Ông Trời Sài Gòn đang vô mùa bận rộn.
Sáng ăn xong tô bún bò, ổng đổ đầy mấy cái xô nước. Xô thì hất qua quận 7, xô thì hất qua quận 3, xô nào lớn là hất ướt hết hai, ba quận gần kề nhau. Uống xong ly cà phê, còn miếng cặn ổng hất xuống quận 8, quận 10 làm mưa lắc rắc… Hất nước tới trưa, vô ăn dĩa cơm tấm, uống ly nước sâm, nghỉ ngơi một lát rồi ổng ra hất tiếp tới chiều, đôi khi “tăng ca” tới tối. Có bữa buồn bực chuyện gì, ngủ hông được, nửa đêm ông Trời bật dậy đánh kẻng tóe lửa, xách xô nước bự, hất xuống. Thành ra, sáng hôm sau, thị dân dù ngủ đủ hay không, dậy với tâm tình tốt hay không, thì cũng phải “bơi” đi mần với gương mặt… mất sổ gạo.
Buổi sáng nay, lâu lâu được bữa trời trong xanh, rình đằng Ðông xong rình đằng Tây không thấy đốm mây xám nào, coi mòi ông Trời sẽ “đình công” một bữa? Tôi mới “tranh thủ” thời gian để pha ly cà phê, ra ban công ngồi ngóng hai bà hàng xóm cãi nhau. Tuy hơi “bất đồng ngôn ngữ”, không hiểu gì nhiều nhưng thấy có vẻ hai bà kia đang “căng” lắm. Ai cũng lớn tiếng, cố la thật to như mong “ý kiến” của mình bay qua nhà bên kia, đập vào… mặt đối phương, khiến họ bị “hủy nhan” luôn không bằng. Hồi nhỏ hay coi phim Tàu, nghe đồn là “quân tử động khẩu không động thủ”, chắc đang tả cảnh này?
Ngồi hóng một hồi, tuy vẫn chưa hiểu mô tê chi hết nhưng tôi nghĩ, chắc ai cũng… đúng, ai cũng có ý hay của họ (bởi vậy mới cãi hoài mà chưa động thủ?), chớ không thì hai bên “xáp lá cà” với nhau như Ấn Ðộ và Trung Cộng ở Thung lũng Galwan rồi. Tôi đoán đại khái là hai bà này hôm nay “bất đồng chính kiến” vụ nên bỏ ăn thịt heo, chuyển sang ăn thịt… lợn hay không, hoặc nên dùng xuồng ba lá hay ghe thúng để đi chợ ở mấy bữa báo nhà nước thay chữ TP.HCM thành chữ Sài Gòn (tại mỗi lần báo kêu vậy là đường… ngập). Tuy không ai chịu nhường ai nhưng chắc ý của hai bà khá giống nhau, vì tôi “hóng” tiếng được tiếng mất mài mại như vậy. Ví dụ khi bà A la lên: ẳng ẳng ẳng gâu gâu gâu. Bà B sẽ một mực cãi lại: gâu gâu gâu ẳng ẳng ẳng.
Hai bà đang cãi tới khúc gay cấn thì trời đánh kẻng tới ca mần, tia lửa văng đầy, một xô nước bự hất xuống bất ngờ. Mạnh ai nấy… ướt. Tiếng mắng nhau cũng tắt ngúm như tâm tình hóng chuyện vô cùng hăng hái của tôi. Quần áo nhà bên phải còn phơi ở ban công trước khi đi làm, củ cải nhà bên trái phơi để muối chua cũng còn nằm trên gác mái, nhà đối diện quên đóng cửa sổ… Coi mòi chiều chủ mấy nhà này đi mần về đều thi nhau khóc tiếng Mán. May là bà A và bà B không bị… xích, chứ ngày mai rủ nhau sốt, viêm họng, cảm lạnh thì sao mà “luận bàn” nữa. Tôi thở dài giùm cả xóm xong rồi thở hổn hển cho số phận mình. Nếu lát mưa không dừng thì trưa nay ăn trứng chiên vì không thể tung tăng đội nón lá ra chợ mua món yêu thích về mần… Nếu mưa không dừng tới trưa thì coi như chiều nay hủy hẹn công việc vì mưa hoài sẽ đi kèm kẹt xe và ngập đường. Các bác tài thì “nhát” tay lái, không dám nhận chở khách. Khách thì “nhát” chỗ… ngồi, không dám giao sinh mạng cho “cái hộp” sắt có thể chìm nghỉm hết 2/3 dưới nước cống, giữa con đường hoa lệ thường ngày. Nếu mưa không dừng tới chiều, tối nay trên báo nhà nước lại có loạt bài về… Sài Gòn.
