“Điều tuyệt vời nhất của một tấm ảnh là nó sẽ không bao giờ thay đổi, thậm chí cả khi con người trong bức hình đó đã đổi thay.” – Andy Warhol
Công việc của nhiếp ảnh gia không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, họ còn phải để ý ánh sáng, không gian, màu sắc và cảm xúc nhân vật, bố cục bức ảnh… Nhiếp ảnh gia còn phải biết hướng dẫn người mẫu, sắp xếp cảnh vật… để tạo ra những tác phẩm độc đáo. Tuy nhiên, những người bình thường thì không cần quá nhiều “nghiệp vụ” như vậy. Họ chỉ cần thấy đẹp hoặc thấy ý nghĩa hoặc thấy phù hợp với mục đích của họ, và thế là “tách”, một bức ảnh ra đời.
Dầu là người chuyên nghiệp hay nhiếp ảnh gia tay ngang, nếu may mắn, họ vẫn có thể tạo ra một bức ảnh để đời, thậm chí có thể giúp thay đổi số phận của nhân vật trong ảnh…
- “Cậu bé xếp dép”
Đầu năm 2017, hình ảnh cậu bé 4 tuổi tên Thành Đạt mặc cái áo nhàu nát, đôi dép to quá khổ, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai bỗng trở nên nổi tiếng khắp mạng xã hội. Vì trong hình, bé đang xếp dép gọn gàng cho các bé mầm non khác đang đi dã ngoại ở công viên. Nhờ bức ảnh được chụp lén và vội vàng này, không ít trái tim của cộng đồng mạng run lên, từ khóa “cậu bé xếp dép” cũng được tìm kiếm nhiều nhất trong tuần. Không lâu sau, “cậu bé xếp dép” được ngôi trường ở Bình Dương đồng ý nhận vào học và miễn phí toàn bộ học phí của 12 năm học cho em. Mẹ em cũng được một nhà hảo tâm giúp cho công việc đàng hoàng, đủ để cho em tiếp tục lớn lên, ngoan ngoãn và đáng yêu như bây giờ. Cuộc đời Đạt và mẹ coi như sang trang mới, tươi sáng hơn, bớt nhọc nhằn hơn…
Tấm ảnh “cậu bé xếp dép” đã chụp ra một câu chuyện cổ tích đẹp giữa lòng Sài Gòn hoa lệ.
- “Chiến binh máy may”
Trong khi chính quyền lẫn người dân trong nước mắc dồn hết chú ý về cái chết của Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng thì lũ lớn đang càn quét phá hoại người và của ở phía Bắc – Việt Nam. Nhân lúc này, nhiều người đăng lại bức ảnh nổi tiếng của tác giả Steve McCurry – nhiếp ảnh gia danh tiếng của thế giới với một gia tài giải thưởng quốc tế vì các cống hiến với nghệ thuật Nhiếp Ảnh.
Bức ảnh chụp tại Porbandar, Gujarat, Ấn Độ (1983) ghi lại hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi đang cố vượt qua dòng nước ngang cổ, trên vai ông là một cái máy may cũ. Điểm đặc biệt nhất là nụ cười tươi rói của ông, nó như muốn nói: Lũ có thể lấy đi tất cả, nhưng tôi tin rằng mình có thể may lại một cuộc sống mới cho bản thân và gia đình.
Tác giả Steve McCurry kể: “Khi tôi đang lội nước ngập đến ngực qua các con phố, tôi thấy một người đàn ông bơi ra từ một cửa hàng với một chiếc máy may trên vai và điều đó có vẻ kỳ lạ và siêu thực. Ông ấy chỉ còn chiếc máy may rỉ sét này từ cửa hàng của mình, nước lũ ngập đến cổ nhưng ông vẫn mang nó trên lưng với nụ cười này. Phần hay nhất của câu chuyện là nhà sản xuất máy may của Đức đã nhìn thấy bức ảnh này và tìm thấy ông ấy, biếu ông một chiếc máy may mới.”
Tấm ảnh sẽ không bao giờ thay đổi, nhưng nhân vật trong ảnh đã có máy may mới!
- Có view cùng hưởng, có án cùng chia
Thời đại công nghệ, thiệt quá dễ dàng để nhân loài tạo ra một bức ảnh, chỉ khó ở chỗ làm sao cho bức ảnh đó ý nghĩa và được nhiều người nhớ tới, bức ảnh sau đây đã thành công.
