Một cô vợ tâm sự trên mạng xã hội: “Cứu em với các chị ơi… Chuyện là dạo này nhìn chồng em cứ như đang thất tình con nhỏ nào, nửa đêm ảnh cứ ngồi trong phòng khách, liên tục lướt điện thoại và hút thuốc, sắc mặt rất tệ. Hồi nãy, em lén lại gần để nhìn kỹ hơn, không ngờ ảnh đang cầm điện thoại của… em!”

Ông bà ta thường an ủi những cặp vợ chồng khắc khẩu: “Chén bát trong chạn còn khua, huống chi vợ chồng”. Tuy nhiên, có những lúc câu nói trên không xoa dịu lòng ai được vì cái chạn đã nứt từ lâu, chén khua một cái là đổ bể tan tành. Theo số liệu mới công bố vào đầu tháng 12-2024 của Tổng cục Thống kê Việt Nam: Năm 2023, cả nước có ít nhất 32,060 vụ “bể chạn” (ly hôn) được xét xử ở các cấp tòa. Sài Gòn là thành phố xử nhiều vụ ly hôn nhất (hơn 1,816 cặp chia tay năm 2023). Miền Tây là khu vực có nhiều vụ ly hôn nhất so với các Miền khác ở Việt Nam – có tới 10,733 cặp chia tay vào năm 2023 (gấp đôi so với Đông Nam bộ, dù dân số của Đồng Bằng Sông Cửu Long thấp hơn Đông Nam bộ khoảng 2 triệu người). Nói cách khác, cứ 10 vụ xử ly hôn trên cả nước thì có 3.35 vụ xảy ra ở miền Tây.

Chuyện tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cũng không có gì phải tranh cãi, có lẽ nước nào cũng gặp. Thậm chí nhiều nước phải tìm cách cho giới trẻ cảm thấy ham kết hôn vì đa số người trẻ hiện nay rất sợ hôn nhân, có cả những hội/nhóm hàng triệu người bày tỏ sở thích sống một mình tới hết đời. Nhưng đáng bàn luận là thái độ của dư luận Việt Nam trước thông tin tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng tăng đã khác xưa rất nhiều, ngoài những bình luận phân tích “lỗi anh hay lỗi ả” thường tình, số đông bình luận cho rằng tỷ lệ ly hôn nhiều chứng tỏ dân trí của người dân, nhất là phụ nữ ở Việt Nam cao dần, nên họ biết dừng đúng lúc khi hôn nhân đã tới hồi chấm hết, không ráng níu kéo vì “mặt mũi hai họ” hay ráng “vì con” như lề thói cũ. Nhiều người còn cho rằng nếu Việt Nam thi hành đúng luật chia đều tài sản, buộc người cha trả tiền sữa cho con, hoặc không để tiền bạc của người chồng ảnh hưởng phán quyết của tòa án thì bảo đảm tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam sẽ cao hơn nhiều. Riêng tôi đồng ý vì thà tỷ lệ ly hôn cao, còn hơn là tỷ lệ bạo lực gia đình cao như hiện nay, xảy ra như cơm bữa tựa câu chuyện mới xảy ra ở Quảng Bình:

Xem thêm:   Vũ khí mới - Tàu ngầm không người lái

Vào ngày 26-11-2024, hai vợ chồng ông N.T.S và bà T.T.M.H xảy ra một “trận chiến” nảy lửa, cả hai chửi rủa, cãi cọ, xô xát ì xèo đến nỗi hàng xóm phải kêu công an phường tới.

Người đàn ông ở Vĩnh Long thường xuyên rượu chè, mỗi lần say xỉn đều dở thói vũ phu với vợ, và người vợ chịu đựng suốt mấy chục năm như thế – Nguồn: dantri.com.vn 

Những tưởng chính quyền can xong rồi thôi (như bao vụ đánh nhau, cãi nhau khác từ trước tới nay), không ngờ, ngày 13-12-2024, báo trong nước rầm rộ đăng rằng nhà chức trách xác định hai vợ chồng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhau, công an phường phạt người vợ 7.5 triệu VND, phạt người chồng 15 triệu VND. Hai vợ chồng U60 mất 22.5 triệu VND (không biết cả năm họ có tích góp được số tiền đó không?) trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Vì luật cấm bạo lực gia đình ở Việt Nam có, nhưng ít khi được áp dụng đủ và đúng.

