Ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của mình … Nhưng đôi khi, người ở ngoài chưa chắc nhìn ra đâu là nạn nhân!

Cô gái tên Quỳnh Trang và nhiều cô gái khác kêu cứu vì năn nỉ Oksana Tsialiuk xóa ảnh của các cổ mà Oksana Tsialiuk không xóa – Nguồn: Facebook
Chụp lén có xấu không? Có thể xấu có thể không. Ở Việt Nam, nhiều cảnh khổ, và vô số tấm hình chụp lén đã giúp nhiều số phận bần cùng đổi đời, bởi tấm ảnh đó được người tốt bụng nhìn thấy. Nhiều tấm ảnh chụp lén cũng giúp công an phá được án, tội phạm bị bắt. Ngoài ra, nhiều tấm hình chụp lén cũng cho thiên hạ thấy nết/hành động xấu xí của một số người.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng cầm máy ảnh/điện thoại lên chụp người dưng với một tấm lòng tốt là chụp một bức ảnh đẹp, một hoàn cảnh khó khăn, một chuyện chướng mắt … Dạo quanh các mạng xã hội ở Việt Nam, dễ dàng thấy những tấm hình chụp lén đính kèm lời chú thích rất là vô văn hóa kiểu như “ngon không anh em”, “vợ của ai vào nhận”… bên dưới bài viết sẽ là hàng loạt những bình luận khiếm nhã bình phẩm về một người mà họ không quen biết… Có cả những nhóm chuyên đăng các ảnh chụp lén phụ nữ, đàn ông những phút hớ hênh như thế. Dầu Việt Nam cũng như các nước phát triển đều có những luật lệ riêng cho quyền riêng tư cá nhân và chụp ảnh/quay phim lén một cá nhân mà không được sự cho phép có thể bị phạt tiền hoặc tù tùy theo mức độ giỏi của luật sư (mà nạn nhân đó thuê khi kiện người chụp hình/quay phim lén). Nhưng ở Việt Nam, các vụ kiện dân sự như vậy rất ít khi diễn ra, vì nạn nhân ngại phiền, ngại mất thời gian và không tin pháp luật đứng về phía mình khi bản thân không nhiều tiền và nhiều mối “quan hệ mạnh”.
Ở nhiều nơi có luật lệ về quyền riêng tư rất nghiêm khắc, không chỉ là hình ảnh cá nhân, tấm ảnh chụp phong cảnh mà dính nhà người khác cũng có thể bị kiện trọc đầu. Hồi xưa, một người bạn tôi nói rằng Tây rất thích qua Việt Nam, không phải vì ưa dân Việt hay văn hóa Việt mà do nó thấy qua đây… sướng, nhất là chụp hình. Từ người nông dân cho tới bác xe ôm, cô nữ sinh… cứ thấy Tây đưa máy lên là họ cười (“ta” đưa máy ảnh lên thì… hên xui). Việt Nam có thời còn được coi là “thiên đường của cái giải thưởng nhiếp ảnh” cũng bởi sự “hiếu khách” của người Việt.
Gần đây, có một nữ du khách tới từ Belarus, hiện đang làm việc tại Hà Nội tên Oksana Tsialiuk, cô ở Hà Nội cũng đã khá lâu, tự xưng là “Aksana Tsialiuk Street photographer” và trang cá nhân của cô cũng thể hiện điều đó. Mỗi ngày cô đều đăng hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ ở bất cứ nơi đâu cô đi ngang qua. Cô đi du lịch nhiều nơi tại Việt Nam và luôn tự tin với: khẩu hiệu: “Tôi sẽ thể hiện cho bạn thấy bạn đẹp đến nhường nào”.

