Mấy bữa nay, cộng đồng mạng Việt Nam, ai cũng tranh giành kể những kỷ niệm về danh hiệu học sinh… dở, thời họ còn trên ghế nhà trường.

Cậu bé buồn thiu giữa rừng giấy khen – Nguồn: Facebook   

Tính ra, cộng đồng mạng Việt Nam, dù học giỏi hay dở cũng theo… phong trào (từ ngữ trẻ gọi là “bắt trend”)! Tại cũng nhiêu đó người, mấy bữa trước vừa khoe hàng xấp giấy khen. Hàng ngàn lời yêu thương, khích lệ từ thầy cô dành cho họ, khi kể về những kỷ niệm lúc còn đi học. Tôi chống mắt lên mà… chờ, ngày nhà giáo Việt Nam sắp tới (20-11), họ khoe cái gì!

Quay lại chuyện toàn dân khoe học… dở. Tất cả bắt đầu từ hai tấm ảnh cũ, về buổi học cuối năm của một trường tiểu học ở Việt Nam, đang được chia sẻ rần rần trên mạng xã hội. Trong ảnh, lúc tất cả học sinh trong lớp đều vui vẻ, rạng rỡ giơ cao tờ giấy khen. Chỉ có một cậu bé ngượng nghịu giấu tay dưới ngăn bàn, chân co cứng lên ghế, vẻ mặt sượng sượng. Cậu nổi bật vì trên tay cậu không có tờ giấy khen nào. Chẳng biết do cô giáo hết… giấy khen để đưa, hay do kết quả học tập của cậu kém. Nhưng hình ảnh kia đủ đánh vào cảm xúc của những người đã, đang được “mài đũng quần” cho mười mấy năm đèn sách dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, những bình luận về tấm ảnh trên cũng rất phong phú.

Kẻ thực tế thì bảo: “Ối giời, chuyện thường ở huyện. Tuổi trẻ ráng chịu cực đi con, để mốt ra đời thích nghi cái… khổ với người ta!”

Kẻ có… kinh nghiệm thì bình luận đầy căm hờn: “Tôi là học sinh bị đuổi khỏi lớp và đang ngồi ở ngoài cửa đợi cậu bạn không có giấy khen đang ngồi bàn đầu ra chơi cùng. Nền giáo dục thổ tả và giáo viên cũng thổ tả. Một nền giáo dục bệnh tật với thành tích và sự khoa trương làm nhục con người từ nhỏ.”

Người lạc quan, hài hước thì bình: “Sau khi phát giấy khen cho cả lớp xong, cô giáo chỉ vào bạn đang co chân trên ghế, và nói với cả lớp: Chúc các em tiếp tục học hành tiến bộ, thêm nhiều giấy khen nữa. Nhưng đừng quên bạn này. Ðây là người sau này sẽ duyệt… đơn xin việc của các em đấy!”

Người ở xứ tư bổn thì nói: “Nếu có dịp qua Mỹ rồi em sẽ thấy ngành giáo dục ở đây lạ lùng. Gia đình có con/em học cả năm mà không biết nó có hơn hay kém đứa nào trong lớp hay không. Vì không hề xếp hạng như ở Việt Nam. Mỗi năm học có 3 lần phụ huynh gặp trực tiếp riêng cô giáo chủ nhiệm để cô cho biết là con/em của họ đang tốt chỗ nào, cần rèn luyện thêm chỗ nào. Kiểu dạy học không áp lực cho trẻ thế mà hỏi cái gì nó cũng biết so với cha, mẹ hồi tuổi như nó. Nó biết quá trời từ các kiến thức về tự nhiên, thiên văn cho tới khảo cổ, khủng long…”

Tóm lại thì mỗi người một ý. Ý ai cũng… đúng. Bởi, tình trạng cả lớp ai cũng nhận thưởng, chỉ vài bạn không có là điều khá phổ biến ở Việt Nam, nó như một truyền thống vô duyên. Tồn tại từ trước khi tôi đi học đến tận bây chừ, không biết khi nào mới chấm dứt!