Bởi vậy, “LDP” mới cho rằng: “Đây có lẽ là một hình phạt mới mẻ, cũng hay. Nếu làm nghiêm cho tất cả có thể nguồn thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng, nhất là khu vực phía Bắc.”

“thie****@gmail.com” thì bình luận: “Thế là tết này giảm bớt nồi bánh chưng, bánh tét, ký giò chả… 22.5 triệu chứ ít đâu. Trong gia đình nếu tôi cũng cố chấp, cự cãi, rồi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ chắc bị xử phạt vài trăm triệu một năm. Bà vợ khiêu khích suốt ngày này qua năm khác. Tôi chỉ ngó lom lom bả, như coi diễn trò hề.”

“Nam Nguyễn” lăn tăn: “Yêu cầu pháp luật Việt Nam nêu rõ “xúc phạm nhau” như thế nào mới bị phạt để bà xã tui còn rút kinh nghiệm?”

Chắc không có ai, hoặc rất-rất ít người chọn bạn đời vì thấy bạn đời cãi tay đôi với bản thân giỏi hay đánh chồng/đánh vợ hay. Vậy tại sao một lúc nào đó, hai người đã từng nhìn nhau trìu mến, không gặp một ngày như cách ba thu, lại có thể dùng mọi từ ngữ dơ dáy nhất chọi nhau, gây tổn thương thân xác/tinh thần nhau bằng mọi cách?

Tôi mới đọc được một cách giải thích khá hay: “Vợ chồng thường bắt đầu mâu thuẫn không phải từ lúc hết yêu, mà từ lúc biết so đo. Mạnh ai nấy thấy mình đang gánh nhiều hơn. Vợ nghĩ: “Mình tất bật từ sáng đến tối, vừa chăm con, vừa quán xuyến nhà cửa, đi làm kiếm tiền, mà anh ấy chẳng hề trân trọng.” Chồng lại nghĩ: “Mình nai lưng làm việc, chịu đủ áp lực ngoài xã hội, vậy mà về nhà vẫn bị coi thường.” Hai con người, hai nỗi niềm, không nói chuyện và ở giữa là một hố sâu của sự không thấu hiểu. Sự thật là không ai gánh nhẹ hơn ai cả. Chồng đang vắt kiệt sức ngoài đời để mang về kinh tế, còn vợ đang tiêu hao thời gian, năng lượng, và cả thanh xuân để giữ lửa cho gia đình. Cả hai đều mệt mỏi, đều áp lực, nhưng vì mãi nhìn  vào sự cố gắng của mình mà quên đi sự nỗ lực của người còn lại.”

Ngoài trăm ngàn lý do khác, tôi nghĩ tường thành hôn nhân đổ vỡ đôi khi không chỉ bởi hai người trong cuộc mà còn do những người xung quanh, nhất là gia đình hai bên. Vì khi yêu là chuyện của hai người, nhưng khi lấy nhau rồi lại thành chuyện của hai gia đình. Như tâm sự của cặp vợ chồng Phạm Việt Thành (31 tuổi, giáo viên dạy Tin học) và Hồng Châu (30 tuổi, kế toán tự do). Họ đã thi nhau khóc khi cùng dự chương trình Vợ Chồng Son (một chương trình về hôn nhân được chiếu trên tivi trong nước).

Chị Bùi Thị Tuyết Giao quê ở Kiên Giang, ra Hải Dương làm dâu, bị chồng tra tấn như thời Trung Cổ dù đang mang thai 7 tháng – Nguồn: dantri.com.vn

Anh Thành cho biết: “Do khác sự khác biệt vùng miền, vợ em người miền Nam, gia đình em miền Bắc, có những cái phong tục tập quán, cư xử lễ nghĩa vợ em cũng chưa rành. Người miền Nam thì phóng khoáng nên ít khi để ý câu chữ lắm, cũng có những vấn đề khó chịu xảy ra giữa bố em với vợ em. Ví dụ như bữa cơm trong gia đình, ăn thì phải mời tất cả mọi người trong bàn, vợ em cũng có làm điều đó nhưng bố em thì muốn nếu mời người trong bàn kể cả khách cũng phải mời. Vợ em chỉ nghĩ mời một lần khi vào ăn rồi thôi, khách tới sau thì không mời cũng được nhưng bố em thì không muốn vậy.”

