Có câu chuyện tiếu lâm về anh họa sĩ kẹt tiền, gạ bán bức tranh ế cho bà hàng xóm. Bà ta trả giá bằng một tô phở.

Họa sĩ nổi điên: Bà biết nhiêu đó hông đủ mua nửa tấm vải không?

Bà hàng xóm cũng nổi nóng: Tôi thấy chú tội nghiệp mới mua giùm chú, chớ lúc chú mua tấm vải vẫn còn sạch. Bây giờ dính tùm lum thứ, tôi còn lo giặt không ra nữa, nói chi đến việc xài!

Khi bạn đem một chiếc xe cổ bán cho người bình thường thì chỉ được giá ve chai, nhưng đem bán cho nhà sưu tầm thì có khi lên đến triệu USD. Bà hàng xóm ở trên là người nội trợ bình dân, cả đời có biết gì về nghệ thuật, hội họa gì đâu? Cho dầu 10 năm sau, chàng họa sĩ trên trở thành danh họa, cũng chưa chắc là bà ta sẽ tiếc vì đã từng mua tranh của anh ta về lau bếp, bởi bà không rảnh đọc báo nghệ thuật. Nếu hỏi bà giá một kg thịt, kg rau khác nhau thế nào so cách đây 10 năm, có khi bà rành hơn.

Hồi tháng 6-2021, giới nghệ thuật đã chộn rộn vì người ta tìm thấy một bức tranh của danh họa Picasso nằm trong tủ quần áo gia đình tại tiểu bang Maine, Mỹ suốt 50 năm qua. Bức tranh này có tên Le Tricorne, được vẽ theo khổ 16×16 inch trên giấy, có chữ ký và ghi chú thời gian là năm 1919 – là một món hàng lưu niệm được người thân của chủ bức tranh mua chơi khi đi du lịch – và bây giờ, nó đã được bán với giá 150,000 USD cho một nhà sưu tầm giấu tên. Không biết đưa tin này cho bà hàng xóm đọc, bà có nghĩ lại mà mua bức tranh ế kia với giá hai tô phở?

Bà hàng xóm trên không phải là một cá nhân mà đại diện cho rất nhiều người Việt. Bạn có biết tại sao dịch dã nhưng các bảo tàng nghệ thuật trên thế giới vẫn tích cực làm triển lãm online? Họ muốn bộ nhớ về nghệ thuật trong não của công chúng được nhắc nhở và không bị mờ, thậm chí biến mất, đến lúc hết dịch thì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật được hồi sinh. Ở Việt Nam, dịch đến, người giàu mua được cọng rau, con cá còn cực trần thân, nói chi người không biết ngày mai sẽ ra sao, nên việc đưa thông tin hay bàn về nghệ thuật trong mùa dịch bị coi là dư thừa và vô tâm trong mắt đa số người Việt. Ngay cả nhiều tài tử, nhà lãnh đạo có tiền có quyền tại Việt Nam còn coi việc bảo tồn, tôn trọng các tác phẩm nghệ thuật là không ra gì từ trước dịch mà!

Không chỉ bánh mì mà rau, bắp và gas cũng không phải thứ thiết yếu trong cuộc sống đối với số đông cán bộ VN – Nguồn hình: Facebook  

Có một loạt Robot ở Nhật được đặt tên là Pepper, do tập đoàn Softbank (Nhật Bản) tạo ra với ý định thay thế con người trong tương lai ở nhiều lĩnh vực như: bán lẻ, chăm sóc y tế – sức khỏe… Do vậy, Pepper được lập trình nhiều khả năng và cảm xúc giống như con người. Vì sự đặc biệt này, Pepper trở nên đắt hàng. Thế nhưng, một thời gian sau, Pepper liên tục bị “đuổi việc” ở nhiều nước, cũng vì chính sự đặc biệt của mình, như liên tục “xin nghỉ” bằng cách tắt máy ngang giữa giờ, không biết do õng ẹo hay do pin bị hư. Hoặc khi làm việc tại chuỗi cửa hàng tạp hóa ở Scotland – Margiotta, Pepper cũng bị sa thải vì có khuynh hướng… nghiện rượu – liên tục “rủ” khách hàng đi qua quầy rượu khi khách hỏi những món đồ khác ở đâu. Rất nhiều trẻ em đã bị nó “gạ gẫm” vào khu bán rượu thay vì chỗ chưng kẹo, bánh, sữa… Có lẽ chưa tìm được cách để Pepper “phục hồi robot phẩm”, cuối tháng 6-2021, tập đoàn Softbank đã chính thức thông báo dừng sản xuất Pepper sau 7 năm ra mắt.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Những “tánh xấu” trên của Pepper có thể chỉ đơn giản là lỗi lập trình, nhưng khi đọc câu chuyện trên, tôi bỗng có câu hỏi: nên cài đặt tính người vào robot, để chúng thay thế người lao động không? Nếu robot có tính cách như người thật, nhưng toàn tính xấu thì nó có kịp bị tiêu diệt trước khi chúng có “âm mưu” diệt sạch con người rồi chiếm thế giới như trong phim không? Chưa kể, nếu robot có thể thay thế con người, thì những người bị cướp mất việc làm họ sẽ sống thế nào?

