Con người ưa phán xét, nên mọi thứ đều có định giá riêng (trong mắt mỗi người). Phẩm chất đôi khi là một thứ gì đó rất mơ hồ và không chính xác vì đôi khi con người ta chỉ tin thứ họ muốn tin mà thôi, người theo phe này sẽ thấy người ở phe kia thiếu nhân cách (so với họ)… Nhưng nhìn chung, sẽ có những mẫu số chung của xã hội để phân biệt giữa thứ/người xấu và thứ/người vừa xấu vừa xa.

Bảo Huân   

1. Nick phẩm

Chơi mạng xã hội hơn chục năm, trải qua biết bao đắng cay, ngọt ngào, gặp vô số người đủ các tầng lớp trong xã hội, từ dưới đáy xã hội đến trên đỉnh danh vọng. Tôi đã có nhiều mối quan hệ tốt từ mạng ảo – có những người trở thành tri kỷ, thành thầy, thành bạn, khắc sâu vào tâm trí. Có hôm đi siêu thị gặp bạn Facebook ngay cửa siêu thị, nói chuyện vui quá trời quá đất, nói xong bạn tôi còn chở về giùm nữa. Về tới nhà rồi tôi mới nhớ chưa mua gì, phải đi bộ ra siêu thị tiếp…

Cũng từ mạng xã hội, tôi cũng có nhiều mối quan hệ xấu, thậm chí bị lừa gạt hoặc tổn thương. Có khi tôi đi công việc, gặp một người không quen cười với mình, tôi bồi hồi cười lại và cố nhớ coi là ai. Sau 15 phút cười đơ miệng, tôi nhận ra, đó là cái đứa hôm rồi một hai bênh Nga khi Nga xâm lược Ukraine, còn chửi tôi là chẳng biết gì. Không biết có nên lại đòi 15 phút cười xã giao hay không?

“Lăn lộn” nhiều ở cõi mạng,  đôi khi, bằng suy luận của mình, tôi tự định ra “nick phẩm” cho những tài khoản cá nhân hiện ra trước mặt, sau một vòng “khám nhà” họ, hoặc đọc vài ba bình luận/tâm tư của họ cho một vấn đề nào đó. Và trong thang điểm của tôi, “nick phẩm” cao hay không, không liên quan tới cái “tick xanh” (verification badge) đang khiến dư luận chia rẽ, bàn luận rần rần hổm rày.

Dầu “tick xanh” (verification badge) là thứ giúp trang cá nhân mỗi người nhìn có vẻ uy tín hơn, có phẩm giá hơn. Nhưng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy chủ nhân cái nick này có thể rất… thừa tiền. Vì ban đầu, Facebook cho phép ghi danh tick xanh chính chủ cho trang cá nhân và fanpage không tốn tiền, nhưng sự thực thì rất ít người thành công trong việc tự tạo nick có tick xanh chính chủ miễn phí trừ những người đã rất nổi tiếng tại Việt Nam. Vì vậy mà ở Việt Nam có dịch vụ “chạy” tick xanh lấy giá 120 triệu VND cho doanh nghiệp và 70 triệu VND cho cá nhân, mắc vậy chứ được rất nhiều người làm.

Có lẽ nắm bắt được chuyện này, CEO Meta Mark Zuckerberg vừa thông báo lệ phí dịch vụ tick xanh cho tài khoản mạng xã hội này sẽ có giá khoảng 12 USD/tháng trên Web, 15 USD/tháng trên iOS (giống như Elon Musk đề xuất thu tiền tick xanh khi thâu tóm Twitter). Nghĩa là tick xanh hồi trước mua lậu không có hoá đơn, giờ có hoá đơn mỗi tháng…

Xem thêm:   Một nụ cười...

Người Việt mình trọng tình, cái gì đụng tới tiền là thấy mất đoàn kết liền. Vì vậy mà nhiều người trót mua tick xanh nghe tin liền muốn bỏ luôn cái tick xanh quý giá này, để sắp tới không mất tiền thêm mỗi tháng. Người chưa có tick xanh thì vỗ ngực khẳng định bản thân đã đủ uy tín, không cần tick xanh chứng giám. Có người còn nói đang canh me đảng CSVN bán tick… đỏ để mua, dễ xài ở Việt Nam hơn mấy cái tick xanh này. Có tick đỏ chắc đi cãi lộn dạo chắc cũng sẽ oai hơn, dư luận viên tránh né vì tưởng đồng bọn, như cái kiểu mấy người đi xe hơi ở Việt Nam hay để cái nón công an trước mũi xe, họ tin cảnh sát giao thông nhìn vào sẽ e dè, không nỡ thổi phạt vì tưởng đồng nghiệp.