Sau khi nghe chồng kể, chị Hồng Châu tức tưởi bổ sung: “Có một lần, bố chồng em đi chơi xa về thì bố cứ làm cái gì cũng ầm ầm, đóng cửa cũng ầm ầm. Em biết là có cái gì khó chịu rồi nhưng không biết cụ thể là gì. Sau đó, mẹ chồng nói là bố về phải hỏi thăm bố, em mới nói là những chuyện đó bố mẹ cứ góp ý với con.”

Kể đến đây, Hồng Châu bật khóc, thừa nhận cô bị stress và cảm thấy không khí trong gia đình chồng quá căng thẳng. Cảm thấy muốn bình tâm và suy nghĩ lại, cô đã xin phép gia đình chồng về nhà mẹ đẻ nhưng bố chồng lại không đồng ý. Cô nói: “Sáng hôm đó em chuẩn bị về thì bố gọi hai vợ chồng qua, bố bảo là chuyện nhỏ như vậy thì không được về. Tại thời điểm đó, em chỉ biết khóc thôi.”

Nhiều người cho rằng sau khi chương trình phát sóng hoặc có thể là ngay sau buổi ghi hình trên, cô Hồng Châu sẽ phải bỏ về quê nếu không muốn bị nhà chồng hắt hủi sau này. Nhiều người xúi cô nàng bắt cóc ông chồng trở về Kiên Giang sống nhưng bị phản đối kịch liệt bởi số đông, ai cũng tin rằng nếu người chồng có thể “ra riêng” hoặc có thể bảo vệ vợ trước cha mẹ thì đã không nhìn vợ mình khóc rồi… khóc theo như thế. Nhiều bình luận “xúi” cô gái ly hôn một cách rất quyết liệt.

Gái Nam Hồng Châu khóc trên chương trình truyền hình khi kể cảnh làm dâu đất Bắc – Nguồn: YouTube Vợ chồng son

Như “@hanghuynh1014” bình luận: “Sao sống được như vậy hả trời? Bộ chuyện ly dị khó lắm hả ta? Thật sự những người phụ nữ đau khổ kia đang sợ cái gì? Bà cố mình quê ở Bến Tre, sinh vào đầu thế kỷ 20, thời đó bà mình đã dám đệ đơn ly dị chồng địa chủ vì bài bạc. Sau đó, bà tái hôn với ông cố mình. Bà ngoại mình không ưng người chồng do ba mẹ sắp đặt, sau 2 năm ở nhà chồng cũng ly dị. Năm 28 tuổi bà ngoại mới tái hôn với ông ngoại mình gốc Hoa. Và mình nhớ là người vợ mai mối cho Trương Định cũng có một đời chồng rồi. Từ chuyện xưa đã thấy chuyện ly dị quá bình thường mà giờ này còn bàn cãi, ngại ngùng cảm thấy khó hiểu quá hà. Ly dị là chuyện của tự do cá nhân mỗi người, miễn là không vi phạm đạo đức hay thuần phong mỹ tục, đôi khi còn bảo vệ danh dự và mạng sống của hai con người nữa. Có gì mà mỉa mai người ta. Đám cưới ở quê tui toàn chúc “Trăm năm hạnh phúc”, chứ mấy ai chúc “Đầu bạc răng long” đâu nha!”

Xin kết thúc bài viết bằng một ví dụ nữa, cũng liên quan “bố chồng”: “Tôi và chồng kết hôn 5 năm, thấy cuộc sống hôn nhân trở nên tẻ nhạt. Một hôm, chồng đề nghị ở khách sạn 2 ngày để thay đổi không khí và ôn lại kỷ niệm thời mới quen nhau. Chúng tôi đặt một khách sạn tiện nghi trong thành phố.

Chiều hôm đó, bố chồng gọi điện tới: “Con trai, bố vừa thấy xe của con đỗ trước cửa khách sạn. Vợ của con tốt như vậy, con phải hiểu chứ?”

Chồng vội giải thích: “Bố, con đang ở khách sạn với vợ mà!”

Bố chồng không tin, chồng mở videocall để tôi chào hỏi vài câu để bố yên tâm. Sau khi biết tôi ở đó, bố cười cười nói: “Vậy là tốt rồi, tháng trước bố đã thấy xe mày đậu ở khách sạn này mấy lần, muốn hỏi cho rõ, mà mẹ con không cho, bây giờ bố mẹ yên tâm rồi!

…”

DU