Quả tình, đây là câu chuyện của tương lai, nhưng tôi rất hứng thú với đề tài này. Không biết tôi có còn… ế tới lúc thấy một “chàng” robot điển trai, lịch lãm, mỉm cười với mình hay không? Tôi sẽ rinh ngay về một chàng, đọc thơ của tôi cho chàng nghe mỗi ngày. Vì giống đực đồng loại của tôi khó có thể kiên nhẫn chịu đựng chuyện này.

Có những vật, những người khi đứng ở sai chỗ, hay thuộc về sai người rất dễ tạo nên sai lầm, thậm chí gây ra tai họa. Nhưng đôi khi chính họ lại không nhận ra, cứ hồn nhiên sai phạm, thậm chí, sai phạm trong tự hào, ngạo nghễ nữa…

Sẽ đơn giản khi đó là khiếu về tranh ảnh trong kho kiến thức của một bà nội trợ, hoặc là nhân tính được cài đặt trong robot… Nhưng sẽ là ác mộng khi những thứ có thể gây hại cho con người và nó nằm trong tay sai người. Bằng chứng là những ngày qua, tôi và đồng bào tôi đã nhận ra xung quanh mình có quá nhiều con người làm việc cứng nhắc như robot, toàn gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp cho đồng loại, đồng bào, nhưng không ai “tắt nguồn”, “trả họ về nơi sản xuất”, vì họ nắm trong tay thứ rất lợi hại:  “quyền lực”!

Trong khi người ta chỉ cần 1 cái ván trượt và 2 người thì “họ” huy động một đám đông bê từng thùng nước chuyền xuống – Nguồn hình: Facebook

Chưa bao giờ, nhân loài có thể tin rằng một vị cán bộ người Việt hét vào dân là “bánh mì không phải là thực phẩm” (tôi nhấn mạnh chữ người Việt vì có thể ở một nước nào đó, một hành tinh nào đó không ăn được bánh mì, chứ ở xứ tôi, con người hay con chó, con gà cũng ăn được bánh mì), cũng chưa bao giờ người dân có thể tin mình sẽ bị phạt bằng mọi giá khi đi rút tiền, mua đồ ăn, đi giao gas, thậm chí cạn sạch túi – đi mượn tiền người thân cũng bị phạt… chỉ vì cán bộ phán: lý do ra đường của họ là không thiết yếu!

Xem thêm:   Ham & hố

Vậy thế nào là “thiết yếu”? Với một số thành phần trong xã hội thì danh phận, chức vụ là thiết yếu, họ có thể đánh đổi danh dự, tự trọng, thậm chí an nguy của bản thân và gia đình ra để đổi chác những thứ đó, nhưng với những người dân lành đói ngay khi mồ hôi ráo mặt thì nửa gói mì lượm từ thùng rác đã là thiết yếu rồi, danh dự/danh phận đâu bằng sự sống. Với người sắp chết đuối có khi chỉ cần một khúc cây thôi cũng có thể sống. Với người tiền quá nhiều, không biết để đâu cho hết thì hôm nay ăn sáng ở Mỹ, tuần sau ăn trưa ở Pháp cũng là thiết yếu, vì không xài tiền thì họ trầm cảm, có thể tự tử. Với một bộ máy nào đó, người Bắc có lý luận là thiết yếu hơn những “đồng chí khác”. Trong khi các bộ máy văn minh, chỉ cần là người, đủ học thức và nhận thức là thiết yếu.

Việt Nam có hàng triệu đảng viên, có hàng triệu người chưa là đảng viên nhưng có thể đứng canh các “chốt chống dịch” khắp nơi trên đất nước này. Tuy có một nền tảng giáo dục chung, nhưng định nghĩa về hai chữ “thiết yếu” thì mỗi người mỗi khác, ví dụ như chỗ này bánh mì là lương thực nhưng ở chỗ kia bánh mì có thể là công cụ mãi lộ. Hoặc ví dụ như ở chỗ ni cần “kế hoạch hóa dân số” nên bao cao su/thuốc ngừa thai là “thiết yếu”, nhưng ở chỗ nớ dân tình đa số hiếm muộn, toàn dân bị… vô sinh thì hai thứ trên có thể lại là xa xỉ phẩm. Rất khó đưa ra kết luận “thiết yếu” chính xác là gì, nếu nó chỉ là cảm tính của người nắm quyền… tra từ điển! Nhưng với hầu hết người dân Việt trong trận đại dịch dài hơi này, thiết yếu chính là duy trì sự sống? “Không có tiền thì cạp đất mà ăn” ư? Ða số dân nghèo ở Việt Nam không có cái mồng tơi mà rớt, phải đi ở thuê làm mướn, đất đâu mà cạp. Cho nên, có rất nhiều nước mắt, sự tức giận, lời bất bình tuôn ra khắp nơi dành cho những kẻ làm luật vừa qua.

