“Con nít mà, nó có biết gì đâu” – là câu thường nói của số đông phụ huynh Việt (và cả ở nhiều nước) khi con của họ gây ra lỗi lầm. Chỉ cần gõ câu này lên Google, sẽ có hàng ngàn bài viết đong đầy bất bình.

Trẻ em luôn đáng yêu, hồn nhiên – Ảnh: Facebook      

Những bất bình này đã tạo ra một vài phong trào có vẻ không được bình đẳng cho lắm tên là “No Kids Zone”, “Children Free Zone”… (tiếng Việt là “Khu vực không dành cho trẻ em”) nhằm hạn chế những bao biện, đổ lỗi của các bậc làm cha làm mẹ, vì suy cho cùng thì trẻ con không biết gì thật, lỗi ở người lớn. Theo khảo sát của Hankook Research vào tháng 12 năm 2021, chỉ có 17% phản đối “No Kids Zone”, và tính tới thời điểm hiện tại, có hơn 400 cơ sở dịch vụ được định vị là “Khu vực không dành cho trẻ em” trên Google Maps Hàn Quốc.

Dân Việt mình ngoài thích tranh cãi còn thích bắt kịp các phong trào “hot”: Người ta có iPhone mới, chúng ta có ngay và luôn dù chẳng có cái Apple Store chính thức nào tại Việt Nam. Người ta có lễ Halloween thì mình vừa có tháng cô hồn vừa có ngày lễ Halloween, vừa cúng giấy tiền vàng bạc/thèo lèo cứt chuột cho cô hồn xong là vài tháng sau hóa trang thành cô hồn. Người ta có Tết Tây thì mình vừa có Tết Ta lẫn có Tết Tây, tuy không được lì xì hai lần nhưng cũng được nghỉ nhiều ngày phép, coi bắn pháo bông hai lần. Người ta có bầu cử thì mình cũng có Ðảng cử dân bầu v.v. Vì vậy, “No Kids Zone” được dân Việt “để mắt”.

Xã hội Việt Nam (cả đời thật lẫn ảo) thì sơ hở một chút là có tranh cãi (ít khi tranh luận). Dầu việc các đám cưới đưa ra yêu cầu “không dắt theo trẻ em” không còn hiếm vài năm nay, nhưng vấn đề này vẫn luôn trở thành chủ đề tranh cãi, mỗi khi có dịp. Người thì cho rằng việc cấm trẻ em đi dự đám cưới là quá khắt khe, không tôn trọng “quyền trẻ em”, kẻ thì ủng hộ vì tiệc tùng là nơi vui chơi, không phải nơi giữ trẻ. Hồi tháng 6-2022, thiệp mời đám cưới của cô tài tử nọ ghi “tiệc người lớn nên xin không dẫn trẻ em” đã khiến hàng ngàn người cãi nhau, dầu họ chẳng được mời.

Quán cà phê gây tranh cãi vì không tiếp trẻ dưới 12 tuổi – Ảnh: Facebook

Suy cho cùng, người chủ tiệc chọn không tiếp đón trẻ em trong tiệc của bản thân họ cũng không phiền hà ai (trừ người được mời) – mà đã có thể gây tranh cãi như vậy, thì việc các nhà hàng/quán cà phê chọn phục vụ “No Kids Zone” còn gây tranh cãi tới cỡ nào? Nên chuyện quán cà phê ở Ðà Nẵng “mạnh dạn” đưa thông báo rằng sẽ ngưng nhận các vị khách dưới 12 tuổi đã khiến cư dân mạng tốn chữ cả tuần qua.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Kẻ thì khen quán dũng cảm, khi dám đưa ra chính kiến, chấp nhận mất số lượng lớn khách hàng gia đình, rủi ro cao sẽ bị tẩy chay – Nhân tiện, họ còn kể nhiều kỷ niệm không vui lẫn bực mình khi đi các quán có nhiều con nít quậy phá, chạy nhảy, cha mẹ thì dửng dưng không ngó ngàng. Người thì phê phán chủ quán, cho rằng quán này không tôn trọng “quyền trẻ em”, không cư xử bình đẳng với khách hàng – Nhân tiện, họ dẫn chứng là có nhiều người lớn còn ồn và quậy hơn cả con nít. Cãi nhau chán, người ta lôi luật/chuyện bên Tây về để cãi tiếp – vì đa số dân Việt tin vào luật ở xứ tư bản hơn ở Việt Nam. Xin trích hai bài viết có quan điểm khác nhau nhưng đều dùng chuyện bên Tây để cãi:

Facebook Thuan Vuong Tran: “Chuyện quán cà phê không cho trẻ em dưới 12 tuổi vào đang rần rần. Câu chuyện khiến mình chú ý một luận điểm, rằng “quán nhà người ta, người ta muốn cho ai vào thì cho”. Không hẳn là vậy, từ chối phục vụ là một câu chuyện dài, và đã gây ra nhiều chuyện đáo tụng đình trên thế giới.

