngăn cản triệt để và kịp lúc, giống như cách người dân Việt bấy lâu nay đau đầu vì không thể cản được hàng xóm “làm chuyện ấy”: 12 giờ đêm, nghe thấy tiếng kêu thất thanh như bị hãm hiếp của một cô gái toà nhà bên cạnh. Tôi vội chạy ra ban công xem sao… Hoá ra bản đang hát karaoke.

DU