Phạm Đức Hải – biệt danh là “Hải idol” chuyên buôn bán quần áo. Nhân đám cưới của Nguyễn Văn Năm (nhân viên cũ của Hải), để tăng lượng người theo dõi và tương tác, Hải idol cho Nguyễn Văn Năm mượn dàn xe sang để đi rước dâu. Với điều kiện là khi tới giữa xa lộ Bắc – Nam, chú rể phải chịu xếp dàn xe sang rước dâu đậu giữa lòng đường cao tốc chụp ảnh, ghi hình lại theo sắp xếp của Hải idol, để Hải đăng lại hình ảnh, video lên mạng “câu view, câu like”. Chú rể đồng ý, cô dâu đồng ý.
Kết quả là sau khi những tấm ảnh và video ghi lại cảnh đoàn xe rước dâu dàn hàng ngang giữa lòng đường cao tốc, chắn hết lối đi của những xe khác, gây ồn ào, mất trật tự, mém xảy ra tai nạn… được đăng lên mạng, 4 người giữ trọng trách lái những chiếc xe sang trên bị khởi tố, chờ ngày ra tòa. Cô dâu phải đi hưởng tuần trăng mật một mình vì chú rể Nguyễn Văn Năm cũng bị bắt.
Tấm ảnh cũng trở thành bằng chứng gây tội.
- Chụp… màn hình
Có lẽ, khi nhiếp ảnh hình thành, chắc không ai nghĩ tới một thể loại có tên là “chụp màn hình”. Nhờ có chức năng “chụp màn hình” mà rất nhiều bằng cớ được giữ lại, sau khi người đăng bài, viết bình luận đã xóa đi dấu vết của mình trên mạng. Cũng nhờ chức năng này, nhiều người trở thành “thịt cá nằm trên thớt” của những đầu bếp đại tài trên không gian mạng…
Nạn nhân gần nhất của ảnh chụp màn hình là Trần Mạnh Duy (sinh năm 1992, biệt danh là Duy Muối). Duy Muối hiện đang sở hữu kênh TikTok cá nhân thu hút hơn 1 triệu người theo dõi với những nội dung xoay quanh chủ đề kinh doanh, khởi nghiệp và cuộc sống. Duy Muối là người đồng sáng lập công ty chuyên về truyền thông đa phương tiện, quảng cáo, tiếp thị… Và Duy vừa bị bãi nhiệm chức vụ Giám Đốc Sáng Tạo của công ty này từ ngày 20-7-2024, bởi anh không biết (hoặc giả đò không biết) năm sanh và năm mất của ông Nguyễn Phú Trọng, nên bình luận dưới một hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng có in kèm năm sanh, năm mất là “Sao lại có số hotline thế anh?”
Dầu Duy Muối đã giải thích bản thân không am hiểu về chính trị, không biết lãnh đạo đương thời của Việt Nam là ai, nhưng không ai quan tâm…
Thêm một nạn nhân khác của ảnh chụp màn hình trong cùng sự kiện trên là người dẫn chương trình YouTube Thùy Minh. Lý do cô này bị “bạo lực mạng” là vì cô đăng hình cờ nước Mỹ và hình ảnh vui vẻ bên Mỹ nhân lúc cô đang ở… Mỹ. Nghe vô lý phải không? Không vô lý với những kẻ cuồng tín ở Việt Nam, họ cho rằng cô “phản quốc, vô ơn”, dám đăng cờ Mỹ khi Việt Nam có… quốc tang. Có lẽ sợ bị hậu quả nặng nề như Duy Muối, Thùy Minh vội vàng giải thích: “Mình đang có chuyến công tác ở Mỹ và lúc đi cà phê thì đăng bức ảnh tán cây có lá quốc kỳ của nước Mỹ. Lúc đăng là 4h chiều giờ bên này ngày 24-7-2024. Mình thực sự thấy mình thiếu nhạy cảm quá nên đã xoá đi. Cám ơn mọi người đã nhắc nhớ mình! Trân trọng!”
Vâng, cô đã xóa đi, nhưng có nhiều người còn “bằng chứng”, đó là những kẻ đi dòm ngó, xét nét khắp nơi xem người nổi tiếng nào chưa đổi hình đại diện và ghi lời đau buồn để chụp… màn hình, biên bài lên án. Sau đó là hàng ngàn người khác quay video lên án “hành động đáng lên án, hành động vô ơn” của cô, của Duy Muối, của những người chưa kịp “đổi hình đại diện và ghi lời đau buồn, tỏ lòng biết ơn sâu sắc” khác… bằng chứng là những tấm ảnh chụp màn hình.
Có lẽ nào, với những kẻ giấu mặt này thì: Cha chết, mẹ chết, ông bà chết… không khóc trên mạng xã hội cũng không sao. Nhưng mà lãnh tụ chết, phải khóc online, càng nhiều người thấy/biết càng tốt, vậy mới sinh tồn!
DU
Bà Tám ở Sài Gòn