Khác với nhà riêng, quán là một doanh nghiệp, dù là gia đình kinh doanh cá thể, vì thế sẽ chịu sự điều chỉnh của luật kinh doanh, trong đó bảo đảm an toàn và công bằng cho khách hàng là điều kiện tiên quyết trong hành xử. Các rạp chiếu phim, đều dán nhãn mỗi bộ phim, trong đó, độ tuổi quy định được xem phim, chính là để bảo vệ người xem trước tác động của nội dung phim ấy. Nhưng quán không thể tự làm việc đó, như kiểu nói “quán tôi có treo nhiều hình ảnh không phù hợp với trẻ 12 tuổi, nên tôi không nhận khách đó”, việc phù hợp hay không phải có các đơn vị chuyên môn có thẩm quyền thẩm tra và quyết định. Thường khi đã động đến việc ấy thì quán mệt rồi. Một số câu lạc bộ, quán bar… sẽ từ chối khách nhỏ tuổi, vì điều đó phù hợp với pháp luật và quy định kinh doanh của họ. …

Cư dân mạng dẫn chứng là ở bên Tây/Mỹ cũng có nhiều quán “No Kids Zone”  – Ảnh: Facebook

Ở Mỹ, các vụ kiện về từ chối phục vụ khá nhiều, nhưng vụ nổi tiếng nhất, vài năm gần đây là trường hợp của một thợ làm bánh ở Colorado, vì niềm tin tôn giáo của mình, đã từ chối nướng bánh cưới cho một cặp đồng tính nam. Vụ kiện kéo dài nhiều năm, năm 2018, Tòa án Mỹ đã ra phán quyết phần thắng cho người làm bánh. Nhưng cùng với đó là các phán quyết ủng hộ các biện pháp bảo vệ pháp lý cho người đồng tính được đưa ra. Vào năm 2020, Tòa án Tối cao đã cung cấp các biện pháp bảo vệ mở rộng theo Tiêu đề VII cho cộng đồng LGBTQ. Sự thay đổi lớn đã diễn ra từ một vụ từ chối phục vụ.

Một trong những điểm mấu chốt khiến các vụ này được quan tâm là sự bình đẳng. Nếu lập luận “quán nhà tôi, tôi muốn làm gì làm” được thừa nhận, thì nếu thích, họ có thể nói “tôi hay bị nhức đầu khi nhìn thấy áo của các nhà sư, tôi không nhận bất cứ nhà sư nào vào quán”; “tôi hay bị cứng lưỡi trước những người có tông da sạm, ai da sạm hơn mức này thì khỏi vô quán”; “tôi hay bị lác mắt khi nhìn thấy người Việt, nên ai có quốc tịch Việt Nam đừng vô quán giùm”; “tôi không thoải mái khi thấy người đồng tính đi với nhau, người đồng tính đừng vô quán tôi”… Không biết lúc đó còn rần rần cỡ nào nữa. Ðó là lý do vì sao pháp luật có mặt, điều chỉnh các mối quan hệ tưởng nhỏ như vậy.

Thế thôi, bài viết này là vì hơi ngạc nhiên khi thấy các bài báo về vụ việc chưa có ý kiến của luật sư hay những người nghiên cứu lý thuyết bình đẳng. Còn mình thì tự pha cà phê uống với con ở nhà mình, mình không làm quán, nên không quán nào đuổi được mình và mình cũng không có ai để đuổi.” – Hết Trích.

Có hình ảnh, có thông cáo báo chí, có nhân chứng, có vật chứng, nhưng không có thấy ai khởi tố kẻ đánh người – Ảnh: Facebook

Facebook Hung Dang: “Bàn nhanh về việc cấm trẻ em dưới 12 của quán cà phê ở Ðà Nẵng. Nói ra ngại quá, với thâm niên gắp bánh mì cho Tây, lau ly vang cho nhà hàng Tây, bê phở cho nhà hàng Ta… tôi mạnh dạn hô to “Quán cà phê kia ra Luật cho riêng mình. Chả sai tẹo nào.”