Xem thêm:   Cái máy ảnh của con dế mèn

Thời đó, tôi cũng thường rơi vào hoàn cảnh của cậu bé ở trên lắm. Nhưng được cái, tôi là học sinh “cá biệt” thật. Do luôn được “đặc cách” ngồi ở ghế cuối dãy. Từ đó mà tâm lý tôi tự tin hơn rất nhiều. Mỗi lần trơ trọi giữa rừng giấy khen/điểm mười của chúng bạn, tôi không rảnh buồn bã, chạnh lòng (cũng có thể do tôi chưa đủ thông minh, sâu sắc để có thể). Tôi chỉ thấy hơi… nhột, vì lúc nào cũng được làm một trong những “tấm gương sáng ngời” của lớp, qua miệng của các bậc thầy/cô chủ nhiệm. Vì học dở, vì đóng tiền học chậm, vì lầm lầm lỳ lỳ, không hòa đồng với cả thế giới, vì không chịu gia nhập hàng ngũ “sao đỏ”/tổ trưởng, tổ phó của lớp, vì không sinh hoạt đoàn “ổn định”, không đóng những phí linh tinh như ủng hộ bão lụt/ủng hộ người nghèo/ủng hộ nạn nhân nhiễm “chất độc màu da cam”… suốt những năm đi học.

Xuân Hiếu “đưa giấy khen đi khắp thế gian” – Nguồn: tuoitre.vn

Trời không lấy hết của ai thứ gì. Thay vì tốn giấy khen thì thầy/cô tốn giấy… mời và nước… bọt với tôi. Mỗi lần họ cần một chỗ dựa để “đổ thừa”. Lúc thì thi đua của lớp giảm bởi “còn một vài bạn cá biệt, không biết cố gắng”. Khi thì “do một vài bạn chưa nộp đủ phí cơ sở vật chất nên lớp ta chưa có quạt mới”. Có hôm tôi còn bị bêu đầu lên bảng, bị buộc hứa những điều tôi không thực hiện được.

Giữa bao nhiêu người giỏi, tôi như một viên ngọc quý lấp lánh tỏa sáng, cô chủ nhiệm/thầy giám thị/hiệu trưởng/ bác bảo vệ và học sinh cả trường đều nhớ đến tên và gương mặt đáng yêu của tôi. Nhiều ngày thứ Hai đầu tuần, khi cả trường phải đứng dưới nắng “chào cờ”, hát quốc ca, nghe phát biểu này nọ thì tôi được che chở bởi bóng mát của cái… cột cờ. Vì được mời lên đứng trước trường. Ðể được “vinh danh” bởi những “thành tích” của mình. Bà ngoại nuôi của tôi, nhận giấy mời đến trường mỗi tháng nhiều hơn thiệp mời đám cưới của cả thành phố trong một năm.

“Muốn thành công, bạn phải dám khác biệt!” – Thật tiếc, lớn lên tôi mới biết câu nói này. Nên hồi đó, lâu lâu tôi cũng bâng khuâng suy nghĩ về “sự khác biệt” của mình. Mà để nghĩ những vấn đề quan trọng như vậy, tôi cần có thời gian. Ðể có thời gian tôi phải “cúp học”. Do thế, chưa nghĩ xong chuyện này, tôi đã vinh dự được làm “tấm gương sáng ngời” cho một chuyện khác rồi.

Trong cái rủi có cái may, cũng nhờ vào “bệnh thành tích” của trường, mà tôi cũng trầy trật lên lớp. Rồi không biết do thầy cô sợ ảnh hưởng thi đua của trường hay sao, lần thi tốt nghiệp nào tôi cũng “hú hồn” thoát… “nạn”. Tuy lâu lâu cũng nợ môn này, thiếu điểm môn kia, thi lại môn nọ. Nhưng với chỉ tiêu thi đua 99%, 100% của các trường công lập. Tôi đã “thoát”.

Xem thêm:   Hàng giả mới phát hiện?