Tuy nhiên, vắng mợ thì chợ cũng đông. Ngoài những người có uy tín sẵn hoặc thiếu uy tín nhưng không có tiền mua tick xanh, thì có rất nhiều người đồng ý bỏ tiền ra mua tick xanh gắn kế cái tên cho trang cá nhân thêm phần lung linh, uy tín, cảm giác “nick phẩm” lên cao vời vợi, nói gì cũng uy quyền hơn, nói gì người ta cũng không dám không tin. Tick xanh dầu được sanh ra để thể hiện phần nào “nick phẩm” của chủ nhân, nhưng sau quá trình nó “lưu lạc” ở Việt Nam, tick xanh đã giảm giá trị trầm trọng, vì Việt Nam luôn có nhiều người thích “ra vẻ”… Vì vậy, dù chưa áp dụng tại Việt Nam nhưng cộng đồng mạng bắt đầu lo ngại Facebook Việt Nam sẽ có nhiều nick có tick xanh với mục đích lừa đảo, bán hàng giả, phá hoại, tuyên truyền thông tin bậy bạ. Như hôm rồi, có người đăng cuốn sách viết về ông Hồ Chí Minh, rồi ghi bình luận: “Cổ nhân có dạy rằng: Phàm muốn làm chuyện đại sự thì cần phải có thật nhiều… nick!” Thiệt bậy bạ…

Tấm ảnh là cảnh một anh người Nga đang trốn chiến tranh ở Việt Nam. Thay vì đi làm việc thì anh này lại chọn ăn xin, và anh được ưu ái cho tiền nhiều vì là… Tây. – Nguồn: Trong Nhan Nguyen

2. Quan phẩm

Trên toàn thế giới có tám loài tê tê khác nhau, bốn loài phân bố ở Châu Phi và bốn loài phân bố ở Châu Á. Tại Việt Nam có hai loài tê tê sinh sống là tê tê Java (Manis javanica) thích sống ở phía Nam và tê tê vàng (Manis pentadactyla) thích ở phía Bắc. Cả hai loài tê tê Java và tê tê vàng đều nằm trong danh mục loài cực kỳ nguy cấp theo chuẩn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) do một số lượng đáng kể các loài này đã bị buôn bán trái pháp luật trong vòng hai thập kỷ qua. Mặc dù khó xác định số lượng, ước tính quần thể hai loài này đã giảm 80-90% trong ba thập kỷ gần đây.

Xem thêm:   Nhà nước mafia

Vậy mà một bữa đẹp trời đầu tháng 3-2023, ông Hoàng (người coi xe tại bãi giữ xe khu phố 8, phường Ða Kao, Q1) đã bắt gặp một “hoàng thân quốc thích” Tê Tê trên mái tôn. Ông Hoàng cho biết chàng Tê Tê này đang dạo chơi thì cành cây sung bị gãy nên rớt xuống dưới mái tôn, bị trọng thương. “Biết là động vật quý hiếm nên tôi giữ lại, gọi cho kiểm lâm”, ông Hoàng nói. Ðây là một tiểu hoàng tử thuộc dòng dõi quyền quý của loài Tê Tê, tên khoa học là Manis Javanica, còn gọi là Java, nằm trong Sách đỏ Việt Nam, tình trạng cực kỳ nguy cấp. Vị “hoàng thân” Tê Tê này được tả dài gần một mét, thể trạng yếu, kiểm lâm hứa với ông Hoàng và báo chí là sẽ nuôi dưỡng chàng trước khi thả về tự nhiên.

Và nhìn xuống dưới phần bình luận, bạn sẽ thấy ngay một ví dụ cho việc có «tick xanh», «tick đỏ» chưa chắc được đánh giá cao «nick phẩm» hoặc nhân phẩm:

Nguyễn Tấn Phong: «Người dân nuôi thì còn nhân giống được chứ đưa mấy anh ấy thì vài bữa giấy tờ xong thì thông báo khí hậu lạnh quá thế là… ngủm.»

Anh Trường: «May có dân nuôi trái phép nên chúng chưa tuyệt chủng.»

Trần Tiến Đức: «Mấy bữa chợ đen lại có vảy Tê tê hoàng tộc.»

Nam Giao: «Cứ nhìn rừng VN thì rõ.»

Phùng Đức Kiên: «Hai hôm nữa có tin em này ngoẻo, vậy là vừa có thịt vừa có vẩy.»

Le Lan: «Bạn Tê Tê như trên, dân chở ngoài đường khơi khơi mà bị bắt vô có khi nhận vài năm tù vì tiêu thụ động vật quý hiếm, quan thì không sao, hơi mắc công làm thịt mà thôi!»

Nếu một ông kiểm lâm nào đi ngang, đọc được các bình luận trên, không khéo các bạn trẻ bị bắt vì điều 331 – Bộ Luật Hình Sự 2015 – «Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân».