Đồ nghề sửa xe bên đường, tấm bảng trước nhà, những người này nếu nắm trong tay quyền lực thì đồng bào có đỡ khổ không? – Nguồn: Facebook

Nhiều khi tôi nghĩ, những câu chuyện tử tế ở Sài Gòn không bao giờ thiếu, hơn hai năm nay, những nhà hảo tâm, chuyên cứu giúp những mảnh đời khó khăn không bao giờ vơi, dầu chính họ cũng có những khó khăn riêng, chưa kể nguy cơ có thể bị nhiễm bệnh vì ra đường lúc ai cũng muốn trốn trong nhà tránh dịch. Tại sao quyền lực không bao giờ được nằm trong tay họ? Khi có quyền lực thì họ sẽ đỡ tốt hơn không? Và cái đỡ tốt của những người tốt có… xấu bằng những gì mà người nắm quyền lực đương nhiệm đang tạo ra không?

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Ví dụ, ở khu ông Tạ, chỗ góc đường Phạm Văn Hai-Lê Văn Sỹ, Tân Bình có tiệm sửa xe tay ga Việt Hưng. Hổm giờ giãn cách nên tiệm phải đóng cửa, nhưng chủ tiệm vẫn để một công cụ kiếm cơm ra ngoài đường. Ðó đồ dùng để tự bơm bánh xe. Chuyện nhỏ xíu nhưng nó cho thấy rõ sự tinh tế, thấu hiểu của một người làm nghề sửa xe. Ai đã từng dắt bộ vì xe hư hay xì lốp, bánh xe mềm… thì cũng sẽ hiểu cái chuyện tưởng vặt ấy mà quan trọng như thế nào. Nhứt là trong bối cảnh cả Sài Gòn bây giờ đóng cửa im ỉm, thì chuyện bơm cho căng cái bánh xe cho kịp một hành trình hay về được đến nhà, cũng là điều khó. Ai đi ngang, nhứt là các shipper, chắc là sẽ mừng lắm.

Hay mấy mẩu chuyện kể diễn ra trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Một chị bị cách ly trong khu tập trung bực mình vì quạt không hoạt động và vòi nước bị hư. Chị ta chửi om sòm vì gọi mãi không thấy ai, nhưng rồi khi nhìn xuống sân thấy nhiều y tá, điều dưỡng và tình nguyện viên đang mang vác vật dụng lên lầu cao giữa trưa nắng đầm đìa mồ hôi. Cơn bực mình của chị ta dịu lại. Có ông cụ nằm bệnh viện vì vướng dịch, cảm thấy mệt, gọi bác sĩ nhưng chưa thấy. Ông ta định la mắng nhưng rồi nhìn ra thấy một bác sĩ đang nằm thiếp đi vì kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ bít bùng. Ông lại đành quên cơn giận và cũng quên cơn mệt. Có anh đang bị cách ly, nổi giận vì cho rằng cơm thịt không ngon, nhưng rồi nhìn dãy dài bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang ăn những hộp cơm quá bữa dưới cái nắng của trời và cái nóng của bộ đồ bít bùng, miệng anh bỗng bớt gầm gừ…

Sổ mua bánh mì thời bao cấp. Giờ, sau gần 50 năm, cán bộ VC nói: Bánh mì không phải thực phẩm! – Nguồn hình: Facebook

Các cán bộ công quyền của ta chẳng lẽ ít học và thiếu một chút nội tạng (trái tim chẳng hạn?) so với những người dân bình thường, có cùng dòng máu, màu da, màu tóc, quốc tịch như trên hay sao? Mà họ có thể thoải mái đứng xài xể một cô bé tuổi con cháu đang ôm con mèo hấp hối, nhất quyết không cho đưa đến thú y. Họ có thể bao vây, cưỡng chế một anh công nhân, tịch thu xe, lạm quyền khiến anh bị đuổi việc chỉ vì anh đi mua bánh mì và nước uống. Họ có thể điềm nhiên quay clip cảnh người dân quỳ xuống lạy lục van xin “người dân khổ lắm rồi mấy ông ơi!”…. nhiều lắm, toàn những video chính tay họ đăng lên để thể hiện quyền lực không đấy!

Dù có lẽ, sau những oán thán, bất bình, những video kia sẽ được kiểm duyệt chặt chẽ hơn trước khi đến với công chúng. Sẽ có những câu chuyện đầy tình người hơn để “tẩy trắng” những “lỗi lầm” mà họ “lộ” ra. Nhưng, như bà hàng xóm điển hình mua tranh về lau bếp, tôi tin họ không phải là những cá nhân. Họ chính là đại diện số đông những cọng tóc nằm trong tô phở mang tên Việt Nam.

Mà… Một cọng tóc trên đầu thì quá ít nhưng một cọng tóc trong tô phở thì quá nhiều.

DU