Một người lính canh gác cũng phản ảnh – Nguồn: Oksana Tsialiuk
Tuy nhiên, khi bức ảnh của cô thật sự được lan tỏa khắp nơi trên cõi mạng và trong giới trẻ ở Việt Nam (đặc biệt là ở Hà Nội) thì nhiều nhóm dành cho giới trẻ cho rằng Việt Nam bắt đầu có một hội chứng rất mới được gọi tắt là SBOCA – Tạm dịch: “Hội chứng sợ bị Oksana chụp ảnh”.
Câu chuyện bắt đầu bởi một bạn nữ có tên Quỳnh Trang – ở Hà Nội. Một bữa đẹp trời, Quỳnh Trang đăng liên tiếp nhiều video kêu cứu cộng đồng mạng vì cô Oksana Tsialiuk chụp hình lén, hình Trang được Oksana “ưu ái” đăng lên trang cá nhân, lượt “views (người xem) rất nhiều. Nhưng do bị chụp một cách bị động, không tạo dáng, không có “filter làm đẹp”, cũng không có ánh sáng tốt … tất cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khiến cho hình ảnh Quỳnh Trang do cô Oksana chụp khác xa hình ảnh Quỳnh Trang thường đăng trên mạng xã hội, Quỳnh Trang không muốn điều đó, nên đã nhắn tin cô Oksana với mong muốn được gỡ video có hình ảnh mình xuống. Thật bất ngờ, Quỳnh Trang bị Oksana chặn (block), hình ảnh Quỳnh Trang vẫn tiếp tục nằm trên trang cá nhân Oksana mặc kệ Quỳnh Trang kiên tục ra tín hiệu “S.O.S”. Ngoài ra, bên cạnh số ít cư dân mạng Việt Nam đồng cảm với Quỳnh Trang, rất-rất-rất nhiều bình luận bắt nạt dành cho cô nàng, cho rằng Quỳnh Trang quen xài “app chỉnh ảnh” nên không chấp nhận con người thật của mình. Câu chuyện lan tỏa, nhiều người cũng tràn vào trang cá nhân của Oksana khuyên cô xóa hình, nhiều “nạn nhân” khác cũng đăng lên mạng xã hội những bài viết bất bình vì bản thân từng bị Oksana chụp hình không được đẹp, tuy nhiên khi yêu cầu xóa thì bị cô gái này chặn (block).
Không chỉ các bạn gái, các bạn nam cũng hơi sợ tài chụp ảnh của nữ du khách xinh đẹp Oksana Tsialiuk. Ví dụ một bạn nam tên Huấn, đang đi “nghĩa vụ quân sự”. Một hôm, Huấn đang đứng gác ở T66 (Nhà khách Bộ Quốc phòng) thì được Oksana tặng… ảnh. Cô cũng đăng video quá trình chụp ảnh và tặng tấm ảnh in liền tay cho anh lính trẻ lên mạng xã hội, cộng đồng mạng lần này đồng loạt cảm thương cho… người bị chụp, vì nhìn Huấn (trong ảnh) như một chú bộ đội thời còn nạn đói, trong khi hình ảnh Huấn đăng trên mạng cho thấy cậu cũng to cao, mạnh khỏe so với bạn cùng lứa.
Lần này, các bình luận hung dữ đã tràn vào trang cá nhân của Oksana Tsialiuk. Ban đầu cô nàng tỏ ra rất đanh đá, không chịu khuất phục, giữ nguyên hình ảnh “nạn nhân” trên trang cá nhân như một lời thách thức, sẵn sàng cãi tay đôi với các bình luận công kích. Ví dụ như:
Cư dân mạng: Xin chào, tôi cũng thích ảnh của bạn, nhưng tôi nghĩ, sau khi bạn chụp ảnh ai đó, bạn có thể cho họ biết và đề nghị đăng lên mạng xã hội, điều này sẽ giúp bạn tránh xa những rắc rối không đáng có.
Oksana Tsialiuk: Tại sao bạn không nghĩ đến việc bạn đăng ảnh khỏa thân lên mạng xã hội? Có thể điều đó khiến ai đó khó chịu. Tại sao bạn không hỏi mọi người về điều đó?