Có lẽ vì vậy mà đa số, học sinh/sinh viên ở Việt Nam không làm việc đúng với “chuyên môn” mà họ được học trên giảng đường. Lý do lớn nhất, các trường học ở Việt Nam không phải môi trường sáng tạo. Mà là môi trường tẩy não, đóng khung, ép buộc những thế hệ đi vào khuôn khổ. Dạy gì học đó và phải tin và làm theo như vậy. Khi ra trường, hầu hết mọi sinh viên Việt Nam sẽ bị đời vùi dập không thương tiếc vì các kinh nghiệm không xài được từ bao nhiêu năm đèn sách, những giáo trình dày cộm, những tờ giấy khen vô tri… Bởi vậy, tỷ lệ cử nhân có bằng cấp nhưng không tiền, không chỗ dựa, không mối quan hệ thất nghiệp/chạy xe ôm/làm việc chân tay/về quê hay làm những việc phi pháp ở Việt Nam luôn rất nhiều…

Thiệt ra, tôi cũng có đôi lần được giấy khen. Chỉ là “học sinh tiên tiến” thôi, không được “học sinh giỏi” như “con người ta”. Nhưng lần nào cũng khiến bà ngoại nuôi của tôi giật mình. Có lần bà nói với ánh mắt nghi ngờ:

– Mày đừng có lấy (giấy khen) của người ta đem về “lấy le”, đem trả, mau!

Hoặc, bà sẽ khó hiểu, hỏi: Bộ năm nay bằng khen… dư hay sao mậy?

Tóm lại, trong mắt những người thân quen, Tôi luôn “khác biệt”!

Xuân Hiếu “đưa giấy khen đi khắp thế gian” – Nguồn: tuoitre.vn

Hôm rồi, ngày 7-7-2020. Tôi đọc được câu chuyện của cậu học trò Xuân Hiếu – hiện học lớp 12A8 Trường Trung học phổ thông Lê Duẩn (Ðắk Lắk). Cậu đã chụp bộ ảnh mang tên “đưa giấy khen đi khắp thế gian”, đó là những bức hình cậu bé cười tươi, tay cầm giấy khen “học sinh tiên tiến” chụp với những người cậu quen biết. Chúng được chụp nhân dịp lần đầu cậu bé được bằng khen “học sinh tiên tiến”, sau ba năm cấp III toàn đạt thành tích “học sinh trung bình”. Ðó là một niềm vui có thật, tồn tại hiếm hoi trong xã hội này. Phải chi thời gian quay lại, tôi sẽ chụp tấm giấy khen của mình cùng bà ngoại nuôi. Không phải để khoe thành tích, mà để chứng minh tôi cũng từng đi… học và có giấy khen đồ!

Dĩ nhiên, phụ huynh nào cũng mong ngóng con em mình có được thành tích đáng khen ngợi sau mỗi kỳ học. Và tờ giấy khen được coi như bằng chứng rõ rệt nhất. Từ đó, giấy khen, các loại bằng, cấp… luôn là một sự chứng nhận mà bất kể học sinh nào cũng ao ước.

Với điều kiện, những tờ “giấy khen” kia không bị nhuốm màu “thành tích”, “thi đua” (của trường). Không bị nhúng tay bởi hai chữ “thân phận” (của cha mẹ học sinh). Hoàn toàn do nỗ lực và sự tự tin với quá trình học tập của học sinh, như cậu bé Xuân Hiếu ở trên. Ðể đạt được những tờ giấy khen “chính chủ” và chính xác, học sinh phải cố gắng rất nhiều. Nên các em và cha mẹ có quyền tự hào về thành quả đạt được, có thể khoe khoang, rêu rao vì điều đó xứng đáng.