Trên đường phố Cao Hùng-Đài Loan, tiếng Việt khắp nơi. Ví dụ trong hình là 1 biển hiệu trước cửa tiệm mát-xa, phần bị lá cây che là “Tiệm Cần Đào” (Dòng ở dưới: không biết nghề có người dạy, bao 50 ngàn) – Nguồn: Hanny Nguyen

331 – một điều luật góp phần hạ thấp quan phẩm ở Việt Nam. Như tác giả Bui An viết:

«Trước đây, luật này chủ yếu dùng để bắt phản động là chính, đa số phản động sẽ bị áp luật này hoặc tội «Tuyên truyền chống nhà nước» (điều 117 hiện tại, điều 88 trước đây). Tuy vậy, những năm gần đây, điều 331 đã «dịch chuyển» đối tượng, khi được áp để bắt nhiều người khác. Ðiển hình là vụ bà Nguyễn Phương Hằng và nhà báo Hàn Ni, cả hai đều không phải phản động. Ðối với điều 331, vấn đề gây tranh cãi dễ thấy nhất là, thế nào là «lợi dụng» và thế nào là «xâm phạm lợi ích». Hiện tại không thấy một văn bản dưới luật nào quy định rõ ràng «Lợi dụng» là làm những gì, làm tới mức độ nào là lợi dụng, nó phụ thuộc vào cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án (mà ở ta thì 3 cơ quan này khá thống nhất). Tiếp theo là «xâm phạm lợi ích», ở đây cũng không thấy quy định xâm phạm lợi ích cụ thể là làm gì, điều kiện nào, trường hợp nào thì xác định là «xâm phạm». Chúng ta luôn luôn xâm phạm lợi ích của nhau, bất kể là làm cái gì, mang rau ra chợ (hoặc telegram) bán là xâm phạm lợi ích thằng bán rau bên cạnh rồi, hoặc yêu em gái xinh đẹp gần nhà là xâm phạm lợi ích thằng hàng xóm cũng đang tăm tia rồi. Nên phải cụ thể ra thế nào mới xác định là xâm phạm, cái đó quan trọng. Cái quan trọng nữa là xác định lợi ích, tức là thiệt hại của người bị xâm phạm. Ví dụ chị Hàn Ni chửi chị Hằng thì thiệt hại của chị Hằng là gì, vật chất bao nhiêu, tinh thần ra sao, và phải chứng minh được trước tòa, nghe có vẻ hơi khoai rồi. Lại phụ thuộc vào cơ quan điều tra xác định.

Xem thêm:   Gián điệp Trung Quốc

Ví dụ cho dễ hiểu, có cô gái kia bắt xe Grab, trên xe anh tài xế biến thái «tác động vật lý vào vị trí gần tim», cô gái về hô hoán tố cáo trên mạng xã hội (cô có quyền tự do dân chủ đó là ngôn luận), scandal nổ ra, Grab bị khách tẩy chay không đi nữa, doanh thu giảm. Vậy thì, cô gái kia có «xâm phạm lợi ích của tổ chức» (Grab bị giảm doanh thu) bằng việc lợi dụng tự do dân chủ (tung hê lên mạng xã hội) hay không? Lại tùy thuộc vào cơ quan điều tra. Từ ví dụ trên, với cách áp dụng vào các sự việc thông thường thì ai cũng có khả năng dính vào việc lợi dụng và xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Ðiều này gây ra một tác động nữa là khiến người ta e ngại, vì dễ bị bắt vì luật. Không ai dám nói lên cái bất cập, phản biện cái chưa được, cái chưa tốt của xã hội nữa, mà như thế cả xã hội lại thành bất động (bất động tức là phản động rồi). Lại nhớ đến câu chuyện châm biếm của con mèo hỏi chuyện con chuột, làm sao cũng chết, nói đúng cũng chết, nói sai cũng chết. Nhưng hôm qua, dịch giả Dương Tường vừa mất, có một câu của cụ mà tôi rất thích và luôn lấy làm kim chỉ nam, «Tôi chọn đứng về phe nước mắt»» – Hết trích.

Một người bạn tôi nói: Quan phẩm, nick phẩm, thậm chí nhân phẩm ở Việt Nam chỉ là rác. Vì dù ở đây có mọi luật lệ nhưng có cũng như không, mọi thứ đặt ra chỉ để tạo điều kiện cai trị. Nôm na là, giết con gà, đằng nào con gà cũng bị cắt cổ, nhưng bọn chức sắc sẽ trang bị thêm (ngoài dao) còn có máy đo điện tâm đồ, máy đo nhịp tim, máy soi ruột.v.v… để ra vẻ… hiện đại. Cuối cùng, con gà vẫn chết trong quằn quại, nhầy nhụa những lời đạo lý…

Ông Hoàng bàn giao con tê tê cho lực lượng kiểm lâm chăm sóc, nụ cười của đồng chí kiểm lâm khiến cư dân mạng lo cho con Tê Tê – Nguồn: dantri.com.vn

DU