Tôi không biết lái xe, người xung quanh tôi ai cũng thấy không quen với chuyện đó. Họ cho rằng cái xe như cặp giò thứ 2 cho thị dân vậy, sống ở Sài Gòn mà không có xe là bất tiện dữ lắm. Tuy nhiên, xe với tôi là một thứ bất tiện và tội lỗi, đã hơn 7 năm tôi không chạy xe riêng và cảm thấy mọi thứ đều ổn. Vì trong cái rủi có cái may, tuy không có xe, nhưng tôi có cái điện thoại “thông minh”, có thể đặt xe bất cứ lúc nào, đi tới bất cứ đâu mà không sợ gây tai nạn giao thông.
Ðiện thoại đã ra đời cách đây gần 150 năm, bắt đầu bằng những tranh cãi của các khoa học gia thiên tài về quyền sở hữu bằng sáng chế, nhưng có thiên tài tới đâu chắc họ không thể nghĩ ra cảnh có một ngày, hơn 1/2 dân số thế giới không thể sống thiếu điện thoại. Thậm chí “nhờ” điện thoại, không ít người mất người yêu, mất tiền lẫn mất mạng, mất bạn, mất bè… vì mất lòng nhau…
Tháng 7 Âm Lịch vừa tới, đã có người biên một bài “dằn mặt” trên mạng xã hội: “Mẹ già không ở trên “phây”//Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì. “Phây” (Facebook) đang tràn ngập những bài viết về ơn nghĩa sanh thành, báo hiếu trong mùa Vu Lan. Thay vì những bài đăng online, chờ đợi những cảm xúc từ cộng đồng mạng, mọi người hãy chăm sóc lo cho sức khỏe cha mẹ của mình bằng những hành động thiết thực đi. Bớt “trình diễn” tình cảm báo hiếu với cha mẹ trên mạng xã hội đi.”
Ðúng là mẹ già không ở trên “phây”, nhưng có người ngay cả ngoài đời lẫn trên “phây” đều không nhớ tới mẹ già, bởi vậy tôi cũng không khắt khe lắm với chuyện người ta lên mạng xã hội bày tỏ lòng hiếu thảo. Thời bây chừ, chỉ cần có điện thoại, người ta có thể làm mọi thứ một cách ảo, ngay cả việc làm… tình.

Món quà triệu USD từ nước ngoài – Chiêu lừa đảo xuyên quốc gia – Nguồn: vietnamnet.vn
Anh kia, bạn của tôi, đang có người yêu xinh đẹp, giỏi giang, hiểu chuyện… anh lên mạng xã hội thấy hằng hà sa số các cô gái trẻ hơn, xinh đẹp hơn, có vẻ giỏi giang, hiểu chuyện hơn cả người yêu mình. Thế là được voi đòi luôn cả…khu rừng, anh chê người yêu anh có mụn ở mặt, có cục mỡ ở đùi, nàng không có thân hình bốc lửa như cô gái hàng ngày bán ảnh khỏa thân trên app 18+, nàng không biết làm món bún đậu mắm tôm như cô “hot girl” làm clip dạy nấu ăn mỗi ngày, nàng cũng không có tâm hồn thánh thiện như “người yêu nhà người ta” hay đăng những câu kinh, lời đạo lý lên trang cá nhân… Nàng ăn, nàng “ẳng”, nàng cười sao mà vô tri, không thú vị như cái cô có cái má lúm đồng tiền… “Già néo đứt dây”, sau bao nhiêu lời chê bai, anh mất người yêu. Anh hớn hở chạy tới những “người yêu nhà người ta” mà anh hằng mơ mộng, rồi anh nhận ra, người trẻ hơn, xinh đẹp hơn, có vẻ giỏi giang, hiểu chuyện hơn người yêu (giờ đã cũ) của anh thì không thích anh. Người trẻ, xinh đẹp, có vẻ giỏi giang, hiểu chuyện bằng người yêu (giờ đã cũ) của anh cũng không thích anh. Người không trẻ, không xinh đẹp, không giỏi giang, không hiểu chuyện bằng người yêu (giờ đã cũ) của anh cũng chẳng ưa anh. Người hay nói thích anh cũng không thích anh thật, họ thích anh vì anh nạp tiền vào tài khoản cho họ, mua quà cáp, làm chân sai vặt cho họ… mọi thứ nặng nhọc trên đời, họ đều nhớ tới anh, trừ tình yêu đôi lứa. Anh chìm trong hạnh phúc ảo không lâu rồi cũng nhận ra, thế là anh độc thân, anh ưu sầu, anh hận đàn bà, anh hận luôn cái mạng xã hội, rồi hận cái điện thoại…