Nhưng ai cũng biết, giữa xã hội mà mọi thứ đảo lộn, ngành giáo dục được chính những người trong ngành biện hộ “Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật!”. Thì những điều kiện ban đầu, đã rất xa vời. Tờ giấy khen – phần thưởng ngọt ngào dành cho những cô, cậu học trò đang tuổi áo trắng bởi trở thành gánh nặng, trở thành nỗi xấu hổ đối với nhiều người (học sinh lẫn phụ huynh). Chính những học sinh được giấy khen cũng hoài nghi năng lực của mình, vì cả lớp đều có giấy khen, chỉ một/hai bạn không có. Hoặc tại sao mình học dở vẫn có giấy khen, còn cái đứa mình “cọp dê” thì không có?

Xem thêm:   Có gan làm giàu

Ðối với nhiều bậc cha/mẹ, tờ giấy khen đối với họ chỉ là tờ “giấy lộn”. Họ đã tốn rất nhiều tiền bạc/công sức/mối quan hệ nên con họ mới có được “thành quả” học tập “xuất sắc” như vậy. Cho nên, đôi khi chính họ cũng không biết, con mình có thiệt sự giỏi hay không!

Nguyên nhân điểm thấp được một người thầy giải thích: “Do ngu” – Nguồn: Facebook

Ngôi trường là xã hội đầu tiên mà một đứa trẻ tiếp xúc sau mái nhà. Nơi đây, những đứa trẻ tạo ra cho mình những mối quan hệ đầu đời, ngoài hàng xóm, thân thích. Nhưng, cái môi trường đáng ra phải trong lành/tươi đẹp nhất đó lại bị những tập thể chung tay xây dựng bằng những hoài nghi, vun đắp bởi sự lươn lẹo.

Từ môi trường giáo dục. Những môi trường khác, ví dụ như môi trường hành chính, hành pháp của VN cũng được xây dựng bằng những viên gạch hoài nghi và lươn lẹo, bằng những đứa trẻ lớn lên trong sự dạy dỗ của những kẻ “gù lưng”. Nên giờ đây, mọi thứ mà nhiều người trí thức, có suy nghĩ nhìn thấy ở VN, đều là một sự dè bỉu, dè chừng với lòng tin dè sẻn. Những câu chuyện châm biếm ra đời với sự tưởng tượng, phóng đại. Khi “về” Việt Nam, lại vừa khít, không sai một ly nào. Ví dụ như câu chuyện dưới đây:

“Một quán bar treo giải thưởng 10 triệu đồng cho người nào có thể vắt ra 1 giọt nước chanh sau khi bartender của họ đã vắt xong. Rất nhiều người hào hứng tham gia để đoạt giải thưởng này: kỹ sư, bác sĩ, công nhân, tài xế… thậm chí cả mấy võ sĩ quyền anh lẫn những tên vô công rỗi nghề… Nhưng tất cả đều bất lực không thể vắt ra thêm 1 giọt nước chanh nào nữa.

Một ngày nọ một người trung niên, đầu hói, bụng bự, áo sơ mi trắng cà vạt đen kè kè một cái cặp to tướng bước vào quán bar và xin thử. Mọi người đều cười phá lên. Vì với cái tướng bơ sữa thế kia thì chỉ có cơm đưa, rượu rước. Nhưng chủ quán với phép lịch sự bẩm sinh, vẫn đưa cho người đàn ông cái vỏ chanh te tua sau khi đã qua tay người bartender.

Kỳ lạ thay từ bàn tay người này 1 giọt rồi 2 giọt chảy xuống. Buông cái vỏ chanh, ông ta lấy khăn tay tỉnh bơ lau tay, rồi lại cầm cái vỏ chanh lên vắt tiếp. Lại 1 giọt, 2 giọt… 6 giọt nước chanh  rơi xuống.

Thản nhiên ông ta cầm cọc tiền 10 triệu và thong thả đi ra trong sự im lặng của cả quán. Chủ quán tỉnh người sớm nhất, hỏi với theo: Anh kia, anh là võ sư hả?

Ông ta trả lời không ngoái đầu lại: Võ sư gì. Tôi làm hiệu trưởng của một trường công, túi của phụ huynh/ học sinh tôi còn vắt sạch, miếng vỏ chanh này ăn thua gì!

DU