Nếu mưa không dừng tới mai, chắc ở tỉnh nào đó có bão/lụt, Sài Gòn mới bị “ảnh hưởng” như vậy… Không biết mưa vầy, Miền Tây có hứng được giọt nào không? Ruộng đồng có đỡ nứt nẻ không? Và những giọt mưa ở miền Tây có vị mặn không? Vì bạn tôi nói, ở nhiều vùng, do ảnh hưởng hạn mặn mà trái cây trồng ra cũng có vị mặn.
Mưa lớn dần, tạt vô ban công, nhảy hỗn qua ngạch cửa, ào vô nhà như đám giang hồ hung hãn nửa đêm xông vô nhà người ta kiếm chuyện. Hông còn lâm râm đầy thi vị để ngắm nhìn. Tôi phải đóng cửa, vô phòng vừa ôm gấu bông vừa giở mạng xã hội ra coi thiên hạ thi nhau “dự báo thời tiết”, các hình ảnh/video/facebook về mưa bắt đầu “nẩy mầm”: “Quận 3 mưa lớn lắm nè”, “Quận 7 chiều nay ngập tới háng chắc luôn”, “Quận 8 thất thủ”… Tôi cũng hăng hái góp vui (mà hông biết có ai vui hông?): “Ðêm qua đứa nào cõng cái… cống quận Bình Thạnh đi giấu rồi?”
Tuy tôi không ở Bình Thạnh, nhưng dân của cả cái Sài Gòn này đều biết nơi đó ngập nhất… Hồ Chí Minh. Chỗ đó có cái “siêu máy bơm” được thuê 14.2 tỷ đồng mỗi năm (tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng). Theo báo chí thì hồi mới lắp (cuối năm 2017), chủ đầu tư cam kết “không hết ngập không lấy tiền”. Ðến nay, đã giữa năm 2020, tiền (dân) thì vẫn lấy, còn ngập thì ngày càng “đông”, năm sau cao hơn năm trước (nghe qua cứ tưởng nợ công). Hồi tháng 5-2020, báo chí nói TP.HCM sắp “khai sanh” một dự án chống ngập – tổng vốn gần 10,000 tỷ đồng nữa vào tháng 10. Thị dân nghe xong, mạnh ai nấy sắm thêm cho mình và người thân vài đôi ủng thời trang đi… ruộng.
Trong tầng tầng lớp lớp những “dự báo thời tiết” ướt át trên, bỗng lọt vô một bài “điểm báo” vô cùng hấp dẫn. Lâu rồi mới có một quyết định của Quốc Hội VN được người dân dẫn link và không chê trách: “Quốc hội chính thức khai tử dịch vụ đòi nợ thuê”, vô link báo đọc thì nghe nói luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Có nghĩa là các dịch vụ tạt mắm tôm, tạt sơn, đánh người, “tịch thu tài sản” trái phép, nhục mạ, hăm dọa gia đình người thân, hành hung… chỉ được hoạt động công khai và hợp pháp tới 1-1-2021? Sau đó phải ngưng hẳn hoặc làm trong lén lút? Vậy mà tôi cứ nghĩ, mấy dịch vụ này xưa giờ là bất hợp pháp.
Mà bất hợp pháp sao được? Mỗi ngày, mấy xe dán chữ “công ty đòi nợ” nhanh chóng, uy tín, bảo mật… chạy nhan nhản ngoài đường mỗi ngày. Ngày ngày, nhà người này bị tạt sơn, nhà người nọ bị tạt mắm tôm, điện thoại người kia bị “khủng bố”… Chỉ vì quen biết với con nợ “chính chủ”. – Những người này bị “con nợ” đưa số điện thoại cá nhân vào bảng “danh sách người quen” mỗi khi mượn nợ. Sau khi con nợ trốn, hoặc không trả nổi nữa thì “danh sách người quen” bị gây sức ép. Hòng để buộc họ “khai” tung tích con nợ hoặc trả nợ… giùm, dù có “quen” thiệt hay không, hay chỉ là mối quan hệ xã giao (dao?).
Bên cạnh đó, tuần nào xui lắm mới không có vài bài báo đăng tin người này bị nhóm đòi nợ thuê đánh từ “sương sương” thương tích cho đến tàn phế, người kia bị những kẻ cho thuê nặng lãi ép tới đường cùng, tự sát vì không trả nổi lãi cả ngàn phần trăm một năm. Trong cái rủi có cái may, lâu lâu cũng có vài tên đòi nợ thuê bị quánh cho bầm giập vì “đụng” người có “nghề” (hoặc cùng nghề?)
Việc một cơn mưa tràn vô nhà, làm ướt đồ đạc gia chủ, rất khác với việc một đám côn đồ “hầm hố” tràn vô nhà, đánh người, tạt sơn, khủng bố, làm ướt… đầu gia chủ giữa thời đại văn minh, có luật pháp. Việc hai bà chó cãi nhau, gây phiền hà lối xóm rất khác với việc các con nợ và những người đòi nợ dùng chữ “quen biết” để gây phiền hà đến cuộc sống người khác.