À vâng, các anh các chị lại cho rằng phân biệt, miệt thị trẻ em các cái, là vi phạm nhân quyền… thì theo tôi biết quán không phạm luật VN. Mà đã không vi phạm pháp luật thì cứ làm thôi. Việc cấm trẻ em bên Tây làm đầy, tôi chụp vài tấm hình bên Mỹ cấm trẻ em ở hình dưới kia cho các anh các chị xem.

Xưa tôi bê phở mà thấy có trẻ em vào tôi ghét/sợ “see mother” luôn! Khi bàn đó đi thì bánh phở văng tung toé, cơm rau thịt thà dính bết dưới nền nhà… Chúng ta cùng đồng ý rằng: trẻ con rất hiếu động, chạy nhảy nô đùa… chúng ta phải tự quản. Ðừng đem chúng vào nhà hàng và mặc định nhân viên họ phải để ý. Tôi biết thừa các cháu phục vụ cười cười nhìn dễ thương thật đấy, nhưng quay lưng phát là bảo với tôi “Anh ơi hay em tát cho nó phát nhé?”

Nhà hàng, quán nước không phải nhà trẻ! Thống nhất thế, nên các anh các chị đem con đến thì tự quản và nếu có làm vỡ hỏng thì đền trong hoan hỉ chứ đừng cãi “Trẻ con có biết gì đâu” hay “Ðồ xịn thế này sao lại bày ở đây?”

Ðúng là có trẻ this trẻ that, vậy quán cà phê họ cấm tất, đâu có phân biệt con ông bà xích lô với con ông cháu cha! Vậy là phải. Thế giới giờ 4 chấm mấy, mở toang hoác rồi, vậy nên các anh các chị cũng nên dần làm quen với kiểu cấm cản này đi chứ hả!” – Hết trích.

Không chỉ ông Nguyễn Viết Dũng, những người như vị này cũng cần được cấm cửa ở mọi nơi có nhân loài lui tới – Ảnh: Facebook

Bản thân tôi thì thấy hai vị trên, ai cũng… đúng. Tôi chỉ e ở Việt Nam mà làm kiểu như: Gia đình khách nào làm ồn là “mời” họ im lặng hoặc “mời” họ ra về thẳng… sẽ dễ gây ra cự cãi thậm chí là đánh nhau. Vì nhiều người lớn Việt thời nay rất dễ nóng giận, họ không dạy được con mình nhưng thích “dạy” con người khác, và toàn “dạy” bằng vũ lực. Như tuần qua, có một “ông hội đồng” ở Quảng Nam bị cả chuỗi sân Golf lớn ra thông cáo báo chí cấm cửa vì ông ta đã dùng gậy chơi Golf đập cú chí mạng vào mặt một cô nhân viên sân Golf, cây thì gãy mà cô nhân viên thì bất tỉnh tại chỗ. Cũng may là cô này làm ở một công ty tốt, họ dám đứng ra bảo vệ nhân viên và tố cáo kẻ làm chuyện ác. Nếu không thì dầu ai cũng biết Việt Nam luôn có những “ông hội đồng” hách dịch, coi dân như cỏ rác, nhưng chẳng ai biết cụ thể đó là ai. Cũng may là “ông hội đồng” làm việc trong một tập thể thích “giậu đổ bìm leo”, nên sau khi ổng bị lên án, hàng loạt bê bối cũ được “khui” ra…

Xem thêm:   Chó...

Quay lại chuyện có nên ngăn trẻ em ở các không gian cần sự riêng tư, yên tĩnh hay không? Tôi nghĩ là có, ít nhất cho tới khi nào cha/mẹ của các trẻ em Việt biết cách giáo dục con cái, nhìn nhận sự thật và không đổ lỗi khi xảy ra vấn đề với con mình. Làm được vậy không chỉ xây dựng được một xã hội văn minh, còn hạn chế được một tầng lớp “ông/bà hội đồng” coi thường nhân phẩm/nhân mạng lẫn pháp luật. Ða số bọn họ đều “nảy mầm” từ những bao che, dung dưỡng kiểu “nó có biết gì đâu!”.

DU