Oksana Tsialiuk vừa khóc vì cho rằng mình bị bắt nạt, cũng vừa bắt nạt người khác qua các bài viết và bình luận – Nguồn: Oksana Tsialiuk
… Tuy nhiên, với “trình độ” cãi nhau “top 1 thế giới” của cư dân mạng Việt Nam, Oksana Tsialiuk đã thua cuộc. Cô đã tắt bình luận ở các trang cá nhân, xóa những hình ảnh trên và đăng các video khóc lóc, tự nhận bản thân bị “bắt nạt”, Oksana Tsialiuk nói: “Mọi thứ tôi làm đều xuất phát từ trái tim của tôi. Tôi thực sự thích công việc của mình. Tôi rất xin lỗi nếu ai đó cảm thấy tồi tệ khi họ nhìn thấy những bức ảnh của tôi và thấy rằng nó xấu. Tôi xin lỗi nhưng mà tôi thích vậy.”
Nếu người chụp là người Việt Nam, không phải một nữ du khách tới từ Belarus – chắc chắn 100% là cư dân mạng đã tế sống “nhiếp ảnh gia đường phố” trên, đôi khi công an cũng “mời” người chụp ảnh xấu “gây hoang mang dư luận” lên phường giải trình (đã xảy ra nhiều tiền lệ). Tuy nhiên, có lẽ do Oksana Tsialiuk là du khách, mà dân Việt mình hiếu khách, nên nhiều người vẫn bênh cô nàng này rất nhiều. Như một người (viết hay – tôi thường đọc) trên mạng xã hội đã viết:
“Đám đông điên cuồng – Phạm Thành Nhân
(Du Uyên mạn phép cắt bớt phần giới thiệu vì hơi dài) Một ngày như nhiều ngày, cô xách máy ảnh đi lòng vòng, chụp phố xá đông vui. Ngang qua, hình như là, T66 (Nhà khách Bộ Quốc phòng), cô chụp ảnh anh lính đang đứng gác và gởi tặng tấm ảnh ấy cho anh lính. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đấy thì thật tốt đẹp (Ái chà, nhiễm Minh Tuệ rồi). Nhưng không. Cái gọi là cộng đồng mạng trên Facebook, TikTok, sau khi xem tấm ảnh anh lính đã xông vào tận trang cá nhân của Oksana để tấn công cô, cho rằng cô chụp anh lính quá xấu. Một số page còn chế lại ảnh cô để bêu riếu.
Ủa, alô, cô đã làm gì sai để bị đối xử như vậy? 10 năm đi dạy nhiếp ảnh, gã vẫn hay đùa với học trò: “Ảnh đẹp là do mẫu đẹp. Ảnh xấu là do thèn chụp ảnh hông có tâm”, là vì thời nay dân ta rất sẵn lòng nhìn mình thật ảo sau khi qua 7749 cái app chỉnh sửa (đến mức người ta gặp nhau, bảo: “Mấy đứa viết app chỉnh ảnh nợ chúng sinh một lời xin lỗi”. Hiếm ai chấp nhận mình như vốn là, tức là mắt lồi, mặt rỗ, đen đúa… Thì đó, bạn cứ nhìn hình mấy cô đăng trên Facebook mà coi, rồi đi kiếm mấy cô đó nhìn cho tận mặt. Nhưng máy ảnh chuyên nghiệp không biết nói dối, không có tích hợp AI để kéo dài chân, cà da mặt, bóp cằm v-line… như mấy cái điện thoại, nhất là điện thoại xuất xứ Chị Na.