Cháu bé khoảng 1 tuổi trong vòng tay người mẹ sau khi rơi xuống hồ Xuân Hương, Đà Lạt (do mẹ mải chơi game) – Nguồn: nld.com.vn
Cô kia, là bạn của tôi, đang thong dong tự tại, sáng kiếm tiền, chiều đủng đỉnh đi chơi, không cần yêu ai vì cô có thể tự vui với cuộc sống của mình. Mỗi ngày, cô bỏ ngoài tai hàng chục lời tán tỉnh, cho tới khi cô biết được chàng – một doanh nhân thành đạt, lịch thiệp, đang làm chủ một tập đoàn lớn ở nước ngoài, ăn nói ngọt ngào. Cô tự đan lưới tình rồi tự sa vào. Ngày ngày cô ôm cái điện thoại để nghe lời tán tỉnh, để gửi những nhớ nhung… Một ngày, chàng nói với nàng là muốn cưới nàng, muốn xai lâu đầy (xây lâu đài?) to lớn để nàng ở, muốn chăm lo cho nàng tới hết cuộc đời… Cô gái độc thân lâu năm như cỏ đi qua nắng hè, cần tình yêu tưới sống, thế là nàng e thẹn, đỏ mặt gật đầu, gõ thật chậm chữ “đồng ý” như sợ chàng đọc nhanh. Hạnh phúc vô bờ, chàng gửi về cho nàng món quà cưới mang giá trị kếch xù – bằng cả gia tài, coi như quà đính ước. Nàng hớn hở đón nhận, dầu sao thì của chồng công vợ, sớm muộn gì quà này cũng là của chung. Nhưng, để nhận món quà giá trị kia, nàng cũng phải trả một khoản chi phí cao, vì (theo chàng) thì hàng giá trị cao phải tốn thuế nhập cảng nhiều. Ừ thì vì tình yêu, vì chàng, vì mình, nàng đóng 50 triệu VND vào số tài khoản chàng đưa, sau đó, thứ nàng nhận là sự bặt tăm của chàng… Thì ra, không có “soái ca”, không có lâu đài, không có quà đính hôn gì cả, chỉ có một tên (hoặc một tập đoàn) đểu cáng ngồi đâu đó soạn những tin nhắn mùi mẫn, gửi cho hàng trăm cô gái nhẹ dạ, muốn có hạnh phúc thật với người tình ảo…
Hồi 2016, rất nhiều tin tức cho hay người ta chết chỉ vì trò chơi “bắt Pokémon” (game Pokémon Go). Người thì mải mê cắm mặt vào điện thoại mà bị xe tông, người do tận tụy “bắt Pokémon” mà đi luôn vào nhà người ta – bị gia chủ bắn chết… Hoặc ở Ðà Lạt, một người mẹ trẻ đưa con trai khoảng 1 tuổi (trên chiếc xe đẩy) đi dạo trên bờ hồ Xuân Hương, tuy nhiên, tại đây người mẹ trẻ chăm chỉ “bắt Pokémon”, không để ý đứa con được gió đưa từ trên bờ thẳng xuống hồ Xuân Hương lạnh giá, may có ông khách ngoại quốc nhảy xuống cứu kịp.

Lo chơi với điện thoại, thầy giáo không nghe tiếng học trò kêu cứu giữa lúc chới với – Nguồn: /vtv.vn
Mới đây thôi, một thầy giáo dạy bơi ở Hà Nội đã không hay biết học trò mình bị chìm dần sau khi quẫy đạp, kêu cứu… hơn 3 phút ở cách chỗ anh ta ngồi không xa. Trong khi khu vực sâu nhất của bể bơi này là 1m55, chưa ngập qua đầu của nạn nhân. Ðó là hồ bơi trong ngôi trường quốc tế, nhưng hồ thì đục ngầu, học sinh thực hành bơi bữa đầu nhưng không được cấp phao bơi, khiến em học sinh bị mất mạng vì thầy bận rộn với cái điện thoại của mình.
Người ta hay đổ thừa cho ngoại cảnh để bớt cảm thấy tội lỗi sau những bất ý như trên, ai ai cũng nghĩ nguyên do ở cái điện thoại. Tuy nhiên, cái điện thoại chỉ là cục sắt, nó sẽ là cần câu cơm nếu con người dùng cho công việc. Cái điện thoại sẽ là cầu nối tình yêu, tình thân nếu con người dùng để chia sẻ. Cái điện thoại sẽ là vũ khí nếu con người dùng để hạ bệ, nói xấu, mạt sát, tung tin xấu về nhau… Cái điện thoại không có tội, tội ở người xài nó!
Như hôm rồi, bạn tôi (từ nước ngoài về Việt Nam chơi) đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy đứa nhỏ bán vé số cũng có điện thoại, bà già bán bánh bao cũng nhận thanh toán tiền hai cái bánh bao qua “internet banking”, ông chú bán hủ tiếu gõ cũng có “điện thoại thông minh” đời mới, bán hủ tiếu gõ qua “app” trong điện thoại, người giao hàng tới đi dập dìu (mỗi người giao hàng cũng ôm 1, 2 cái điện thoại để kiểm tra đơn hàng)… bạn ngạc nhiên: “Việt Nam nay hiện đại quá, mẹ bán rau cũng xài smartphone, chú giữ xe cũng có trang mạng xã hội nhiều ‘follower’.”

Hình của một trứng gà bình thường cũng có thể được hơn 44 triệu lượt “like” – Nguồn: Facebook
Tôi cười, ở Việt Nam bây chừ, chắc chỉ có trẻ sơ sinh mới không biết xài điện thoại, chứ tôi đi từ chợ tới quán xá, sân bay, nơi công cộng lẫn về nhà, thấy đứa trẻ 3 tuổi cũng biết quẹt điện thoại coi video trên mạng xã hội. Vì cha mẹ muốn rảnh tay nên đã phát cái điện thoại cho nó. Nó xài riết nó ghiền, nó mất nhận thức khi ra ngoài đời thật vì không phải kiến thức nào người ta chia sẻ đều đúng, nhất là các kiến thức chưa được kiểm chứng trên mạng. Ví dụ, đôi khi đơn giản là cách dùng cưa điện:
Một khách hàng đến khiếu nại về cái cưa điện mình mới mua: Sao ông quảng cáo trên mạng là mỗi ngày nó cưa được đến 10 cây to trong khi tôi cố lắm cũng chỉ cưa được có 2 cây nhỏ?
Người bán hàng cắm điện thử cưa, ông khách há hốc mồm sửng sốt: Ủa, sao nó cưa được vậy ta?
Người bán hàng: Ông nên sửa cái ổ điện!
DU
Bà Tám ở Sài Gòn