Trong khi đa số những người cần dùng đến những kẻ đòi nợ kiểu côn đồ trên toàn cho vay nặng lãi, cho vay để bài bạc, cá độ, phạm pháp… Vì phạm pháp nên không thể ra “ánh sáng” pháp luật, không thể thưa kiện. Ða số giao dịch bằng “giấy tay”, “lòng tin”, sự dọa dẫm… Nhưng chẳng biết từ “logic” gì mà ở Việt Nam, từ lâu, việc đòi nợ thuê này bị cho là bình thường và cần thiết như mưa, như chó.
Càng ngộ hơn không phải riêng mấy ông chủ nợ, mà từ báo chí nhà nước đến mấy ông trong Ủy ban Kinh tế Quốc hội đều “bênh vực” ngành nghề lạ lùng này. Khi nó năm lần bảy lượt bị đề xuất “xóa sổ” từ 2018, 2019…
Nói đi cũng phải nói lại, mấy người làm nghề đòi nợ thuê dù làm việc xấu, dù sắp bị cấm thì cũng được vài tầng lớp trong xã hội coi là một nghề. Bởi họ có công ty, có khách hàng và mục tiêu công việc rõ ràng: con nợ. Nhưng Việt Nam có rất nhiều người làm công việc y chang như những người làm nghề đòi nợ thuê như trên: hành hung, khủng bố, ăn hiếp kẻ yếu, tạt sơn, tạt mắm tôm trước nhà, nhắn tin đe dọa khủng bố cả gia đình, dòng họ người ta… Những người này có khi còn côn đồ hơn, “bạo tay” hơn những người mần nghề “đòi nợ thuê”. Vì họ không có công ty, không có khách hàng và họ luôn lên báo nhà nước với những cụm từ như sương như khói: “nhóm thanh niên lạ mặt”, “nhóm người xăm trổ lạ mặt”, “nhóm tiếp thị sữa lạ mặt”… (Không biết từ bao chừ, ở trên báo nhà nước, cứ cái gì “lạ” là nó cho thấy sự hèn hạ của rất nhiều tập thể?)
Những kẻ này được coi một dạng của “hiệp sĩ đường phố”, vì nơi họ “ra tay nghĩa hiệp” thường là ở ngoài đường. Nhưng các “hiệp sĩ đường phố” chân chính (thêm chữ “chân chính” vì “hiệp sĩ đường phố” chân… tà cũng rất đông) bắt cướp, giúp đỡ người dân, làm thay việc công an, chính quyền. Thì những “nhóm thanh niên lạ mặt”, “nhóm người xăm trổ lạ mặt”, “nhóm tiếp thị sữa lạ mặt”… lại bắt người “giùm” những kẻ… cướp.
Khi những người dân không chịu “nghe lời”, cam chịu sự vòi tiền của cảnh sát giao thông, họ sẽ đánh, dọa nạt những người dân “giùm” cảnh sát giao thông. Khi bị tố cáo, không cảnh sát nào quen biết họ cả. Trên báo, họ là những “tiếp thị sữa” vô danh.
Khi những người tài xế chống BOT bẩn, họ đe dọa, chặn đường đánh các tài xế, không ông BOT nào nói quen biết họ. Họ là “những kẻ lạ mặt” trên mặt báo.
Khi những nhà báo viết về các vấn đề tiêu cực có thật trong xã hội, họ tạt sơn, mắm tôm, treo đầu chó chết trước nhà các nhà báo này, không ông tiêu cực nào nói quen biết họ. Họ lúc này là những “người bất bình” giùm những kẻ gây ra tiêu cực.
Khi có người tố cáo ông quan A tham nhũng, ông quan B trắc nết, bà quan C sai phạm… Họ gọi điện khủng bố cả gia đình, dòng họ nhà người ta. Khi người ta “phản động” họ nhào vào nhà đấm đá túi bụi và cho đây là một việc “thế thiên hành đạo”. Và không ông quan A/B/C hay “thiên” nào chịu nhận nhờ họ “hành đạo” giùm cả. Lúc này, họ là những “người yêu nước” trong miệng bọn dư luận viên.
Họ được dư luận viên tung hô, như những cơn mưa đầu mùa tận tụy, làm ngập đường xấu, làm ngã cây mục, làm sụp cống dỏm, làm ngã cột điện bê tông cốt tre… miễn phí! (Mặc dù, TP.HCM chi hơn 25,000 tỷ đồng trong 5 năm qua, để chống ngập.)
Nhờ họ mà tôi hết thắc mắc lời cô hàng xóm dặn con mỗi lần nó dắt xe ra đường. Bả không dặn con coi chừng trộm, cắp, cướp hay giang hồ mà nói: Coi chừng công an nha con!
DU
Bà Tám ở Sài Gòn