Nhớ có lần, người ta đăng cái hình meme chụp quảng trường Thiên An Môn ngày 4-6-1989 bằng điện thoại Tàu và trên hình không có chiếc xe tăng nào cả. Máy ảnh chuyên nghiệp nhìn mọi thứ y như chúng vốn thế, nhất là ở thể loại ảnh đường phố. Khi chụp anh lính, cô cũng không sáng tác ảnh nghệ thuật (vì trong ảnh không cho thấy sự dàn dựng nào, chỉ đơn giản là giơ máy lên và bấm) nên anh lính thế Lào sẽ ra thế Ý. Kể cả cô Oksana có chụp ảnh xấu đi nữa thì cái văn hóa nào cho phép ta xông vào nhà cô bỉ bai cô, thậm chí đòi đuổi cổ cô khỏi Việt Nam, hăm “đừng để tao thấy mày trên đường” … đến mức cô phải tắt tính năng bình luận để dân ta khỏi trút rác vào nhà cô. Thưa quý ông quý bà, đó là lời lẽ và hành vi của những con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, trên đất nước có 4,000 năm văn hiến đó ư?
Mà, đây cũng không phải lần đầu dân ta thể hiện “tầm vóc văn hóa” của mình theo cách ấy. Thi hoa hậu, ta xúm vô xỉa xói hoa hậu nước bạn. Đá banh, ta kéo nhau vô trang của trọng tài chửi rủa và nhiều trường hợp nữa. Thậm chí, như vụ ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, những đứa trẻ chưa ráo máu đầu đứng giơ ngón tay thối lên chụp ảnh trước một lá cờ. Lướt một vòng mạng, từ chuyện cái chùa dựng mô hình ngạ quỷ đến chuyến bộ hành của anh Minh Tuệ, chuyện rước con “ciu” siêu to khổng lồ ở lễ hội Ná Nhèm, chuyện cô Oksana … gã tin rằng dù có chi 350 ngàn tỷ cũng chẳng thể chấn hưng văn hóa như các quan nói được đâu.” – Hết trích.

Cậu bé bụi đời 5 tuổi (làm nghề lượm ve chai) xếp dép giùm những người bạn đồng trang lứa (được học mẫu giáo và đang đi dã ngoại) – bức ảnh chụp lén giúp cậu bé bụi đời được tới trường, mẹ cậu có việc làm đàng hoàng – Nguồn: kenh14.vn
Tôi trích bài viết của một người thường viết hay vì tôn trọng độc giả, trên mạng xã hội trong nước có vô số bài miệt thị nạn nhân và bênh nữ nhiếp ảnh gia trên một cách khó coi. Bản thân tôi, dầu chụp đẹp hay xấu, chụp lén tôi là tôi không thích, tôi tin là đa số nhân loài cũng như vậy. Nên, dầu hay đọc tác giả trên, nhưng lần này tôi thất vọng, anh ta đặt ra vấn đề sai từ nút áo đầu tiên.
Rất nhiều người Việt đều có tật lạ lùng: Như cùng là ăn xin (ở Việt Nam), nhưng người có-gương-mặt-giống-Tây mà ăn xin, thường được cho số tiền nhiều hơn người ăn xin là “ta”, buôn bán dạo (ở Việt Nam) thì một người có-gương-mặt-giống-Tây sẽ được mua nhiều hơn và được chú ý hơn là “ta”, tiệm ăn (ở Việt Nam) nào có phục vụ có-gương-mặt-giống-Tây là nhất định sang và xịn… Rất nhiều cô gái Việt ôm quả đắng khi lấy nhầm người có-gương-mặt-giống-Tây nhưng không phải từ các nước phát triển … Cùng là giơ máy lên chụp, nhưng là “ta” có khi bị mấy mợ, mấy bà xứ “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” mắng té tát, quăng đồ tạt nước. Cũng là giơ máy ảnh, nhưng là mấy anh-chị có-gương-mặt-giống-Tây thì lại cười toe toét.
Niềm tự ti dân tộc của dân tộc mình nó đông hơn niềm tự tôn thì phải? Nạn nhân chính trong câu chuyện này không phải là những cô gái, chàng trai bị chụp hình không ưng ý, mà là chính chúng ta…
DU
Bà Tám ở Sài Gòn